Ai dễ bị viêm xoang? Bà bầu, trẻ em có bị viêm xoang không?
Viêm xoang là một bệnh hô hấp phổ biến hiện nay mà rất nhiều người mắc phải. Vậy đối tượng nào thường dễ mắc phải bệnh này nhất? Bà bầu, trẻ em có bị viêm xoang không? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin để giúp bạn giải đáp những băn khoăn trên.
Nội dung
Đối tượng nào dễ bị viêm xoang?
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, những đối tượng đầu tiên của bệnh viêm xoang phải kể đến những người có cơ địa dị ứng. Tiếp đến là nhóm người bị viêm nhiễm các vùng lân cận như: Viêm tai, viêm mũi, thường xuyên nghẹt tắc mũi, viêm amidan, viêm họng mãn tính, viêm VA quá phát.
Nhóm tiếp theo là những người có dị hình cấu trúc giải phẫu như: Vách ngăn mũi dày, vẹo, lệch hoặc mào vách ngăn. Những người nghiện thuốc lá, mắc bệnh đường hô hấp, bệnh toàn thân, suy giảm hệ thống miễn dịch…; người thường xuyên làm việc trong môi trường khói, bụi, nấm mốc, hóa chất…; người làm công việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều trẻ em, người đang bị viêm nhiễm (nấm, khuẩn siêu vi, dị ứng), người rối loạn di truyền (xơ nang, khối u)…cũng là các đối tượng rất dễ bị viêm xoang.
Ngoài ra, theo các bác sĩ, còn một nhóm đối tượng khác cũng rất dễ mắc bệnh viêm xoang đó là phụ nữ khi mang thai và trẻ nhỏ. Ước tính có khoảng 6,6% bệnh nhi đến khám tại bệnh viện mắc bệnh viêm mũi xoang, tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 6 tuổi. Viêm xoang thường sẽ tiến triển sau một đợt bị cảm cúm hoặc viêm mũi dị ứng nặng và kéo dài.
Nguy hiểm khi trẻ nhỏ và bà bầu bị viêm xoang
Khi phụ nữ mang thai sức đề kháng yếu đi rất nhiều, bên cạnh đó, những thay đổi về mặt sinh lý, nội tiết tố… cũng sẽ tác động và khiến cho màng nhầy trong xoang phình ra. Đồng thời, các mạch máu trong cơ thể giãn nở cũng sẽ khiến lòng xoang bị thu hẹp và dẫn đến tắc nghẽn khiến cho phụ nữ dễ bị viêm xoang khi mang thai hơn.
Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi, hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện như người lớn, vì vậy rất dễ bị mắc các bệnh lý như cảm cúm, cảm lạnh, viêm đường hô hấp… Bé bị viêm xoang mũi cấp tính thường là hệ quả sau những đợt mắc các bệnh này.
Sau 5 - 7 ngày, các triệu chứng của viêm nhiễm đường hô hấp có khuynh hướng nặng hơn với biểu hiện như sốt cao, hơi thở hôi, ho nhiều (nhất là vào ban đêm), chảy mũi nhiều, nước mũi xanh hoặc vàng đặc như mủ, nhức đầu, đau sau ổ mắt, cảm giác nặng vùng mặt, đau răng, đau họng…
Các triệu chứng của bệnh viêm xoang mũi thường có nhiều nét tương đồng với triệu chứng cảm lạnh hay cảm cúm. Thông thường, một đợt viêm xoang cấp sẽ kéo dài khoảng 3 - 4 tuần, còn viêm xoang mãn tính sẽ kéo dài từ trên 12 tuần. Người bệnh có thể sốt hâm hấp từng đợt, đau họng tái phát, khàn tiếng, ho kéo dài, ngạt mũi, sổ mũi, giảm hoặc mất khả năng ngửi mùi, ù tai, đau tai…
Bé bị viêm xoang mũi hay phụ nữ bị viêm xoang khi mang thai không quá nguy hiểm cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và triệt để, bệnh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể như:
- Người bệnh thường rất dễ bị mất ngủ, mệt mỏi, căng thẳng.
- Bà bầu bị viêm xoang kéo dài thường đi kèm với tình trạng giảm cung cấp oxy khi ngủ. Lúc này, lượng oxy cung cấp đến thai nhi cũng theo đó sụt giảm. Ngoài ra, bà bầu rất dễ gặp các vấn đề nghiêm trọng như tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật hay thai nhi chậm phát triển trong tử cung.
- Viêm xoang mãn tính kéo dài có thể gây ra biến chứng như: Viêm màng não, nhiễm trùng huyết, giảm thị lực hay mù mắt do tổn thương dây thần kinh thị giác, giảm thính lực do viêm tai giữa tái đi tái lại, viêm họng, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa…
- Chưa dừng lại ở đó, dịch mũi xoang tiết ra nhiều khiến mẹ bầu thường xuyên hỉ mũi để đẩy dịch ra ngoài. Phụ nữ mang thai thực hiện động tác này liên tục cũng sẽ gây kích thích cơn gò tử cung, trường hợp kích thích quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng dọa sẩy thai hoặc sinh non.
Như vậy, cách tốt nhất để khắc phục viêm xoang là phải có những biện pháp điều trị triệt để, tránh để bệnh chuyển nặng thành mãn tính, từ đó dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh. Hãy cùng tham khảo một số cách chữa bệnh viêm xoang ở trẻ em và bà bầu mà chúng tôi giới thiệu trong phần tiếp theo nhé.
Cách chữa bệnh viêm xoang ở trẻ em và bà bầu
Trong trường hợp các triệu chứng của bệnh viêm xoang mới ở mức độ nhẹ thì người bệnh có thể tự khắc phục tại nhà. Hầu hết các phương pháp được đề cập dưới đây đều đảm bảo tính an toàn và rất dễ để thực hiện cho cả bà bầu và trẻ nhỏ.
Vệ sinh mũi bằng nước muối
Làm sạch mũi hàng ngày là vấn đề luôn phải chú ý trong quá trình điều trị bệnh viêm xoang cấp ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Mũi được vệ sinh đúng cách sẽ khiến cho các loại vi khuẩn gây bệnh không có cơ hội để sinh sôi cũng như làm thông thoáng đường thở, giảm tình trạng mệt mỏi, mất ngủ.
Đây là phương pháp rất an toàn và không gây ra tác dụng phụ, người bệnh có thể thực hiện đều đặn 1 - 2 lần/ngày trong vòng một tuần. Sau đó, khi các triệu chứng đã thuyên giảm, chúng ta có thể giảm tần suất thành 1 lần/ngày. Nên sử dụng bình rửa mũi chuyên dụng cùng các loại nước muối sinh lý bán tại hiệu thuốc để đảm bảo được tác dụng tốt nhất.
Xông hơi
Dùng nước nóng để xông hơi là cách khắc phục triệu chứng viêm xoang cấp tính rất hữu hiệu, tuyệt đối an toàn cho bà bầu và bé bị viêm xoang mũi. Hơi nóng sẽ khiến cho lỗ thông xoang được giãn nở ra, từ đó giúp thoát chất nhầy ra bên ngoài dễ dàng hơn, khắc phục được tình trạng ứ đọng chất nhầy gây tắc nghẽn xoang.
Để tăng thêm hiệu quả, bạn có thể sử dụng máy xông mũi họng khí dung kết hợp với một số loại tinh dầu thiên nhiên như tinh dầu chanh, tinh dầu sả, tinh dầu khuynh diệp… có tác dụng diệt khuẩn, thư giãn, giúp hơi nước đi vào cơ thể và thẩm thấu nhanh hơn.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt
Trong giai đoạn viêm xoang cấp tính, các bố mẹ có thể chủ động điều trị bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng cũng như sinh hoạt hàng ngày.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, uống nhiều nước, bổ sung thêm rau xanh và trái cây có chứa nhiều vitamin C, đồng thời cần hạn chế các loại thực phẩm cay nóng, nhiều phụ gia dễ gây phù nề.
- Chọn những bài tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp với bà bầu đề rèn luyện đều đặn mỗi ngày. Những động tác yoga đơn giản hay bài tập đi bộ sẽ rất thích hợp với phụ nữ đang trong quá trình mang thai. Đối với trẻ nhỏ thì nên tập cho bé tập một số bài thể dục nhẹ nhàng.
- Đeo khẩu trang và che chắn cẩn thận lúc ra đường. Giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết giao mùa, chuyển lạnh.
- Tránh thức khuya, không làm việc quá sức và chú ý giữ cho tinh thần luôn được thoải mái.
- Nên sử dụng máy tạo ẩm, máy lọc không khí trong phòng ngủ, hạn chế nằm thẳng máy lạnh, quạt để tránh bị nhiễm lạnh.
- Hạn chế ở nơi có khói thuốc lá, các loại thuốc phun tóc, dầu thơm…
- Kê cao gối khi ngủ để hỗ trợ đẩy dịch nhầy ra nhanh hơn.
Đi khám bác sĩ
Bé bị viêm xoang mũi cấp tính hay bà bầu bị viêm xoang có thể tự khỏi nếu được chăm sóc tốt tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp dưới đây, người bệnh cần phải được điều trị chuyên sâu hơn để tránh các vấn đề nghiêm trọng phát sinh.
- Các biện pháp chăm sóc tại nhà không đáp ứng triệu chứng.
- Sốt cao trên 38 độ C.
- Ho và khạc ra đờm có màu vàng hay xanh lá.
- Viêm xoang tái phát.
Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh cũng như tình hình thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Viêm xoang là bệnh phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải, đặc biệt là bà bầu, trẻ em thường rất dễ bị viêm xoang, vì vậy cần có những biện pháp chữa trị và phòng ngừa hợp lý để tránh bệnh chuyển thành mãn tính.
Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp đã giúp bạn đọc phần nào hiểu rõ hơn về chứng viêm xoang ở bà bầu và trẻ nhỏ. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác về chăm sóc sức khỏe cho bà bầu và trẻ nhỏ bằng cách truy cập vào META.vn hoặc liên hệ hotline dưới đây. Chúc bạn và gia đình luôn vui khỏe!
Bạn đang xem: Ai dễ bị viêm xoang? Bà bầu, trẻ em có bị viêm xoang không?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Viêm họng có lây không? Nguyên nhân, triệu chứng viêm họng
- Rau dền có tác dụng gì? Bà bầu ăn rau dền được không?
- Tắm đêm có tốt không? Tắm khuya, tắm muộn có tác hại gì?
- Tế bào gốc là gì? Ứng dụng tế bào gốc trong y học và thẩm mỹ
- Quả đào tiên có tác dụng gì? Quả đào tiên có ăn được không?
- Cách trị nám bằng lá tía tô thế nào? Lá tía tô có trị nám được không?