Cách làm bánh ú bá trạng của người Hoa ăn Tết Đoan Ngọ 5/5
Bánh bá trạng là một món bánh truyền thống của người Hoa vào dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Bánh bá trạng khá giống với bánh ú của người Việt nhưng phần nhân được làm từ nhiều nguyên liệu hơn và vị cũng đậm đà hơn. Trong bài viết hôm nay, META.vn xin chia sẻ đến bạn cách làm bánh ú bá trạng của người Hoa ăn Tết Đoan Ngọ 5/5. Các bạn tham khảo nhé!
>> Xem thêm: Lịch sử, nguồn gốc và phong tục Tết Đoan Ngọ
Cách làm bánh ú bá trạng của người Hoa ăn Tết Đoan Ngọ 5/5
Cách làm bánh ú trạng thuyền rồng
Nguyên liệu
- 660g gạo nếp.
- 450g thịt đùi gà.
- 11 quả trứng muối.
- 100g đậu phộng.
- 1 thìa cà phê bột bắp.
- 30g tôm khô.
- 100g nấm đông cô tươi.
- 40 chiếc lá tre khô.
- ⅛ thìa cà phê muối nở.
- 1,5 muỗng canh tỏi băm.
- 3 thìa cà phê nước tương.
- 1,5 thìa cà phê hắc xì dầu.
- 1 thìa cà phê dầu hào.
- ¼ thìa cà phê bột ngũ vị hương.
- 4 muỗng canh dầu ăn.
- Rượu trắng để rửa trứng muối.
- Gia vị: Muối, đường, hạt tiêu.
Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế và ướp thịt gà
- Bạn hãy rửa sạch thịt gà, sau đó dùng dao cắt thành các khúc vừa ăn khoảng 2,5cm.
- Bạn cho thịt gà vào một cái bát lớn, sau đó cho vào bát ½ thìa cà phê muối, ½ thìa cà phê hắc xì dầu, ¼ thìa cà phê bột ngũ vị hương, ½ thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa cà phê dầu hào, 2 thìa cà phê nước tương, 1 thìa cà phê bột bắp và 1 thìa cà phê đường.
- Tiếp theo, bạn đeo găng tay rồi dùng tay trộn đều cho thịt gà ngấm đều các gia vị và để ướp trong ngăn mát tủ lạnh ít nhất là 1 tiếng hoặc bạn có thể để qua đêm cho thịt gà ngấm gia vị tốt hơn.
Bước 2: Chuẩn bị lá tre
- Bạn rửa sạch lá tre, sau đó ngâm lá tre trong nước ấm và để qua đêm. Sau khi ngâm lá tre xong, bạn hãy rửa lá tre lại một lần nữa với nước và dùng khăn sạch lau khô 2 mặt lá. Tiếp theo, bạn hãy dùng kéo cắt phần đầu cứng của cuống lá đi cho dễ gói bánh hơn.
- Cuối cùng, bạn dùng tay nhẹ nhàng bẻ dọc phần gân lá tre ở giữa cho mềm ra để khi gói bánh sẽ không bị rách lá.
Bước 3: Chuẩn bị gạo nếp
- Bạn vo sạch gạo nếp với nước, sau đó ngâm gạo khoảng 5 tiếng hoặc ngâm qua đêm cho gạo mềm ra.
- Sau khi ngâm xong, bạn hãy rửa sạch lại gạo nếp với nước và để cho ráo nước.
Bước 4: Sơ chế các nguyên liệu khác
- Bạn cho 100g đậu phộng vào một cái bát, say đó cho ⅛ thìa cà phê baking soda với một ít nước vừa đủ ngập mặt đậu phộng. Bạn ngâm đậu phộng trong khoảng từ 2 đến 4 tiếng rồi vớt đậu phộng ra và rửa lại với nước sạch.
- Bạn ngâm tôm khô trong nước khoảng 1 tiếng cho tôm mềm ra, sau đó bạn rửa sạch lại tôm với nước và để cho ráo hết nước.
- Nấm hương đem rửa sạch, để cho ráo nước rồi cắt thành các khúc nhỏ. Sau đó, bạn đem nấm ướp cùng ¼ thìa cà phê hạt tiêu và ¼ thìa cà phê muối.
- Bạn rửa sạch trứng muối với một ít rượu trắng cho đỡ mùi tanh, sau đó rửa lại trứng muối với nước sạch và để ráo cho ráo nước.
Bước 5: Ướp gạo nếp và đậu phộng
- Bạn cho 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hắc xì dầu, 1 thìa cà phê hạt tiêu và 1 thìa cà phê nước tương vào một cái bát rồi dùng thìa khuấy đều.
- Sau đó, bạn hãy trộn đều đậu phộng và gạo nếp cùng hỗn hợp nước ướp vừa pha ở trên.
Bước 6: Xào các nguyên liệu
- Bạn bắc chảo lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn và ½ thìa cà phê tỏi băm rồi phi tỏi cho thơm. Khi tỏi vàng và thơm, bạn cho tiếp nấm đông cô vào xào trên lửa vừa trong khoảng 2 phút thì tắt bếp và đổ nấm ra một cái bát để riêng.
- Bạn tiếp tục cho vào chảo 1 muỗng canh dầu ăn và ½ thìa cà phê tỏi băm rồi phi tiếp. Sau đó, bạn cho vào phần tôm khô đã sơ chế cùng ¼ thìa cà phê muối và ½ thìa cà phê hạt tiêu, đảo đều tôm cho ngấm gia vị trong khoảng 1 phút rồi tắt bếp và trút ra một cái bát riêng.
- Tiếp theo, bạn cũng phi ½ thìa cà phê tỏi băm tương tự đối với thịt gà và xào trong khoảng 3 phút cho đến khi thịt săn lại là được.
- Đối với phần gạo nếp, bạn cho vào 1 muỗng canh dầu ăn và 1,5 muỗng cà phê tỏi băm vào rồi phi thơm, sau đó cho hỗn hợp gạo nếp và đậu phộng vào đảo đều trên lửa vừa trong khoảng 4 phút.
Bước 7: Tiến hành gói bánh
- Đối với mỗi chiếc bánh ú trạng, bạn sẽ sử dụng tổng cộng là 3 chiếc lá tre. Trong đó, 2 chiếc lá sẽ được dùng để tạo phễu chứa bánh và chiếc lá còn lại sẽ được dùng để gói kín bánh lại.
- Đầu tiên, bạn hãy gấp đôi một cái lá tre lại, sau đó gấp một bên mép trái lại để tạo thành phần nếp mí. Bạn lưu ý là khi gấp tạo nếp mí, bạn chỉ cần gấp lại một ít, không nên gấp vào giữa gân lá vì sẽ khiến lá bị rách nhé.
- Bạn tiếp tục gấp đôi lá thứ hai, sau đó lồng lá thứ hai lên trên lá thứ nhất. Bạn gấp phần nếp mí của lá thứ nhất lại để cố định cả hai lá. Các bạn lưu ý là khi lồng lá thứ hai lên lá thứ nhất, bạn chỉ cần lồng vừa đủ và chừa phần nếp mí đã tạo ra ngoài là được.
- Tiếp theo, bạn dàn đều vào bên trong lá theo thứ tự 1 lớp gạo nếp và đậu phộng, 1 miếng thịt, 1 quả trứng muối, 1 ít tôm khô và 1 ít nấm. Sau đó, bạn phủ kín phần nhân bằng một lớp gạo nếp nữa là hoàn tất.
- Cuối cùng, bạn choàng chiếc lá thứ ba lên bên ngoài bánh với đầu nhọn hướng lên trên. Sau đó, bạn bẻ toàn bộ phần lá tre xuống sao cho bọc kín hết phần bánh bên trong là được. Sau đó, bạn gấp phần lá dư bên trên xuống rồi quấn chặt với dây buộc đã chuẩn bị.
Bước 8: Luộc bánh
- Bạn xếp bánh vào nồi áp suất rồi đổ nước ngập mặt bánh và luộc bánh ở nhiệt độ Normal và chế độ Saute.
- Khi nồi bánh sôi lên thì bạn hãy đậy kín nắp nồi lại và chuyển sang chế độ Slow Cook, để nhiệt độ ở mức More và luộc trong khoảng 3 tiếng.
- Sau 3 tiếng, bạn tắt nồi và ủ bánh thêm khoảng 1 tiếng nữa rồi mới vớt ra, sau đó để cho bánh ráo nước.
Bước 9: Thành phẩm
Bánh ú bá trạng thuyền rồng có cách tạo hình độc đáo, vỏ bánh khi ăn thì dẻo kèm theo vị bùi bùi từ đậu phộng, nhân bên trong thì đậm vị vừa miệng cùng vị béo của trứng muối cực kỳ thơm ngon. Các bạn chắc chắn phải làm thử món bánh ú trạng thuyền rồng này tại nhà nhé!
>> Xem thêm: Cách làm cơm rượu nếp ngon cho Tết Đoan Ngọ
Cách làm bánh ú trạng chóp
Nguyên liệu
- 200g đậu xanh (đã bỏ vỏ).
- 200g hạt sen.
- 900g gạo nếp dẻo.
- 8 cái nấm đông cô khô.
- 100g lạp xưởng.
- 250g thịt ba chỉ.
- 10 cái trứng muối.
- 50g tôm khô.
- 1 muỗng canh hành tím.
- 500g lá chuối.
- ¼ thìa cà phê bột ngũ vị hương.
- 4,5 muỗng canh dầu ăn.
- Rượu trắng để rửa trứng muối.
- Gia vị: Muối, đường, hạt nêm, hạt tiêu, dầu hào.
Cách thực hiện
Bước 1: Nấu hạt sen
- Trước tiên, bạn hãy rửa sạch hạt sen và tách bỏ phần đắng bên trong hạt sen.
- Bạn bắc nồi lên bếp, cho hạt sen vào nồi cùng một ít nước vừa đủ ngập mặt hạt sen và ½ thìa cà phê muối.
- Bạn đậy kín nắp nồi và nấu hạt sen trên lửa vừa trong khoảng 15 phút cho đến khi hạt sen hơi mềm là được.
Bước 2: Sơ chế và ướp thịt ba chỉ
- Bạn rửa sạch thịt ba chỉ, sau đó cắt thành các miếng vừa ăn. Mẹo nhỏ là tùy thuộc vào số lượng bánh ú trạng cần gói mà bạn có thể cắt số lượng miếng thịt tương ứng với số bánh nhé.
- Tiếp theo, bạn cho phần thịt vừa cắt vào một cái bát lớn, sau đó cho 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê nước tương, một ít hạt tiêu và ¼ thìa cà phê bột ngũ vị hương rồi trộn đều các nguyên liệu cho thịt ngấm gia vị. Bạn ướp thịt trong khoảng 30 phút.
Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu còn lại
- Bạn ngâm tôm khô trong nước ấm khoảng 15 phút cho mềm ra.
- Nấm đông cô đem ngâm trong nước ấm khoảng 60 độ C đến khi tai nấm nở mềm ra thì bạn rửa sạch lại nấm với nước. Sau khi rửa sạch nấm, bạn hãy dùng các ngón tay bóp nấm thật mạnh để tai nấm ráo hết nước, sau đó thì cắt đôi nấm.
- Bạn cắt lạp xưởng thành nhiều miếng có độ dày vừa phải.
- Bạn đem trứng muối rửa sơ qua với rượu để khử mùi tanh, sau đó rửa sạch lại với nước và để cho trứng muối ráo hết nước.
Bước 4: Chuẩn bị đậu xanh
- Bạn ngâm mềm đậu xanh khoảng 2 đến 3 tiếng cho mềm, sau đó rửa sạch lại và để cho ráo nước.
- Tiếp theo, cho vào đậu xanh vào một cái bát, sau đó cho 1 thìa cà phê hạt nêm vào rồi trộn đều. Bọc kín bát đậu xanh bằng màng bọc thực phẩm và đem quay nóng trong lò vi sóng khoảng 2 phút. Sau đó, bạn hãy trộn đều đậu xanh với 2 muỗng canh dầu ăn và ướp trong khoảng 5 phút. Nếu bạn không có lò vi sóng thì bạn có thể xào đậu xanh để đậu xanh được mềm hơn nhé.
Bước 5: Xào các nguyên liệu
- Bạn bắc chảo lên bếp, sau đó cho vào chảo 1 muỗng canh dầu ăn và 1 muỗng canh hành tím. Khi hành bắt đầu ngả vàng thì bạn cho thêm tôm khô, ½ thìa cà phê đường và một ít hạt tiêu vào đảo đều trên lửa vừa khoảng 2 phút thì tắt bếp. Bạn trút tôm ra một cái bát để riêng.
- Bạn tiếp tục cho vào chảo 1 muỗng canh dầu ăn và phần thịt đã ướp rồi chiên thịt trên lửa nhỏ, trở đều mặt thịt cho đến khi thịt chín đều thì tắt bếp. Bạn cũng trút thịt ra một cái bát để riêng.
- Tiếp theo, bạn cho phần hạt sen đã luộc vào chảo, thêm ⅓ thìa cà phê hạt nêm và ¼ thìa cà phê đường vào đảo hạt sen trên lửa nhỏ cho đến khi hạt sen thấm đều gia vị thì đổ ra một cái bát riêng.
- Bạn cho tiếp ½ muỗng canh dầu ăn, phần nấm đã sơ chế, ½ muỗng canh dầu hào và một ít hạt tiêu vào chảo, xào cho đến khi nấm chín và thấm đều gia vị thì tắt bếp.
Bước 6: Chuẩn bị gạo nếp
- Bạn hãy vo sạch gạo nếp, sau đó ngâm gạo với nước ấm khoảng 60 độ C trong khoảng 30 phút hoặc để qua đêm cho gạo mềm ra.
- Tiếp theo, bạn hãy chắt bỏ nước ngâm gạo và để gạo nếp ráo nước. Sau đó, bạn cho gạo nếp vào chảo cùng khoảng 500ml nước, 1 muỗng canh hạt nêm và 1 thìa cà phê đường, đảo đều hỗn hợp gạo nếp với lửa vừa cho đến khi nước cạn thì tắt bếp.
Bước 7: Chuẩn bị lá chuối
- Bạn rửa sạch từng lá chuối rồi đem lá hơ nóng trên bếp cho lá khô và mềm ra.
- Sau đó, bạn hãy cắt lá chuối thành nhiều miếng hình vuông với kích thước khoảng 30cm x 30cm.
Bước 8: Gói bánh
- Bạn xếp chồng 2 miếng lá chuối lên nhau, nhớ để hai mặt bóng quay ra ngoài nhé. Sau đó, bạn hãy gấp xéo lá chuối lại thành hình tam giác và gấp hai mép bên lại để tạo thành hình cái phễu.
- Tiếp theo, bạn dàn đều khoảng 2 muỗng canh gạo nếp vào bên trong lá, chừa một lỗ nhỏ ở giữa để cho nhân vào. Bạn cho vào thêm 1 muỗng canh đậu xanh, 1 muỗng canh hạt sen, 1 miếng nấm đông cô, vài con tôm khô, 1 ít lạp xưởng, 1 miếng thịt ba chỉ và 1 quả trứng muối. Sau đó, bạn dàn lên trên bánh 1 muỗng canh hạt sen, 1 muỗng canh đậu xanh và 1 muỗng canh gạo nếp là được.
- Cuối cùng, bạn hãy phủ lên mặt bánh 2 miếng lá chuối nhỏ rồi gấp kín mép bánh và dùng dây cột chặt lại.
Bước 9: Luộc bánh
- Bạn xếp phần lá chuối dư vào nồi, sau đó xếp lần lượt những chiếc bánh ú trạng lên trên rồi đổ nước vào vừa đủ ngập mặt bánh.
- Bạn luộc bánh với lửa vừa trong khoảng 4 đến 5 tiếng cho bánh mềm vào dẻo, nếu nấu với nồi áp suất thì bạn nấu trong khoảng 2 tiếng. Sau đó, bạn hãy mở nắp nồi và châm thêm nước sôi, tiếp tục luộc bánh thêm khoảng 1 tiếng nữa.
- Sau khi luộc bánh xong, banh hãy ủ bánh trong nồi thêm khoảng 30 phút nữa là hoàn tất.
- Cuối cùng, bạn vớt bánh ra rổ, để cho bánh nguội và ráo nước là có thể thưởng thức được rồi nhé.
Bước 10: Thành phẩm
Bánh ú bá trạng có lớp vỏ dẻo và mềm với phần nhân bên trong thì đậm đà hòa quyện với các nguyên liệu bổ dưỡng. Chúc các bạn thực hiện món bánh ú trạng thành công nhé!
>> Tìm hiểu: Tết Đoan Ngọ tiếng Trung là gì? Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc như thế nào?
Hy vọng, những thông tin vừa rồi là hữu ích đối với bạn. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết!.
>> Xem thêm:
- Cách cúng Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 như thế nào?
- Tết Đoan Ngọ ăn gì? Mùng 5 tháng 5 nên làm gì để giết sâu bọ?
- Tết Đoan Ngọ cúng gì? Những thứ cần chuẩn bị và lưu ý khi cúng Tết Đoan Ngọ
- Văn khấn Tết Đoan Ngọ, bài cúng Tết Đoan Ngọ ngoài sân, trong nhà
- Mâm lễ Tết Đoan Ngọ gồm những gì? Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ 5/5
Nếu bạn có nhu cầu mua sắm những sản phẩm đồ gia dụng, đồ dùng nhà bếp, điện máy - điện lạnh… để hỗ trợ làm bánh ú bá trạng thì hãy truy cập website META.vn để đặt mua online, hoặc bạn có thể liên hệ đặt mua trực tiếp các sản phẩm này tại:
Bạn đang xem: Cách làm bánh ú bá trạng của người Hoa ăn Tết Đoan Ngọ 5/5
Chuyên mục: Cách làm bánh
Các bài liên quan
- Cách làm bánh sữa tươi chiên không cần bột bắp giòn ngon khó cưỡng
- 3 Cách làm bánh tai yến ngon, đơn giản tại nhà
- Cách làm bánh ít trần chay mềm ngon, dễ làm tại nhà
- Cách làm bánh khoai lang tím hấp, chiên ngon, giòn lâu
- Cách làm bánh khoai mỡ chiên ngon, giòn lâu
- Cách làm bánh giò không cần lá chuối ngon, nóng, mềm tại nhà