Một bệnh nhân ngộ độc botulinum ở TP.HCM tử vong sau 10 ngày chờ thuốc giải
Người đàn ông 45 tuổi ở TP.HCM ngộ độc botulinum sau khi ăn một món mắm để lâu ngày. Sau 10 ngày điều trị, ông đã tử vong.
Nguồn tin tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) xác nhận, bệnh nhân này là 1 trong 6 ca ngộ độc botulinum vừa qua.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Võ Hồng Minh Công, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, người bệnh bị ngộ độc mức độ nặng. Các bác sĩ liên tục hội chẩn cùng các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy. Dù các bác sĩ đã nỗ lực điều trị, bệnh nhân suy đa cơ quan và tử vong vào đêm qua mà không kịp truyền thuốc giải độc.
Trước đó, người đàn ông này nhập viện ngày 14/5, được thở máy, yếu cơ và điều trị tại Khoa Nội thần kinh. Sau đó, bệnh nhân biến chứng nặng và chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Dù các bác sĩ đã nỗ lực điều trị, bệnh nhân suy đa cơ quan và không qua khỏi. Kết quả cấy mẫu phân từ bệnh nhân trước đó xác định có độc tố botulinum type A.
Trong sáng nay, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng có buổi làm việc cùng Sở Y tế TP.HCM.
Đêm qua (24/5), 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent được gửi từ kho của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thụy Sĩ đã về đến TP.HCM. Số thuốc này được phân về 3 bệnh viện. Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đang điều trị 2 ca ngộ độc botulinum phải thở máy nhận 2 lọ; Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ, Nhi đồng 2 nhận 3 lọ.
Thuốc giải độc botulinum có giá 8.000 USD/lọ. Ảnh:
BVCC.
Trước đó, TP.HCM ghi nhận 2 chùm ca ngộ độc botulinum gồm 3 trẻ nhỏ và 3 người lớn. Ba trẻ nhỏ điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và được truyền thuốc giải độc. Sau đó do cạn thuốc giải, 3 người lớn chỉ có thể được điều trị hồi sức bằng thở máy, diễn tiến liệt cơ gần như hoàn toàn.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đề nghị khẩn cấp nhập thuốc giải độc BAT cho bệnh nhân cũng như dự phòng tình huống phát sinh ca mới.
Bộ Y tế đã liên hệ WHO và được hỗ trợ 6 lọ thuốc giải BAT quý hiếm. Ngay trong đêm 25/5, thuốc về đến TP.HCM.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy từng cho biết thuốc giải là phương án tốt nhất nhưng phải dùng đúng thời điểm, sử dụng khi bắt đầu có triệu chứng yếu liệt, giúp trung hòa chất độc trong máu.
Trong trường hợp không có thuốc giải, độc tố tiếp tục tấn công bệnh nhân. Botulinum đi vào hệ thống thần kinh khiến dẫn truyền không còn, các cơ không điều khiển được và gây liệt. Khi liệt cơ hô hấp, bệnh nhân sẽ suy hô hấp, tử vong nếu không được điều trị hỗ trợ.
"Trong tình huống có thuốc giải độc, hiệu quả còn phụ thuộc vào lượng độc chất mà bệnh nhân ăn phải và việc sử dụng thuốc giải có kịp thời, đúng lúc hay không", bác sĩ Hùng nói.
Bạn đang xem: Một bệnh nhân ngộ độc botulinum ở TP.HCM tử vong sau 10 ngày chờ thuốc giải
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Hai mẹ con phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn trứng cóc
- Ăn nấm mọc từ xác nhộng ve sầu, 6 người nhập viện
- Nấu cỗ cưới cạnh chuồng gà, 48 người bị ngộ độc sau khi ăn
- Rủi ro từ thực phẩm đường phố trong mùa hè, chuyên gia chỉ cách phòng tránh
- 3 người ngộ độc do ăn sâu ban miêu: Bệnh nhân 38 tuổi phải thở máy
- Một ngày 64 người bị ngộ độc ở Lâm Đồng