Tên gọi khác của Dinh Độc Lập là gì? Dinh Độc Lập ở đâu?
Dinh Độc Lập là một di tích gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam chúng ta. Trong bài viết hôm nay, META.vn sẽ cùng bạn tìm hiểu Dinh Độc Lập ở đâu, tên gọi khác của Dinh Độc Lập là gì cũng như những hình ảnh đẹp về Dinh Độc Lập. Đừng bỏ lỡ nhé!
Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập ở đâu? Được xây dựng vào năm nào?
Dinh Độc Lập là một tòa nhà, một công trình kiến trúc có địa chỉ tại 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây từng là chỗ ở và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Hiện tại, Dinh Độc Lập được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, một di tích chứng kiến bao sự kiện lịch sử của đất nước, đặc biệt là sự kiện Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ vào ngày 30/4/1975
Dinh Độc Lập được bắt đầu xây dựng vào thời Pháp thuộc, cụ thể là năm 1868: Ngày 23/2/1868, Thống đống Nam Kỳ Lagrandière đã làm lễ khởi công xây dựng Dinh Thống đốc Nam Kỳ tại Sài Gòn. Dinh này được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Hermite - người phác thảo đồ án Tòa thị sảnh Hồng Kông. Công trình có tổng diện tích rộng là 12ha, gồm 1 dinh thự lớn có mặt tiền rộng 80m với phòng khách bên trong chứa được khoảng 800 người, và 1 khuôn viên rộng có nhiều cây xanh, thảm cỏ. Hầu hết vật tư xây dựng Dinh Độc Lập được chở từ Pháp sang. Mãi đến năm 1871, Dinh Độc Lập mới được hoàn thành do chiến tranh Pháp - Phổ 1870.
Tên gọi khác của Dinh Độc Lập là gì?
Dinh Độc Lập được gọi với nhiều cái tên khác nhau như Dinh Norodom, Dinh Thống đốc Nam Kỳ, Dinh Toàn Quyền, Phủ Đầu Rồng, Hội trường Thống Nhất, Dinh Thống Nhất. Dưới đây là một số dấu mốc gắn liền với việc đổi tên gọi của Dinh Độc Lập.
- Sau khi xây dựng xong vào năm 1871, nó được đặt tên là Dinh Norodom (đặt theo tên của Quốc vương Campuchia lúc bấy giờ là Norodom).
- Từ 1871 - 1887, Dinh được dành cho Thống đốc Nam Kỳ nên có tên gọi là Dinh Thống đốc Nam Kỳ.
- Từ 1887 - 1945, các Toàn quyền Đông Dương, các cơ quan thuộc Phủ Toàn Quyền đặc trách ở Nam Kỳ đã sử dụng Dinh thự này để ở và làm việc nên Dinh được gọi là Dinh Toàn Quyền.
- Vào khoảng năm 1955, Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ là Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đã quyết định đổi tên Dinh thành Dinh Độc Lập. Từ đó, Dinh Độc Lập trở thành biểu tượng của chính quyền. Ngoài ra, nó cũng là nơi ở, làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa nên còn được gọi là Dinh Tổng thống. Dựa trên niềm tin về phong thủy, nhiều người cho rằng Dinh Độc Lập nằm ở vị trí đầu của một con rồng. Đó là lý do tại sao người ta gọi Dinh Độc Lập là Phủ Đầu Rồng.
- Về tên gọi Hội trường Thống Nhất và Dinh Thống Nhất: Tên chính thức của Dinh thự cho đến ngày nay vẫn là Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, một số người lại gọi nhầm giữa Dinh Độc Lập với Hội trường Thống Nhất và Dinh Thống Nhất. Trên thực tế, Hội trường Thống Nhất là tên của cơ quan quản lý Dinh Độc Lập được thành lập vào ngày 14/6/2013 theo Quyết định số 709/QĐ-VPCP của Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam. Còn tên gọi Dinh Thống Nhất là sự nhầm lẫn giữa Dinh Độc Lập và Hội trường Thống Nhất vì người ta cho rằng Dinh Độc Lập đã được đổi tên thành Dinh Thống Nhất sau năm 1975.
Hình ảnh Dinh Độc Lập ngày nay
Đôi nét về kiến trúc, thiết kế của Dinh Độc Lập
Vào năm 1962, một vụ đánh bom đã làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của Dinh Độc Lập. Vì không thể khôi phục lại, Ngô Đình Diệm đã quyết định san bằng và cho xây dựng lại Dinh thự ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người Việt đầu tiên đạt giải Khôi Nguyên La Mã.
Dinh Độc Lập mới theo bản thiết kế này cao 26m, nằm trong khuôn viên 12ha, có diện tích khoảng 4500m2, diện tích sử dụng khoảng 20000m2 với 3 tầng chính, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm, 1 sân thượng cho máy bay trực thăng. Toàn bộ Dinh có khoảng hơn 100 căn phòng được trang trí theo nhiều phong cách khác nhau để phù hợp với từng mục đích sử dụng, ví dụ như phòng khánh tiết, phòng họp hội đồng nội các, phòng làm việc của Tổng thống và Phó Tổng thống, phòng đại yến… Các phòng của Dinh trưng bày nhiều tác phẩm non sông cẩm tú, tranh sơn dầu, tranh sơn mài.
Ngoài ra, Dinh thự còn có hồ sen bán nguyệt hai bên thềm đi vào chánh điện, hành lang, bao lơn… Bên ngoài hàng rào phía trước, phía sau Dinh Độc Lập là 2 công viên cây xanh. Hệ thống phụ trợ bên trong Dinh vô cùng hiện đại với điều hòa không khí, phòng chống cháy, thông tin liên lạc, nhà kho. Tầng hầm của Dinh có thể chịu được pháo và bom lớn. Mặt tiền của Dinh được trang trí cách điệu đẹp mắt theo phong cách các bức mành của ngôi nhà và họa tiết các ngôi chùa cổ của Việt nam. Ở thời điểm đó, Dinh Độc Lập chính là công trình có quy mô lớn nhất miền Nam với chi phí xây dựng lên đến 150.000 lượng vàng.
Mời bạn cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh về Dinh Độc Lập dưới đây để có thể phần nào cảm nhận được vẻ đẹp thiết kế, kiến trúc của công trình này nhé:
Dinh Norodom thời Pháp thuộc
Toàn cảnh Dinh Độc Lập ngày nay
Bia kỷ niệm ngày khánh thành Dinh Độc Lập được xây dựng lại vào năm 1962
Khuôn viên Dinh Độc Lập nhìn từ tầng 4 xuống
Phòng nội các
Phòng đại yến
Phòng tiếp khách của Tổng thống
Phòng trình quốc thư
Phòng tiếp khách của Phó Tổng thống
Phòng giải trí
Phòng chiếu phim
Bức tranh chị em Thúy Kiều treo ở lầu 3
Vị trí hai quả bom mà phi công Nguyễn Thành Trung ném phát nổ và chiếc UH-1 của Nguyễn Văn Thiệu
Một phiên bản đồng dạng đồng thời với xe tăng 843
Những điều cần biết khi tham quan Dinh Độc Lập
Nếu trong kỳ nghỉ lễ này bạn có ý định tham quan Dinh Độc Lập thì những thông tin dưới đây sẽ rất hữu ích đấy:
- Phương tiện đến Dinh Độc Lập: Dinh Độc Lập nằm ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh nên việc di chuyển đến đây vô cùng thuận tiện. Bạn có thể đến Dinh Độc Lập bằng xe bus, taxi, ô tô, xe máy. Trong trường hợp đi xe bus, bạn có thể chọn các tuyến 001, 002, 03, 04, 05.
- Giờ mở cửa Dinh Độc Lập: Dinh Độc Lập mở cửa vào các ngày trong tuần, buổi sáng từ 7h30 – 11h00, buổi chiều từ 13h00 – 16h00.
- Giá vé vào Dinh Độc Lập: Vé vào Dinh Độc Lập có giá là 40 nghìn đồng với người lớn, 20 nghìn đồng với sinh viên, 10 nghìn đồng với học sinh từ 6 – 17 tuổi. Nếu khách tham quan đi theo đoàn 20 người thì sẽ được giảm 1/3 giá vé.
Hy vọng, qua bài viết này, bạn sẽ có thêm hiểu biết về Dinh Độc Lập như Dinh Độc Lập ở đâu, tên gọi khác của Dinh Độc Lập là gì, đặc điểm kiến trúc của Dinh ra sao… Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết!
Bạn đang xem: Tên gọi khác của Dinh Độc Lập là gì? Dinh Độc Lập ở đâu?
Chuyên mục: Tra cứu thông tin
Các bài liên quan
- Lịch bốc thăm vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là ngày nào?
- Sinh năm 2000 mệnh gì, tuổi con gì, hợp màu gì?
- Điểm ưu tiên là gì? Có được cộng vào điểm đại học 2021 không?
- Sinh năm 2001 mệnh gì, là tuổi con gì, hợp màu gì?
- Rau dền có tác dụng gì? Bà bầu ăn rau dền được không?
- Sinh năm 1999 mệnh gì, tuổi con gì, hợp màu gì?