Phục hồi chức năng là gì? Những bệnh gì cần phục hồi chức năng?
Phục hồi chức năng là một khái niệm không quá xa lạ trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng có những hiểu biết đúng về lĩnh vực này. Vì vậy, trong bài viết dưới đây, META sẽ giúp bạn hiểu rõ phục hồi chức năng là gì và những bệnh gì cần sử dụng phương pháp này.
Nội dung
Phục hồi chức năng là gì?
Phục hồi chức năng (PHCN) là gì hẳn vẫn có nhiều người chưa hiểu rõ. Phục hồi chức năng hiểu theo khái niệm đầy đủ của Tổ chức Y tế Thế giới bao gồm tổng hợp các biện pháp y học, kinh tế, xã hội, giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật phục hồi nhằm làm giảm tác động của giảm chức năng và khuyết tật, đảm bảo cho người khuyết tật hội nhập xã hội, có những cơ hội bình đẳng và tham gia đầy đủ các hoạt động của xã hội.
Trong y khoa, phục hồi chức năng dùng để chỉ các biện pháp y học nhằm mục đích trả lại khả năng hoạt động cho một người đang có nguy cơ suy giảm một chức năng, một bộ phận cơ thể nào đó.
Thông thường, chúng ta thường chỉ chú ý đến việc điều trị bệnh sao cho nhanh khỏi nhất mà thường không chú ý đến việc làm sao để duy trì được sức khỏe ổn định và tránh tái phát lại. Việc phục hồi chức năng không chỉ tập trung vào bộ phận đang suy giảm mà còn hỗ trợ giảm tối thiểu hậu quả của bệnh tật, giúp trả lại khả năng hoạt động hiệu quả cho các cơ quan và hạn chế tối đa tình trạng tái phát bệnh, hỗ trợ phòng bệnh, tránh gây liệt, tàn phế.
Mục đích của việc phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng là một trong ba lĩnh vực chính của ngành y học, bao gồm: Phòng bệnh - chữa bệnh - phục hồi chức năng. Trước kia, kể cả trong giới y bác sĩ, nhiều người thường chỉ chú ý đến việc phòng và chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển của y học, phục hồi chức năng đã trở thành một lĩnh vực được chú trọng hơn nhờ những đóng góp trong vấn đề cải thiện sức khỏe sau chữa bệnh.
Phục hồi chức năng là một ngành được xây dựng trên cơ sở y học hiện đại và cổ điển, trải qua một thời gian nghiên cứu, ứng dụng và phát triển với mục đích:
-
Phục hồi tốt nhất có thể khả năng hoạt động của một cơ quan, một bộ phận cơ thể người bị suy giảm, rối loạn, bị mất đi có nguy cơ làm cho người trở thành một người khuyết tật, tàn phế…
-
Tăng cường các khả năng còn lại của người bệnh, người khuyết tật để giảm hậu quả cho bản thân họ, gia đình và xã hội.
-
Ngăn ngừa tình trạng bệnh tái phát hoặc di chứng của bệnh làm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt.
-
Thay đổi tích cực suy nghĩ và thái độ của xã hội để xã hội chấp nhận người khuyết tật là thành viên bình đẳng. Đồng thời, người tàn tật cũng chấp nhận được hoàn cảnh của mình và có thái độ tốt của xã hội để hợp tác trong công tác phục hồi chức năng.
-
Động viên toàn xã hội ý thức được phòng ngừa tàn tật là công việc của mọi người, mọi lúc, mọi nơi để giảm thiểu tỷ lệ tàn tật.
Nguyên tắc và các hình thức phục hồi chức năng hiện nay
Nguyên tắc phục hồi chức năng
Có 4 nguyên tắc chính trong hoạt động phục hồi chức năng cho người bệnh, đó là:
-
Đề cao vai trò của người bệnh, gia đình và cộng đồng.
-
Đánh giá chính xác, kịp thời tình trạng của người bệnh để có phác đồ tập luyện phù hợp, đem lại kết quả tốt nhất.
-
Phục hồi sớm, có thể tiến hành song song với điều trị để tránh thương tật thứ cấp cũng như rút ngắn thời gian phục hồi ở giai đoạn sau.
-
Khuyến khích người bệnh tự lực, tránh giúp đỡ người bệnh khi người bệnh có thể tự mình vận động để xây dựng tính độc lập, sự tự tin.
Các hình thức phục hồi chức năng hiện nay
Hiện nay, trên thế giới có 3 hình thức hồi phục chức năng, đó là:
-
Phục hồi chức năng tại viện: Phục hồi chức năng tại các cơ sở phục hồi chức năng chuyên nghiệp, có đội ngũ y bác sĩ cùng thiết bị máy móc hiện đại, thường có chi phí cao và giới hạn số lượng bệnh nhân.
-
Phục hồi chức năng ngoại viện: Các trung tâm sẽ xuống các địa phương để trực tiếp tập luyện, phục hồi cho người bệnh. Số lượng người bệnh được tập luyện sẽ nhiều hơn nhưng cũng tốn nhiều chi phí hơn.
-
Xã hội hóa công tác phục hồi chức năng: Người khuyết tật được tập luyện phục hồi ngay tại cộng đồng với chính sự giúp đỡ của thân nhân người khuyết tật và cộng đồng nên đòi hỏi phải có sự nỗ lực và kiên trì cao. Trong quá trình này, người bệnh có thể kết hợp sử dụng các dụng cụ hỗ trợ tập luyện tại nhà như khung tập đi, máy tập cho người già...
Các bệnh cần phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng là một quá trình đặc thù, chỉ áp dụng cho một số bệnh nhất định về tâm lý, chấn thương thần kinh, cột sống, cơ xương khớp hay cho người khuyết tật. Cụ thể các bệnh cần phục hồi chức năng bao gồm:
-
Người bị các bệnh về cột sống như: Thoát vị đĩa đệm, sai khớp, trật khớp, đau nhức vai gáy, viêm cột sống chưa dính khớp, vẹo cột sống… Trong trường hợp này, các bác sĩ thường sẽ sử dụng các loại máy DTS (máy kéo giãn và giảm áp cột sống) để hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng.
-
Người bị chấn thương khớp hoặc cơ sau khi chơi thể thao, lao động nặng hoặc xảy ra va chạm mạnh có thể dùng một trong số các phương pháp như chiếu laser, chiếu hồng ngoại IR, điện xung, sóng xung kích… tùy từng trường hợp.
-
Người bị thoái hóa, đau nhức xương khớp do tuổi cao hoặc gặp chấn thương… cũng có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau để điều trị và phục hồi chức năng cơ xương khớp.
-
Trẻ em chậm nói, chậm phát triển trí não, rối loạn tâm lý, nói ngọng…
-
Bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật chấn thương sọ não hay các tai biến về não, thay dây chằng gối, thay khớp, phẫu thuật dây thần kinh, cột sống…
-
Người bị bệnh tâm lý, bị stress lâu ngày, thường xuyên mất ngủ.
-
Người mắc một số chứng bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp…
Phục hồi chức năng là một quá trình gian khổ cần sự kiên trì, nỗ lực của người bệnh cũng như sự thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ của người thân và cộng đồng. Chính vì vậy, mỗi chúng ta hãy luôn biết cảm thông và dành sự động viên, cổ vũ để người bệnh có thể bỏ qua mặc cảm, nỗ lực tập luyện hòa nhập với cộng đồng, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn nhé!
Bạn đang xem: Phục hồi chức năng là gì? Những bệnh gì cần phục hồi chức năng?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Rau dền có tác dụng gì? Bà bầu ăn rau dền được không?
- Tắm đêm có tốt không? Tắm khuya, tắm muộn có tác hại gì?
- Tế bào gốc là gì? Ứng dụng tế bào gốc trong y học và thẩm mỹ
- Quả đào tiên có tác dụng gì? Quả đào tiên có ăn được không?
- Cách trị nám bằng lá tía tô thế nào? Lá tía tô có trị nám được không?
- Hiện tượng hắt xì hơi (nhảy mũi) theo giờ, liên tục nói lên điều gì?