Top 10 truyện cười dân gian châm biếm vui nhộn hay nhất

Dân gian Việt Nam ta có vô số truyện cười thú vị, không chỉ giúp giải trí mà còn phê phán nhiều thói hư tật xấu, mang lại những bài học ý nghĩa cho người đọc. Mời bạn tham khảo bài viết này để cùng xem qua 10 truyện cười dân gian châm biếm hay nhất nhé!

Dân gian Việt Nam ta có vô số truyện cười thú vị, không chỉ giúp giải trí mà còn phê phán nhiều thói hư tật xấu, mang lại những bài học ý nghĩa cho người đọc. Mời bạn tham khảo bài viết này để cùng xem qua 10 truyện cười dân gian châm biếm hay nhất nhé!

1Ngạo mạn

Có người thư sinh nọ quen thói ba hoa khoác lác, từng nói với bạn mình rằng:

"Từ cổ chí kim, thánh nhân chính là những người khó tìm nhất. Năm xưa kể từ lúc Bàn Cổ vương khai thiên lập địa, vạn vật sống trên đời không ai có thể so với ngài. Cho nên ngài được tính là người thứ nhất".

Nói xong câu này, thư sinh giơ lên 1 ngón tay để xác nhận.

"Sau đó là tới Khổng Tử, người am hiểu thi thư lễ nhạc, được mệnh danh là thầy của vạn nhà, không ai dám bất kính. Ngài được tính là người thứ hai." – thư sinh lại giơ thêm một ngón tay, tỏ ý đang đếm.

Thư sinh nói tiếp:

"Từ sau hai người này, không còn có ai đủ khiến tôi cảm thấy nể phục…".

Thế nhưng chỉ sau vài giây chần chừ, người này lại hớn hở quay sang khẳng định với bạn mình:

"Anh thấy tôi nói có đúng không? Bậc thánh nhân trên đời quả nhiên rất ít, tính cả tôi mới có đúng 3 người".

(Nguồn: Sưu tầm)

Bài học rút ra: Ngạo mạn là một thói xấu khiến cho bạn trở thành kẻ ngốc hợm hĩnh trong mắt của người khác và sẽ không được mọi người yêu quý, vì vậy đừng nên quá ngạo mạn, ba hoa về bản thân.

Ngạo mạn

2 Câu chuyện chủ tịch huyện

Một vị chủ tịch huyện bị cách chức, vì quá uất hận mà ngã bệnh, chỉ có thể nằm bẹp trên giường.

Bác sĩ khuyên: "Thử đọc Thông báo khôi phục chức vụ cho ông ấy xem, biết đâu lại có tiến triển.”

Người vợ nghe thế thì nghĩ bụng: “Đã đọc thì đọc hẳn Thông báo thăng chức lên chủ tịch tỉnh cho ông ấy sướng một thể.”

Ai dè người chồng nghe xong thì cười ha hả bật dậy, khoẻ mạnh như xưa. Bác sĩ thở dài: “Sao lại không nghe lời tôi dặn, tự ý tăng liều thế này chưa chắc đã là hay.”

Quả nhiên, một khi biết được điều đang diễn ra người chồng đã phát điên.

(Nguồn: Sưu tầm)

Bài học rút ra: Hãy dũng cảm đối mặt với những thất bại của bản thân mình và tìm cách giải quyết thay vì suy sụp và từ bỏ để rồi chẳng thể nào cứu vãn tình thế. Dám đối diện với thất bại cũng là một bài học mà ai cũng phải trải qua.

Câu chuyện chủ tịch huyện

3Kẻ ngốc nhà giàu

Gia đình phú ông có một người con trai, tuy đã lớn nhưng đầu óc chậm chạp, lại thường xuyên tiêu tiền hoang phí. Vì muốn con mình nên người, phú ông liền nói:

"Con có lớn mà không có khôn, thậm chí còn chẳng phân biệt được hạt kê và hạt lúa. Ta muốn để con ra ngoài học hỏi thì mới mong có ngày khá được".

Người con trai nghe vậy cũng đồng ý. Sau khi rời nhà, anh gặp một người thợ đang tạc hai con sư tử đá.

Nhìn dáng vẻ của hai bức tượng, cậu con trai thích chí vô cùng, ngỏ ý muốn mua. Người thợ kia cũng biết cậu ngốc nghếch, bèn cố tình hét giá:

"Con sư tử nhỏ giá 3000 lạng vàng, con sư tử lớn thì 5000 lạng".

Cậu con trai thản nhiên gật đầu, yêu cầu người đó đem tượng đến nhà mình, người kia liền mang theo bức tượng sư tử nhỏ về trước. Khi về tới nhà, cậu vội vàng khoe với cha rằng mình mua được đồ tốt.

Tới khi nhìn thấy tượng con sư tử đá bình thường mà bị hét giá lên tới mấy ngàn lượng vàng, người cha không khỏi than trời mà nói:

"Con bỏ ra số tiền lớn như vậy để mua thứ đồ vô dụng này, thật đúng là đứa con phá gia chi tử. Chẳng trách vì sao mọi người thường bảo ta thế nào cũng gặp báo ứng".

Cậu con trai nghe xong lập tức vỗ tay cười lớn:

"Con nói cha nghe, đây mới chỉ là báo ứng nhỏ thôi, còn một báo ứng lớn đang chờ phía sau kia kìa".

(Nguồn: Sưu tầm)

Bài học rút ra: Nếu không biết tự học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân thì sẽ làm ra những việc ngốc nghếch và trở thành trò cười cho thiên hạ. Cho dù giàu có bao nhiêu mà không có kiến thức, trí tuệ thì sớm muộn gì tiền bạc cũng tiêu tan.

Kẻ ngốc nhà giàu

4Ăn trấu

Có một thanh niên nọ vốn tính ham ăn, lười làm, gia cảnh trong nhà cũng thuộc dạng nghèo túng. Có lần, anh chàng này vừa ăn trấu cầm hơi thì gặp được một vị quan lớn.

Thấy thanh niên có vẻ ngoài không mấy khá giả, quan lớn liền mời anh ngồi ăn cơm chung với mình. Không ngờ anh chàng nghèo thủng thẳng đáp lại:

"Sáng sớm nay tôi mới ăn thịt chó ở nhà đến no căng bụng rồi. Giờ không muốn ăn thêm nữa, nhưng nếu uống một chén rượu thì chắc cũng tạm được".

Quan lớn nghe xong liền mời anh uống rượu. Thế nhưng anh chàng ấy chỉ vừa uống một chén đã ói lên ói xuống.

Vị quan nhìn bãi nôn của người thanh niên, thấy bên trong đều là trấu nên mới hỏi:

"Cậu nói ban sáng mới ăn thịt chó, vì sao lại nôn ra toàn trấu thế này".

Người kia bối rối hồi lâu, cuối cùng mới nghĩ ra một câu chống chế:

"Thì tôi vốn là ăn thịt chó, nhưng con chó ấy lại ăn trấu chứ sao".

(Nguồn: Sưu tầm)

Bài học rút ra: Một khi đã trót không trung thực thì sẽ càng luống sâu vào những điều dối trá, luôn phải bối rối tìm cách chống chế và lo sợ người khác phát hiện, bởi vậy trung thực là đức tính nên có. Bên cạnh đó, câu chuyện con nói về việc không biết cách giao tiếp sẽ khiến người khác không có thiện cảm, giao tiếp không chân thành lại càng không được yêu thích.

Ăn trấu

5Cỏ ẩn thân

Một ngày nọ, A tình cờ gặp người lạ, người ấy đưa cho anh ta một nhánh cỏ và nói rằng đó là cỏ thần kỳ giúp ẩn thân, chỉ cần cầm nó trên tay thì đi đâu làm gì đều không bị người khác nhìn thấy.

A ngây thơ tin là thật, liền nghênh ngang cầm nhánh cỏ kia đi ra đường lớn, thản nhiên lấy tiền trong túi người đi đường. Người bị mất tiền định vung tay lên đánh A một bạt tai. Nào ngờ anh chàng ấy vẫn còn tự tin đáp trả:

"Có giỏi thì đánh đi, dù sao anh cũng chẳng nhìn thấy tôi".

(Nguồn: Sưu tầm)

Bài học rút ra: Thiếu kiến thức sẽ dễ bị người khác lừa, trở thành trò cười cho họ, thiếu kiến thức mà còn có tâm địa xấu xa thì sớm muộn gì cũng gây ra chuyện. Không chỉ vậy, làm việc xấu thì sớm muộn gì cũng bị phát hiện dù mình nghĩ rằng không ai biết.

Cỏ ẩn thân

6Tam đại con gà

Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời "Xấu hay làm tốt, dốt hay chơi chữ", đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.

Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ. Một hôm, dạy sách Tam thiên tự, sau chữ "tước" là chim sẻ, đến chữ "kê" là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: "Dủ dỉ là con dù dì". Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ, tuy vậy, trong lòng thầy vẫn thấp thỏm.

Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương để xem chữ ấy có phải thật là "dù dì" không. Thổ công cho ba đài được cả ba.

Thấy vậy, thầy lấy làm sắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào:

- Dủ dỉ là con dù dì! Dủ dỉ là con dù dì...

Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy:

- Chết chửa! Chữ "kê" là gà, sao thầy lại dạy ra "dủ dỉ" là con "dù dì"?

Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: "Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa", nhưng nhanh trí thầy vội nói gỡ:

- Tôi vẫn biết chữ ấy là chữ "kê" mà "kê" nghĩa là "gà" nhưng tôi dạy cháu thế là dạy cho cháu nó biết tận tam đại con gà kia.

Chủ nhà càng không hiểu, hỏi:

- Tam đại con gà là nghĩa ra làm sao?

- Thế này nhé! Dủ dỉ là chị con công, con công là ông con gà.

(Nguồn: Sưu tầm)

Bài học rút ra: Phê phán những người dốt nát nhưng lại thích ba hoa, khoác lác về trình độ của bản thân, dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười. Bên cạnh đó, truyện còn nói về thói mê tín dị đoan của người xưa.

Tam đại con gà

7Đến chết vẫn hà tiện 

Ngày xưa có anh nhà giàu, tính hà tiện, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, chỉ khư khư tích của làm giàu. Có người bạn rủ ra tỉnh chơi, anh nấn ná không đi vì sợ, đi với bạn phải đãi bạn. Bị người ta chê cười mãi, một hôm, anh vào buồng giắt một quan tiền vào lưng, rồi sai một người ở cùng đi lên tỉnh.

Đến tỉnh, anh trông thấy cái gì cũng muốn mua, nhưng sợ mất tiền rồi lại thôi. Trời nắng như thiêu, anh muốn vào quán uống nước, nhưng sợ phải trả tiền cho người nhà, đành đi qua.

Đến chiều trở về, khi qua đò, đến giữa dòng, anh khát quá không chịu được mới cúi xuống uống nước chẳng may lộn cổ xuống sông.

Anh người nhà vội kêu to lên:

– Ai cứu chủ tôi, xin thưởng một quan tiền!

Anh keo kiệt đương loay hoay giữa dòng, nghe tiếng, cố ngoi lên nói:

– Một quan đắt lắm!

Anh người nhà vội chữa lại:

– Thôi thì năm tiền vậy!

Anh keo kiệt lại cố ngoi lên một lần nữa và chỉ kịp nói: “Năm tiền còn đắt quá!” rồi chìm nghỉm.

(Nguồn: Truyện cười dân gian)

Bài học rút ra: Câu chuyện châm biếm, phê phán những kẻ hà tiện, ích kỷ, sợ phải giúp đỡ người khác, chỉ biết đến đồng tiền để rồi phải bỏ cả mạng sống của mình vì thói hà tiện. 

Đến chết vẫn hà tiện

8Đổi giày

Một anh đi nhầm giày, chiếc cao chiếc thấp. Ra đường, thấy bước khó khăn, anh ta phàn nàn:

– Quái lạ! Chân mình hôm nay sao lại bên dài, bên ngắn thế này? Hay là đường cái khấp khểnh?

Có kẻ qua đường nghe thấy, bảo:

– Không phải, ông đi nhầm giày, chiếc cao chiếc thấp đây!

Anh ta vội sai ngay đầy tớ về nhà đổi lấy đôi giày kia.

Anh đầy tớ chạy về một lúc chạy ra, vừa thở vừa nói:

– Thưa ông, hai chiếc ở nhà cũng chiếc cao, chiếc thấp như thế thôi ạ!

(Nguồn: Văn học 7, tập 1 - NXB Giáo dục)

Bài học rút ra: Câu chuyện mang đến tiếng cười cho người đọc bởi những suy nghĩ ngây thơ có phần ngốc nghếch của hai chủ tớ anh chàng này, đồng thời truyện cũng nói về việc những người ngốc thì thường làm những việc ngớ ngẩn.

Đổi giày

9Chiếc mũ

Có một người nọ đội một chiếc mũ dày đi ra ngoài đường. Không may hôm đó lại là một ngày trời nắng gắt. Người đó đi được một quãng thì dừng lại dưới bóng cây để nghỉ ngơi một chút, thuận tay lấy chiếc mũ dày trên đầu xuống quạt phe phẩy vài cái cho mát.

Khi đã cảm thấy mát hơn, thì người đó liền than một câu: “Hôm nay nếu không có cái mũ này, chắc mình sẽ bị chết nóng mất thôi.”

(Nguồn: Sưu tầm)

Bài học rút ra: Vốn dĩ chiếc mũ là nguyên nhân khiến cho người đó nóng hơn bình thường nhưng lại bị nhầm thành vật cứu nóng. Qua đó ta thấy được lối suy nghĩ ngây thơ của nhiều người khi không biết phân biệt đâu là nhân tố có lợi, đâu là nhân tố có hại.

Chiếc mũ

10Con rắn vuông

Anh chàng nọ tính khoác lác đã quen. Bữa kia đi chơi về bảo vợ:

– Này mình ạ! Hôm nay tôi đi vào rừng trông thấy một con rắn, chao ôi, to đến là to, dài đến là dài. Bề ngang thì chắc chắn là bốn mươi thước rồi, còn bề dài thì dễ đến hơn trăm thước.

Vợ không tin, nhưng cũng định trêu chồng một mẻ:

– Tôi nghe người ta nói có rắn dài đã nhiều. Nhưng làm gì có giống rắn dài như anh nói thế. Tôi nhất định không tin.

Chồng làm như thật:

– Thật quả có rắn như thế. Dài hơn một trăm thước thì chẳng đến, nhưng tám mươi thì nhất định!

Con rắn vuông

Vợ bĩu môi:

– Cũng chẳng đến!

Chồng cương quyết:

– Tôi chắc chắn là nó dài sáu mươi thước chứ không ngoa.

Vợ vẫn khăng khăng:

– Vẫn không dài đến nước ấy đâu!

Chồng rút lui một lần nữa:

– Lần này tôi nói thật nhé. Con rắn dài đến bốn mươi thước, không kém một phân.

Vợ bò lăn ra cười:

– Con rắn anh thấy, bề ngang đã chắc chắn là bốn mươi thước, bề dài cũng lại đến bốn mươi thước không kém một phân thì chẳng hoá ra là con rắn vuông à?

(Nguồn: Tập đọc lớp 4, 1980)

Bài học rút ra: Câu chuyện cười này phê phán những người thiếu kiến thức nhưng lại hay khoác lác, phóng đại sự việc, những người như vậy cuối cùng cũng sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ mà thôi.

Bài viết đã gợi ý cho bạn những truyện cười dân gian châm biếm hay nhất, chúc bạn có những giây phút thư giãn khi đọc truyện!

Bạn đang xem: Top 10 truyện cười dân gian châm biếm vui nhộn hay nhất

Chuyên mục: Giải trí

Chia sẻ bài viết