Hướng dẫn sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
Máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và nhịp tim Beurer PO40 dễ nhờ sử dụng với một nút chức năng duy nhất, kết quả nồng độ oxy và nhịp tim sẽ hiển thị lên màn hình.
Beurer PO40 được sử dụng để đo độ bão hòa oxy động mạch (SpO2), nhịp tim (PRbpm) và chỉ số tưới máu (PI) không xâm lấn. Độ bão hòa oxy cho thấy tỉ lệ phần trăm của haemoglobin trong máu động mạch được bão hòa oxy. Do đó đây là một thông số quan trọng để đánh giá chức năng hô hấp. Để thực hiện đo, thiết bị sử dụng hai tia sáng có bước sóng khác nhau để chiếu vào ngón tay đã được đặt sẵn trong thân máy. Chỉ số bão hòa oxy thấp biểu hiện người dùng có các bệnh tiềm ẩn (bệnh hô hấp, hen suyễn, suy tim...). Những người có chỉ số bão hòa oxy thấp thường gặp các triệu chứng như khó thở, tăng nhịp tim, yếu ớt, hồi hộp và toát mồ hôi. Nếu thấy triệu chứng giảm độ bão hòa oxy mãn tính, bạn cần phải theo dõi bằng cách sử dụng thiết bị dưới sự giám sát y tế. Nếu giảm độ bão hòa oxy cấp tính, có hoặc không có các triệu chứng kèm theo, bạn phải tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức vì trường hợp này có thể đe dọa tới tính mạng.
Máy đo SpO2 và nhịp tim Beurer PO40 đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân mắc bệnh tim hoặc hen suyễn, vận động viên và người khỏe mạnh tập thể dục ở địa điểm cao (ví dụ: người leo núi, người trượt tuyết hoặc phi công nghiệp dư).
Xem nhanh nội dung
- Thông số kỹ thuật của máy đo SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
- Tính năng của máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
- Lưu ý khi sử dụng máy đo SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
- Mô tả màn hình của máy đo SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
- Hướng dẫn sử dụng máy đo SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
- Bảo trì và vệ sinh máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
- Xử lý sự cố trên máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
- Lưu ý về tính tương thích điện từ
Hình ảnh máy đo nồng độ oxi trong máu Beurer PO40
Máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và nhịp tim Beurer PO40 gồm có:
- 1 máy đo nồng độ oxy trong máu và nhịp tim Beurer
- Hướng dẫn sử dụng
- 2 pin AAA 1.5V
- 1 dây treo
- 1 túi đựng
Phụ kiện của máy đo SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
Thông số kỹ thuật của máy đo SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
Phương pháp đo: Đo không xâm lấn độ bão hòa oxy động mạch của haemoglobin, nhịp tim và chỉ số tưới máu qua ngón tay
Khoảng đo:
- SpO2: 70% - 100%
- Nhịp tim: 30 - 250 nhịp/phút
- PI: 0.3% - 20%
Sai số:
- SpO2: 70% - 100%, ± 2%
- Nhịp tim: 30 - 250 bpm, ± 2 nhịp/phút
- PI: 0.3% - 1%, ± 0.2; > 1.1% ± 20%
Kích thước: 58.4mm x 33.5mm x 37mm
Trọng lượng: Khoảng 57g (tính cả pin)
Cảm biến đo SpO2: Ánh sáng đỏ (bước sóng 660Nm); hồng ngoại (bước sóng 905Nm)
Điều kiện vận hành cho phép: 5 độ C - 40 độ C, độ ẩm tương đối ≤ 15% - 93%, áp suất không khí từ 86 - 106 kPa
Điều kiện bảo quản cho phép: -25 độ C đến 70 độ C, độ ẩm tương đối ≤ 93%, áp suất không khí từ 86 - 106 kPa
Nguồn điện: 2 x 1.5V AAA
Tuổi thọ pin: 2 pin AAA sử dụng trong khoảng 2 năm nếu đo 1 lần mỗi ngày (mỗi lần 60 giây)
Tính năng của máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
- Thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng sử dụng và mang theo bên mình (lý tưởng khi di chuyển).
- Màn hình Oled hai màu, hiển thị độ bão hòa oxy (SpO2), nhịp tim (PRbpm) và chỉ số tưới máu (PI).
- Độ sáng màn hình có thể điều chỉnh (1 đến 10).
- 7 định dạng hiển thị, chỉ báo pin yếu, tự động tắt sau 8 giây nếu không ấn bất kỳ nút nào.
- Chỉ sử dụng máy để đo độ bão hòa oxy động mạch (SpO2) của haemoglobin, nhịp tim (PRbpm) và chỉ số tưới máu (PI). Thiết bị phù hợp sử dụng cho cá nhân (tại nhà) và sử dụng trong lĩnh vực y tế (bệnh viện, cơ sở y tế).
Lưu ý khi sử dụng máy đo SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
Việc không tuân thủ các thông tin sau có thể dẫn đến thương tích cho người sử dụng hoặc làm hỏng máy. Hãy cất giữ hướng dẫn sử dụng và để người dùng khác có thể đọc và làm theo các thông tin có trong hướng dẫn. Đảm bảo hướng dẫn sử dụng được đặt trong hộp đựng khi chuyển giao thiết bị cho người dùng khác.
Cảnh báo
- Kiểm tra để đảm bảo tất cả các phụ kiện có đầy đủ trong hộp đựng.
- Kiểm tra thiết bị thường xuyên trước khi sử dụng để đảm bảo thiết bị không có dấu hiệu hư hỏng và pin được sạc đầy. Trong trường hợp có hư hỏng, không sử dụng thiết bị nữa, hãy liên hệ tới nơi mua hàng để được hỗ trợ.
- Chỉ sử dụng phụ kiện chính hãng của nhà sản xuất.
- Không tự mở hoặc sửa chữa thiết bị trong mọi trường hợp để đảm bảo thiết bị có thể vận hành không lỗi. Nếu không hãng sẽ không áp dụng bảo hành.
- Sử dụng thiết bị trong thời gian dài có thể gây đau cho những người bị rối loạn tuần hoàn. Do đó không sử dụng thiết bị quá 30 phút trên một ngón tay. Điều này là cần thiết để đảm bảo hướng cảm biến chính xác và bảo vệ an toàn cho da.
- Thiết bị hiển thị kết quả đo rất nhanh nhưng người dùng không nên sử dụng liên tục.
- Thiết bị không có chức năng cảnh báo. Không sử dụng chỉ số đo được để đánh giá kết quả y tế.
- Không tự chẩn đoán hoặc tự điều trị dựa trên các chỉ số đo được từ thiết bị khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Cụ thể, không bắt đầu dùng thuốc mới hoặc thay đổi loại và/hoặc liều lượng của bất kỳ loại thuốc đang dùng khi chưa có tư vấn của bác sĩ.
- Không nhìn trực tiếp vào bên trong thiết bị khi đang đo. Ánh sáng đỏ và ánh sáng hồng ngoại không màu trong thiết bị có hại cho mắt.
- Trẻ từ 8 tuổi trở lên và những người bị suy giảm thể chất, giác quan, tinh thần hoặc những người thiếu kinh nghiệm và hiểu biết có thể sử dụng thiết bị trừ khi họ được giám sát hoặc được hướng dẫn sử dụng thiết bị một cách an toàn và hiểu rõ tác hại nguy hiểm. Giám sát để đảm bảo trẻ không nghịch thiết bị.
- Không thể sử dụng kết quả sóng nhịp tim và thanh nhịp tim trên màn hình để đánh giá nhịp tim hoặc tuần hoàn tại vị trí đo. Hai kết quả này chỉ được sử dụng để hiển thị sự biến thiên của tín hiệu nhịp tim hiện tại tại vị trí đo và không nên sử dụng để chuẩn đoán nhịp tim.
- Không sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Đảm bảo rằng móng tay được cắt ngắn để đầu ngón tay có thể che khít bộ phận cảm biến trong khe kẹp. Việc không tuân thủ các hướng dẫn này có thể dẫn đến kết quả đo không chính xác hoặc không đo được.
- Giữ tay, ngón tay và cơ thể cố định trong khi đo.
- Đối với những người bị rối loạn nhịp tim, các chỉ số SpO2 và nhịp tim đo được có thể không chính xác hoặc không thể đo được.
- Nếu người dùng đang sử dụng thiết bị phẫu thuật điện tử hoặc máy khử rung tim, chức năng của thiết bị có thể bị ảnh hưởng.
- Trong trường hợp bị ngộ độc cacbon monoxit, thiết bị sẽ hiển thị chỉ số đo rất cao.
- Để tránh làm sai lệch kết quả đo không sử dụng thiết bị ngay gần nguồn sáng mạnh (ví dụ đèn huỳnh quang hoặc ánh sáng trực tiếp từ mặt trời).
- Những người bị huyết áp thấp, vàng da hoặc đang dùng thuốc điều trị co thắt mạch máu có thể có các kết quả đo không chính xác hoặc sai lệch.
- Các kết quả đo không chính xác có thể xảy ra đối với những bệnh nhân đã từng sử dụng thuốc cản quang hoặc những người có mức độ haemoglobin bất thường, đặc biệt đối với các trường hợp ngộ độc carbon monoxit và ngộ độc methaemoglobin có thể xảy ra do sử dụng thuốc gây tê tại chỗ hoặc do thiếu hụt methaemoglobin.
- Kết quả đo có thể bị sai lệch ở những bệnh nhân sử dụng catheter động mạch, bị hạ huyết áp, co thắt mạch máu nghiêm trọng, thiếu máu hoặc hạ thân nhiệt.
- Bảo vệ thiết bị khỏi bụi bẩn, va đập, ẩm ướt, nhiệt độ quá cao và vật liệu gây nổ.
Không sử dụng máy khi:
- Nếu bị dị ứng với các sản phẩm có chất liệu cao su.
- Nếu thiết bị hoặc ngón tay sử dụng bị ẩm.
- Trên trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh.
- Trong khi chụp MRI hoặc CT.
- Trong khi đang vận chuyển bệnh nhân ở bên ngoài, không ở trong cơ sở y tế.
- Trong khi đo huyết áp bằng vòng bít trên cùng một cánh tay.
- Trên ngón tay bị bẩn, có bôi thuốc hoặc dán băng gạc.
- Trên ngón tay to, không đút vừa vào thiết bị (đầu ngón tay: chiều rộng khoảng > 20mm, độ dày > 15mm).
- Trên ngón tay có thay đổi do giải phẫu, bị phù nề, có sẹo hoặc vết bỏng.
- Trên ngón tay quá nhỏ, chẳng hạn như ngón tay trẻ nhỏ (chiều rộng khoảng < 10mm, độ dày < 5mm).
- Trên những người bị chứng run tay.
- Gần hỗn hợp khí dễ cháy hoặc nổ.
Mô tả màn hình của máy đo SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
1. Độ bão hòa oxy (%)
2. Kết quả đo không chính xác
3. Nhịp tim (trên phút)
4. Thanh nhịp tim
5. Chỉ số tưới máu (%)
6. Sóng tim (sóng biến đổi thể tích)
Định dạng hiển thị (7 định dạng khác nhau)
Hướng dẫn sử dụng máy đo SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
Hướng dẫn sử dụng lần đầu
Lắp pin
- Trượt nắp khoang pin và mở ra
- Lắp hai pin đi kèm vào thiết bị như hình bên. Đảm bảo lắp đúng đầu cực
- Đóng lại nắp khoang pin
Đeo dây treo
Để dễ dàng mang máy bên mình bạn có thể đeo dây treo vào máy bằng cách:
- Luồn đầu treo nhỏ qua lỗ như hình
- Kéo đầu còn lại của dây treo qua đầu nhỏ và thắt lại
Vận hành thiết bị
- Chèn một ngón tay vào khe kẹp của thiết bị và giữ nguyên tay.
- Nhấn nút Chức năng. Thiết bị bắt đầu đo. Không di chuyển trong quá trình đo.
- Kết quả đo sẽ hiển thị trên màn hình sau vài giây.
Lưu ý:
- Biểu tượng ? xuất hiện trên màn hình cho biết tín hiệu đo không ổn định và không thể đo được kết quả.
- Sau khi rút ngón tay ra khỏi thiết bị, thiết bị sẽ tự động tắt sau khoảng 8 giây.
- Để chọn định dạng hiển thị mong muốn, nhấn và giữ nút chức năng trong khi thiết bị đang được bật.
- Chức năng độ sáng: Để chọn độ sáng màn hình mong muốn, nhấn và giữ nút chức năng lâu hơn một chút khi thiết bị đã được bật.
Đánh giá kết quả đo được
Cảnh báo
Bảng tham khảo đánh giá kết quả đo dưới đây không áp dụng cho những người đang mắc một số bệnh như hen suyễn, suy tim, bệnh hô hấp hoặc khi đang ở độ cao trên 1500 mét. Nếu bạn đang mắc các bệnh nêu trên cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đánh giá kết quả đo của mình.
SpO2 (độ bão hòa oxy) tính theo % | Phân loại/Biện pháp |
99 - 94 | Vùng bình thường |
93 - 90 | Vùng giảm/tham khảo tư vấn bác sĩ |
Nhỏ hơn 90 | Vùng nghiêm trọng/đến trung tâm y tế ngay lập tức |
Đánh giá chỉ số tưới máu (PI)
Chỉ số tưới máu (PI) có thể nằm trong khoảng từ 0,3% đến 20% và thay đổi tùy theo bệnh nhân, vị trí đo và tình trạng sức khỏe. Giá trị PI rất thấp có thể gây ảnh hưởng tới kết quả đo.
Độ bão hòa oxy giảm tùy thuộc vào độ cao
Bảng dưới đây cho bạn biết tác động của các độ cao khác nhau lên chỉ số bão hòa oxy và tác động của nó đối với cơ thể con người. Bảng tham khảo đánh giá kết quả đo này không áp dụng cho những người đang mắc một số bệnh như hen suyễn, suy tim, bệnh hô hấp. Những người mắc các bệnh này có thể có dấu hiệu bị bệnh (ví dụ như thiếu oxy) ở độ cao thấp hơn.
Độ cao | Chỉ số SpO2 dự tính (độ bão hòa oxy) theo % | Tác động đến cơ thể con người |
1500 - 2500 m | Lớn hơn 90 | Không có bệnh độ cao (bình thường) |
2500 - 3500 m | Khoảng 90 | Bệnh sợ độ cao, giảm độ cao phù hợp với cơ thể |
3500 - 5800 m | Nhỏ hơn 90 | Thường xuyên sợ độ cao, rất cần giảm độ cao để cơ thể thích nghi |
5800 - 7500 m | Nhỏ hơn 80 | Thiếu oxy nặng, hạn chế thời gian ở trên độ cao này |
7500 - 8850 m | Nhỏ hơn 70 | Ngay lập tức, nguy hiểm cấp tính cho mạng sống |
Bảo trì và vệ sinh máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
Vệ sinh
- Không khử trùng áp suất cao trên máy.
- Không để máy dưới nước trong bất cứ trường hợp nào để tránh chất lỏng xâm nhập vào và làm hỏng thiết bị.
- Làm sạch vỏ và bề mặt cao su bên trong bằng một miếng vải mềm được làm ẩm bằng cồn y tế sau mỗi lần sử dụng.
- Nếu chỉ báo pin yếu xuất hiện trên màn hình của thiết bị hãy thay pin mới.
- Nếu dự định không sử dụng thiết bị trong hơn một tháng, hãy tháo cả hai pin khỏi thiết bị để tránh rò rỉ.
Bảo quản
- Bảo quản thiết bị ở nơi khô ráo (độ ẩm tương đối ≤ 93%). Độ ẩm quá cao có thể rút ngắn tuổi thọ hoặc làm hỏng thiết bị.
- Cất giữ thiết bị ở nơi có nhiệt độ môi trường trong khoảng từ -25 độ C đến 70 độ C.
Xử lý sự cố trên máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
Vấn đề | Nguyên nhân | Giải pháp |
"Finger out" hiển thị trên màn hình | Ngón tay chưa được đặt đúng cách trong thiết bị | Đặt lại ngón tay vào thiết bị |
Chỉ số đo được không được hiển thị chính xác | SpO2 đo được quá thấp (nhỏ hơn 70%) | Thực hiện đo lại. Nếu kết quả vẫn như cũ mà thiết bị hoạt động bình thường, hãy khẩn cấp tới trung tâm y tế để kiểm tra |
Có nguồn ánh sáng mạnh (ví dụ: đèn huỳnh quang hoặc ánh sáng trực tiếp từ mặt trời) gần thiết bị |
Dịch chuyển thiết bị xa các nguồn sáng này | |
Thiết bị hiển thị gián đoạn các chỉ số đo được hoặc nhảy tới giá trị đo cao | Tuần hoàn máu không đủ trong ngón tay được đo | Thực hiện theo các cảnh báo và ghi chú an toàn |
Ngón tay được đo quá to hoặc quá nhỏ | Đầu ngón tay phải có kích thước như sau: Chiều rộng từ 10 - 20 mm. Độ dày từ 5 - 15 mm | |
Ngón tay, bàn tay hoặc cơ thể đang di chuyển | Giữ yên ngón tay và cơ thể trong suốt quá trình đo | |
Rối loạn nhịp tim | Tới trung tâm y tế | |
Không bật được thiết bị | Hết pin | Thay pin |
Pin chưa được lắp đúng cách | Lắp lại pin | |
Thiết bị có lỗi | Liên hệ tới trung tâm bảo hành Beurer hoặc nơi mua hàng để được hỗ trợ | |
Đèn báo tắt đột ngột | Thiết bị tự động tắt sau 8 giây không ấn bất kỳ nút nào | Bật lại thiết bị bằng nút nguồn |
Hết pin | Thay pin | |
"Error 3" hiển thị trên màn hình | Đèn Led thu ánh sáng đỏ bị lỗi | Liên hệ tới trung tâm bảo hành của hãng hoặc nơi mua hàng để được hỗ trợ |
"Error 4" hiển thị trên màn hình | Đèn Led thu ánh sáng hồng ngoại bị lỗi | Liên hệ tới trung tâm bảo hành của hãng hoặc nơi mua hàng để được hỗ trợ |
"Error 6" hiển thị trên màn hình | Màn hình bị lỗi | Liên hệ tới trung tâm bảo hành của hãng hoặc nơi mua hàng để được hỗ trợ |
"Error 7" hiển thị trên màn hình | Các đèn Led thu tín hiệu bị lỗi | Liên hệ tới trung tâm bảo hành của hãng hoặc nơi mua hàng để được hỗ trợ |
Lưu ý về tính tương thích điện từ
- Thiết bị này phù hợp sử dụng trong tất cả các môi trường được liệt kê trong hướng dẫn sử dụng, bao gồm cả môi trường trong nhà.
- Việc sử dụng thiết bị có thể bị ảnh hưởng khi có nhiễu điện từ. Thông báo lỗi hoặc thông báo không thể thực hiện có thể sẽ xuất hiện trên màn hình của thiết bị.
- Tránh sử dụng thiết bị bên cạnh các thiết bị khác hoặc xếp chồng lên nhau, vì điều này có thể làm cho thiết bị hoạt động lỗi. Tuy nhiên nếu cần sử dụng thiết bị theo cách này, hãy giám sát để đảm bảo cả hai hoạt động tốt.
- Việc sử dụng các phụ kiện khác ngoài những phụ kiện chính hãng từ nhà sản xuất có thể làm gia tăng phát thải điện từ hoặc giảm khả năng miễn nhiễm điện từ của thiết bị. Do đó sẽ làm cho thiết bị hoạt động lỗi.
- Giữ các thiết bị liên lạc RF di động (bao gồm cả thiết bị ngoại vi như cáp ăng ten hoặc ăng ten ngoài) cách xa tất cả các bộ phận của thiết bị bao gồm cả dây cáp ít nhất 30cm để tránh làm giảm hiệu suất tính năng của thiết bị.
- Việc không thực hiện theo các thông tin trên có thể gây ảnh hưởng tới chức năng của thiết bị.
Xem thêm:
- Hướng dẫn sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và nhịp tim Beurer PO80
- Hướng dẫn đo nồng độ oxy trong máu bằng máy SPO2 - HemOxiCare Pom-102
Link tải hướng dẫn sử dụng máy đo SpO2 Beurer PO40 tại đây.
Hy vọng với những hướng dẫn phía trên sẽ giúp bạn sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và nhịp tim Beurer PO40 đúng cách.
Bạn đang xem: Hướng dẫn sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và nhịp tim Beurer PO40
Chuyên mục: Máy y tế
Các bài liên quan
- Cách sử dụng nhiệt kế thủy ngân đo nhiệt độ cơ thể đúng cách
- Máy phun sương có tác dụng gì? Công dụng của máy phun sương trong đời sống
- Top 5 giường y tế đa năng điều khiển bằng điện, nâng hạ bệnh nhân tự động
- So sánh giường y tế có 1 tay quay, 2 tay quay
- Tại sao nên sử dụng nhiệt kế điện tử thay thế nhiệt kế thủy ngân?
- Sử dụng bao cao su kéo dài thời gian quan hệ trong thời gian liên tục có hại không?