Hướng dẫn sử dụng máy đo đường huyết Beurer GL50

Máy đo đường huyết Beurer GL50 cho kết quả đo chính xác chỉ sau 5 giây. Tuy nhiên muốn đo lượng đường trong máu đúng bạn phải tiến hành các bước thật chính xác. Hãy thao khảo bài hướng dẫn sử dụng máy đo đường huyết Beurer GL50 để sử dụng máy đúng cách nhé. 

Máy đo đường huyết Beurer GL50 là sản phẩm cực kỳ hữu ích cho những người mắc bệnh tiểu đường. Đây là sản phẩm đáng tin cậy, cho kết quả đo đường huyết chính xác nên được nhiều bệnh nhân lựa chọn để sử dụng tại nhà. Cách sử dụng máy đo đường huyết Beurer GL50 khá đơn giản, với những ai lần đầu tiên sử dụng còn gặp nhiều khó khăn vậy hãy xem bài hướng dẫn sử dụng máy đo đường huyết Beurer GL50 mà META.vn chia sẻ ngay sau đây. 

Máy đo đường huyết Beurer GL50 bao gồm:

  • 1 thiết bị đo đường huyết GL50
  • 1 nắp bút lấy máu ở vùng bàn tay hoặc cổ tay
  • 5 que thử đi kèm
  • Túi gồm 5 kim chích máu
  • Túi đựng máy và phụ kiện
  • 2 viên pin Lithium CR2032

Beurer GL50

Máy có thiết kế nhỏ gọn, tích hợp bút lấy máu trong máy

Hướng dẫn sử dụng máy đo đường huyết Beurer GL50

Máy đo đường huyết cá nhân GL50 có độ chính xác cao. Không cần cài đặt Code nên rất dễ và thuận tiện cho người sử dụng. Để đảm bảo an toàn và phát huy tối đa tác dụng của thiết bị, cần đọc kỹ và làm theo đúng chỉ dẫn trong hướng dẫn sử dụng. 

Máy đo đường huyết Beurer

Cấu tạo của máy đo đường huyết

I. Quy trình đo

1. Lắp pin

  • Mở nắp khoang chứa pin ở mặt sau máy rồi tháo nilon cách điện.
  • Đóng nắp khoang chứa pin, mặt pin có chữ ở phía ngoài.

2. Cài đặt

Để cài đặt bạn hãy mở nắp khoang chứa pin lắp lại pin. Màn hình nhấp nháy chỉ số năm. Nhấn nút "+ -" để cài đặt năm.
Sau đến ngày, tháng, giờ, phút và đều xác nhận bằng nút ON/OFF. Ngoài ra có thể ấn và giữ nút +ON/OFF tối thiểu 5 giây để nhảy vào chế độ cài đặt.

Lưu ý:

  • Nếu xuất hiện ký hiệu báo pin yếu có nghĩa pin gần như sắp hết nên thay ngay cả 2 viên pin.
  • Nếu xuất hiện chữ "LP" có nghĩa pin yếu đến mức không thể thực hiện thêm bất cứ một xét nghiệm nào nữa.

a. Cài đặt thời gian:

  • Nhấn nút + - ở bên sườn máy, chọn năm đúng rồi nhấn nút ON/OFF để xác nhận.
  • Thực hiện tương tự với tháng, ngày, giờ và phút. Sau mỗi lần cài đặt xong một chỉ số nhấn nút ON/OFF để xác nhận.
  • Trên màn hình xuất hiện chữ ON đồng thời màn hình sáng lên trong vài giây.

Lưu ý:

Cài đặt thời gian rất quan trọng để bạn có thể lưu và xem lại kết quả đúng theo ngày tháng đã đo để tiện theo dõi. Thời gian trong máy hiển thị theo chế độ 24 giờ. 

b. Tắt mở đèn nền màn hình

Nhấn nút "+" hoặc "-" để tắt đèn nền, xuất hiện chữ OFF. Xác nhận bằng cách ấn nút ON/OFF, xuất hiện chữ BEEP, ON và biểu tượng loa.

c. Tắt mở tín hiệu âm thanh

Nhấn nút "+" hoặc "-" để tắt âm, xuất hiện chữ BEEP và OFF. Xác nhận bằng cách ấn nút ON/OFF. Chữ BEEP, ON và biểu tượng loa xuất hiện. Xuất hiện chữ OKMEM.

D. Xóa kết quả đã lưu

Để xóa kết quả đã lưu thực hiện các bước sau:

Nhấn nút "+" hoặc "-", hiển thị chữ MEMDEL. Xác nhận bằng cách nhấn nút ON/OFF, màn hình nhấp nháy chữ MEMDEL. Nhấn ON/OFF để xác nhận xóa, xuất hiện chữ MEM, DELOK. Lúc này thiết bị đã sẵn sàng.

II. Cách đo tiểu đường bằng máy đo đường huyết Beurer GL50

1. Chuẩn bị lấy máu

  • Chọn chỗ lấy máu: Bạn có thể lấy máu ở đầu ngón tay hoặc lòng bàn tay, cổ tay, bắp tay, đùi hoặc cẳng chân. Tuy nhiên, bạn nên lấy máu ở ngón tay vì những thay đổi về lượng đường thường được phát hiện rất sớm ở máu khu vực đầu ngón tay.
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi lấy máu để đảm bảo vệ sinh đồng thời giúp máu ở tay tuần hoàn tốt hơn. Sau đó lau tay thật khô.

2. Lấy máu

  • Mở nắp bút lấy máu, lắp một kim đã tiệt trùng vào và ấn xuống để kim khớp với bút.
  • Một tay xoay và rút đầu bảo vệ kim ra trong khi tay kia cần giữ chặt kim lại.
  • Bạn có thể chọn các đầu khác nhau tùy thuộc vào vị trí lấy máu. Ví dụ: đầu mặc định dùng cho ngón tay, còn các bộ phận khác dùng đầu nhựa trong AST. Nắp chặt đầu đã chọn vào bút lấy máu.

Bút lấy máu có 5 nấc khác nhau:

  • 1 đến 2: dành cho da mỏng và mềm
  • 3 đến 5: da thường
  • 6 đến 7: da dày hoặc da bị chai tay

Xoay nắp theo hướng thích hợp đến khi mũi tên chỉ đúng mức độ bạn mong muốn.

Kéo lẫy của bút lấy máu cho đến khi nghe thấy tiếng Click. Một số trường hợp không nghe thấy âm thanh này có thể do lẫy đã bị đẩy xuống khi lắp kim vào.

Đặt đầu bút chứa kim lên chỗ cần lấy máu, nhấn nút bật lẫy. Sau đó bỏ kim ra, mỗi lần bạn lấy khoảng 0.6 microlit máu.

Lưu ý: Khi máu lấy ra không đủ, không được nặn để lấy thêm máu vì như thế máu có thể lẫn với huyết tương khiến cho kết quả thu được không chính xác. Lúc này cần tiến hành lấy máu lại, chọn mức độ 6 hoặc 7 dành cho da dày.

3. Tiến hành đo

  • Lấy một que thử từ hộp đựng que thử và đóng nắp hộp lại ngay. Chỉ sử dụng que thử trong vòng 3 phút sau khi được lấy ra khỏi hộp.
  • Cắm một que thử vào theo đúng chiều mũi tên cắm vào máy, mặt trước hướng lên trên có 1 khe thấm máu.
  • Máy tự động khởi động, màn hình hiển thị đồng thời tất cả các thông số. Ngay sau khi màn hình hiển thị biểu tượng giọt máu nhấp nháy, máy đã sẵn sàng để đo.
  • Thấm máu vào điểm nhận máu trên đầu que thử.

Lưu ý: Nếu đã cắm que thử vào máy nhưng bạn không thấm máu vào máy sẽ tự động tắt trong vòng 2 phút. Lúc này cần rút que thử ra và cắm lại, máy sẽ lại tự động khởi động.

Khi que thử đã nhận đủ máu máy sẽ bắt đầu đếm ngược trong vòng 5 giây, sau đó kết quả sẽ hiển thị trên màn hình. Rút que thử ra bỏ đi và vệ sinh máy cẩn thận.

4. Đánh giá kết quả đo được

  • 20mg/dL (1,1mmol/l): Đường huyết quá thấp cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • 20 - 69 mg/dL (1,1 - 3,8 mmol/l): Đường huyết thấp. Lúc này bạn nên ăn nhẹ và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • 70 - 139 mg/dL (3,9 - 7,7 mmol/l): Đường huyết bình thường.
  • 140 mg/dL trở lên (7,8 mmol/l trở lên): Đường huyết cao. Nếu 2 giờ sau khi ăn bạn đo lại mà kết quả vẫn giữ nguyên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Trên 240mg/dL (trên 13,3 mmol/L): Đường huyết cao, cần kiểm tra ketone và tham khảo ý kiến bác sĩ. 
  • Trên 630mg/dL hoặc 35mmol/l: Đường huyết quá cao cần tiến hành đo lại bằng một que thử mới. Nếu kết quả vẫn không thay đổi, cần liên lạc với bác sĩ ngay.

5. Gán nhãn kết quả đã đo

Gán nhãn cho kết quả đo giúp bạn dễ dàng hơn trong việc phân tích và đánh giá đường huyết của bản thân. Có 3 lựa chọn để gán nhãn cho kết quả đo:

Để gán nhãn cho kết quả đo tiến hành như sau:

  Trước bữa ăn
  Sau bữa ăn
  Thông thường (ví dụ như sau khi tập thể thao)

Gán nhãn ngay khi kết quả đo xuất hiện. Nếu kết quả đo biến mất trên màn hình nó không thể được gán nhãn nữa.

Bấm nút "-" liên tiếp bên sườn máy:

  • 1 lần - gán nhãn trước bữa ăn 
  • 2 lần - gán nhãn sau bữa ăn 
  • 3 lần - gán nhãn bình thường 
  • 4 lần - xóa gán nhãn

Nhãn đã chọn đã được lưu trữ trong bộ nhớ của thiết bị khi nó tắt.

6. Xem lại kết quả đo

Kết quả đường huyết của bạn được máy tự động lưu lại sau mỗi lần đo. Máy lưu được 480 kết quả cùng ngày giờ đo. Khi bộ nhớ đầy các kết quả cũ nhất sẽ tự động xóa nhường chỗ cho kết quả mới.

Bạn có thể xem kết quả trung bình theo nhóm 7, 14, 30 hoặc 90 ngày hoặc trung bình theo nhãn được gán hoặc xem kết quả riêng của mỗi lần đo. Đầu tiên sẽ là kết quả của lần đo gần nhất, sau cùng là kết quả cũ nhất.

a. Xem lại kết quả đo riêng lẻ

Để xem lại kết quả đo, nhấn nút ON/OFF để mở máy, nhấn tiếp nút điều hướng "+" hoặc "-" bên sườn máy. Kết quả đo gần nhất được hiển thị, nhấn tiếp nút điều hướng để xem kết quả cũ hơn.

Để hủy quá trình xem tại bất cứ thời điểm nào, bấm nút ON/OFF hoặc để máy tự động tắt trong vòng 2 phút.

b. Xem lại kết quả đo trung bình

Để hiển thị kết quả đo trung bình cho 7,14,30,90 ngày gần nhất tiến hành các bước sau:

Nhấn nút ON/OFF để mở máy. Nhấn nút điều hướng "+" 2 lần. Trên màn hình xuất hiện đơn vị đo đường huyết, chữ 07d và giá trị đường huyết trung bình (07 = 7, d = ngày). Nhấn liên tiếp nút điều hướng "+" để hiển thị kết quả trung bình trong 7, 14, 30 và 90 ngày.

Để hủy quá trình xem tại bất cứ thời điểm nào, bấm nút ON/OFF hoặc để máy tự động tắt trong vòng 2 phút.

Xem lại kết quả đo trung bình theo nhãn đã được gán. Để thực hiện điều này, thực hiên các bước sau:

Nhấn nút ON/OFF để mở máy. Nhấn nút điều hướng "+" 2 lần. Trên màn hình xuất hiện đơn vị đo đường huyết, chữ 07d và giá trị đường huyết trung bình (07 = 7, d = ngày).

Nhấn liên tiếp nút điều hướng "+" để hiển thị giá trị đo trung bình cho 14, 30 và 90 ngày. Sau khi giá trị trung bình 90 ngày xuất hiện, trên màn hình xuất hiện giá trị đường huyết trung bình 7 ngày trước bữa ăn. Nhấn tiếp nút "+" liên tiếp để xem giá trị đường huyết trung bình 14, 30, 90 ngày trước bữa ăn.

Thực hiện tương tự các bước trên để xem giá trị đường huyết trung bình được gán nhãn "sau bữa ăn", "thông thường".

Để hủy quá trình xem tại bất cứ thời điểm nào, bấm nút ON/OFF hoặc để máy tự động tắt trong vòng 2 phút.

c. Xóa kết quả đo riêng lẻ

Thực hiện quá trình xem lại kết quả đo như ở trên. Nếu muốn xóa kết quả nào thì nhấn và giữ đồng thời nút ON/OFF và nút "-" trong vòng 2 giây. Trên màn hình nhấp nháy biểu tượng DEL, MEM và giá trị đo cần xóa.

Nhấn tiếp nút ON/OFF. Màn hình xuất hiện giá trị đo cần xóa, biểu tượng DEL, MEMOK. Nếu bạn không muốn xóa kết quả, ấn nút điều hướng "+" hoặc "-".

Sau đó kết quả này sẽ được chuyển tới vùng nhớ của các giá trị đo đã xóa.

7. Thông tin sức khỏe

Thời gian trong ngày Giá trị đường huyết bình thường
Trước bữa sáng 70 - 105 mg/dL (3,9 - 5,8 mmol/L)
Trước bữa trưa 70 - 110 mg/dL (3,9 - 6,1 mmol/L)
1 giờ sau bữa ăn Dưới 160 mg/dL (8,9 mmol/L)
2 giờ sau bữa ăn Dưới 139 mg/dL (7,7 mmol/L)
Giữa 2 và 4 giờ sáng Trên 70 mg/dL (3,9 mmol/L)

Một số lỗi gặp phải và giải pháp khắc phục ở máy đo đường huyết Beurer GL50

Máy không bật lên được, có thể do:

  • Pin yếu cần thay pin.
  • Thiếu pin hoặc lắp pin không đúng. Cần lắp lại pin theo như hướng dẫn.
  • Cắm que thử chưa đúng: Xem lại phần cắm que thử.
  • Máy hỏng cần liên lạc với trung tâm bảo hành của hãng hoặc đến nơi mua hàng. 

Sau khi cắm que thử vào máy và thấm máu vào que thử, máy vẫn không đo, có thể do một số trường hợp sau:

  • Lượng máu quá ít cần đo lại bằng cách dùng một que thử mới với lượng máu nhiều hơn.
  • Que thử hỏng cần đo lại bằng que thử mới.
  • Thấm máu vào que thử khi máy đang tắt cần đo lại, chỉ thấm máu khi màn hình hiển thị biểu tượng giọt máu  nhấp nháy.
  • Đậy nắp khoang chứa pin và tiến hành đo lại.

Lưu ý khi sử dụng máy đo đường huyết Beurer GL50:

Lưu ý về máy:

  • Giữ máy và các linh kiện tránh xa tầm với của trẻ em.
  • Khi pin hết hoặc không cần sử dụng máy trong thời gian dài, cần tháo pin ra khỏi máy.
  • Tránh để máy bị va đập, tiếp xúc với bụi bẩn, môi trường ẩm ướt, nước, máu, dao động nhiệt độ cao và ánh nắng mặt trời trực tiếp.
  • Không sử dụng máy hoặc để gần khu vực có từ trường và trường điện từ như radio, tivi, điện thoại...

Lưu ý với que thử:

  • Cần bảo quản que thử ở nơi khô mát với nhiệt độ không thấp quá 2 độ C và cao quá 30 độ C.
  • Không bảo quản que thử trong tủ lạnh, cần tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời.
  • Các que thử nên được bảo quản trong lọ nguyên bản của chúng, không nên chuyển sang đồ đựng khác, đóng chặt nắp lọ ngay sau mỗi lần lấy que thử ra khỏi lọ.
  • Khi mở lọ que thử chỉ sử dụng trong vòng 3 tháng.
  • Không sử dụng que thử khi đã tiếp xúc với máu hoặc dung dịch thử chuẩn.

Thông số kỹ thuật của máy đo đường huyết Beurer GL50

  • Kích thước: 123 x 28 x 16 mm
  • Khối lượng: 36g (cả pin)
  • Điện nguồn: 2 pin 3V CR2032
  • Thời lượng pin: Hơn 1000 lần đo
  • Bộ nhớ 480 kết quả cùng ngày giờ đo
  • Tự động tắt sau 2 phút không sử dụng
  • Tính giá trị trung bình: Đường huyết 7,14,30,90 ngày
  • Nhiệt độ bảo quản: +2 độ C đến +30 độ C
  • Độ ẩm bảo quản: <90%
  • Nhiệt độ hoạt động: +10 độ C đến +40 độ C
  • Độ ẩm hoạt động: <90%
  • Đơn vị đo đường huyết: mg/dL hoặc mmol/L
  • Dải đo: 20 - 630 mg/dl (1,1- 35 mmol/L)
  • Lượng máu cần: 0,6 microlit
  • Thời gian đo: 5 giây

Trên đây là hướng dẫn chi tiết của máy đo đường huyết Beurer GL50. Để đặt mua sản phẩm chính hãng, quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 024 35.68.69.69 - 028.38336666 hoặc truy cập website: META.vn. 

Bạn đang xem: Hướng dẫn sử dụng máy đo đường huyết Beurer GL50

Chuyên mục: Máy y tế

Chia sẻ bài viết