Viêm xoang là bệnh gì? Có chữa khỏi hẳn được không?
Viêm xoang là một bệnh lý có lẽ ai cũng biết đến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ràng, tường tận về căn bệnh này. Vì vậy, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một cách chi tiết hơn về bệnh viêm xoang để chủ động hơn trong việc chữa trị và phòng tránh bệnh nhé.
Nội dung
Viêm xoang là bệnh gì?
Xoang mũi là các hốc xương rỗng nằm trong xương sọ mặt, phân bố quanh mũi và thông với hốc mũi. Nhiệm vụ chính của các xoang này là làm ẩm và lọc không khí đi vào mũi. Viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc hô hấp lót trong các xoang cạnh mũi. Đây là tình trạng phù nề gây tăng tiết nhầy ở niêm mạc các xoang do một vài tác nhân nào đó (virus, vi khuẩn, nấm xâm nhập…) khiến mủ, dịch ứ đọng, không thể thoát ra ngoài gây tắc nghẽn xoang mũi, lâu ngày dẫn tới viêm nhiễm tại khu vực này.
Bệnh viêm xoang được chia thành 2 dạng, dựa theo cấp độ diễn tiến và nghiêm trọng gồm:
- Viêm xoang mũi cấp tính: Là tình trạng nhiễm trùng/viêm trong thời gian ngắn, thường dưới 4 tuần. Khi gặp dạng viêm xoang này, người bệnh thường bị tắc mũi, khiến chất nhầy không thể thoát ra khỏi mũi, gây áp lực lên xương gò má.
- Viêm xoang mũi mãn tính: Là tình trạng bệnh kéo dài ít nhất 12 tuần và thường xuyên tái phát. Bệnh làm cản trở quá trình dẫn lưu chất dịch, gây ra dịch mủ. Người bị viêm xoang mũi mãn tính thường gặp khó khăn khi thở bằng mũi, vùng quanh mắt, mặt cũng bị sưng, cảm thấy đau.
Nguyên nhân dẫn đến viêm xoang
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm xoang, trong đó phổ biến nhất là nguyên nhân đến từ các loại vi rút, vi khuẩn, nguyên nhân đến từ các yếu tố môi trường… Dưới đây là những nguyên nhân chính gây ra bệnh xoang mũi:
- Các bệnh hô hấp: Bệnh có thể bắt nguồn từ một số bệnh đường hô hấp như viêm mũi họng cấp, viêm mũi cấp, viêm amidan… hoặc các tình trạng nhiễm khuẩn kéo dài gây viêm xoang mũi.
- Hệ miễn dịch kém: Những người có hệ miễn dịch kém, cơ thể không đủ sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập, tấn công và dẫn tới bệnh.
- Các yếu tố môi trường: Không khí ô nhiễm, thời tiết thay đổi thất thường cũng là những điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus sinh sôi và phát triển, nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, còn có thể kể đến một số tác nhân khác như: Dị ứng thời tiết, khói bụi, phấn hoa...
- Do chấn thương: Các tình trạng tổn thương niêm mạc hoặc lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, phì đại cuốn mũi dẫn đến lưu thông mũi xoang kém từ đó gây ra tình trạng viêm mũi xoang.
- Do các bệnh về răng: Sâu răng, viêm tủy lâu ngày biến thành áp xe ổ răng...
>> Tìm hiểu thêm: Ai dễ bị viêm xoang? Bà bầu, trẻ em có bị viêm xoang không?
Triệu chứng của bệnh xoang mũi
Triệu chứng của bệnh viêm xoang thường bắt đầu bằng việc người bệnh có thể hắt hơi, sổ mũi (nên thường dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường), sau đó thường xuất hiện hai triệu chứng là nghẹt mũi và chảy nước mũi, dịch tiết nước mũi có thể trong hoặc màu vàng xanh.
Biểu hiện bệnh viêm xoang ở giai đoạn nặng là người bệnh có thể sốt, ho, nặng mặt, đau nhức đầu vùng trán, thái dương hoặc gò má, giảm khả năng cảm nhận mùi, thậm chí không ngửi thấy mùi. Người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, nếu kéo dài có thể dẫn đến suy nhược.
Bệnh viêm xoang có gây biến chứng không?
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng thì viêm xoang là một căn bệnh rất nguy hiểm, người bệnh không nên chủ quan. Khi thấy có biểu hiện viêm xoang, người bệnh nên đi khám ngay để có hướng điều trị phù hợp, bởi bệnh viêm xoang khi trở nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Biến chứng ở mắt: Biến chứng thường gặp là viêm dây thần kinh hốc mắt, gây ra tình trạng áp xe hay túi lệ áp xe, khiến mi mắt sưng đỏ, gây đau và có thể xuất hiện các túi mủ.
- Biến chứng ở tai - họng: Biến chứng ở vùng tai - họng mà người bệnh viêm xoang hay gặp nhất đó là mất tiếng, viêm tai giữa, thậm chí có thể dẫn đến thủng màng nhĩ gây điếc.
- Biến chứng ở não: Bệnh nếu kéo dài có thể ảnh hưởng tới màng não, dẫn tới viêm màng não cùng các biểu hiện như đau đầu, mờ mắt, ù tai…
- Biến chứng ở xương: Bệnh có thể gây tắc mạch máu ở xương trán, sọ dẫn đến đau nhức, lâu ngày có thể hình thành các ổ áp xe khiến xương bị viêm và chảy máu trong xương, thậm chí có thể hình thành các ổ mủ trong xương.
Ngoài ra, viêm xoang mũi còn có thể kéo theo các tình trạng bệnh như viêm họng mãn tính, viêm amidan… do dịch nhầy từ mũi chảy xuống họng. Nếu bệnh nhân nuốt phải các dịch nhầy này còn có nguy cơ dẫn tới đau dạ dày, viêm ruột hoặc suy gan…
>> Có thể bạn quan tâm: Tại sao lại có đờm? Nhận biết bệnh qua màu của đờm thế nào?
Chữa viêm xoang thế nào? Có thể trị dứt điểm viêm xoang không?
Viêm xoang là một bệnh lý nguy hiểm và điều trị mất khá nhiều thời gian cũng như công sức của người bệnh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, viêm mũi xoang không do dị ứng là bệnh hay gặp và có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu điều trị đúng nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, không phải mọi trường hợp viêm xoang đều phải phẫu thuật. Phẫu thuật xoang được chỉ định khi viêm xoang mạn tính do:
- Các khối u như u xương, u nhú ngược… chèn ép gây tắc các lỗ thông xoang.
- Thay đổi cấu trúc giải phẫu gây hẹp, tắc dẫn lưu xoang.
- Viêm xoang do nấm.
- Viêm xoang mạn tính không đáp ứng điều trị nội khoa.
Hiện nay, có nhiều phương pháp chữa viêm xoang mũi, trong đó phổ biến nhất là chữa bằng Tây y, chữa bằng Đông y, và các mẹo dân gian. Tùy thuộc vào mức độ bệnh, cơ địa mà người bệnh có thể lựa chọn phương pháp phù hợp với bản thân.
Chữa viêm xoang bằng phương pháp Tây y
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp điều trị bằng Tây y là tính tiện lợi, hiệu quả nhanh chóng. Nguyên nhân là do Tây y chủ yếu điều trị nội khoa với các loại thuốc có thành phần hóa dược giúp giảm nhanh triệu chứng bệnh. Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định điều trị ngoại khoa bằng cách phẫu thuật.
- Điều trị nội khoa: Người bệnh sẽ được kê đơn thuốc có thành phần kháng sinh, giảm đau và một số loại thuốc xịt, rửa mũi để hỗ trợ đẩy các chất nhầy trong xoang mũi ra ngoài nhanh hơn. Trong điều trị nội khoa hiện nay, người ta thường kết hợp sử dụng các dụng cụ như máy hút mũi, bình rửa mũi hoặc máy khí dung để hỗ trợ quá trình làm sạch khoang mũi nhanh, hiệu quả, an toàn hơn.
- Điều trị ngoại khoa: Với những trường hợp viêm xoang mũi nặng, các phương pháp điều trị nội khoa không đáp ứng, bệnh nhân có thể phải can thiệp bằng ngoại khoa. Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nhằm mở lối thông xoang tự nhiên giúp loại bỏ dịch, mủ trong các hốc.
>>> Tìm hiểu thêm: Những điều bạn cần biết về máy khí dung mũi họng
Trị viêm xoang mũi bằng Đông y
Ưu điểm của phương pháp điều trị bệnh viêm xoang bằng Đông y đó là sử dụng các loại thảo dược tự nhiên nên an toàn, lành tính với cơ thể, có thể phù hợp với nhiều đối tượng từ trẻ em, người cao tuổi tới phụ nữ mang thai và cho con bú.
Tuy nhiên, phương pháp này thường cho kết quả chậm hơn so với các phương pháp điều trị Tây y, do vậy đòi hỏi người bệnh cần kiên trì sử dụng thuốc trong thời gian dài. Mặc dù vậy, đây được cho là giải pháp tối ưu cho người bệnh bởi nó giúp điều trị tận gốc bệnh, ngăn ngừa bệnh quay trở lại và không gây ra các tác dụng phụ.
Theo quan điểm của Đông y, viêm xoang mũi là bệnh do can hỏa, phế khí bị suy yếu, thận âm hư làm mất cân bằng âm dương dẫn tới sức đề kháng suy yếu, ngoại tà dễ xâm nhập, gây ra bệnh.
Do vậy để điều trị dứt điểm viêm xoang mũi, bên cạnh xử lý các triệu chứng bệnh, Đông y cho rằng cần tập trung điều lý tạng phủ và khôi phục chức năng của các cơ quan nội tạng. Nhờ đó, vệ khí, chính khí và âm dương được cân bằng, sức đề kháng được cải thiện. Khi đó, cơ thể sẽ kháng lại tà khí và ngăn chặn ngoại tà xâm nhập vào cơ thể. Nhờ vậy, bệnh được đẩy lùi tận gốc, không có cơ hội tái phát.
Chữa viêm xoang bằng mẹo dân gian
Các cách trị viêm xoang mũi dân gian thường sử dụng nguyên liệu tự nhiên, dễ kiếm như: Tỏi, lá chanh, hoa ngũ sắc… Bởi vậy, những cách này được đánh giá là an toàn, lành tính với đa phần người bệnh, trong đó có cả đối tượng nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi.
Ngoài những phương pháp này, người bệnh có thể áp dụng các nguyên liệu tự nhiên như lá bưởi, nghệ tươi, cây bỏng… để điều trị bệnh. Tuy nhiên, sử dụng nguyên liệu tự nhiên chỉ có tác dụng với các trường hợp bệnh nhẹ, và cũng chỉ giúp đẩy lùi tạm thời một số triệu chứng bệnh chứ không tác động tới gốc rễ bệnh. Muốn trị dứt điểm, người bệnh vẫn cần sự thăm khám và phác đồ điều trị rõ ràng từ bác sĩ.
Cách phòng tránh bệnh viêm xoang mũi
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chính vì vậy, thay vì để khi bị bệnh mới tìm cách điều trị khiến bạn mất nhiều thời gian và tiền bạc thì chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh bệnh xoang bằng những cách sau:
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi dọn dẹp, làm những công việc phải tiếp xúc nhiều với bụi bặm, hóa chất…
- Giữ không khí xung quanh luôn sạch sẽ, tránh khói bụi, chất thải, khói thuốc lá hay các luồng khí khô, lạnh. Tốt nhất bạn nên sử dụng các loại máy lọc không khí, máy tạo ẩm cho gia đình để giữ không khí trong nhà luôn ở mức an toàn cho sức khỏe.
- Không nên nằm hoặc ngồi thẳng trước quạt hay máy lạnh, chỉ nên để điều hòa nhiệt độ ở mức 27 - 28 độ C.
- Luôn giữ ấm khi trời lạnh, trời mưa, có thể sử dụng các thiết bị sưởi hoặc bật điều hòa chiều nóng nếu cần.
- Tránh để nước vào tai và mũi khi đi bơi.
- Vệ sinh mũi thường xuyên bằng cách dùng bình rửa mũi với nước muối sinh lý.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả để bổ sung vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng.
- Tránh stress, làm việc quá sức, lo lắng nhiều.
Hy vọng những thông tin của chúng tôi sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh viêm xoang và cách điều trị cũng như phòng tránh để giúp tinh thần và thể chất của bạn luôn khỏe mạnh.
Bạn đang xem: Viêm xoang là bệnh gì? Có chữa khỏi hẳn được không?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Rau dền có tác dụng gì? Bà bầu ăn rau dền được không?
- Tắm đêm có tốt không? Tắm khuya, tắm muộn có tác hại gì?
- Tế bào gốc là gì? Ứng dụng tế bào gốc trong y học và thẩm mỹ
- Quả đào tiên có tác dụng gì? Quả đào tiên có ăn được không?
- Cách trị nám bằng lá tía tô thế nào? Lá tía tô có trị nám được không?
- Hiện tượng hắt xì hơi (nhảy mũi) theo giờ, liên tục nói lên điều gì?