Cách xử lý kịp thời khi bị côn trùng bay vào mắt tránh sưng, viêm

Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc bị dị vật bay vào mắt, đặc biệt là các loại côn trùng. Đây tưởng như chỉ là một tai nạn nhỏ nhưng nếu không biết xử lý đúng cách thì rất có thể sẽ dẫn đến tổn thương nghiêm trọng. Nhẹ thì bạn có thể chỉ bị sưng, viêm, mờ mắt nhưng một số trường hợp nặng có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Vậy khi bị côn trùng bay vào mắt cần xử lý thế nào cho an toàn? Hãy cùng META tìm hiểu nhé! 

Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc bị dị vật bay vào mắt, đặc biệt là các loại côn trùng. Đây tưởng như chỉ là một tai nạn nhỏ nhưng nếu bạn không biết xử lý đúng cách thì rất có thể sẽ dẫn đến tổn thương nghiêm trọng. Nhẹ thì bạn có thể chỉ bị sưng, viêm, mờ mắt nhưng một số trường hợp nặng có thể gây mù lòa vĩnh viễn.

Khi nào thì bạn dễ bị côn trùng bay vào mắt?

Bị côn trùng bay vào mắt là một tai nạn không quá hiếm gặp trong cuộc sống. Khi bạn tham gia giao thông, đặc biệt là vào mùa hè, mùa mưa - mùa côn trùng sinh sôi và hoành hành nhiều nhất - nếu như không đeo kính mắt hoặc đội mũ bảo hiểm có kính thì việc bị côn trùng bay ngược chiều vô tình va vào mắt là rất bình thường. 

Với vận tốc đi xe máy từ 40 - 60km/h, cộng với vận tốc bay của côn trùng thì không khó để chúng biến thành những "viên đạn" tấn công vào mắt bạn với sức va chạm khủng khiếp. Các loại côn trùng cũng có thể tiết ra độc tố làm bỏng giác mạc hoặc những chiếc lông tơ của chúng có thể xuyên qua giác mạc vào trong nhãn cầu.

Côn trùng bay vào mắt là một tai nạn rất thường hay gặp phải

Một tình huống khác đơn giản hơn là ngay trong sinh hoạt hằng ngày tại nhà, bạn cũng có thể vô tình bị côn trùng, ruồi, muỗi... bay vào mắt do các tác động từ môi trường khiến chúng mất phương hướng, không phát hiện ra sự xuất hiện của bạn. Điều này cũng có thể khiến các dị vật xâm nhập vào trong khiến mắt bị kích thích, gây viêm nhiễm, chảy nước mắt, nhìn mờ.

Dù trong tình huống nào, hậu quả của việc bị côn trùng bay vào mắt cũng rất nghiêm trọng, gây kích thích kéo dài, mắt đỏ, chảy nước mắt và giảm thị lực nếu không được xử lý kịp thời hoặc xử lý nhưng sai cách.

Những sai lầm nghiêm trọng khi xử lý côn trùng bay vào mắt

Như trên đã nói, khi bị côn trùng bay vào mắt, dù bạn sơ cứu kịp thời nhưng không đúng cách thì vẫn có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng và có thể bị ảnh hưởng lớn đến thị lực. Những sai lầm mà bạn có thể vô tình mắc phải khi xử lý côn trùng bay vào mắt thường là:

  • Dụi mắt: Khi bị dị vật bay vào mắt, rất nhiều người thường có thói quen đưa tay ngay lên dụi mắt nhằm đẩy các dị vật về phía đầu hoặc đuôi mắt để dễ gắp ra. Tuy nhiên, đây là một hành vi rất nguy hiểm và có thể khiến dị vật bị cọ xát mạnh với mắt làm rách giác mạc. Đặc biệt, trong tình trạng bị côn trùng bay vào mắt, việc dụi mắt có thể khiến côn trùng bị dập nát trong mắt và tiết nhiều độc tố hơn, thậm chí lông của côn trùng có thể xuyên sâu rất khó lấy ra và gây viêm nhiễm, suy giảm thị lực. Có những trường hợp độc tố của côn trùng (như nọc kiến ba khoang hay phấn bướm) tiết ra khiến bệnh nhân bị bỏng giác mạc, mắt phù nề, thậm chí mù lòa.

Nhiều người khi bị côn trùng bay vào mắt thường dụi mắt nhưng đó là một sai lầm rất lớn

  • Thổi vào mắt: Nhờ người khác thổi khi bị côn trùng bay vào mắt cũng là một thói quen không tốt mà rất nhiều người đang mắc phải. Trong nước bọt của người thổi thường có chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại, có thể xâm nhập qua đường thổi và gây viêm nhiễm cho mắt. Thậm chí, thổi vào mắt có thể làm lông của côn trùng xuyên sâu hơn gây chảy nước mắt, viêm nhiễm, suy giảm thị lực. 
  • Tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt: Một sai lầm khác khi xử lý côn trùng bay vào mắt đó là việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt chưa có chỉ định của bác sĩ, ví dụ như các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, đặc biệt là corticoid. Nhỏ thuốc không theo chỉ định có thể làm dịu mắt ở thời điểm sử dụng nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và thị lực sau này.

Nhiều người khi rơi vào tình huống này cũng thường sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh mà chưa tham khảo bác sĩ

  • Tự ý chữa bằng cách dân gian: Nhiều người khi bị sưng, viêm do xử lý côn trùng bay vào mắt không đúng cách thì thường chữa bằng cách đắp các loại thuốc, lá theo kinh nghiệm dân gian nhưng theo các bác sĩ thì đây là hành động nguy hiểm, thường làm vấn đề trở nên nặng nề và phức tạp hơn. 

Vậy làm thế nào để xử lý côn trùng bay vào mắt đúng cách và đảm bảo an toàn?

Làm thế nào khi bị côn trùng bay vào mắt là đúng và an toàn nhất?

Trước hết, khi bị côn trùng bay vào mắt, bạn cần phải thật bình tĩnh để xử lý chính xác sự cố. Nếu đang đi đường, bạn nên từ từ dừng xe lại bên lề đường, nhẹ nhàng chớp mắt liên tục để loại bỏ những dị vật kích thước nhỏ, tuyệt đối không được dụi mắt. Nếu có nước sạch, nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt có thành phần natri clorid 0,9% thì bạn có thể nhỏ với lượng nhiều rồi chớp mắt thật nhanh để các dị vật nhỏ trong mắt trôi ra một cách tự nhiên. 

Phản xạ chớp mắt chính là cách tốt để làm sạch mắt, kết hợp với nước muối sinh lý để nhỏ mắt giúp quá trình đẩy côn trùng ra ngoài được nhanh chóng. Nếu bị chảy nước mắt, nên để nước mắt chảy ra ngoài để loại bỏ sạch côn trùng trong mắt một cách tự nhiên.

Khi bị côn trùng bay vào mắt, bạn nên chớp mắt thật nhanh và nhiều lần để dị vật bị đẩy ra

Nếu đang ở nhà, cách xử trí đúng là cần nhúng mắt vào một cốc nước sạch và nháy mắt liên tục để côn trùng trôi ra ngoài. Nếu cảm thấy côn trùng hay một phần của côn trùng còn trong mắt khiến mắt cộm, ngứa, đỏ, chảy nước mắt, đau nhức mắt thì cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa mắt để các bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời.

Trong trường hợp dị vật bị kẹt lại ở mí mắt, bạn có thể rửa tay thật sạch rồi dùng tay kéo mí mắt để đẩy dị vật ra. Thao tác này được thực hiện cụ thể là kéo mí mắt rồi lại chớp mắt vài lần nữa, nó sẽ giúp lấy các dị vật nhỏ ra khỏi mí mắt, nên lặp lại quá trình này nhiều lần nếu chưa lấy được dị vật.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng khăn ẩm hoặc gạc để loại bỏ dị vật một cách an toàn nhất. Đầu tiên, bạn làm ẩm một miếng gạc, hoặc miếng vải nhỏ bằng cotton với nước sạch, sau đó nhẹ nhàng chấm lên mắt để lấy côn trùng mắc kẹt trong mắt. Lưu ý, không nên chà hoặc tạo quá nhiều lực lên giác mô của mắt, vì đây là khu vực rất nhạy cảm, có thể bị đau nếu chạm vào.

Nếu đã thử nhiều cách nhưng tình trạng không đỡ thì tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ nhé

Nếu đã thử xử lý bằng tất cả những cách như trên nhưng mắt vẫn cộm, khó chịu, dị vật chưa ra, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tra nhỏ mắt khi không có chỉ định của bác sĩ.

>>> Tham khảo thêm: Bị kiến, côn trùng chui vào tai phải làm gì?

Cách đề phòng côn trùng bay vào mắt

Đội mũ bảo hiểm có kính là cách giúp bạn không bị côn trùng bay vào mắt

Bên cạnh việc nắm rõ các biện pháp xử lý khi bị côn trùng bay vào mắt, bạn cũng hoàn toàn có thể đề phòng tai nạn này bằng một số biện pháp dưới đây:

  • Đội mũ bảo hiểm có kính hoặc đeo kính mát khi đi đường. 
  • Đeo kính chuyên dụng khi đi đường ban đêm giúp chống lóa mắt. 
  • Sử dụng các dụng cụ diệt muỗi, côn trùng trong nhà như: Đèn bắt muỗi, côn trùng, vợt muỗi, đèn xông tinh dầu... 

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết cách xử lý kịp thời khi bị côn trùng bay vào mắt giúp tránh bị sưng, viêm hoặc tổn thương.

Bạn đang xem: Cách xử lý kịp thời khi bị côn trùng bay vào mắt tránh sưng, viêm

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết