Bệnh Parkinson ở người trẻ: Dấu hiệu, cách phân biệt với các chứng run tay chân khác
Bệnh Parkinson ở người trẻ là gì? Trong bài viết hôm nay, hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu về bệnh Parkinson ở người trẻ, nguyên nhân, triệu chứng bệnh Parkinson ở người trẻ và cách điều trị Parkinson ở người trẻ các bạn nhé!
>>> Xem thêm: Bệnh Parkinson là bệnh gì? Có chữa được không? Có di truyền không?
Nội dung
- Bệnh Parkinson ở người trẻ là gì?
- Sự khác biệt giữa bệnh Parkinson ở người trẻ và người lớn tuổi
- Nguyên nhân gây bệnh Parkinson ở người trẻ
- Dấu hiệu nhận biết bệnh Parkinson ở người trẻ
- Phân biệt bệnh Parkinson ở người trẻ với triệu chứng run tay chân
- Cách điều trị bệnh Parkinson ở người trẻ
- Cách làm chậm tiến triển của bệnh Parkinson ở người trẻ
Bệnh Parkinson ở người trẻ là gì?
Parkinson (Parkinson's disease) là một bệnh lý thần kinh do thoái hóa một nhóm các tế bào ở trong não bộ gây ra, đặc trưng của bệnh Parkinson gồm các triệu chứng liên quan đến khả năng vận động của cơ thể như chứng run tay, cử động chậm chạp và khó khăn, co cứng cơ hay rối loạn thăng bằng...
Thông thường, hầu hết các trường hợp mắc bệnh Parkinson thường khởi phát các triệu chứng ở độ tuổi trung bình từ 50 đến 60 tuổi. Tuy nhiên, theo Hiệp hội bệnh Parkinson Hoa Kỳ (APDA - American Parkinson Disease Association) cho biết, có khoảng 10% đến 20% bệnh nhân Parkinson có dạng khởi phát sớm hay còn được gọi là bệnh Parkinson ở người trẻ. Đây là những trường hợp người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson trong độ tuổi trung bình từ 21 đến dưới 50 tuổi.
Một số trường hợp hiếm gặp, các dấu hiệu của bệnh Parkinson có thể xuất hiện ở cả trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Dạng rối loạn này được gọi là bệnh Parkinson vị thành niên và thường có liên quan đến các hiện tượng đột biến gen cụ thể.
Sự khác biệt giữa bệnh Parkinson ở người trẻ và người lớn tuổi
Bệnh Parkinson ở người trẻ tuổi thường có những tiến triển rất khác so với bệnh Parkinson ở người lớn tuổi, tuy nhiên các triệu chứng của bệnh lại không có quá nhiều sự khác biệt. Dựa vào độ tuổi mà người bệnh thường mắc Parkinson mà từ trước đến nay, người ta vẫn luôn hiểu ngầm Parkinson như là một bệnh lý của người lớn tuổi. Do vậy, các biểu hiện xảy ra ở người trẻ tuổi hơn thường không được chú ý mấy, từ đó dẫn đến khả năng nhiều trường hợp người trẻ đang tiềm ẩn bệnh Parkinson nhưng lại không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán không chính xác trong một thời gian dài.
Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại, lý do là vì sự khác biệt lớn nhất giữa bệnh Parkinson ở người trẻ và người lớn tuổi chính là quá trình diễn tiến của bệnh. Mặc dù, các phương pháp điều trị bệnh Parkinson ở hai nhóm đối tượng này là giống nhau, nhưng đối với bệnh Parkinson khởi phát sớm ở người trẻ, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì tốc độ tiến triển của bệnh thường chậm hơn rất nhiều so với ở những người lớn tuổi.
Nguyên nhân một phần là do những người trẻ tuổi thường có ít các vấn đề liên quan đến sức khỏe nói chung. Bên cạnh đó, những bệnh nhân trẻ tuổi sẽ có khả năng đáp ứng tốt hơn với quá trình trị liệu bệnh Parkinson để khắc phục các triệu chứng.
Nguyên nhân gây bệnh Parkinson ở người trẻ
Hiện nay, Y học vẫn chưa xác định chính xác được nguyên nhân của bệnh Parkinson là gì. Tuy nhiên, theo nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy bệnh Parkinson có thể được gây ra bởi sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền với một số yếu tố khác từ bên ngoài khác chẳng hạn như chấn thương đầu, tiếp xúc với các chất độc hại… Đây có lẽ là lý do mà các nhà khoa học tin rằng bệnh Parkinson có tính di truyền và môi trường là một trong những yếu tố góp phần quan trọng cho việc phát triển bệnh này.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra rằng, di truyền có thể chiếm một vai trò rất lớn hơn trong bệnh Parkinson ở người trẻ tuổi. Một số đột biến nhất định, ví dụ như trong gen PRKN (PRKN gene), có thể làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh Parkinson ở độ tuổi trẻ hơn hoặc thậm chí là ở thanh thiếu niên, đặc biệt là các bệnh nhân có tiền sử gia đình đã từng có người mắc Parkinson.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Parkinson ở người trẻ
Các triệu chứng của bệnh Parkinson có thể là do sự thay đổi ở não bộ, do vậy dù ở bất kỳ độ tuổi nào thì người bệnh cũng đều có thể gặp phải một số dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh này. Các dấu hiệu có thể là các vấn đề ảnh hưởng đến vận động như:
- Người bệnh bị run tay, run cánh tay, run chân, thậm chí run cả hàm và mặt.
- Cơ thể bị cứng đờ và cử động chậm chạp (Bradykinesia - slowness of movement).
- Tư thế của người bệnh không được ổn định.
- Cơ thể bị co cứng cơ, co cơ các chi hoặc toàn thân.
- Người bệnh bị suy giảm khả năng giữ thăng bằng và phối hợp cơ thể, dẫn đến dễ bị té ngã.
Ngoài ra, một số biểu hiện khác không liên quan đến vận động cũng có thể là dấu hiệu của bệnh Parkinson. Cụ thể như sau:
- Người bệnh có sự thay đổi về tư duy hoặc suy nghĩ.
- Người bệnh thường cảm thấy bị phiền muộn.
- Người bệnh bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ.
- Người bệnh bị sa sút trí tuệ, bị suy giảm trí nhớ và lú lẫn.
- Người bệnh bị táo bón hoặc gặp các vấn đề về đường tiết niệu như đi tiểu không kiểm soát.
Mặc dù, các triệu chứng thông thường của bệnh Parkinson có thể giống nhau, tuy nhiên, sẽ có một vài sự khác biệt về khả năng xuất hiện ở các độ tuổi khác nhau. Ở những người trẻ tuổi, họ thường gặp nhiều biểu hiện liên quan đến rối loạn vận động hay cử động cơ thể không tự chủ hơn do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc Levodopa, đây là loại thuốc điều trị bệnh Parkinson được kê đơn phổ biến nhất. Bên cạnh đó, họ cũng có nhiều khả năng bị loạn trương lực cơ hơn, các đợt co cơ kéo dài dẫn đến chuột rút ở các chi hoặc có thể hình thành các tư thế bất thường như bị trẹo bàn chân.
Ngược lại, các triệu chứng khác của bệnh Parkinson như vấn đề liên quan đến nhận thức, mất trí nhớ, bị lú lẫn và rối loạn thăng bằng lại có xu hướng ít xảy với người trẻ mắc bệnh Parkinson hơn.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý là biểu hiện run tay ở người trẻ do bệnh Parkinson khởi phát sớm đôi khi có thể bị nhầm lẫn với các loại bệnh run tay khác ở người trẻ tuổi như bệnh run tay do nguyên nhân di truyền hay còn gọi là bệnh run vô căn, hoặc có thể là do có các vấn đề sức khỏe khác. Do vậy, các bạn cần thực hiện thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nhất trong trường hợp có các biểu hiện nghi ngờ bệnh Parkinson nhé.
Phân biệt bệnh Parkinson ở người trẻ với triệu chứng run tay chân
Bệnh Parkinson ở người trẻ tuổi có thể bị chẩn đoán nhầm với các triệu chứng run tay chân khác và thường gặp nhất là bệnh run vô căn. Dưới đây là một số đặc điểm cơ bản giúp phân biệt giữa run do Parkinson và run vô căn ở người trẻ tuổi. Mời các bạn tham khảo nhé!
Run do bệnh Parkinson |
Run vô căn |
Run chủ yếu khi nghỉ hoặc run tư thế, hiếm khi run động |
Run vô căn thường là run động, có thể quan sát thấy ngay lập tức, ít khi run khi nghỉ |
Khởi đầu là run không đối xứng, dấu hiệu đầu tiên là run lắc vẫy. Đa phần người bệnh bị run ở ngón tay trỏ và ngón cái, run giống như vo viên thuốc lào. Sau một thời gian tiến triển bệnh sẽ xuất hiện thêm nhiều triệu chứng khác như cứng khớp, di chuyển chậm chạp và rối loạn dáng đi |
Ngay từ đầu là run đối xứng, hai bên cơ thể. Run có thể xuất hiện đơn độc ở đầu và không kèm các dấu hiệu rối loạn trương lực cơ |
Ảnh hưởng đến tay nhiều hơn chân |
Ảnh hưởng chủ yếu lên tay và đầu |
Run tăng lên khi nghỉ ngơi, giảm khi hoạt động |
Run tăng lên khi hoạt động mạnh, giảm khi nghỉ ngơi |
Giọng nói, chữ viết nhỏ dần |
Giọng nói trở nên run nhưng không thường xuyên |
Triệu chứng run không thuyên giảm khi sử dụng rượu |
Khi dùng một chút rượu sẽ cải thiện tình trạng run |
Cách điều trị bệnh Parkinson ở người trẻ
Hiện nay, chưa thực sự có cách nào giúp chữa khỏi hoàn toàn bệnh Parkinson. Các phương pháp điều trị bệnh Parkinson hiện nay thường tập trung vào điều trị các triệu chứng và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh. Một số phương pháp điều trị bệnh Parkinson phổ biến nhất là:
Sử dụng thuốc điều trị nội khoa
Như đã đề cập ở trên, thuốc Levodopa là một trong những loại thuốc đầu tay được sử dụng để điều trị cho người bệnh Parkinson. Tuy nhiên, Levodopa thường chỉ có hiệu quả cao trong thời gian ngắn khoảng 3 đến 5 năm và có thể gây nhiều tác dụng phụ nên người bị Parkinson khi còn trẻ. Do vậy mà Levodopa thường không được ưu tiên sử dụng mà sẽ dùng một số loại thuốc kiểm soát bệnh thay thế như chất chủ vận Dopamin, thuốc ức chế men phân giải Dopamin, thuốc kháng Cholinergic và Amantadine, một số loại thuốc an thần, chống trầm cảm… để giúp cải thiện các rối loạn tâm lý ở người trẻ mắc bệnh Parkinson.
Sử dụng các phương pháp phẫu thuật
Đối với những người bị bệnh Parkinson nặng hoặc không đáp ứng với phương pháp điều trị bằng thuốc thì một số phương pháp phẫu thuật sẽ giúp giảm các triệu chứng của bệnh. Một số phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng như thực hiện như phẫu thuật kích thích não sâu, cấy ghép não bằng mô não của thai nhi, phẫu thuật bằng dao gamma (xạ phẫu bằng dao gamma)... Tuy nhiên, các phương pháp phẫu thuật này rất tốn kém nên không phải ai cũng có thể điều trị được. Ngoài ra, bệnh Parkinson ở người trẻ tuổi cũng chưa đến mức độ cần phải điều trị bằng phẫu thuật.
Hỗ trợ tâm lý người bệnh
Người trẻ tuổi mắc bệnh Parkinson thường sẽ cảm thấy áp lực và tự ti hơn do các rối loạn vận động khiến họ gặp khó khăn hoặc không thể làm việc hay chăm sóc gia đình, người thương của mình. Chính vì vậy, người thân của bệnh nhân cần dành nhiều để thời gian trò chuyện và chia sẻ với người bệnh.
Các triệu chứng của bệnh Parkinson ở người trẻ mặc dù ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và công việc của họ. Tuy nhiên, nếu bệnh được điều trị sớm và kịp thời có thể giúp cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển. Do vậy, người bệnh không cần suy nghĩ nhiều hay quá lo lắng, điều quan trọng nhất là cần thăm khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ nhé.
Cách làm chậm tiến triển của bệnh Parkinson ở người trẻ
Bệnh Parkinson ở người trẻ tuổi sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày cũng như các kế hoạch dài hạn của họ. Tuy nhiên, nếu bệnh Parkinson tiến triển càng chậm thì mức độ bị ảnh hưởng sẽ càng giảm thấp hơn. Người bệnh có thể áp dụng một số cách sau đây đây để làm chậm tiến triển của bệnh Parkinson nhé:
- Người bệnh cần đọc các thông tin liên quan để giúp bản thân mình, gia đình và những người xung quanh hiểu rõ hơn về bệnh Parkinson.
- Người bệnh cần phối hợp chặt chẽ và tuân thủ điều trị của các bác sĩ.
- Bệnh nhân cần thực hiện các hoạt động giúp giải tỏa căng thẳng như tham gia các hoạt động khiêu vũ, tập thể dục, trò chuyện với mọi người, học nhạc cụ...
- Người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn uống với nhiều trái cây tươi và rau củ để ngăn ngừa táo bón, đồng thời giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, từ đó giúp duy trì khả năng vận động của cơ thể.
- Người bệnh cũng cần cố gắng thích nghi với việc chung sống cùng bệnh Parkinson để có thể tiếp tục làm việc và tận hưởng cuộc sống một cách bình thường.
- Người bệnh có thể tìm sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý nếu bệnh Parkinson có thể tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần (mental health) của mình.
Bệnh Parkinson ở người trẻ tuổi có thể không quá nghiêm trọng do khả năng tiến triển của bệnh khá chậm và tỷ lệ sống thường lâu hơn so với những người lớn tuổi. Điều quan trọng là người bệnh cần hiểu rõ và nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh Parkinson để có thể kịp thời lựa chọn phương pháp điều trị sao cho phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
*Lưu ý: Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Hy vọng, những thông tin vừa rồi là hữu ích đối với bạn. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết!.
>>> Xem thêm:
- Bệnh nền là bệnh gì? Bệnh lý nền tiếng Anh là gì?
- Bệnh bạch hầu là gì? Cách phòng bệnh bạch hầu
- Tê bì chân tay là bệnh gì? Cách cải thiện bệnh tê bì chân tay
- Bệnh tiểu đường và những chỉ số bạn cần phải biết
- Bệnh K là gì? Tại sao ung thư gọi là K?
Nếu bạn có nhu cầu mua các sản phẩm y tế & sức khỏe thì bạn hãy truy cập website META.vn để đặt hàng online, hoặc bạn có thể liên hệ đặt mua trực tiếp các sản phẩm này tại:
Bạn đang xem: Bệnh Parkinson ở người trẻ: Dấu hiệu, cách phân biệt với các chứng run tay chân khác
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tại nhà
- Bị táo bón là gì? Triệu chứng và nguyên nhân gây táo bón
- Nhổ răng khôn bao nhiêu tiền? Nên nhổ răng khôn ở bệnh viện hay phòng khám?
- Nhổ răng khôn có đau không? Nhổ răng khôn mất bao lâu thì lành?
- Màng phim tránh thai VCF là gì? Cách sử dụng thế nào? Có an toàn không?
- Tư thế ngủ nào đúng, tốt cho sức khỏe?