Những bài hát cách mạng hay, nhạc đỏ chọn lọc, nhạc cách mạng hào hùng

Trong không khí của dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, hãy cùng META nghe lại những bài hát cách mạng hay, nhạc đỏ chọn lọc bất hủ đã đi cùng những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ kiên cường nhé! 

Nhạc đỏ là gì?

Nhạc đỏ, tức nhạc cách mạng Việt Nam, là một dòng của tân nhạc Việt Nam gồm những bài hát sáng tác trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương, ở miền Bắc Việt Nam và vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và sau năm 1975 khi Việt Nam thống nhất.

Khái niệm nhạc đỏ là từ thường được dùng trong nhân dân (để phân biệt với nhạc xanh, nhạc vàng...) và mới chỉ xuất hiện từ khoảng đầu thập niên 1990 trở đi, theo sự phân màu cho âm nhạc của nhạc sĩ Trần Hoàn. Còn trong các văn bản chính thống, người ta vẫn gọi đây là nhạc cách mạng, nhạc truyền thống hay nhạc chính thống. Tuy nhiên biểu tượng của cách mạng trong quang phổ chính trị là màu đỏ, nên gọi nhạc đỏ cũng như nhạc cách mạng.

Những bài hát cách mạng hay, nhạc đỏ chọn lọc

Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây

Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây là tên một trong những bài thơ tiêu biểu của Phạm Tiến Duật, được sáng tác trong những năm tháng chống Mỹ của dân tộc, trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, bài thơ vừa là một bản quân ca hùng tráng, vừa là một khúc tình ca lãng mạn. Năm 1971, bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc và trở nên phổ biến cho đến ngày nay.

Cô gái mở đường

Cô gái mở đường là bài hát được sáng tác dựa trên sự “ngỡ ngàng” của nhạc sỹ Xuân Giao khi ở đâu đó giữa màn đêm tối trên đường hành quân chợt nghe vút lên tiếng hát trong trẻo, yêu đời. Câu hát mở đầu ca khúc cũng chính là bối cảnh tại tuyến đường cầu Hàm Rồng - nơi tác giả đã từng hành quân qua rất nhiều lần: “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh, tiếng hát ai vang động cây rừng? Phải chăng em, cô gái mở đường? Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát…”. Hình ảnh những “cô gái miền quê ra đi cứu nước” đã được nhạc sỹ Xuân Giao khắc họa chi tiết theo từng giai điệu của bài hát với vẻ đẹp dịu dàng mà phi thường của những “mái tóc xanh, xanh tuổi trăng tròn”.

Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa

Ca khúc Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa được ra đời trong khoảnh khắc nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vô tình gặp một người phụ nữ có khuôn mặt rất giống mẹ ông. Chạnh lòng ông lại nhớ mẹ, nhớ đến những người phụ nữ chịu thương, chịu khó thức thâu đêm vá áo cho những chiến sĩ bộ đội trên mỗi chặng đường hành quân.

Bài hát khi ra đời đã gây được sự xúc động đặc biệt cho người nghe. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác dựa trên chất liệu dân ca quan họ, thêm chút chất ngâm vịnh của làn điệu lới lơ, giai điệu đằm thắm và lời ca thì giản dị nhưng đi thẳng vào tim. "Các con ra đi đã mấy chiến trường/Mang theo cả tình thương của mẹ”, những câu hát đó như đã khái quát hết tâm trạng của hàng triệu người con ra trận.

Chiếc gậy Trường Sơn

Chiếc gậy Trường Sơn của nhạc sĩ Phạm Tuyên nói về khí thế phơi phới, lòng quyết tâm của những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam đi suốt dải Trường Sơn để ra mặt trận. Bài hát được viết năm 1967 trong thời gian Chiến tranh Việt Nam, trong một chuyến đi công tác ở làng Hòa Xá, Ứng Hòa, Hà Tây nay là Hà Nội.

Ở đây có phong trào trao gậy Trường Sơn cho con em nhập ngũ trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, các thanh niên hàng ngày đeo ba lô chất đầy gạch và hành quân quanh làng để rèn luyện sức khỏe trước khi lên đường. Cảm động trước tình yêu nước mãnh liệt của con người nơi đây, Phạm Tuyên đã viết lên bài hát này, ban đầu trong bài hát có nhắc tới tên làng Hòa Xá sau đó để tăng tính đại chúng nó đã được sửa lại như hiện nay.

Bác đang cùng chúng cháu hành quân

Bác đang cùng chúng cháu hành quân được viết với nhịp 2/4 và tiết tấu chắc khỏe đã diễn tả những bước chân vững vàng, dứt khoát và đầy tự tin của người chiến sĩ yêu đời, lạc quan khi thực thi sứ mệnh bảo vệ non sông, Tổ quốc. Gắn liền với những chiến sĩ anh dũng là hình ảnh Bác, người luôn sưởi ấm tình cảm và cũng là động lực để các chiến sĩ phấn đấu và chiến đấu hết mình.

Đường Trường Sơn xe anh qua

Bài hát đã được nhạc sĩ Văn Dung viết ngay trên đường ra trận như một lời cổ vũ, thôi thúc những bước chân thần tốc hướng về miền Nam ruột thịt, làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ca khúc mang âm hưởng hào hùng, bừng bừng khí thế nhưng không kém phần thiết tha, sâu lắng đã trở nên rất đỗi thân thương, quen thuộc đối với nhiều người, nhất là những người trong cuộc đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa năm nào.

Chào em cô gái Lam Hồng

Chào em cô gái Lam Hồng là ca khúc mà nhạc sĩ Ánh Dương viết về những nữ thanh niên xung phong can trường, dũng cảm, quên cả thân mình để bảo vệ những con đường tải đạn qua huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ca khúc mang đậm chất dân ca Thanh - Nghệ - Tĩnh, Bình - Trị -Thiên với phần lời mộc mạc, giản dị như tái hiện cho người nghe những năm tháng chiến đấu, hy sinh bảo vệ tổ quốc vừa hào hùng nhưng cũng không kém phần thơ mộng.

Đất nước trọn niềm vui

Đất nước trọn niềm vui là ca khúc do cố nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác năm 1975, trong bối cảnh đất nước Việt Nam đang sục sôi ngày vui thống nhất khi chiến dịch Hồ Chí Minh đang tiến gần đến ngày thắng lợi cuối cùng. Ca khúc được sáng tác và thu âm trong cùng ngày 26 tháng 4 năm 1975 và ngay ngày hôm sau, 27 tháng 4 năm 1975, ca khúc đã được phát đi khắp cả nước lần đầu tiên trên sóng truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam do giọng ca của NSND Trung Kiên thể hiện.

Sợi nhớ sợi thương

Sợi nhớ sợi thương được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chắp bút dựa trên bài thơ của nhà thơ Thúy Bắc. Bài hát viết về tình yêu, nỗi nhớ trong những năm tháng chiến tranh, bom đạn. Chúng được cụ thể hóa thành đơn vị sợi nhỏ nhoi mà sao bền chặt, dài lâu đến thế. Từng sợi thương li ti kết lại thành mái che rợp đầy nhung nhớ của những cô gái Trường Sơn từ bên Đông nắng rọi gửi sang phía Tây mịt mù mưa gió cho người yêu trên dặm dài chiến đấu. Vô vàn sợi nhớ đan thành vòm xanh mát rượi mong được che mát cho người dấu yêu trên đường hành quân chang chang nắng lửa.

Năm anh em trên một chiếc xe tăng

Bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng được nhà thơ Hữu Thỉnh sáng tác trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1970, sau này được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc. Bài hát của nhạc sĩ Doãn Nho hoàn thành và gửi đến Tổng cục Chính trị trước nên đã được đoàn ca múa của Tổng cục Chính trị dàn dựng, thu thanh, phát sóng trước, nhanh chóng được bộ đội và quần chúng nhân dân yêu thích. Sau này, bài hát trở thành ca khúc truyền thống của binh chủng Tăng - Thiết giáp và hiện nay là một trong mười bài hát quy định của toàn quân.

Trên đây là tuyển tập những bài hát nhạc cách mạng hay và được nhiều thế hệ người Việt yêu thích nhất. Hy vọng rằng việc thưởng thức những ca khúc nhạc đỏ bất hủ này sẽ làm sống lại những ký ức về một thời hào hùng cũng như giúp các thế hệ con cháu có thể cảm nhận được phần nào gian khổ của các bậc cha ông trong công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc. 

Bạn đang xem: Những bài hát cách mạng hay, nhạc đỏ chọn lọc, nhạc cách mạng hào hùng

Chuyên mục: Tra cứu thông tin

Chia sẻ bài viết