Ngành Tài chính - Ngân hàng là gì? Tổ hợp xét tuyển và cơ hội việc làm khi theo ngành này
Hiện nay, Tài chính - Ngân hàng là ngành được rất nhiều bạn lựa chọn vì tính ứng dụng cao, dễ định hướng và có nhiều trường đào tạo. Vậy ngành Tài chính - Ngân hàng là gì và tuyển sinh các khối nào? Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra sao? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
Hiện nay, Tài chính - Ngân hàng là ngành được rất nhiều bạn lựa chọn vì tính ứng dụng cao, dễ định hướng và có nhiều trường đào tạo. Vậy ngành Tài chính - Ngân hàng là gì và tuyển sinh các khối nào? Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra sao? Cùng Điện máy XANH tìm hiểu nhé!
Xem nhanh
- Ngành Tài chính - Ngân hàng là gì?
- Ngành Tài chính - Ngân hàng tuyển sinh khối nào?
- Các trường đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng
- Ngành Tài chính - Ngân hàng học những gì?
- Ngành Tài chính - Ngân hàng gồm các khối ngành nào?
- Học Tài chính - Ngân hàng ra trường làm gì?
- Một số lưu ý khi theo học ngành Tài chính - Ngân hàng
1Ngành Tài chính - Ngân hàng là gì?
Tài chính – ngân hàng (Finance and Banking) là một trong những nhóm ngành hot thuộc khối ngành kinh tế. Nó là ngành học liên quan đến các hoạt động dịch vụ giao dịch tài chính, lưu thông và vận hành tiền tệ thông qua ngân hàng. Ngành này có sự kết nối chặt chẽ với những biến động vi mô, vĩ mô của nền kinh tế trong và ngoài nước.
Ngành này tập trung hoạt động ở các lĩnh vực: Tài chính thuế, tài chính doanh nghiệp và tất cả các vấn đề cần đến công cụ tài chính để thanh toán các cước phí trong nước và quốc tế.
Trong ngành Tài chính - Ngân hàng còn được chia nhỏ thành các chuyên ngành như: Chuyên ngành về tài chính, chuyên ngành ngân hàng, chuyên ngành phân tích tài chính, kinh tế học tài chính,…
2Ngành Tài chính - Ngân hàng tuyển sinh khối nào?
Hiện nay theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì mỗi thí sinh chỉ được xét tuyển tối đa 4 tổ hợp môn cho 1 ngành.
Đối với ngành Tài chính - Ngân hàng thì các trường thường xét tuyển các khối như A00, A01, C01, D01, D03, D04, D06 và D07, D90, D96.
- A00: Toán, Vật Lý, Hóa Học.
- A01: Toán, Vật Lý, Tiếng Anh.
- C01: Văn, Toán, Vật lí.
- D01: Toán, Văn, Tiếng Anh.
- D03: Văn, Toán, Tiếng Pháp.
- D04: Văn, Toán, Tiếng Trung.
- D06: Văn, Toán, Tiếng Nhật.
- D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh.
- D90: Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, SInh học)
- D96: Toán, Tiếng Anh, Khoa học xã hội (Lịch Sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Ngoài cách xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia thì có nhiều trường còn xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Phương thức xét tuyển vào ngành Tài chính - Ngân hàng sẽ thay đổi theo từng năm và phụ thuộc vào quy chế của mỗi trường.
3Các trường đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng
Mời bạn tham khảo một số trường đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng chất lượng tốt trên cả nước.
Miền Bắc
- Học viện Ngân hàng (Banking Academy - BA)
Học viện Ngân hàng được thành lập năm 1961, là trường đại học công lập trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây là một trong những trường đại học hàng đầu phía Bắc về đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 25,5.
Các tổ hợp xét tuyển năm 2020: A00, A01, D01, D07.
- Học viện Tài Chính (Academy of Finance - AOF)
Học viện Tài chính được thành lập hơn 58 năm, là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Tài Chính. Ngành Tài chính - Ngân hàng là một trong những ngành chủ lực của trường.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 25.
Các tổ hợp xét tuyển năm 2020: A00, A01, D01, D07.
- Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội (Foreign Trade University – FTU)
Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội được thành lập từ năm 1960 thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Trường thuộc top đầu về đào tạo khối ngành kinh tế trên cả nước.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 27,65 (Khối A00). Các khối còn lại giảm điểm chênh lệch 0,5.
Các tổ hợp xét tuyển: A00, A01,D01,D07, D02, D03, D04, D06.
- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (National Economics University - NEU)
Đại học Kinh tế Quốc dân được thành lập từ năm 1956, là cơ sở đào tạo đi đầu trong việc đào tạo khối ngành kinh tế nói chung và ngành tài chính ngân hàng nói riêng ở khu vực phía Bắc.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 26,95.
Các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D07.
- Trường Đại học Thương Mại (Vietnam University of Commerce – VCU)
Trường Đại học Thương Mại có hơn 60 năm hoạt động trong ngành, là một trong 5 trường đại học tốt nhất Việt Nam về đào tạo các ngành kinh tế, kế toán, quản lý, kinh doanh và thương mại.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 25,5.
Các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01.
Miền Trung
- Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng (Danang University of Economics - DUE)
Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng là một trong những trường chính đứng đầu về đào tạo khối ngành kinh tế tại miền Trung, trực thuộc hệ thống Đại học Đà Nẵng.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 24 (Điều kiện: Thứ tự nguyện vọng từ 1 - 6).
Các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D90.
- Trường Đại học Vinh (Vinh University)
Đại học Vinh là một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực lớn nhất khu vực miền Trung. Trường còn là Trung tâm nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách công cho tỉnh Nghệ An và các tỉnh ở phía Bắc miền Trung.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 15.
Các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D07.
- Trường Đại học Kinh tế Huế (University of Economics – Hue University - HCE)
Đại học Kinh tế Huế là một trong 8 trường thành viên thuộc Đại học Huế. Trường chủ yếu đào tạo ngành khối ngành kinh tế ở miền Trung. Trường được thành lập năm 2002, tuy tuổi đời không lâu như các trường khác nhưng chất lượng đào tạo của trường rất tốt.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 17.
Các tổ hợp xét tuyển: A00, D96, D01, D03.
Miền Nam
- Trường Đại học Ngoại thương TP. HCM (Foreign Trade University – FTU2)
Đại học Ngoại thương TP. HCM là cơ sở thứ 2 nằm ở phía Nam của Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Trường được thành lập năm 1993. Dù được thành lập sau nhưng cơ sở này cũng có chất lượng đào tạo không hề kém cạnh cơ sở chính.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 27,85 (Khối A00). Các khối khối còn lại giảm điểm chênh lệch 0,5.
Các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D06, D07.
- Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (University of Economics Ho Chi Minh City - UEH)
Đại học Kinh tế TP. HCM là cái tên quen thuộc với những thí sinh thi khối ngành Kinh tế. Trường được thành lập từ năm 1976, là trường tự chủ tài chính. Trường thuộc top 1000 trường đại học chuyên ngành kinh tế đứng đầu thế giới.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 25,8.
Các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D07.
- Trường Đại học Kinh tế Luật TP. HCM (University of Economics and Law - UEL)
Đại học Kinh tế Luật TP. HCM được xếp vào nhóm trường đại học đại học tốt nhất đào tạo khối ngành kinh tế tại phía Nam. Ngành Tài chính – Ngân hàng của trường là đối tác của nhiều Ngân hàng, Công ty chứng khoán, Tài chính tạo cơ hội cho các sinh viên học tập.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 26,15.
Các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D07.
- Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM (Banking University of Ho Chi Minh City – BUH)
Đại học Ngân hàng TP. HCM là trường có tiếng về đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng khu vực miền Nam. Trường có thâm niên hơn 45 năm trong ngành giáo dục và nằm trong nhóm 4 trường đào tạo về kinh tế tốt nhất tại miền Nam Việt Nam.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 24,85.
Các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D07.
- Trường Đại học Tài chính – Marketing (University of Finance - Marketing - UFM)
Trường Đại học Tài chính – Marketing được thành lập từ năm 1976, với thế mạnh về đào tạo hai ngành là Tài chính và Marketing. Đại học Tài chính - Marketing trực thuộc Bộ Tài chính.
Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2020: 24,47.
Các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D96.
4Ngành Tài chính - Ngân hàng học những gì?
Sinh viên khi học ngành Tài chính - Ngân hàng sẽ được trang bị một cách đầy đủ cả kiến thức chuyên môn và các kỹ năng.
Kiến thức chuyên môn
Giống như các ngành khác trong khối ngành kinh tế, sinh viên học ngành Tài chính - Ngân hàng sẽ được học các môn nền tảng như: Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Nguyên lý kế toán, Lý thuyết xác suất thống kê, Quản trị học,...
Bên cạnh đó, sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng được đào tạo chuyên môn kiến thức về hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính phi ngân hàng như các công ty chứng khoán,...
Sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức về nghiệp vụ của ngân hàng thương mại như: Huy động vốn, thẩm định tín dụng và biết sử dụng các công cụ cơ bản để kiểm soát và quản lý rủi ro tín dụng trong ngân hàng.
Kỹ năng
Sinh viên sẽ được rèn luyện các kỹ năng trên thị trường chứng khoán như tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán, phân tích và đầu tư chứng khoán, môi giới và tư vấn chứng khoán.
Ngoài ra, trong quá trình học, sinh viên sẽ được trau dồi các kỹ năng như: Giao tiếp, thuyết phục khách hàng, quản lý thời gian, tư duy phản biện, làm việc theo nhóm…
Bên cạnh đó, sinh viên cũng được đào tạo các kĩ năng về công nghệ thông tin như: sử dụng thành thạo các phần mềm Word, Excel, Powerpoint,... Hơn nữa, bạn cũng sẽ được phát triển khả năng tiếng Anh của mình.
5Ngành Tài chính - Ngân hàng gồm các khối ngành nào?
Ngành Tài chính - Ngân hàng là một ngành khá rộng và có nhiều nhóm ngành:
- Ngân hàng.
- Quản lý Tài chính công.
- Tài chính doanh nghiệp.
- Thuế.
- Tài chính quốc tế.
- Công nghệ tài chính.
- Đầu tư tài chính.
- Phân tích chính sách tài chính.
- Định giá Tài sản.
- Tài chính Bảo hiểm.
6Học Tài chính - Ngân hàng ra trường làm gì?
Sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng sau khi ra trường có thể làm việc ở các cơ quan:
- Ngân hàng thương mại.
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty bảo hiểm, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, quỹ đầu tư,…).
- Các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính ngân hàng: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Ngân hàng trung ương, Cục Thuế, Hải quan,...
- Công ty kiểm toán.
- Công ty kinh doanh bất động sản, công ty chứng khoán.
- Bộ phần tài chính của các công ty, tập đoàn vừa và lớn.
- Phòng Kế hoạch – Tài chính của Các trường đại học, học viện, cao đẳng.
Và ứng tuyển vào các vị trí:
- Chuyên viên tín dụng ngân hàng.
- Chuyên viên kế toán, kiểm toán nội bộ ngân hàng thương mại.
- Kế toán viên phòng thanh toán quốc tế.
- Nhân viên kinh doanh ngoại tệ.
- Chuyên viên kinh doanh tiền tệ.
- Chuyên viên quản trị tài sản và nguồn vốn.
- Chuyên viên tài trợ thương mại.
- Chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp.
- Chuyên viên định giá tài sản.
- Chuyên viên phân tích đầu tư chứng khoán.
- Chuyên viên mua bán, sát nhập doanh nghiệp.
- Giảng viên ngành tài chính ngân hàng.
7Một số lưu ý khi theo học ngành Tài chính - Ngân hàng
Đối với ngành Tài chính - Ngân hàng, nếu muốn gắn bó lâu dài thì bạn cần lưu ý một số điều như:
- Khi làm ngành này, bạn phải thường xuyên tiếp xúc với các con số và vô vàn phép tính phức tạp nên chắc chắn bạn phải là người có khả năng tính toán, tư duy logic và trí nhớ tốt.
- Tính trung thực, cẩn trọng, chính xác là điều mà bạn cần trau dồi. Ngành Tài chính - Ngân hàng bạn phải làm việc với những số tiền rất lớn, chỉ cần bạn sai một là sẽ thiệt hại đến mười, thậm chí là trăm lần. Hơn nữa những đức tính đó sẽ giúp bạn có được niềm tin của khách hàng vào doanh nghiệp của bạn.
- Chịu được áp lực và biết quản lý thời gian nếu không bạn sẽ rơi vào trạng thái mất cân bằng cuộc sống.
- Có sự đam mê, sáng tạo, năng động và giỏi ngoại ngữ, tin học. Những điều này không chỉ riêng ngành Tài chính - Ngân hàng mà tất cả lĩnh vực đều cần. Nếu trang bị tốt thì đó sẽ là một lợi thế rất lớn cho bạn.
Nguồn tham khảo và tổng hợp: tuyensinhso.vn. Ngày cập nhật: 12/08/2021.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận phía dưới bài viết nhé!.
Bạn đang xem: Ngành Tài chính - Ngân hàng là gì? Tổ hợp xét tuyển và cơ hội việc làm khi theo ngành này
Chuyên mục: Tra cứu thông tin