Rủi ro từ thực phẩm đường phố trong mùa hè, chuyên gia chỉ cách phòng tránh
Chưa cần tính đến nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến có đảm bảo vệ sinh hay không. Ngay cả những thực phẩm đường phố đảm bảo vẫn có thể khiến người dùng bị ngộ độc thực phẩm.
Thời tiết nóng nực kéo dài, thức ăn đường phố được bày bán la liệt. Chưa cần tính tới khâu vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến có đảm bảo hay không, việc bày bán vô tư ngoài mặt đường nóng bụi, rác bẩn… hẳn khiến nhiều người ái ngại. Các chuyên gia vẫn luôn nhận định, ngộ độc thực phẩm thực sự gia tăng nhiều vào mùa hè.
Ăn thực phẩm đường phố trong mùa hè có nguy cơ ngộ độc cao hơn
bình thường. (Ảnh: VOV)
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm do ăn thực phẩm đường phố trong tiết trời nắng nóng
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn đường phố thực sự tăng cao hơn trong mùa nắng nóng. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:
Một là, khâu bảo quản thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn đường phố vào mùa hè.
Việc bày bán thực phẩm ngoài trời, không che đậy hoặc che đậy không đảm bảo, không được bảo quản lạnh... đều khiến chúng dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, dính bụi bẩn đường phố... Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào mùa hè là điều khó tránh.
Hai là, nhiệt độ mùa hè rất lý tưởng cho vi khuẩn phát triển mạnh, theo cấp số nhân. Chuyên gia nhận định, vi khuẩn phát triển trong nhiệt độ 37 - 40 độ C cao gấp 3 lần so với thời tiết bình thường. Thế nên, ngay cả khi được chế biến đúng cách, đảm bảo an toàn thực phẩm thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn có thể xảy ra.
Những loại vi khuẩn khi ở trong môi trường nắng nóng sẽ sinh sôi nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Chẳng hạn như vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy, vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn, vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột, vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương, vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy, vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả... Khi bị nhiễm khuẩn ở mức độ cao, dù có nấu chín, đun sôi cẩn thận cỡ nào, độc tố vẫn còn. Người dùng không tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Ba là, mùa hè là thời điểm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải, sự phát triển mạnh của ruồi, nhặng, gián, muỗi... Việc trưng bày các món ăn, đồ uống trong môi trường như vậy không tránh khỏi nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Không chỉ với những cửa hàng thức ăn đường phố, cửa hàng kinh doanh ăn uống mà ngay tại nhà, tự tay mình làm cũng dễ gặp rủi ro.
Ảnh minh họa
Nói như vậy không có nghĩa là bạn không được sử dụng thức ăn bày bán ngoài đường phố. Chuyên gia nhận định, ngay cả việc tự nấu ăn tại nhà vẫn có nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào thời điểm mùa hè nếu không đảm bảo các khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm. Điều quan trọng là bạn phải biết cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm vào thời tiết nắng nóng.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm do tiêu thụ thức ăn đường phố trong mùa hè
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, người dân nên tuân thủ những điều sau để tránh tối đa rủi ro liên quan đến ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố vào mùa hè:
Ảnh minh họa
- Không mua những loại thực phẩm như mực khô, bò khô, hoa quả dầm… ở những nơi bụi bặm mà không có nắp đậy cẩn thận.
- Không ăn ngay rau sống, rau thơm thường được dùng ăn kèm các món bún riêu, phở bày bán ngoài đường. Nhiều người chế biến thức ăn đường phố do không mang đủ nước sạch để rửa rau nên dễ khiến cơ thể ăn phải ấu trùng giun, sán. Nếu mua về thì nên rửa lại sạch sẽ.
- Không ăn bánh quẩy, bánh rán, nem rán… trong những chảo dầu mỡ có màu quá đen.
- Chọn mua thức ăn ở những địa chỉ quen thuộc, tin cậy.
- Đối với các quán bán rong thức ăn đường phố, nên chọn mua thức ăn đường phố tại quán có dụng cụ, lọ, hộp đảm bảo vệ sinh để chứa đựng, bảo quản thức ăn, đồ uống.
Bạn đang xem: Rủi ro từ thực phẩm đường phố trong mùa hè, chuyên gia chỉ cách phòng tránh
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe