Màu nước tiểu nói lên điều gì? Nhìn màu nước tiểu đoán bệnh thế nào?

Bạn có biết màu sắc của nước tiểu có thể giúp bạn đoán được tình trạng sức khỏe của mình không? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn biết được màu nước tiểu nói lên điều gì và nhìn màu nước tiểu đoán bệnh thế nào. Mời bạn theo dõi bài viết nhé!

Nước tiểu là gì?

Nước tiểu chính là một loại chất lỏng vô trùng do thận tiết ra và được thải ra khỏi cơ thể qua đường niệu đạo. Chính quá trình trao đổi chất của các tế bào đã tạo nên nhiều sản phẩm, một số thì giàu urê, axit uric hay creatinin cần phải loại bỏ khỏi máu và cuối cùng chúng bị tống ra khỏi cơ thể qua quá trình tiểu tiện. Thông qua phương pháp xét nghiệm, phân tích nước tiểu mà người ta có thể xác định được những chất hóa học có trong nước tiểu là gì.

Màu nước tiểu nói lên điều gì

Nước tiểu bình thường có màu gì?

Thông thường, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt hoặc đậm nhất sẽ là màu hổ phách. Màu sắc của nước tiểu còn tùy thuộc vào lượng nước tiểu và thời gian đi tiểu. Nếu bạn uống ít nước và lâu không đi tiểu thì chắc chắn nước tiểu sẽ có màu sậm hơn.

Nước tiểu bình thường cũng sẽ trong suốt. Nếu để lắng một lúc có thể sẽ xuất hiện lớp vẩn đục đọng lại ở đáy. Tuy nhiên, nước tiểu có lắng cặn như vậy là hoàn toàn bình thường bởi đó là các cặn phốt phát, axit uric hay urat natri có trong nước tiểu.

Ở trạng thái bình thường, nước tiểu cũng sẽ có mùi hơi khai, nếu để lâu trong không khí thì mùi này có thể tăng dần bởi thành phần ure có trong nước tiểu có thể chuyển hóa thành amoniac.

Nước tiểu bình thường có màu gì

Màu nước tiểu nói lên điều gì về tình trạng sức khỏe?

Màu sắc nước tiểu có thể nói lên điều gì về tình trạng sức khỏe? Hãy cùng chúng tôi nhìn màu nước tiểu đoán bệnh bạn nhé.

Nước tiểu thay đổi màu sắc có thể là do ảnh hưởng của một số loại thức ăn, do thuốc, phẩm màu. Đôi khi, màu sắc nước tiểu có thể phản ánh tình trạng nhiễm trùng hay một loại bệnh lý nào đó của cơ thể. Hầu hết những thay đổi về màu sắc nước tiểu nếu không kèm theo hiện tượng bất thường, chỉ thoáng qua trong thời gian ngắn thì đều vô hại. Tuy nhiên, nếu màu sắc nước tiểu thay đổi và có kèm theo các dấu hiệu như tiểu lắt nhắt, tiểu khó, tiểu buốt, ớn lạnh, đau quặn từng cơn hay có mùi hôi thì có nghĩa tình trạng sức khỏe của bạn không bình thường và cần được thăm khám sớm nhất.

Dưới đây là một số màu sắc thường gặp của nước tiểu để bạn tham khảo:

1. Nước tiểu màu vàng đậm

Nước tiểu màu vàng đậm thường là do bạn đã uống quá ít nước và để cải thiện tình trạng này, bạn cần nạp lượng nước nhiều hơn cho cơ thể.

2. Nước tiểu màu vàng nhạt

Đây là màu sắc khá tốt và nó phản ánh rằng bạn đang uống khá đủ nước. Sức khỏe của bạn cũng không có điều gì đáng lo ngại nếu như không gặp phải bất kỳ dấu hiệu khác thường nào.

3. Nước tiểu trắng trong, gần như không màu

Đây có thể là do bạn đã uống quá nhiều nước. Uống đủ nước là tốt nhưng nếu uống quá nhiều thì lại là điều không nên bởi lúc này thận sẽ phải hoạt động nhiều nhằm lọc thải nước.

Bạn cần lưu ý rằng, thông thường, tổng lượng nước nạp vào cơ thể trong ngày không nên quá 2 lít. Tuy nhiên điều này cũng còn tùy thuộc vào môi trường làm việc, tùy vào cơ thể từng người và sự hoạt động, trao đổi chất của mỗi người. Nếu có dấu hiệu thường xuyên buồn tiểu, đi tiểu nhiều lần trong ngày thì bạn có thể điều chỉnh lượng nước uống để hợp lý hơn nhé.

4. Nước tiểu màu vàng cam

Khi nước tiểu của bạn có màu vàng cam, rất có thể đó là do ảnh hưởng của một loại thuốc nào đó mà bạn đang dùng. Ví dụ như: Thuốc kháng sinh Rifampicin, thuốc giảm đau Phenazopyridine, thuốc Sulfasalazine trong điều trị một số bệnh như viêm khớp, hội chứng ruột kích thích, sử dụng thuốc nhuận tràng, hóa chất điều trị ung thư... Trong trường hợp này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ xem đó có thật sự là do tác dụng phụ của thuốc không nhé. Ngoài ra, một số trường hợp ăn quá nhiều các thực phẩm có màu cam hoặc phẩm màu cũng sẽ khiến nước tiểu có màu vàng cam.

Còn nêu bạn không sử dụng những loại thuốc hay thực phẩm trên mà nước tiểu vẫn có màu cam thì có nghĩa là cơ thể của bạn đang thiếu nước một cách trầm trọng. Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh liên quan tới gan mật.

5. Nước tiểu màu xanh lá cây, nước tiểu màu xanh dương

Nước tiểu màu xanh lá cây, nước tiểu màu xanh dương có thể là do bạn bị ảnh hưởng bởi một loại thuốc nào đó hoặc do ăn quá nhiều thực phẩm có màu xanh. Tuy nhiên, nếu bạn đang không sử dụng thuốc hay tiêu thụ các thực phẩm có màu xanh, thực phẩm chức phẩm màu hóa học mà nước tiểu vẫn xanh thì bạn có thể tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám nhé. Bởi rất có thể bạn đã mắc phải một số bệnh lý như calci máu, rối loạn di truyền hiếm gặp hoặc nhiễm khuẩn pseudomonas aeruginosa.

6. Nước tiểu có màu đục, có cặn

Nếu nước tiểu của bạn có màu đục, có cặn thì có thể xuất phát từ các vấn đề sau đây:

  • Do nhiễm trùng đường tiểu: Nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng như đau vùng bụng dưới, đi tiểu thường xuyên, có dấu hiệu đau lưng, sốt thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán đúng bệnh.
  • Do sỏi thận: Nếu nước tiểu đục, có cặn và xuất hiện các cơn đau thì rất có thể bạn đã bị sỏi thận và lúc này bạn cần thăm khám để đánh giá đúng tình trạng bệnh để có hướng điều trị kịp thời.
  • Ngoài 2 loại bệnh trên thì cũng có thể là do bạn đã ăn quá nhiều măng tây nữa đấy.

 7. Nước tiểu màu hồng, nước tiểu có màu đỏ

Nếu nước tiểu có màu hồng hoặc màu đỏ thì có thể do các nguyên nhân dưới đây:

  • Bạn đã ăn thực phẩm có màu đỏ, màu hồng hoặc những loại thực phẩm có chứa phẩm màu nhân tạo, phẩm màu hóa học.
  • Do ảnh hưởng của thuốc nhuận tràng.
  • Do chấn thương, đặc biệt là chấn thương cơ, nếu tình trạng nghiêm trọng sẽ làm tăng myoglobin khiến nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ.
  • Do hệ tiết niệu bị tắc nghẽn.
  • Do nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Do bệnh thận.
  • Do phì đại tuyến tiền liệt.
  • Do mắc bệnh ung thư, thiếu máu tán huyết hoặc một số rối loạn di truyền hồng cầu khác.
  • Nếu nước tiểu đỏ như máu hay nước tiểu có máu thì rất có thể thận của bạn đang "kêu cứu" hoặc bạn đã gặp phải hiện tượng nhiễm trùng bọng đái (thường sẽ xuất hiện kèm theo hiện tượng đau lưng, đau vùng bụng dưới, bị sốt, đi tiểu nhiều lần và đi liên tục...). Trong trường hợp này, bạn cần tới gặp bác sĩ ngay để kiểm tra và đánh giá tình trạng bệnh.

8. Nước tiểu màu đen hoặc nâu đen, màu trà

Nếu nước tiểu của bạn có màu đen, nâu đen hay màu trà thì rất có thể gan của bạn đang có vấn đề. Đặc biệt, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu như vàng da, phân nhợt nhạt, phân bạc màu thì bạn hãy tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể là do tác dụng phụ của một loại thuốc nào đó. Nếu bạn đang sử dụng thuốc, hãy nhanh chóng mang thuốc tới gặp bác sĩ để tham khảo ý kiến nhé.

9. Nước tiểu có màu tím sẫm

Tình trạng này được gọi là porphyria. Đây là một loại rối loạn trao đổi chất rất hiếm gặp. Nếu thấy xuất hiện hiện tượng này, bạn nên tới gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị nhé.

10. Nước tiểu có màu vàng tươi

Các loại vitamin nhóm B hay carotene sẽ làm cho nước tiểu có màu vàng tươi. Tuy nhiên, bạn cũng không cần phải quá lo lắng về hiện tượng này bởi đơn giản nó chỉ là sự bài tiết các chất dư thừa trong cơ thể mà thôi.

Xem thêm: Màu phân nói lên điều gì về tình trạng sức khỏe?

Cần làm gì khi nước tiểu có màu bất thường?

Nếu tình trạng nước tiểu có máu kéo dài trên 24h hoặc nước tiểu có màu bất thường mà không liên quan tới việc ăn uống hay sử dụng thuốc thì bạn nên tới gặp bác sỹ ngay lập tức.

Nếu tình trạng nước tiểu có màu khác lạ mà do thực phẩm, thuốc thì bạn cũng không cần can thiệp gì mà chỉ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho hợp lý, tránh các loại thực phẩm sử dụng phẩm màu, màu hóa học.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên nhớ rằng để ngăn ngừa các bệnh gây ra hiện tượng thay đổi màu nước tiểu là rất khó, thế nên bạn cần xây dựng lối sống và sinh hoạt lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đồng thời kết hợp uống đủ nước, tập luyện thể thao thường xuyên...

Nước tiểu bình thường có màu gì

Hi vọng rằng những chia sẻ trên đây của chúng tôi đã giúp bạn biết được màu nước tiểu nói lên điều gì và nhìn màu nước tiểu đoán bệnh thế nào. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.

Bạn đang xem: Màu nước tiểu nói lên điều gì? Nhìn màu nước tiểu đoán bệnh thế nào?

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết