Bệnh bạch hầu là gì? Cách phòng bệnh bạch hầu
Trong thời gian gần đây, ngành Y tế đã liên tiếp ghi nhận những ca mắc bạch hầu tại Đắk Nông. Đặc biệt, một cháu nhỏ đã tử vong, đồng thời bắt buộc phải cách ly, điều trị dự phòng cho hơn 1.200 người. Vậy bệnh bạch hầu là gì? Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không và cách phòng ngừa căn bệnh này như thế nào? Mời các bạn theo dõi bài viết này để có được câu trả lời nhé!
Trong thời gian gần đây, ngành y tế đã liên tiếp ghi nhận những ca mắc bạch hầu tại Đắk Nông. Đặc biệt, một cháu nhỏ đã tử vong, đồng thời bắt buộc phải cách ly, điều trị dự phòng cho hơn 1.200 người. Vậy bệnh bạch hầu là gì? Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không và cách phòng ngừa căn bệnh này như thế nào? Mời các bạn theo dõi bài viết này để có được câu trả lời nhé!
>>> Có thể bạn quan tâm: Bệnh K là gì? Tại sao ung thư gọi là K?
Xem nhanh nội dung
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là một loại bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản và mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hay bộ phận sinh dục.
Bệnh bạch hầu được ông Hippocrates (người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời Hy Lạp cổ đại) miêu tả lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Một số tài liệu cũng gợi ý đến sự hoành hành của bệnh bạch hầu ở Syria và Ai Cập cổ đại. Các nhà khoa học đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh vào khoảng năm 1883 - 1884 và kháng độc tố được phát minh vào cuối thế kỷ XIX.
Những điều cần biết về bệnh bạch hầu
Triệu chứng của bệnh bạch hầu
Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 đến 5 ngày. Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh mà bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau, ví dụ như:
- Ở mũi: Thường khởi phát giống cảm lạnh. Đặc trưng là chảy mũi nhầy mủ, có thể lẫn máu. Màng giả mạc màu trắng xám thường được tạo thành ở vách ngăn. Bệnh thường nhẹ, do sự hấp thu độc tố vào máu tại chỗ kém và bệnh có thể điều trị được bằng kháng độc tố và kháng sinh.
- Ở họng và amidan: Đây là vị trí thường gặp nhất của bệnh bạch hầu. Trong giai đoạn đầu, người bệnh thường sẽ mệt mỏi, đau họng, chán ăn, sốt nhẹ. Trong vòng 2 - 3 ngày sẽ hình thành một mảng màu trắng xanh, kích thước có thể thay đổi nhỏ như một mảnh vá trên bề mặt amidan hoặc có thể lớn che phủ gần hết vùng họng. Một số bệnh nhân có thể tự đẩy lùi bệnh mà không cần điều trị nhưng một số khác có thể tiến triển nặng hơn. Bệnh nhân nặng có thể sưng to vùng dưới hàm, hạch cổ. Nếu độc tố đi vào máu nhiều, người bệnh sẽ phờ phạc, tím tái, mạch đập nhanh, lờ đờ, hôn mê, thậm chí có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.
- Ở thanh quản: Triệu chứng gồm sốt, khàn giọng, ho. Màng giả mạc nhanh chóng gây tắc nghẽn đường thở, hôn mê và tử vong.
- Ở trên da: Hay gặp ở người vô gia cư, triệu chứng thường là nổi mẩn ngứa, loét da. Dòng vi khuẩn gây ra bệnh ở da hiếm khi tiết độc tố nên bệnh sẽ nhẹ hơn ở những vùng khác.
Bệnh bạch hầu lây qua đường nào?
Vi khuẩn bạch hầu corynebacterium diphtheriae lây lan qua ba con đường chính là:
- Thông qua giọt nước trong không khí: Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải và lây bệnh. Và bệnh bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người.
- Thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh: Một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu do dùng chung các vật dụng mà người nhiễm bệnh đã sử dụng như cốc uống nước, bát, thìa hoặc tiếp xúc với các mảnh giấy ăn, khăn, quần áo mà người bệnh đã sử dụng...
- Đồ gia dụng bị ô nhiễm: Một số trường hợp hiếm hơn khi bị lây nhiễm bệnh bạch hầu thông qua các vật dụng dùng chung trong gia đình như tủ lạnh, máy xay sinh tố...
Ngoài ra, những người đã bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu nhưng chưa được điều trị triệt để có thể lây nhiễm cho những người khỏe mạnh trong vòng 6 tuần, ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng nào.
Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?
Những người có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu bao gồm:
- Trẻ em và người lớn không được tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ.
- Những người sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh.
- Đi du lịch đến một khu vực đang có dịch bạch hầu.
- Bạch hầu hiếm khi xảy ra ở Hoa Kỳ và Tây Âu, nơi các quan chức y tế đã tiêm vắc-xin cho trẻ em chống lại tình trạng này trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu vẫn còn phổ biến ở các nước đang phát triển nơi mà tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ở những khu vực tiêm vắc-xin bạch hầu chưa bắt buộc thì căn bệnh này sẽ chủ yếu là mối đe dọa đối với những người chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ, những khách du lịch quốc tế hoặc tiếp xúc với những người từ các nước kém phát triển.
Bệnh bạch hầu có chữa được không?
Hiện nay, chúng ta đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu vẫn có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Vậy làm thế nào để phòng chống căn bệnh này hiệu quả? Hãy theo dõi phần tiếp theo của bài viết để có được lời giải đáp bạn nhé.
>>> Có thể cha mẹ quan tâm: Những bệnh thường gặp trong mùa mưa và cách phòng tránh
Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu xuất hiện rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và đã làm bùng lên nhiều ổ dịch nghiêm trọng. Năm 1923, vắc-xin giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay nó đã làm thay đổi tính nghiêm trọng của bệnh dịch này trên toàn thế giới.
Hiện nay, tiêm vắc-xin là giải pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả và an toàn nhất. Tại Việt Nam hiện nay không có vắc-xin đơn phòng bệnh bạch hầu mà chỉ có vắc-xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu như:
Ở chương trình Tiêm chủng quốc gia (tiêm chủng mở rộng, không mất phí):
- Vắc-xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib - viêm gan B (DPT-VGB-Hib) thường tiêm khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi.
- Hoặc vắc-xin 3 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván thường tiêm khi trẻ được 16 - 18 tháng tuổi.
- Hoặc vắc-xin phòng bệnh bạch hầu - uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao và chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập.
Hoặc tiêm chủng dịch vụ (có mất phí tại các cơ sở Y tế hoặc trung tâm tiêm chủng):
- Vắc-xin 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - Hib - viêm gan B hoặc vắc-xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib - bại liệt thường tiêm khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ được 16 - 18 tháng tuổi.
- Hoặc vắc-xin 4 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt thường tiêm khi trẻ được 4 - 6 tuổi.
- Hoặc vắc xin 3 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván thường tiêm đối với trẻ trên 4 tuổi và người lớn (được khuyến cáo tiêm nhắc lại mũi vắc-xin này cứ 10 năm một lần).
>>> Tham khảo: Bảng giá tiêm chủng VNVC và các gói tiêm chủng của VNVC
Bên cạnh thực hiện đầy đủ các mũi tiêm chủng nêu trên, bạn cũng nên thực hiện các biện pháp sau đây để ngăn ngừa căn bệnh bạch hầu này một cách hiệu quả nhất, ví dụ:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay, gel rửa tay khô, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người.
- Khi có các dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin, đồng thời thực hiện lệnh cách ly theo yêu cầu của cơ quan y tế.
- Dọn dẹp nhà cửa, phòng ốc, môi trường sống xung quanh. Nếu có điều kiện thì bạn nên trang bị máy lọc không khí để giúp nhà cửa luôn thoáng sạch, trong lành.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất, đồng thời tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Hi vọng rằng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu được bệnh bạch hầu là gì để từ đó có được các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Hãy chia sẻ cho người thân, bạn bè để cùng nhau phòng ngừa và không để dịch bệnh nguy hiểm này có nguy cơ bùng phát ở nơi bạn ở nhé. Chúc các bạn luôn vui, khỏe!
Bạn đang xem: Bệnh bạch hầu là gì? Cách phòng bệnh bạch hầu
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Bệnh lậu là bệnh gì? Nguyên nhân, biểu hiện của bệnh lậu thế nào?
- Bệnh Parkinson là bệnh gì? Có chữa được không? Có di truyền không?
- Hội chứng ruột kích thích IBS là gì? Nên ăn gì, kiêng gì?
- Phơi nhiễm là gì? Xử lý phơi nhiễm như thế nào?
- Rau dền có tác dụng gì? Bà bầu ăn rau dền được không?
- Tắm đêm có tốt không? Tắm khuya, tắm muộn có tác hại gì?