Nhổ răng khôn có đau không? Nhổ răng khôn mất bao lâu thì lành?
Nhổ răng khôn có đau không là điều mà khá nhiều người thường thắc mắc và thường dẫn đến việc e dè, không dám đi nhổ răng khôn. Vậy thực tế thì sao? Bài viết dưới đây sẽ giải thích để bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!
Nhổ răng khôn có đau không? Nhổ răng khôn mất bao lâu thì lành?
Nhổ răng khôn có đau không?
Răng khôn (còn gọi là răng số 8, răng hàm lớn thứ ba) là răng mọc cuối cùng của hàm, thông thường mọc ở người trong độ tuổi 17 đến 25. Trong quá trình tiến hóa vài triệu năm, xương hàm của loài người dần được thu bé lại, phần lớn hàm của người chỉ đủ chỗ cho 28 chiếc răng, 14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới. Vì vậy, sự xuất hiện của những chiếc răng khôn đã gây ra khá nhiều tranh cãi về chức năng không rõ ràng của nó. Nhiều ý kiến cho rằng, răng khôn không gây ảnh hưởng gì đến cấu trúc hàm, nhưng trên thực tế, có nhiều trường hợp răng khôn mọc gây đau nhức, thậm chí biến dạng cấu trúc hàm, làm hàm răng bị lệch, hô, móm...
Chính vì vậy, hiện nay, khá nhiều người thường tìm đến các nha khoa để tiến hành nhổ bỏ những chiếc răng khôn. Nhiều bác sĩ nha khoa cũng khuyến khích mọi người nên làm điều này. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều người lo ngại việc nhổ răng khôn sẽ gây ra đau đớn bởi đây là một vị trí khá khó, quá trình thực hiện thao tác cũng phức tạp hơn so với những răng thông thường. Vậy, nhổ răng khôn có đau không?
Nhiều người thường lo lắng nhổ răng khôn sẽ gây đau đớn nhưng với công nghệ nha khoa hiện đại ngày nay, quá trình nhổ răng khôn đã trở nên nhanh chóng, dễ dàng và giảm thiểu được tối đa cảm giác ê buốt, đau đớn. Thông thường, trong quá trình nhổ răng khôn, các bác sĩ sẽ dùng thuốc gây tê cục bộ khiến người bệnh không cảm thấy đau đớn nhưng sau khi thuốc tê tan hết thì có thể sẽ gây ra sưng nhức tại vùng ổ răng. Tuy nhiên, theo nhiều người đã từng nhổ răng khôn thì tình trạng này sẽ rất nhanh hết nếu bạn tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc giảm đau của bác sĩ cũng như có chế độ ăn uống, chăm sóc hợp lý sau khi tiểu phẫu.
Nhổ răng khôn mất bao lâu thì lành?
Nhổ răng khôn là một tiểu phẫu phổ biến trong nha khoa, quá trình thực hiện sẽ sử dụng thuốc tê nên những cơn đau nhức thường bắt đầu xuất hiện một khi thuốc tê hết tác dụng, sau đó quá trình phục hồi tổn thương mới bắt đầu. Tùy vào cơ địa của từng người mà tốc độ hồi phục có thể nhanh hoặc chăm nhưng chung quy thường được chia thành các giai đoạn sau:
- 24 giờ đầu: Cục máu đông sẽ hình thành để cầm máu và bảo vệ vết thương.
- 2 - 3 ngày tiếp theo: Tình trạng sưng viêm ở miệng và má dần được cải thiện.
- Sau 7 ngày: Đến phòng khám để nha sĩ loại bỏ chỉ khâu nếu dùng chỉ thường.
- Từ 7 - 10 ngày tới: Tình trạng cứng hàm và đau sẽ không còn nhiều.
- Sau 2 tuần: Những vết bầm tím nhẹ trên mặt sẽ biến mất.
Nhìn chung, 2 tuần là thời gian trung bình để một ca nhổ răng khôn có thể lành vết nhổ. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu cục máu đông bị bong ra khỏi vết thương hoặc có hiện tượng nhiễm trùng xảy ra thì quá trình phục hồi sẽ kéo dài lâu hơn.
Những lưu ý sau khi nhổ răng khôn
Nhổ răng khôn chỉ là một tiểu phẫu nhưng nếu muốn đảm bảo vết thương phục hồi nhanh, không bị sưng, viêm, mưng mủ... thì sau khi nhổ răng, bạn nên lưu ý:
- Cắn chặt vào miếng gạc: Sau khi nhổ răng, nha sĩ thường sẽ đặt cho bạn một miếng gạc lên vết thương để cầm máu. Bạn hãy nhớ cắn chặt miếng gạc để tạo lực ép giúp máu ngừng chảy. Trong thời gian này, bạn nên hạn chế nói chuyện để miếng băng gạc không bị lỏng ra, làm chậm quá trình hình thành cục máu đông.
- Tránh va chạm với miệng vết thương: Không dùng lưỡi hoặc ngón tay, các vật dụng khác chạm vào miệng vết thương để tránh nhiễm trùng. Bạn cũng nên tránh xì mũi, hắt xì hoặc ho vì sẽ làm tăng áp lực có thể khiến vết thương chảy máu lại.
- Uống thuốc giảm đau: Chỉ nên sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng túi chườm lạnh: Chườm túi nước đá lên mặt, bên ngoài nơi răng bị nhổ sẽ giúp cầm máu nhanh hơn và giảm sưng nhờ làm co các mạch máu. Bạn nên chườm lạnh khoảng 10 - 20 phút, sau đó nghỉ 30 phút hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường bạn sẽ được khuyên nên chườm lạnh trong 24 tiếng đầu tiên sau khi nhổ răng. Sang ngày thứ 2 thì chuyển sang chườm ấm để máu lưu thông và giúp vết thương nhanh lành.
- Súc miệng bằng nước muối ấm: Bạn có thể pha nước muối ấm hoặc sử dụng dung dịch Natri Clorid 0,9% bán sẵn để súc miệng vào sáng hôm sau ngày nhổ răng nhưng cần súc miệng thật chậm và nhẹ nhàng, tránh mút chít sẽ tạo áp lực lên vết thương. Những ngày tiếp theo bạn nên súc miệng khoảng 4 - 5 lần/ngày sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Sau khi nhổ răng khôn bạn sẽ mất một lượng không nhỏ máu, việc nghỉ ngơi đầy đủ, khoa học sẽ giúp huyết áp ổn định, tạo điều kiện cho máu đông và chữa lành lợi nhanh. Bạn cũng không nên tham gia bất cứ hoạt động thể chất nào ít nhất trong 24 tiếng sau khi nhổ răng và nên gối cao đầu hơn một chút khi nằm để đảm bảo máu hoặc nước bọt không gây sặc.
- Đánh răng nhẹ nhàng: 24 giờ sau khi nhổ răng, bạn mới được đánh răng. Khi chải, bạn nên nhẹ nhàng chải răng và lưỡi, tránh đưa bàn chải đến gần vị trí chiếc răng bị nhổ, có thể duy trì việc dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng như thường lệ, nhưng tránh dùng chỉ nha khoa gần vị trí nhổ răng.
- Chú ý chế độ ăn: Sau khi nhổ răng khôn, bạn cần thay đổi một chút chế độ ăn của mình: Nên tránh những thức ăn cứng, giòn hoặc nóng; tránh dùng ống hút vì có thể làm bật cục máu đông ra khỏi lợi, nên ăn thức ăn nguội tránh thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Các loại kem, sinh tố, bánh pudding, thạch, sữa chua và súp... là những thức ăn phù hợp cho người mới nhổ răng khôn. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh thức ăn cay, dính, thức uống nóng, các sản phẩm có chứa caffeine, cồn, nước ngọt, tránh hút thuốc lá/ rượu bia trong ít nhất 24 tiếng sau khi nhổ răng.
Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn sẽ không còn phải băn khoăn nhổ răng khôn có đau không nữa.
Bạn đang xem: Nhổ răng khôn có đau không? Nhổ răng khôn mất bao lâu thì lành?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Hít dầu gió nhiều có tốt không? Dầu gió có tác dụng gì?
- Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tại nhà
- Bị táo bón là gì? Triệu chứng và nguyên nhân gây táo bón
- Nhổ răng khôn bao nhiêu tiền? Nên nhổ răng khôn ở bệnh viện hay phòng khám?
- Bệnh Parkinson ở người trẻ: Dấu hiệu, cách phân biệt với các chứng run tay chân khác
- Chăm sóc bệnh nhân Parkinson cần chú ý những gì?