Trẻ bị rôm sảy nên tắm lá gì vừa mát vừa lành?
Rôm sảy là một hiện tượng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mặc dù là bệnh ngoài da lành tính, không gây nguy hiểm, thế nhưng nó lại gây ra nhiều khó chịu, ngứa ngáy cho bé. Vậy trẻ bị rôm sảy nên tắm lá gì và chăm sóc ra sao để giúp bé hết khó chịu? Mời bạn theo dõi bài viết này của chúng tôi để có được câu trả lời nhé!
Xem nhanh nội dung
Rôm sảy là gì? Nguyên nhân & biểu hiện của rôm sảy
Rôm sảy thực chất là tình trạng tuyến mồ hôi bị bít tắc gây ứ đọng khiến cho da bé bị viêm, xuất hiện các nốt mẩn đỏ hoặc nổi như mụn nước ở lưng, mặt, ngực hoặc toàn thân. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do làn da của trẻ nhạy cảm, đồng thời tuyến mồ hôi cũng chưa hoàn chỉnh.
Có khá nhiều nguyên nhân gây nên rôm sảy ở trẻ, ví dụ như:
- Do thời tiết oi nóng.
- Vệ sinh cho bé không sạch sẽ, tắm không sạch hoặc mặc bỉm quá lâu.
- Do mặc quần áo không thấm mồ hôi.
- Do tuyến mồ hôi tắc nghẽn.
- Do sốt cao gây tắc nghẽn các ống tuyến mồ hôi.
- Do trẻ vận động với cường độ cao.
- Ngoài ra, vào mùa hè, vi khuẩn thường phát triển mạnh mẽ, chúng thường trú ngoài da và cũng có khả năng bài tiết chất nhờn gây bít tắc các ống tuyến mồ hôi.
>> Tìm hiểu thêm: Mồ hôi trộm là gì? Làm gì khi trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ?
Hình ảnh rôm sảy ở trẻ
Biểu hiện của rôm sảy sẽ khác nhau tùy theo từng loại, cụ thể:
- Với rôm sảy dạng tinh thể: Đây là loại rôm không có hiện tượng viêm, các mụn nước khá nông và khi khỏi thường sẽ không để lại sẹo.
- Rôm đỏ: Loại rôm này hay xuất hiện ở lưng, vùng áo quần cọ xát vào da. Rôm mọc thành các đám dày có màu đỏ, sẩn và có khi chiếm hết cả diện tích vùng lưng, ngực. Loại rôm này có thể gây ra cảm giác bứt rứt, ngứa ngáy, khó chịu cho bé.
- Rôm sâu: Loại rôm này thường xảy ra khi rôm đỏ bị tái đi tái lại nhiều lần với đặc trưng là các sẩn 1 đến 3mm, cứng, có màu nhạt, không ngứa như rôm đỏ. Tuy nhiên, rôm sâu lại có nguy cơ gây tổn hại vĩnh viễn tuyến mồ hôi của bé.
Trẻ bị rôm sảy nên tắm lá gì cho mát?
Dưới đây là một số loại lá có thể trị rôm sảy cho bé, cha mẹ có thể tham khảo để sử dụng nhằm cải thiện các đốm rôm, tránh gây nên cảm giác ngứa ngáy, khó chịu:
Cách trị rôm sảy cho bé bằng nước lá khế chua
Trong lá khế có chứa các axit hữu cơ, khoáng chất và tanin có tác dụng kháng viêm, giảm tình trạng dị ứng và giải độc hiệu quả.
Ngoài ra, theo Đông y, lá khế cũng có tính kháng khuẩn, giải nhiệt, vì thế bạn có thể tận dụng loại lá quen thuộc này để giúp giảm ngứa cho bé.
Cách nấu nước lá khế chua như sau:
- Bạn chuẩn bị 1 nắm lá khế chua tươi, rửa sạch và để ráo nước.
- Cho lá khế vào nồi nước rồi đun sôi khoảng 10 đến 15 phút.
- Tiếp đến, bạn pha nước lá khế với nước lạnh cho tới khi đạt khoảng 35 đến 40 độ C thì cho bé vào tắm. Thực hiện liên tục ngày tắm 1 lần và 1 tuần tắm 3 đến 4 lần là tình trạng rôm sảy sẽ nhanh chóng biến mất.
Ngoài ra, bạn cũng có thể vò nát lá khế cùng một chút muối trắng, sau đó lọc lấy nước và hòa với nước ấm để tắm cho bé cũng được nhé.
Tắm nước lá sài đất trị rôm sảy
Các thành phần tanin, saponin, flavonoid cùng tinh dầu hòa tan có trong sài đất đều có tác dụng làm giảm viêm da, nhiễm trùng da. Vì thế, nếu bé bị rôm sảy thì bạn có thể nấu nước lá sài đất để tắm cho bé.
Cách nấu nước lá sài đất như sau:
- Bạn rửa sạch 150 gam lá sài đất tươi hoặc 70 gam lá sài đất khô rồi để cho ráo.
- Vò nát rồi cho vào nồi nấu cùng 2 lít nước.
- Khi nước sôi, bạn pha loãng với nước sạch để được nước tắm có nhiệt độ khoảng 35 đến 40 độ C rồi cho bé vào tắm.
- Bạn có thể thực hiện phương pháp này 3 lần mỗi tuần và lưu ý, không cần tắm tráng lại cho bé nhé.
Nước lá trà xanh
Từ lâu, lá trà xanh vẫn thường được các bà, các mẹ sử dụng để đun nước tắm cho trẻ. Trong loại lá này có chứa nhiều tinh dầu, tanin, flavonoid, phenol có khả năng kháng viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại cho da của bé. Bên cạnh đó, hợp chất EGCG trong trà xanh còn có khả năng chống oxy hóa, làm kích thích sự tái sinh của các tế bào, làm tăng khả năng bảo vệ da trước những tác nhân gây hại.
Cách thực hiện như sau:
- Bạn rửa sạch 100 gam lá trà xanh rồi đun sôi cùng 2 lít nước và cho thêm một chút muối trắng.
- Lọc bỏ bã trà rồi pha cùng nước sạch để được nước tắm khoảng 35 đến 40 độ C.
- Cho bé vào tắm và không tráng lại.
Mẹ có thể thực hiện tắm cho bé 4 đến 5 lần mỗi tuần để nhanh chóng cải thiện tình trạng rôm sảy, ngứa ngáy nhé.
Nước rau sam trị rôm sảy
Rau sam có chứa nhiều vitamin C, A cùng các chất khác như tanin, saponin, glucozit... có khả năng kháng viêm, chữa mụn nhọt, rôm sảy vô cùng hiệu quả. Cho trẻ tắm bằng nước rau sam, các nốt mẩn ngứa sẽ giảm nhanh chóng để bé có được làn da mịn màng.
Bạn có thể thực hiện theo các bước dưới đây để trị rôm sảy cho bé nhé:
- Lấy 1 nắm nhỏ rau sam (lấy cả rễ), rửa sạch và để ráo nước.
- Nấu rau sam với 1,5 lít nước trong khoảng 5 phút. Sau đó, bạn lọc bã rau sam và pha thêm với nước lạnh để được nước tắm có nhiệt độ khoảng 35 đến 40 độ C.
- Tắm cho bé bằng nước vừa pha và lau nhẹ nhàng những vùng da nổi rôm bằng khăn mềm.
Thực hiện 3 đến 4 lần mỗi tuần là tình trạng ngứa ngáy, khó chịu do rôm sảy gây ra sẽ nhanh chóng được cải thiện.
Nước lá trầu không
Lá trầu không vốn được biết đến với công dụng kháng viêm, diệt khuẩn rất tốt, vì vậy đừng bỏ lỡ loại lá này nếu em bé nhà bạn đang bị rôm sảy.
Bạn có thể chuẩn bị 1 nắm lá trầu không (không lấy lá quá non hoặc quá già), rửa sạch và để cho ráo nước. Tiếp theo, bạn đun lá trầu không với 1 lít nước để các tinh chất trong lá được tiết ra. Sau đó, bạn pha thêm nước lạnh để được nước tắm có nhiệt độ khoảng 35 đến 40 độ C thì cho bé vào tắm. Thực hiện cách làm này 3 đến 4 lần mỗi tuần là tình trạng rôm sảy sẽ nhanh chóng được cải thiện.
Nước lá dâu tằm
Nước lá dâu tằm có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc, giảm các ban đỏ, sẩn ngứa ở trẻ rất hiệu quả nhờ các thành phần vitamin B, C, D cùng các axit hữu cơ dồi dào.
Bạn có thể lấy 1 nắm lá dâu tằm (không lấy lá quá già hoặc quá non), rửa sạch rồi đun với 1,5 lít nước. Khi nước sôi, bạn hòa thêm nước lạnh sao cho đủ độ ấm thì cho bé vào tắm và kết hợp massage nhẹ nhàng cho bé.
Thực hiện tắm nước lá dâu 3 đến 5 lần mỗi tuần để có được hiệu quả tốt nhất bạn nhé.
Nước lá kinh giới trị rôm sảy cho bé
Theo Đông y, lá kinh giới có vị cay, tính ấm, có tác dụng điều trị mẩn, ngứa, mụn nhọt và rôm sảy rất hiệu quả.
Còn theo y học hiện đại, lá kinh giới có chứa các thành phần như vitamin C, tinh dầu, menthol racemic... có tác dụng kháng viêm, giảm mẩn ngứa trên da.
Bạn có thể lấy 1 nắm lá kinh giới tươi, rửa sạch và đun với 2 lít nước. Sau khi sôi, bạn cho thêm nước lạnh để được nước tắm có độ ấm thích hợp rồi cho bé vào tắm.
Thực hiện tắm nước lá kinh giới 3 đến 4 lần mỗi tuần để giảm nhanh các triệu chứng rôm sảy cho bé bạn nhé.
Lá mướp đắng
Lá cũng như quả mướp đắng đều có tính hàn, có khả năng chống viêm, sưng, giảm đau hiệu quả. Do đó, bạn có thể dùng lá và quả mướp đắng để giúp đẩy lùi tình trạng ngứa ngáy, khó chịu cho trẻ bị rôm sảy.
Bạn chuẩn bị 1 nắm lá mướp đắng, rửa sạch rồi cho vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn. Tiếp theo, bạn vắt lấy nước cốt rồi hòa cùng nước ấm để tắm cho bé. Thực hiện tắm theo cách này đều đặn cho tới khi bé hết rôm sảy thì thôi.
Những lưu ý khi dùng lá tắm trị rôm sảy cho trẻ
- Bạn chỉ nên áp dụng phương pháp tắm bằng lá khi bé bị rôm sảy nhẹ. Các trường hợp rôm sảy nặng, kéo dài không dứt hoặc có mưng mủ, nhiễm khuẩn, tấy đỏ hoặc trầy xước thì bạn tuyệt đối không nên tắm lá và nên cho bé tới cơ sở y tế để được thăm khám.
- Trước khi cho bé tắm, bạn cần thoa thử nước lên một vùng da nhỏ để kiểm tra phản ứng của bé xem bé có bị dị ứng với loại lá đó hay không nhé.
- Nên lựa chọn những loại lá sạch, không dính thuốc trừ sâu, hóa chất để không gây hại cho làn da nhạy cảm của trẻ.
- Luôn chú ý tới nhiệt độ nước tắm cho trẻ, tốt nhất bạn nên trang bị một chiếc nhiệt kế điện tử có khả năng đo nhiệt độ nước.
- Không kì cọ mạnh trong lúc tắm vì sẽ làm vùng da bị rôm sảy trầy xước và lan rộng.
- Một số loại lá khi tắm xong bạn cần tráng lại người bằng nước sạch để tránh bột lá gây khó chịu cho con.
Bên cạnh những cách trị rôm sảy cho bé bằng các loại lá kể trên thì bạn cũng cần xây dựng chế độ ăn khoa học, hợp lý cho bé, cho bé uống đủ nước và tăng cường các thực phẩm thanh mát, hạn chế đồ ăn nhiều đường. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến việc vệ sinh cá nhân cho trẻ, luôn cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Nếu tình trạng rôm sảy không được cải thiện sau khi tắm lá, bạn nên cho trẻ tới khám tại các cơ sở y tế để có hướng điều trị kịp thời.
Hi vọng rằng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ hữu ích với bạn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Bạn đang xem: Trẻ bị rôm sảy nên tắm lá gì vừa mát vừa lành?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Rau dền có tác dụng gì? Bà bầu ăn rau dền được không?
- Tắm đêm có tốt không? Tắm khuya, tắm muộn có tác hại gì?
- Tế bào gốc là gì? Ứng dụng tế bào gốc trong y học và thẩm mỹ
- Quả đào tiên có tác dụng gì? Quả đào tiên có ăn được không?
- Cách trị nám bằng lá tía tô thế nào? Lá tía tô có trị nám được không?
- Hiện tượng hắt xì hơi (nhảy mũi) theo giờ, liên tục nói lên điều gì?