Cháu hiến gan cứu cậu ruột bị ung thư giai đoạn cuối
Trước khi được cháu ruột hiến tạng, người đàn ông ở Lâm Đồng điều trị ung thư gan 2 năm nhưng không có tiến triển.
Hôm nay (17/1), TS.BS Trần Quốc Việt - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - cho biết đơn vị này vừa thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên.
Người nhận là ông N.N.K. (55 tuổi, ngụ Lâm Đồng), bị ung thư gan tái phát. Ông K. phát hiện mắc viêm gan siêu vi B năm 2020. Cách đây 2 năm, người bệnh tiếp tục phát hiện mắc ung thư gan, chuyển điều trị tại Bệnh viện Quân y 175.
Ông K. hồi phục tốt sau khi nhận gan hiến từ cháu ruột. Ảnh:
Chính Trần
Chia sẻ với PV VietNamNet, ThS.BS Nguyễn Văn Mạnh - khoa Ngoại bụng - cho hay tại thời điểm bắt đầu điều trị, gan bệnh nhân đã có nhiều khối u. Dù được điều trị can thiệp, tình trạng của ông K. không tiến triển, các khối u tiếp tục tái phát.
“Ở trường hợp này, bệnh có thể trở xấu trong thời gian ngắn. Cơ hội sống của bệnh nhân vì thế cũng rút ngắn đáng kể. Do đó, ghép gan là phương pháp điều trị duy nhất cho người bệnh” - bác sĩ Mạnh chia sẻ.
Sau khi khám sàng lọc, cháu ruột của bệnh nhân là người duy nhất trong gia đình phù hợp về mặt giải phẫu và nhóm máu. Người cháu này quyết định hiến gan cho cậu của mình.
Ca phẫu thuật diễn ra ngày 28/12/2024, kéo dài gần 8 tiếng với sự tham gia của ê kíp gần 50 bác sĩ và điều dưỡng.
Các bác sĩ ghép gan cho ông K. Ảnh: Chính Trần
Sau một tuần, ông K. được trở về khu điều trị bình thường, không ghi nhận bất thường. Trong khi đó, người cháu ruột có thể xuất viện.
“Sau khi ghép gan, sức khỏe của tôi tiến triển rất tốt. Hiện tại, tôi cảm thấy cơ thể mình khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, các chỉ số xét nghiệm đang ổn định” - ông K. chia sẻ.
Theo bác sĩ Mạnh, ông K. có thể khỏi bệnh ung thư hoàn toàn sau ghép gan mà không cần điều trị thêm. Lá gan được người hiến và người nhận cũng sẽ tự phục hồi về kích thước ban đầu trong vòng một tháng, không gây ảnh hưởng tới chất lượng.
Chi phí cho một ca ghép gan tại Bệnh viện Quân y 175 là 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng, tùy vào tình trạng của bệnh nhân cần ghép gan.
Theo Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, chỉ 18 ngày sau khi nhận được quyết định chính thức của Bộ Y tế, dưới sự chuyển giao trực tiếp của các chuyên gia từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ê kíp kỹ thuật của đơn vị đã phối hợp thực hiện ca ghép gan đầu tiên trên người.
Tính đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 2 ca ghép gan, 35 ca ghép thận.
Bạn đang xem: Cháu hiến gan cứu cậu ruột bị ung thư giai đoạn cuối
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Có những dấu hiệu này, hãy đi khám ung thư gan ngay
- Những dấu hiệu cảnh báo ung thư gan giai đoạn đầu
- Cặp vợ chồng cùng mắc ung thư gan, bác sĩ đưa ra 2 lưu ý
- Gầy sút 5 kg trong 1 tháng, người đàn ông đi khám bất ngờ phát hiện ung thư gan
- Thấy mắt có dấu hiệu này, cẩn thận mắc ung thư gan mà không biết
- Nhìn vào mắt, phát hiện dấu hiệu ung thư gan