Thủ tục làm hộ chiếu (Passport) phổ thông từ A - Z mới nhất năm 2021
Hộ chiếu là giấy tờ tùy thân dùng để xuất nhập cảnh tại Việt Nam và các quốc gia khác. Nếu bạn chưa có hộ chiếu, hãy tham khảo thủ tục làm hộ chiếu phổ thông mới nhất trong bài viết sau đây nhé!
Xem nhanh
1Hồ sơ cấp hộ chiếu
Dưới đây là thông tin về hồ sơ cấp hộ chiếu dành cho các trường hợp cụ thể.
Bạn tải về tại đây: Mẫu X01 và Mẫu X08.
Làm hộ chiếu phổ thông mới, cấp lại hộ chiếu hết hạn
- 01 Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo Mẫu X01;
- 02 ảnh cỡ 4x6, nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu;
- Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Thẻ căn cước công dân còn giá trị (xuất trình khi nộp hồ sơ để cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra, đối chiếu);
- Sổ hộ khẩu (nếu nộp hồ sơ tại nơi thường trú) hoặc Sổ tạm trú (nếu nộp hồ sơ tại nơi tạm trú).
Đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì khi tiến hành thủ tục làm hộ chiếu có một số lưu ý sau:
- Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu phải do cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật khai, ký tên và được Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú hoặc tạm trú xác nhận, đóng dấu giáp lai ảnh.
- Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
Lưu ý: Từ ngày 01/07/2020, người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn làm hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử.
Cấp lại hộ chiếu do bị hư hỏng, bị mất
- 01 Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo Mẫu X01;
- 02 ảnh cỡ 4x6, nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu;
- Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Thẻ căn cước công dân còn giá trị (xuất trình khi nộp hồ sơ để cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra, đối chiếu);
- Trường hợp hộ chiếu bị hư hỏng: Nộp lại hộ chiếu cho cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh;
- Trường hợp hộ chiếu bị mất: Nộp kèm đơn báo mất (mẫu X08) hoặc đơn trình bày về việc bị mất hộ chiếu.
Từ ngày 01/07/2020, công dân nộp kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn báo mất của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hoặc cơ quan đại diện Việt Nam nơi thuận lợi (điểm b khoản 2 Điều 15, khoản 2 Điều 28 Luật số 49/2019/QH14).
Cấp lại hộ chiếu sắp hết hạn/hết trang
- 01 Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo Mẫu X01;
- 02 ảnh cỡ 4x6, nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu;
- CMND hoặc Thẻ căn cước công dân còn giá trị (xuất trình khi nộp hồ sơ để cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra, đối chiếu);
- Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất.
Cấp hộ chiếu cho trẻ em
- Cấp riêng hộ chiếu phổ thông cho trẻ em dưới 14 tuổi
- 01 Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo Mẫu X01;
- 02 ảnh cỡ 4x6, nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu;
- Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh;
- Sổ hộ khẩu (nếu nộp hồ sơ tại nơi thường trú) hoặc Sổ tạm trú (nếu nộp hồ sơ tại nơi tạm trú).
Lưu ý: Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu phải do cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật khai, ký tên và được Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú hoặc tạm trú xác nhận, đóng dấu giáp lai ảnh.
- Cấp chung hộ chiếu với cha, mẹ (trẻ dưới 9 tuổi)
Lưu ý, công dân nộp kèm theo hồ sơ hộ chiếu của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ còn thời hạn ít nhất 01 năm.
- 01 Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo Mẫu X01;
- 02 ảnh của trẻ em, cỡ 3x4; 02 ảnh của cha hoặc mẹ, cỡ 4x6, nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu;
- 01 bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi;
- CMND hoặc Thẻ căn cước công dân của cha, mẹ còn giá trị (xuất trình khi nộp hồ sơ để cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra, đối chiếu);
- Sổ hộ khẩu (nếu nộp hồ sơ tại nơi thường trú) hoặc Sổ tạm trú (nếu nộp hồ sơ tại nơi tạm trú).
Sửa đổi, bổ sung thông tin trong hộ chiếu
- 01 Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo Mẫu X01;
- Hộ chiếu phổ thông còn giá trị ít nhất 01 năm;
- CMND hoặc Thẻ căn cước công dân còn giá trị (xuất trình khi nộp hồ sơ để cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra, đối chiếu);
- Trường hợp thay đổi thông tin về nhân thân (điều chỉnh họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; giới tính; số CMND hoặc Thẻ căn cước công dân) thì nộp kèm giấy tờ pháp lý chứng minh sự điều chỉnh đó
Từ ngày 01/07/2020, công dân nộp kèm bản chụp CMND hoặc Thẻ Căn cước công dân.
- Trường hợp đề nghị sửa đổi, bổ sung hộ chiếu cho trẻ em dưới 14 tuổi thì tờ khai do cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ khai và ký thay, được Trưởng Công an phường, xã, thị trấn nơi trẻ em đó thường trú hoặc tạm trú xác nhận, đóng dấu giáp lai ảnh, kèm theo.
- Trường hợp đề nghị bổ sung trẻ em dưới 9 tuổi vào hộ chiếu của cha hoặc mẹ thì kèm theo hộ chiếu của cha hoặc mẹ.
Cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn
Cấp cho người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu phổ thông, có nguyện vọng về nước ngay
- 01 Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo Mẫu X01;
- 02 ảnh cỡ 4x6, nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu;
- CMND hoặc Thẻ căn cước công dân còn giá trị (xuất trình khi nộp hồ sơ để cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra, đối chiếu).
Người có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu
- Quyết định trục xuất;
- 02 ảnh cỡ 4x6, nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu.
2Trình tự cấp hộ chiếu
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Công dân khai tờ khai bản giấy hoặc nộp tờ khai trực tuyến.
Bước 3: Công dân nộp hồ sơ tại trụ sở làm việc của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Cán bộ quản lý xuất nhập cảnh sẽ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp và yêu cầu nộp lệ phí cho cán bộ thu lệ phí. Cán bộ thu lệ phí nhận tiền, viết biên lai thu tiền và giao giấy biên nhận cùng biên lai thu tiền cho người nộp hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ thiếu, hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người đến nộp hồ sơ làm lại cho kịp thời.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần (trừ ngày Tết, ngày lễ và chủ nhật).
Bước 4: Nhận hộ chiếu tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh.
Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trực tiếp nhận kết quả tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an. Khi đến nhận kết quả mang theo giấy hẹn trả kết quả, biên lai thu tiền và xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để kiểm tra, đối chiếu.
Thời gian trả hộ chiếu: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày Tết, ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật).
Ngoài ra, bạn có thể đăng ký nhận kết quả thông qua đường bưu điện. Sau khi có giấy biên nhận cùng biên lai thu tiền, bạn liên hệ doanh nghiệp bưu chính tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, làm theo hướng dẫn và nộp lệ phí.
3Nộp hồ sơ cấp hộ chiếu ở đâu?
Người đề nghị cấp hộ chiếu thực hiện tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Trường hợp có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi.
Những trường hợp sau đây có thể đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh (44-46 Trần Phú, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Tp. Hà Nội hoặc 333-335-337 Nguyễn Trãi, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh):
- Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám, chữa bệnh;
- Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;
- Có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
- Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.
4Có thể cấp hộ chiếu online không?
Hiện tại bạn chỉ có thể khai và nộp Tờ khai điện tử online. Bạn vẫn phải đến cơ quản quản lý xuất nhập cảnh để cán bộ tiếp nhận, xác nhận hồ sơ và đóng phí cấp hộ chiếu.
Trình tự thực hiện khai tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu gồm có:
Bước 1: Nhập đầy đủ thông tin tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu tại đây.
Bước 2: In tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu (tại nhà hoặc tại nơi nộp hồ sơ).
Bước 3: Kiểm tra, chỉnh sửa thông tin đã khai (nếu có nhu cầu) tại đây.
Bước 4: Đặt lịch hẹn nộp hồ sơ (nếu có nhu cầu).
Bước 5: Đến nộp hồ sơ tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh.
Bạn có thể truy cập Trang chủ Tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu và sử dụng các tính năng xem Thủ tục và tra cứu Tình trạng kết quả hộ chiếu.
5Thời hạn giải quyết hồ sơ cấp passport
Thời hạn giải quyết hồ sơ này sẽ tùy thuộc vào địa điểm bạn làm hộ chiếu và hình thức (cấp mới, cấp lại), cụ thể:
Cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu (cấp mới)
- Không quá 8 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
- Không quá 3 ngày làm việc đối với các trường hợp đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
Cấp hộ chiếu phổ thông từ lần thứ hai (cấp lại)
- Không quá 8 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
- Không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
6Phí cấp hộ chiếu là bao nhiêu?
Theo Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 219/2016/TT-BTC, lệ phí cấp hộ chiếu được quy định như sau:
Cấp mới | 200.000 đồng/lần cấp |
Cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất | 400.000 đồng/lần cấp |
Gia hạn hộ chiếu | 100.000 đồng/lần cấp |
Cấp giấy xác nhận yếu tố nhân sự | 100.000 đồng/lần cấp |
7Một số câu hỏi thường gặp về thủ tục cấp hộ chiếu
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về thủ tục cấp hộ chiếu:
Có bao nhiêu loại hộ chiếu tại Việt Nam?
Hiện nay, Việt Nam sử dụng 3 loại hộ chiếu (passport): Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông. Mỗi loại hộ chiếu có điều kiện cấp, thời hạn sử dụng khác nhau.
Hộ chiếu có thời hạn bao lâu?
Thời hạn sử dụng của hộ chiếu theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 136/2007/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định 65/2012/NĐ-CP và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14:
- Hộ chiếu cấp cho Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên: Có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;
- Hộ chiếu được cấp riêng cho trẻ em dưới 14 tuổi: Có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;
- Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn;
- Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm
Tôi có thể nộp hồ sơ tại phòng quản lý xuất nhập cảnh tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Đà Nẵng ở đâu?
- Tại Hà Nội: 44 Phạm Ngọc Thạch, Phương Liên, Đống Đa, Thành phố Hà Nội
- Tại TP. HCM: 196 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
- Tại Đà Nẵng: 78 Lê Lợi, Phường Thạch Thang, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng
Dưới đây là mẫu X01 và X08 để bạn tiện tham khảo:
Trên đây là bài viết chia sẻ cho bạn về các thủ tục làm hộ chiếu. Hy vọng bài viết mang đến cho bạn những thông tin hữu ích.
Bạn đang xem: Thủ tục làm hộ chiếu (Passport) phổ thông từ A - Z mới nhất năm 2021
Chuyên mục: Tra cứu thông tin
Các bài liên quan
- Thủ tục cấp lại sổ hộ khẩu khi bị rách, mất, hỏng mới nhất 2021
- Đi du lịch Thái Lan cần chuẩn bị gì? Những lưu ý khi đi du lịch Thái Lan
- Các thủ tục làm hộ chiếu cho trẻ em mới nhất cha mẹ nên biết
- Top 20 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, cập nhật năm 2021
- Danh sách các nước miễn visa cho Việt Nam cập nhật năm 2021
- Cách xin visa Trung Quốc du lịch, đi học và các thủ tục cần thiết chi tiết nhất