Tai biến mạch máu não có nguy hiểm không, có di truyền không, có chữa được không?

Hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam bị tai biến mạch máu não ngày càng cao do nhiều thói quen sinh hoạt, ăn uống thiếu khoa học. Vậy bệnh tai biến mạch máu não này có nguy hiểm không? Phòng và điều trị bệnh này như thế nào? Rất nhiều câu hỏi mà bạn đọc đang băn khoăn sẽ được giải đáp trong bài viết này.

Tai biến mạch máu não là gì? 

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm và có khả năng dẫn đến tử vong cao. Tai biến mạch máu não xảy ra khi cơ thể không thể cung cấp máu cũng như oxy đến não khiến cho các tế bào não chết dần.

Tai biến mạch máu não là gì?

Có hai dạng tai biến chính là: Thiếu máu cục bộ (do thiếu lưu lượng máu đến não) và xuất huyết não (do chảy máu). Các loại tổn thương chính mà đột quỵ gây ra là chảy máu não, chảy máu màng não và nhũn não hoặc phối hợp các loại. Khi bị tai biến mạch máu não, các cơ quan và vùng cơ thể được điều khiển bởi vùng não bị thiếu máu sẽ không thể tiếp tục hoạt động nên người bị tai biến thường bị tê liệt, méo mồm, nói ngọng hay không nói được… thậm chí tử vong.

Nguyên nhân, triệu chứng bệnh tai biến mạch máu não

Nguyên nhân gây đột quỵ

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đột quỵ, trong đó phổ biến nhất là:

  • Tắc mạch máu não: Các mảng xơ mỡ động mạch trong lòng mạch máu càng dày khiến lòng mạch càng hẹp, máu không thể lưu thông tốt, thiếu máu lên não là nguyên nhân gây tai biến. Ngoài ra, sự xuất hiện của các cục máu đông tại chỗ của động mạch não cũng là một trong số những tác nhân dẫn đến đột quỵ.

  • Vỡ mạch máu não: Cao huyết áp là nguyên nhân trọng yếu, làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não. Cao huyết áp tạo áp lực lớn lên thành mạch, khi áp lực này vượt ngưỡng chịu đựng sẽ khiến động mạch não vốn đã bị xơ cứng, ít đàn hồi bị vỡ gây tai biến.

Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não thường là do tắc, vỡ mạch máu

  • Lấp mạch: Các bệnh về tim như tim to, hẹp van tim, rung nhĩ hay loạn nhịp… đều làm máu lưu thông kém, gây tích tụ máu thành những huyết khối. Nếu cục máu đông di chuyển lên vùng động mạch não nhỏ hơn kích thước của nó, gây lấp mạch máu khiến máu không lưu thông được đến não sẽ dẫn đến đột quỵ.

  • Nguyên nhân ít gặp: Tụt huyết áp đột ngột hơn 40mmHg, viêm động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, thuyên tắc xoang tĩnh mạch, bệnh tiểu cầu, chảy máu dưới màng nhện, dị dạng động mạch cảnh cũng có thể gây tai biến mạch máu não ở độ tuổi trẻ. Tuy nhiên, tình trạng này thường khá ít gặp. 

  • Các yếu tố nguy cơ: Hút thuốc lá, tiểu đường, bệnh mạch máu ngoại biên, tiền căn thiếu máu cục bộ thoáng qua, tăng thể tích hồng cầu, phụ nữ vừa hút thuốc lá vừa dùng thuốc tránh thai nội tiết tố, tăng chất béo trong máu, lạm dụng thức uống có cồn (rượu, bia), rối loạn chức năng đông máu… là những yếu tố nguy cơ có thể gây ra tình trạng đột quỵ.

Hút thuốc lá cũng có thể là yếu tố gây nguy cơ bị đột quỵ

Các triệu chứng của tai biến mạch máu não

Các triệu chứng của bệnh tai biến mạch máu não thường xuất hiện ngẫu nhiên, mang tính đột ngột và tiến triển rất nhanh. Trên lý thuyết, các triệu chứng thần kinh khu trú tương ứng với khu vực tưới máu của động mạch bị tổn thương, tuy nhiên do các động mạch thông nối với nhau nên có sự cấp máu bù bởi các động mạch còn nguyên, làm nhòe các triệu chứng. Có thể ban đầu triệu chứng rất nhẹ nhưng sau đó bệnh sẽ dần tiến triển nặng hơn nên cần chú ý những biểu hiện khác thường này ngay từ sớm để có biện pháp điều trị kịp thời.

Méo miệng, khó khăn khi phát âm có thể là những biểu hiện đầu tiên của đột quỵ

Một số triệu chứng của tai biến mạch máu não mà bạn có thể nhận biết được đó là:

  • Liệt vận động, rối loạn cảm giác nửa người như liệt chi trên, chi dưới, tê bì chi… 

  • Rối loạn về ngôn ngữ như nói khó, không tìm được từ ngữ để diễn đạt lời nói, không hiểu người khác nói… 

  • Thị lực giảm, có thể mù 1 mắt.

  • Đau đầu dữ dội đột ngột kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn, chóng mặt.

  • Đi đứng loạng choạng, không thể phối hợp các động tác với nhau.

  • Một số dấu hiệu rối loạn ý thức như lú lẫn, hôn mê, ngủ sâu… 

  • Dây thần kinh VII bị liệt nên có dấu hiệu méo miệng.

  • Dây thần kinh III, VI, VII có thể bị thương tổn dẫn đến lác mắt hay sụp mi.

  • Rối loạn chức năng của cơ vòng khiến bệnh nhân tiểu không tự chủ, bí tiểu.

  • Hội chứng màng não.

  • Kích động, trầm cảm.

  • Huyết áp tăng trên 180/110mmHg, mạch đập nhanh.

  • Khi có dấu hiệu chảy máu não thì tình trạng rối loạn hô hấp có thể diễn ra.

Các di chứng của tai biến mạch máu não

Liệt là một trong những di chứng thường gặp nhất của bệnh tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não là một trong số những bệnh thường để lại di chứng nặng nề nhất cho cơ thể. Khoảng 20% người bệnh sẽ tử vong trong vòng 1 tháng, 5 - 10% trong vòng 1 năm. Khoảng 10% hồi phục không di chứng, 25 - 30% tự đi lại phục vụ bản thân được, 20 - 25% đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt, 15 - 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Một số di chứng thường gặp sau đột quỵ gồm:

  • Liệt cơ như liệt mặt, liệt nửa người, liệt tay chân, mất khả năng phối hợp vận động.

  • Yếu cơ, run tay chân.

  • Khó nói, khó nuốt, mất tiếng.

  • Mất thăng bằng, chóng mặt, mất trí nhớ.

  • Không kiểm soát được cảm xúc.

  • Trầm cảm, thay đổi hành vi.

  • Đau đầu.

  • Tiểu tiện không tự chủ.

  • Giảm thị lực như nhìn mờ, mù lòa.

  • Viêm phổi, loét, hoại tử do nằm liệt giường lâu ngày.

Cách sơ cứu và điều trị cho người bị tai biến

Sơ cứu cho người bị đột quỵ

Tai biến mạch máu não là một bệnh lý nặng và nguy hiểm nên cần phải đưa người bệnh vào viện để được chẩn đoán và điều trị thích hợp ngay khi phát hiện ra những biểu hiện bất thường. Đối với người bị tai biến, thời gian là vàng, mạch máu đông hoặc vỡ phải được xử lý thật nhanh để đề phòng các biến chứng như liệt toàn thân, bại não… Vì vậy, sơ cứu cho người bệnh trước khi đưa đến bệnh viện là điều cần thiết.

Sơ cứu đúng cách giúp người bị tai biến có nhiều cơ hội sống sót và ít di chứng hơn

Cách sơ cứu cho người bị tai biến mạch máu não như sau:

  • Quan sát và hỏi bệnh nhân để biết bệnh nhân còn tỉnh táo hay không. Nếu có dấu hiệu đại tiểu tiện không tự chủ chứng tỏ bệnh nhân đã mất ý thức.

  • Kiểm tra nhịp tim huyết áp ngay nếu có thể.

  • Để bệnh nhân trong tư thế thoải mái, nới lỏng quần áo, thắt lưng… 

  • Có thể liên hệ với một trung tâm y tế hoặc với bác sĩ thần kinh để được tư vấn sớm trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

  • Nếu bệnh nhân còn tỉnh: Cần để bệnh nhân nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu đến để đưa bệnh nhân vào bệnh viện lớn có uy tín về cấp cứu tai biến mạch máu não.

  • Nếu bệnh nhân hôn mê: Cần xem bệnh nhân đang còn thở bình thường, thở nhanh, thở chậm, hay đã ngừng thở… Cấp cứu hô hấp là việc đầu tiên phải làm để đảm bảo đủ oxy cho tim và cho não. Nếu toàn bộ não thiếu oxy quá 3 phút thì dù cho cấp cứu tim đập lại cũng không cứu được não, y học gọi là mất não, hoặc chết não. Thực hiện hô hấp nhân tạo (CPR), nếu thấy bệnh nhân ngừng thở phải dùng miệng thổi hơi vào miệng bệnh nhân (hô hấp miệng - miệng).

  • Khi bệnh nhân đã tỉnh, cần hướng dẫn bệnh nhân hít thở sâu. Thở chậm và sâu giúp bệnh nhân bình tĩnh và đưa máu lên não nhiều hơn. Nên để người bệnh nằm xuống và trò chuyện với người bệnh để giúp họ giữ bình tĩnh.

  • Giữ đầu mát và thân ấm cho bệnh nhân. Nếu có đá lạnh, có thể bọc đá trong khăn bông rồi chấm nhẹ qua đầu người bệnh để giữ mát. Giữ mát đầu sẽ làm giảm phản ứng phù nề khi tai biến và có thể giúp người bệnh đỡ cảm thấy đau đầu. Giữ thân ấm bằng áo khoác hoặc chăn sẽ giảm được nguy cơ co giật (sốc).

Tuy nhiên, trong quá trình sơ cứu cho bệnh nhân tai biến mạch máu não, bạn cần lưu ý không nên làm những điều sau:

  • Không được mạo hiểm tự điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là các động tác như bấm huyệt nhân trung, châm cứu, đánh gió... Những tác động đó có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh của bệnh nhân mà chúng ta vô tình không biết.

  • Không được di chuyển đầu, cổ bệnh nhân, trong trường hợp tai nạn, đầu hoặc cổ có thể bị gãy hoặc bị thương.

  • Không được cho bệnh nhân ăn hoặc uống, đột quỵ khiến cho người bệnh không thể nuốt và sẽ gây nghẹn.

  • Không được dùng Aspirin. Mặc dù Aspirin có thể làm giảm cục máu đông trong trường hợp tai biến nghẽn/tắc động mạch nhưng cũng có thể gây chảy máu trong nếu là tai biến vỡ mạch máu. Nếu người bệnh đã uống Aspirin trong ngày, cần phải báo với bác sĩ cấp cứu.

Tuyệt đối không dùng Aspirin cho người bị đột quỵ

Điều trị cho người bị tai biến

Đối với mỗi thể lâm sàng khác nhau của bệnh tai biến mạch máu não sẽ có những cách điều trị khác nhau, chủ yếu là thực hiện chống đông máu, thực hiện các biện pháp y khoa để lấy cục máu đông, ổ máu, tiêm tĩnh mạch, dùng thuốc theo chỉ định hoặc kết hợp nhiều biện pháp. Tuy nhiên, dù thực hiện điều trị theo cách nào cũng cần tuân thủ các nguyên tắc: 

  • Xử trí tai biến mạch máu não bằng cách thực hiện cấp cứu theo quy trình cấp cứu ABC.

  • Thực hiện chống phù não tích cực.

  • Áp dụng phác đồ điều trị thích hợp đối với mỗi loại bệnh chảy máu não hay nhồi máu não.

  • Điều trị làm giảm những triệu chứng nguy hiểm như co giật, rối loạn chỉ số đường máu, thân nhiệt tăng cao… 

  • Thực hiện điều chỉnh cân bằng nước - điện giải trong cơ thể và điều chỉnh cân bằng kiềm toan.

  • Tiến hành chống tình trạng bội nhiễm cơ quan hô hấp và tiết niệu, nhất là phổi.

  • Chế độ dinh dưỡng phải cung cấp đủ chất cho bệnh nhân mỗi ngày.

  • Thực hiện phục hồi chức năng cho bệnh nhân, chống lở loét, teo cơ, cứng khớp… bằng các bài tập phục hồi với khung tập đi, máy tập cho người già… 

  • Có thể thực hiện phẫu thuật và phục hồi nhu mô não bằng phương pháp tế bào gốc.

Phục hồi chức năng là một trong những khâu quan trọng trong điều trị tai biến mạch máu não

>> Xem thêm: Những biện pháp hữu hiệu phục hồi di chứng sau tai biến mạch máu não

Phòng ngừa tai biến mạch máu não như thế nào?

Bệnh đột quỵ là một bệnh nguy hiểm, tuy nhiên, không phải không có cách phòng ngừa. Đối tượng chủ yếu của tai biến mạch máu não thường là người già có nhiều bệnh nền khác nhau, vì vậy, những người ở độ tuổi trẻ có thể chủ động phòng tránh đột quỵ bằng cách xây dựng một lối sống khoa học, lành mạnh:

  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục là cách tốt nhất để giúp cơ thể chuyển hóa, trao đổi chất tốt hơn, khí huyết trong người lưu thông thuận lợi hơn, giúp đẩy lùi nguy cơ tai biến. Vì vậy, hãy duy trì các bài tập thể dục tốt cho sức khỏe như đi bộ, dưỡng sinh, đạp xe… ít nhất 30 phút mỗi ngày nhé.

Tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để hạn chế tai biến mạch máu não

  • Ăn uống khoa học: Dinh dưỡng là điều rất quan trọng trong việc phòng và điều trị nhiều bệnh khác nhau, không riêng gì đột quỵ. Việc ăn uống lành mạnh cũng sẽ giúp bạn trong việc kiểm soát cân nặng, duy trì vóc dáng cân đối, khỏe mạnh. Rất nhiều người bệnh tai biến mạch máu não có các bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, béo phì… do thói quen ăn uống không lành mạnh. Bạn nên bổ sung các loại trái cây, rau, cá, ngũ cốc và thịt nạc để cung cấp cho cơ thể chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất cần thiết. Đồng thời, bạn nên hạn chế thức ăn mặn để tránh nạp vào cơ thể lượng natri cao, sử dụng những sản phẩm dinh dưỡng có chứa dưỡng chất Plant Sterol - chất béo chiết xuất từ thực vật giúp giảm lượng cholesterol đi vào máu từ thức ăn hằng ngày, cùng các axit béo không no MUFA, PUFA giúp hỗ trợ sức khỏe mạch vành, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

  • Hạn chế rượu bia, chất kích thích: Có thể bạn đã nghe rằng một lượng rượu nhỏ sẽ tốt cho tim mạch. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng khi uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng huyết áp, đau tim, tăng nguy cơ đột quỵ… Do đó, bạn nên kiêng hoặc chỉ nên uống 1 - 2 ly nhỏ/ngày để không tổn hại đến sức khỏe. Bên cạnh đó, nếu bạn là người nghiện thuốc lá thì cũng nên nhanh chóng tìm cách cai thuốc, đặc biệt là khi trong nhà có trẻ nhỏ. Bởi vì, dù là người hút thuốc trực tiếp hay thụ động thì đều có nguy cơ tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, cũng như bị các bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não. Hút thuốc không chỉ làm bạn có nguy cơ bị đột quỵ mà có thể còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chính những người thân yêu.

Hạn chế rượu bia cũng là cách giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ

  • Khám răng định kỳ: Nhiều người nghĩ rằng sức khỏe răng miệng không liên quan đến đột quỵ, tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Sâu răng, viêm nướu… rất có thể tạo thành áp xe răng. Áp xe răng nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có tai biến mạch máu não. Hãy vệ sinh răng miệng sạch sẽ và thăm khám bác sĩ nha khoa định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý về răng, làm giảm nguy cơ tai biến mạch máu não. 

>> Xem thêm: Nhớ ngay những biện pháp vàng giúp bạn tránh bị đột quỵ!

Những câu hỏi thường gặp về tai biến mạch máu não

Đối tượng nào dễ bị đột quỵ?

Bệnh đột quỵ trên thực tế có thể xảy ra ở mọi đối tượng thuộc lứa tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu y tế thì có một số nhóm đối tượng nhất định thường dễ bị tai biến mạch máu não đó là: 

  • Người có tiền sử gia đình có người bị đột quỵ.

  • Người bệnh tiểu đường.

  • Người bị cao huyết áp.

  • Người bệnh béo phì, cholesterol cao.

  • Người có tiền sử bệnh lý tim mạch.

  • Người thường xuyên sử dụng các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá…

Ngoài ra, những người trẻ tuổi ăn uống, sinh hoạt không khoa học, thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, thức khuya, nghỉ ngơi trái đồng hồ sinh học… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tai biến mạch máu não. 

>> Xem thêm: Tắm đêm có tốt không? Tắm khuya, tắm muộn có tác hại gì?

Người trẻ vẫn có thể bị đột quỵ nếu thường xuyên thức khuya, sinh hoạt không khoa học

Đột quỵ có nguy hiểm không?

Tai biến mạch máu não là nhóm bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong được xếp ở mức trung bình đến cao. Người bệnh bị tai biến mạch máu não thường bị nhiều biến chứng dai dẳng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Tai biến mạch máu não có chữa được không?

Bệnh tai biến mạch máu não nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời, kết hợp với các hoạt động phục hồi chức năng hỗ trợ thì khả năng khỏi bệnh là rất cao. 

Bệnh tai biến mạch máu não có phải là bệnh di truyền không?

Tai biến mạch máu não không có tính di truyền nhưng những nguyên nhân có thể dẫn đến tai biến như tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, thói quen ăn mặn, hút thuốc lá, rượu bia… lại là một phần có yếu tố gia đình do thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, người trong gia đình có bệnh nhân từng bị đột quỵ thì cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn so với bình thường.

Tai biến mạch máu não không có tính di truyền nhưng có yếu tố ngoại cảnh

Có thể thấy rằng, tai biến mạch máu não là một bệnh lý nguy hiểm, có nhiều biến chứng nặng và dai dẳng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bản thân người bệnh và gia đình. Chính vì vậy, chúng ta cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người thân trong gia đình, trang bị cho mình những kiến thức đúng đắn về căn bệnh này để có những biện pháp kịp thời, phù hợp trong mọi thời điểm. Hy vọng rằng, những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn phần nào trong việc này.

Để tìm hiểu thêm những thông tin bổ ích cũng như tham khảo các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, hãy truy cập ngay META.vn hoặc liên hệ hotline để được giải đáp nhanh nhất!

Bạn đang xem: Tai biến mạch máu não có nguy hiểm không, có di truyền không, có chữa được không?

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết