Bệnh nhiễm vi khuẩn ăn thịt người có phải do vi khuẩn Whitmore gây ra?

Vi khuẩn Whitmore là vi khuẩn gì? Có phải đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhiễm vi khuẩn ăn thịt người hay không? Tìm hiểu ngay để bảo vệ tốt hơn sức khỏe của mình và những người xung quanh nhé!

Theo thông tin từ báo điện tử VnExpress ngày 19/08/2020, mới đây tại Yên Bái có xuất hiện trường hợp một bé gái 11 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao 7 ngày, người rét run và bị ho đờm nhiều. Qua xét nghiệm, các bác sĩ đã kết luận được bé bị dương tính với bệnh Whitmore - loại bệnh bị đồn đoán là bệnh nhiễm vi khuẩn ăn thịt người.

Vi khuẩn Whitmore là gì? Có gây ra bệnh nhiễm vi khuẩn ăn thịt người không?

Bệnh Whitmore là bệnh do vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei thuộc họ Burkholderiaceae gây ra. Bệnh chủ yếu xảy ra ở các nước có khí hậu nhiệt đới, được mô tả lần đầu bởi nhà nghiên cứu bệnh học Alfred Whitmore vào đầu thế kỉ XX. Từ đó, bệnh được lấy tên là Whitmore. Bệnh còn được biết đến với tên gọi khác là melioidosis.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore được tìm thấy trong nguồn đất và nước bị ô nhiễm, có thể kháng nhiều loại kháng sinh và hệ miễn dịch của cơ thể người cũng không thể chống lại vi khuẩn này một cách hiệu quả. Khi mắc bệnh Whitmore, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể bị viêm phổi, nhiễm trùng máu... và thậm chí là suy nội tạng dẫn tới tử vong.

Trong số các triệu chứng mà người mắc bệnh Whitmore có thể gặp phải thì có cả triệu chứng như loét, áp xe... Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh Whitmore không phải là “vi khuẩn ăn thịt người” - cái tên thường được sử dụng để chỉ những loại vi khuẩn gây viêm cân mạc hoại tử, một loại nhiễm khuẩn gây viêm và phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ trong cơ thể. Vì thế, bệnh Whitmore không phải là bệnh vi khuẩn ăn thịt người như nhiều người lo sợ.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.

Vi khuẩn Whitmore lây truyền qua đường nào?

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có thể xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với nguồn đất, nước có tồn tại vi khuẩn, nhất là những khu vực đất, nước bẩn. Cụ thể, bệnh Whitmore có thể bị lây nhiễm khi:

  • Uống phải nước bị nhiễm khuẩn.
  • Tiếp xúc với nguồn đất hoặc nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là khi có vết trầy xước trên da.
  • Hít thở phải các hạt bụi đất hay giọt nước có vi khuẩn, đặc biệt là vào mùa mưa.

Tuy đã có một số trường hợp được ghi nhận song bệnh Whitmore rất hiếm khi lây từ người sang người. Ngoài con người thì cũng có một số loại động vật có thể bị bệnh như cừu, dê, ngựa, mèo, chó...

Tiếp xúc với đất bẩn có vi khuẩn khi da bị trầy xước có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh Whitmore.
Tiếp xúc với đất bẩn có vi khuẩn khi da bị trầy xước có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh Whitmore.

Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh Whitmore là gì?

Bệnh Whitmore có rất nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau, và có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lao, viêm phổi. Một số loại triệu chứng mà người bệnh có thể gặp bao gồm:

  • Nhiễm trùng cục bộ: Người bệnh có thể bị đau/sưng cục bộ, sốt, loét, áp xe...
  • Nhiễm trùng phổi: Người bệnh có thể bị ho, đau ngực, sốt cao, đau đầu, chán ăn...
  • Nhiễm trùng máu: Người bệnh có thể bị sốt, đau đầu, đau khớp, khó chịu ở bụng, suy hô hấp, mất phương hướng...
  • Nhiễm trùng lan truyền: Người bệnh có thể bị sốt, sụt cân, đau ở dạ dày/ngực, đau cơ/khớp, đau đầu, co giật...

Khoảng thời gian từ khi tiếp xúc với nguồn vi khuẩn gây bệnh cho tới khi xuất hiện các triệu chứng bệnh chưa được xác định rõ, có thể từ một ngày cho tới nhiều năm. Tuy nhiên, nhìn chung thì các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh sẽ thường xuất hiện sau 2 - 4 tuần kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời gian ủ bệnh phổ biến là 1 - 21 ngày, trung bình là 9 ngày.

Sốt cũng là một trong những triệu chứng có thể gặp của bệnh Whitmore.
Sốt cũng là một trong những triệu chứng có thể gặp của bệnh Whitmore.

Bệnh Whitmore có nguy hiểm không?

Khi tấn công vào cơ thể, vi khuẩn gây bệnh Whitmore có thể thâm nhập vào nhiều cơ quan khác nhau như phổi, gan, thận, tim, tuyến tiêu hóa, da, cơ... Bệnh Whitmore là bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, phức tạp, trong đó có nhiều triệu chứng không đặc trưng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như lao phổi, viêm phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng máu do các vi khuẩn khác...

Không chỉ khó phát hiện, ngay cả khi được chẩn đoán đúng bệnh thì việc điều trị bệnh Whitmore cũng gặp rất nhiều khó khăn vì thường phải điều trị kháng sinh liên tục trong thời gian dài qua cả đường tiêm và đường uống. Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng gây tử vong như viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng... Khi đã điều trị khỏi, bệnh cũng rất dễ tái phát, thậm chí có thể bị tái đi tái lại nhiều lần. Hiện nay, bệnh Whitmore cũng chưa có vaccine phòng bệnh.

Chính vì khó chẩn đoán, khó điều trị, dễ bị tái phát, bệnh do vi khuẩn Whitmore gây ra không những làm suy kiệt sức khỏe của người bệnh mà còn gây nguy cơ tử vong cao. Theo thống kê:

  • Nếu không được điều trị: Cứ 10 người mắc thì có thể có tới 9 người tử vong.
  • Khi đã được điều trị đúng kháng sinh: Nguy cơ tử vong vẫn có thể lên tới 4/10 người.
  • Khi được điều trị kịp thời, đúng cách, được chăm sóc tích cực trong điều kiện y tế tốt: Nguy cơ tử vong vẫn có thể giữ ở mức 2/10 người.

Do đó, mặc dù hầu như không lây từ người sang người, thường không bùng phát thành dịch nhưng Whitmore vẫn được đánh giá là một bệnh rất nguy hiểm.

Bệnh Whitmore khó chẩn đoán, khó điều trị nên rất nguy hiểm.
Bệnh Whitmore khó chẩn đoán, khó điều trị nên rất nguy hiểm.

Ai dễ bị mắc bệnh do vi khuẩn Whitmore gây ra?

Bệnh Whitmore không phân biệt giới tính nam hay nữ, độ tuổi già hay trẻ, thể trạng khỏe hay yếu, bất cứ ai cũng có thể bị mắc bệnh nếu tiếp xúc với vi khuẩn Whitmore. Một số nhóm người có nguy cơ cao như:

  • Người phải làm việc trong điều kiện thường xuyên tiếp xúc với đất, nước.
  • Người bị bệnh đái tháo đường.
  • Người bị bệnh gan.
  • Người bị bệnh thận.
  • Người bị bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh).
  • Người bị bệnh phổi mãn tính (như các bệnh xơ nang, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, bệnh giãn phế quản...).
  • Người bị ung thư...

Ngoài ra, theo thống kê, tỉ lệ trẻ em bị mắc bệnh Whitmore chiếm khoảng 5 - 15% tổng số ca mắc bệnh.

Người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận... nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh Whitmore.
Người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận... nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh Whitmore.

Làm thế nào để phòng ngừa nguy cơ nhiễm vi khuẩn Whitmore?

Để phòng ngừa bệnh Whitmore do vi khuẩn gây ra một cách hiệu quả, có một số điểm cần chú ý như:

  • Tránh tiếp xúc với các vùng đất bẩn, bùn lầy, nước bẩn và bị ứ đọng lâu ngày (đặc biệt là ở các vùng bị ô nhiễm nặng) và không tắm gội, bơi hay ngụp lặn tại các khu vực ao hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm, nhất là với người có vết thương hở, vết loét, vết bỏng, vết trầy xước... ngoài da hoặc người nằm trong nhóm đối tượng dễ mắc bệnh.
  • Khi điều kiện làm việc phải tiếp xúc với môi trường đất, nước thường xuyên hoặc trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với nguồn nước, đất có nguy cơ chứa vi khuẩn, cần chú ý mang đầy đủ đồ bảo hộ lao động như đi ủng, đeo găng tay... để tránh tiếp xúc trực tiếp. Sau khi tiếp xúc, cần nhanh chóng vệ sinh sạch sẽ với các loại xà phòng, nước rửa tay... có khả năng diệt khuẩn tốt.
  • Cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng cách rửa tay, chân với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là khi phải tiếp xúc với nguồn đất, nước như sau khi làm ruộng, làm vườn, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chế biến thực phẩm...
  • Luôn thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Trong trường hợp nghi ngờ bị nhiễm bệnh do vi khuẩn Whitmore gây ra, bạn cần nhanh chóng đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động khi làm việc tiếp xúc với đất, nước để tránh nguy cơ lây bệnh.Cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động khi làm việc tiếp xúc với đất, nước để tránh nguy cơ lây bệnh.

Nguồn tham khảo: Bệnh viện Vinmec

Hy vọng những thông tin mà META.vn vừa chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vi khuẩn Whitmore và sự nguy hiểm của căn bệnh do vi khuẩn này gây ra, từ đó có thể bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của mình và những người xung quanh.

Chúng tôi cam kết sẽ làm bạn hài lòng với các sản phẩm chính hãng, giá ưu đãi và dịch vụ chuyên nghiệp!.

Bạn đang xem: Bệnh nhiễm vi khuẩn ăn thịt người có phải do vi khuẩn Whitmore gây ra?

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết