Cách làm bánh trôi, bánh chay đơn giản nhất cho Tết Hàn Thực
Hằng năm, trong ngày 3 tháng 3 Âm lịch, các gia đình người Việt sẽ chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay, chè trôi nước thơm ngon để lễ Phật, cúng gia tiên, bày tỏ lòng thành, hướng về nguồn cội, tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta từ bao đời nay. Bạn đã biết cách chuẩn bị hai món ăn này chưa? Cùng META tham khảo cách làm bánh trôi, bánh chay đơn giản nhất để chuẩn cho Tết Hàn Thực năm nay các bạn nhé!
Hằng năm, trong ngày 3 tháng 3 Âm lịch, các gia đình người Việt sẽ chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay, chè trôi nước thơm ngon để lễ Phật, cúng gia tiên, bày tỏ lòng thành, hướng về nguồn cội, tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta từ bao đời nay.
>>> Có thể bạn chưa biết: Các cách làm bánh bột lọc trong suốt, thấy là thích, ăn là mê
Xem nhanh nội dung
Ý nghĩa tục ăn bánh trôi, bánh chay của người Việt Nam
Tết Hàn Thực cần chuẩn bị những gì? Bánh trôi, bánh chay là một trong những lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng Tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3. Việc người Việt Nam dùng bánh trôi, bánh chay để cúng Tết Hàn Thực ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa sâu sắc, tốt đẹp, thấm đẫm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Trước tiên, người Việt muốn dùng ẩm thực để tôn vinh nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc cũng như hình ảnh các loại bánh truyền thống khác như bánh chưng, bánh giầy,... trước đó. Thế nên, cả bánh trôi và bánh chay đều được làm từ bột gạo nếp thơm - thành quả lao động vất vả của người nông dân.
Đặc biệt hơn nữa, những chiếc bánh trôi bánh chay trắng bóc, tròn trịa xếp cạnh nhau còn làm chúng ta liên tưởng tới sự tích "mẹ Âu Cơ và bọc trăm trứng". Bánh trôi đại diện cho 50 quả trứng trở thành 50 người con theo Âu Cơ lên rừng, bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, cùng nhau xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống ấm no về sau.
Dân ta sau này sử dụng bánh trôi, bánh chay dâng lên tổ tiên để bày tỏ tấm lòng, tiếp nối truyền thống hướng về nguồn cội của dân tộc và để nhắc nhở con cháu về truyền thuyết con rồng cháu tiên, tự hào dòng máu "con Lạc cháu Hồng".
>> Tìm hiểu thêm:
-
Văn khấn ngày mùng 3 tháng 3, bài cúng Tết Hàn Thực chuẩn
nhất
- Tết Đoan Ngọ là ngày gì? Sự tích & Ý nghĩa của tết Đoan Ngọ
Chuẩn bị bột làm bánh trôi, bánh chay
Bột làm bánh trôi, bánh chay là nguyên liệu quan trọng nhất để làm nên những đĩa bánh trắng thơm, ngon miệng. Để làm bánh trôi, bánh chay tại nhà, chị em nội trợ có thể tự làm luôn cả bột hoặc mua sẵn ngoài chợ để tiết kiệm thời gian, công sức. Tùy vào điều kiện và sở thích mà các bạn có thể lựa chọn một trong hai phương pháp là nhào bột khô hoặc nhào bột ướt để nặn bánh.
Cách nhào bột khô làm bánh trôi bánh chay
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Bột nếp, bột gạo tẻ, nước ấm
Bạn trộn đều bột nếp và bột gạo tẻ theo tỉ lệ 9:1 cho hỗn hợp đồng nhất, khối lượng phụ thuộc vào số bánh bạn muốn làm. Sau đó, bạn cho một lượng nước vừa phải vào âu bột, tiếp tục trộn đều tay để các nguyên liệu hòa quyện với nhau thật mềm mịn. Cuối cùng, bạn lấy màng bọc thực phẩm đậy rồi để trong vòng 2 tiếng cho bột nghỉ là có thể đem vào sử dụng.
Lưu ý: Lúc đổ nước nên đổ từ từ, trộn đều tay, lượng nước vừa đủ, không để bột bị hòa tan thành dạng lỏng. Cách làm bánh trôi, bánh chay bằng bột khô được rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài áp dụng khi muốn thưởng thức hương vị quê hương ở xứ người bởi vì khó có thể mua được bột ướt sẵn.
Cách chuẩn bị bột ướt làm bánh trôi, bánh chay
Trên thực tế, bột ướt vẫn là nguyên liệu làm bánh trôi, bánh chay ngon nhất, cho ra thành quả tuyệt vời. Làm bột ướt không khó thế nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Gạo nếp, gạo tẻ, nước
Bạn trộn hai loại gạo theo tỉ lệ 9:1 hoặc 8:2 (khối lượng tùy thuộc vào lượng bánh bạn muốn làm) rồi đem ngâm trong nước từ 12 đến 15 tiếng. Thông thường, người ta dùng nước mưa, nước giếng hoặc nước có kiềm tính cao vì sẽ giúp gạo nở nhanh, căng mọng. Sau khi ngâm xong, vớt gạo ra kiểm tra, nếu khi miết hạt gạo tan ra như bột phấn thì đã đạt tiêu chuẩn, đừng quên giữ lại nước ngâm gạo nhé!
Cho gạo vào cối xay sinh tố, rót thêm phần nước ngâm vừa giữ lại cho đến khi ngập khoảng 4/5 lượng gạo rồi bật máy xay. Bạn theo dõi quá trình xay cho đến khi nào thấy bột hòa vào nước, mềm mịn như sữa thì tắt máy. Bạn dùng chiếc khăn sạch lót vào lòng một cái tô lớn, đổ phần bột vừa xay vào rồi buộc túm, treo lên cao.
Thời gian treo là khoảng một đêm, treo ở nơi khô thoáng để bột khô lại, róc hết nước. Bạn lấy thêm một chiếc bát đặt dưới bột để hứng nước men dão chua (nước dão bột) vì sau này vẫn còn dùng đến đó nhé. Sau khi hết thời gian, mở khăn ra bạn đã có được một cục bột khô chắc, có mùi lên men rất tự nhiên như trong ảnh.
Nguồn ảnh: Esheep Kitchen
Việc của bạn bây giờ là bẻ cục bột to kia thành những miếng nhỏ vụn, thêm một vài thìa nước men dão chua để tạo độ ẩm, độ mềm rồi nhào thật đều tay trong 15 phút đến khi tạo thành một khối bột dẻo, trông rất mướt và mịn màng. Thế là bạn đã làm xong bột ướt làm bánh trôi, bánh chay rồi!
Sau khi đã chọn được phương pháp thích hợp và tiến hành làm bột xong, bây giờ chúng ta cùng bắt tay vào làm bánh trôi, bánh chay luôn nhé!
Cách làm bánh trôi nhân dịp Tết Hàn Thực
Nguyên liệu làm bánh trôi
Các nguyên liệu cần chuẩn bị để làm bánh trôi
- Bột làm bánh trôi đã nhào mịn
- Nước lọc
- Đường phên (cắt thành những miếng vuông nhỏ)
- Vừng rang sẵn
Cách làm bánh trôi thơm ngon
Bước 1: Thêm nhân và nặn tạo hình bánh
Phần nhân chỉ có đường phên - loại đường làm bánh trôi được kéo từ mật mía bằng phương pháp thủ công truyền thống. Trên thực tế, đường phên không chỉ là nguyên liệu làm bánh trôi ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng bổ sung khí huyết, chống lão hóa, làm ấm cơ thể, tăng cường máu lưu thông tuần hoàn.
Bạn chia bột thành những phần nhỏ bằng nhau, có kích thước bằng khoảng một đốt ngón tay cái, dùng tay ấn dẹt rồi cho một viên đường phên vào giữa vỏ bánh.
Khéo léo điều chỉnh vỏ bánh bọc kín viên đường sao cho không để đường phên lộ ra ngoài miếng bột là được. Tiếp theo, bạn xoa tròn viên bột trong lòng bàn tay để bánh được đẹp, tròn trịa.
Bước 2: Luộc bánh trôi
Luộc bánh trôi đúng cách cũng là công đoạn quan trọng, cần chú ý kĩ cuối cùng trước khi hoàn thiện những đĩa bánh. Bạn đun một nồi nước to tới khi sôi thì cho toàn bộ phần bánh đã nặn vào luộc, có thể chia làm hai mẻ nếu số lượng quá nhiều. Bánh chín là khi chúng nổi hẳn trên mặt nước. Lúc này, bạn dùng môi thủng vớt bánh ra rồi đổ ngay vào một bát nước lạnh sạch đã chuẩn bị sẵn.
Việc này sẽ làm bánh giảm nhiệt rồi co lại, giữ được hình dáng như khi mới nặn và không bị nhão. Bánh nguội thì bạn có thể vớt những viên bánh trôi trắng tròn ra đĩa, chắt hết phần nước còn đọng lại rồi rắc một lớp vừng rang mỏng lên bề mặt đĩa bánh. Nếu muốn làm chi tiết và cẩn thận phần trang trí, bạn có thể dùng tay sạch chấm vào vừng rồi mới chấm lên mặt bánh để đảm bảo vừng được rải đều trên từng viên bánh.
Ngoài ra, những năm gần đây, các bà, các mẹ nội trợ đã sáng tạo hơn trong việc nấu nướng với những đĩa bánh trôi nhiều màu sắc, hình thù độc đáo, thu hút được sự yêu thích của cả gia đình, bạn có thể tham khảo thêm cách trang trí bánh trôi đẹp dưới đây.
>> Xem thêm: Cách làm bánh trôi tàu nhân vừng đen, đậu xanh ngon, mềm
Bánh trôi tròn đều đặn, đẹp mắt, nhiều màu rực rỡ
Những chiếc bánh trôi hình dạng đáng yêu vô cùng thu hút trẻ nhỏ
Cách làm bánh chay ngon cho Tết Hàn Thực
Nguyên liệu làm bánh chay
Một số nguyên liệu cần chuẩn bị để làm bánh chay
- Bột làm bánh chay đã nhào mịn
- Đậu xanh
- Dừa tươi đã bào thành sợi, sữa đặc (nếu bạn muốn làm nhân bánh đậu xanh sữa dừa)
- Bột sắn
- Tinh dầu bưởi
- Vừng rang sẵn
- Đường phèn hoặc đường cát (dùng đường phèn thì nước chan sẽ thanh và trong hơn)
- Nước lọc
Cách làm bánh chay
Bước 1: Chuẩn bị nhân bánh chay
Nhân bánh chay được làm chủ yếu từ đậu xanh, nếu có nhu cầu bạn có thể thêm sữa và dừa để tạo thành bánh chay nhân đậu xanh sữa dừa.
Đậu xanh khô bỏ vỏ, bạn đem ngâm nước ấm trước 2 tiếng cho đậu mềm rồi cho lên nồi hấp để hấp chín. Nếu không có nồi hấp chuyên dụng, bạn có thể dùng nồi cơm điện hoặc áp dụng phương pháp hấp cách thủy bằng nồi thường. Sau khi đậu xanh chín, bạn để lại một chút dùng để rắc trang trí lên bánh sau này, phần còn lại giã hoặc cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Nếu không muốn xay hoặc giã thì bạn cho lên chảo chống dính, thêm nước rồi vừa đun vừa dùng thìa gỗ tán đến khi nào đậu nhuyễn.
Đậu đã được tán nhuyễn, bạn cho thêm một thìa sữa đặc vào để sên cùng rồi kiểm tra xem đã đủ độ ngọt so với khẩu vị của gia đình hay chưa, nếu chưa có thể thêm tiếp rồi trộn đều cho sữa ngấm vào đậu xanh.
Nếu bạn muốn làm nhân sữa dừa: Phần dừa tươi bào sợi tiếp tục thái nhỏ, sau cho vào trộn cùng hỗn hợp sữa, đậu xanh cho đến khi ba nguyên liệu hòa quyện vào nhau, vẫn giữ được độ ẩm tối thiểu để nhân không bị khô.
Bước 2: Thêm nhân và tạo hình bánh
Chia bột thành từng phần nhỏ bằng nhau (to hơn gấp đôi so với kích thước phần bột bánh trôi), dùng đầu ngón tay ấn dẹt vỏ bánh để thêm nhân. Phần nhân đậu xanh bạn cũng nặn tròn, kích thước viên đậu bằng một viên bánh trôi. Sau đó, bạn đặt nhân đậu vào giữa vỏ bánh rồi cẩn thận bọc kín, xoay bánh trong lòng bàn tay sao cho chỗ nhân không bị hở ra, ấn nhẹ vào giữa thân để bánh có hình dạng tròn dẹt, đều và đẹp.
Bước 3: Luộc bánh
Bước luộc bánh chay cũng tương tự như bánh trôi, bạn đun một nồi nước sôi, thả bánh vào luộc cho tới khi bánh nổi hoàn toàn trên mặt nước thì vớt ra bát nước lạnh để nguội.
Chia các viên bánh vào từng bát nhỏ, thường khoảng 3 viên một bát, dùng đầu ngón tay cái hoặc thìa nhỏ sạch để ấn dẹt phần giữa của bánh lần nữa rồi chờ làm nước chan bánh chay.
Bước 4: Chuẩn bị nước chan bánh chay
Làm nước chan bánh chay cực kỳ đơn giản, bạn cho khoảng một thìa bột sắn đầy, hòa tan với lưng bát tô nước rồi đổ vào nồi, bắc lên bếp và quấy đều. Bạn cho thêm đường để nước có độ ngọt thanh mát phù hợp, đừng cho quá ngọt.
Nước bột sắn sôi, chuyển màu trong và bắt đầu sệt lại là đã đạt đến yêu cầu, bạn đun nhỏ lửa thêm một chút rồi tắt bếp. Chan phần nước bột sắn quấy chín vẫn còn nóng hổi vào các bát bánh chay đã để sẵn. Sau đó, bạn trang trí thêm cho bánh chay bằng cách rắc phần đậu xanh đã để riêng trước đó lên trên, tiếp đến rắc vừng rang và thả một chút dừa nạo lên lớp trên cùng, thế là bạn đã hoàn thành bát bánh chay ngon miệng, đẹp mắt rồi đó.
Bạn cũng có thể sáng tạo bánh chay với nhiều màu sắc riêng
Có rất nhiều cách trang trí để mâm cỗ thắp hương Tết Hàn Thực của gia đình bạn trở nên đẹp mắt hơn
Vậy là cuối cùng chúng ta cũng đã hoàn thành xong những đĩa bánh trôi, bánh chay thơm ngon, đẹp mắt rồi. Đây không chỉ là món bánh được dùng để dâng lên tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính vào ngày Tết Hàn Thực mà còn là một thức quà quê có thể ăn hằng ngày nữa đó!
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp được cho bạn được cách làm đơn giản nhất để bạn có thể trổ tài làm bánh trôi, bánh chay tại nhà. Chúc bạn và gia đình có một ngày lễ Hàn Thực ấm áp, sum họp đầm ấm bên nhau!
Bạn đang xem: Cách làm bánh trôi, bánh chay đơn giản nhất cho Tết Hàn Thực
Chuyên mục: Thực đơn hàng ngày
Các bài liên quan
- Cách làm bánh cam bánh còng đường mè nhân đậu xanh ngon giòn
- 3 cách làm bánh bò lá dứa thơm ngon, siêu dễ tại nhà
- 3 Cách làm bánh từ bột năng và trứng vừa ngon vừa dễ
- Cách muối măng chua cực ngon với tỏi ớt, để được lâu không bị váng
- 4 Cách nấu canh rau dền ngọt lành, thanh mát cho mùa hè
- Cách làm tokbokki cay bằng bánh tráng đơn giản tại nhà