Máy tạo oxy là gì? Cấu tạo và nguyên lý của máy tạo oxy
Máy tạo oxy, máy thở oxy là một thiết bị y tế không thể thiếu trong các bệnh viện, trung tâm y tế, thậm chí là trong các gia đình có người bệnh, người cao tuổi... Nếu bạn đang muốn tìm hiểu máy tạo oxy là gì, cấu tạo và hoạt động theo nguyên lý như thế nào, tác dụng ra sao thì đừng bỏ qua bài viết này nhé.
Máy tạo oxy là gì? Cấu tạo và nguyên lý của máy tạo oxy
Máy tạo oxy là gì?
Máy thở oxy (hay máy tạo oxy, tiếng Anh: Oxygen Concentrator) là một thiết bị y tế cung cấp oxy cần thiết cho các bệnh nhân gặp vấn đề về đường hô hấp. Thiết bị này lấy trực tiếp không khí từ xung quanh, qua hệ thống lọc loại bỏ những chất độc hại, khí trơ, cho ra oxy tinh khiết có nồng độ từ 90% trở lên. Đây là loại khí rất cần thiết cho những bệnh nhân bị bệnh (đặc biệt là các bệnh về hô hấp, tim mạch...), người cao tuổi, người sức khỏe yếu, bà bầu, trẻ nhỏ... Sử dụng máy tạo oxy thì người bệnh sẽ không cần dùng tới những biện pháp như bình oxy, bình thở oxy mini tại nhà nữa.
Cấu tạo của máy tạo oxy
Cấu tạo của máy thở oxy gồm 3 phần chính là: Máy nén, bộ lọc và các bảng mạch. Ngoài ra, phần vỏ ngoài của máy còn có các bộ phận khác như: Thanh đo và điều chỉnh lưu lượng oxy, đầu khí dung (chỉ có ở một số máy), bình tạo ẩm, đầu đo SPO2 (chỉ có ở một số máy)... Dưới đây là cấu tạo chung của một chiếc máy tạo oxy thông thường.
Nguyên lý hoạt động của máy tạo oxy
Dựa trên cấu tạo máy tạo oxy, chúng ta có thể hình dung dễ hiểu rằng máy tạo oxy hoạt động theo nguyên lý tương tự như máy điều hòa không khí: Nó sẽ hút không khí tự nhiên vào máy sau đó hấp thụ và xả khí nitơ ra ngoài, giữ lại khí oxy cung cấp cho bệnh nhân qua một đường khác. Để hấp thụ nitơ, thông thường người ta sẽ sử dụng các hạt Zeolite.
Không khí được hút qua bộ lọc, sau đó đưa vào một máy nén khí để làm mát rồi cho không khí đó đi qua hệ thống van 4 chiều. Hệ thống van này lần lượt đóng mở để đưa không khí nén qua dồn vào bình, đồng thời đẩy nitơ do hạt Zeolite giữ lại ra ngoài, đẩy oxy mới vào bình tích áp chứa oxy.
Cứ như vậy không khí nén được đưa qua hệ thống van và bình lọc, tạo ẩm để đưa oxy ra cho bệnh nhân sử dụng, một phần được trích lại qua sensor oxy để theo dõi hàm lượng oxy nếu thấp quá 60% sẽ được máy báo động để sửa chữa hoặc thay hạt lọc.
Nhìn chung, có thể tóm tắt nguyên lý hoạt động của máy tạo oxy trong 5 bước như sau:
- Bước 1: Lấy không khí từ môi trường xung quanh.
- Bước 2: Nén khí trong khi cơ chế làm mát giữ cho máy không bị quá nóng.
- Bước 3: Loại bỏ nitơ từ không khí qua bộ lọc.
- Bước 4: Điều chỉnh cài đặt phân phối bằng giao diện điện tử.
- Bước 5: Cung cấp oxy tinh khiết qua ống thông mũi hoặc mặt nạ.
Thường thì sau khoảng 5.000 - 7.000 giờ sử dụng, các bao vải chứa hóa chất thường sẽ bị rách. Hóa chất nát vụn kết hợp với độ ẩm sẽ làm nghẹt các đường ống, vì vậy, chúng ta phải kiểm tra, bảo dưỡng đường ống và thay thế hạt Zeolite định kỳ để đảm bảo tỷ lệ oxy đạt tiêu chuẩn.
Do nguyên tắc hoạt động trên, khi máy tạo oxy hoạt động, chúng ta sẽ thường nghe thấy những âm thanh như "bụp" và "xè". Tiếng "bụp" là khi nén áp suất, tiếng "xè" là khi xả khí nitơ ra ngoài tái tạo hóa chất.
Tác dụng của máy tạo oxy y tế
Oxy y tế thường được sử dụng cho những đối tượng như người bệnh, người bị nạn khi cấp cứu phải cho thở trực tiếp oxy, người cao tuổi, người bệnh hen suyễn, suy hô hấp, người bị yếu phổi, phi công lái máy bay, thợ lặn khi xuống sâu. Ngoài ra những người bình thường làm việc trong môi trường độc hại, không gian chật hẹp, đông đúc, người làm việc căng thẳng, vận động viên, nghệ sĩ, ca sĩ... cũng rất cần dưỡng khí oxy. Sử dụng máy tạo oxy vừa giúp cải thiện sức khỏe, vừa tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân.
Lưu ý khi sử dụng máy thở oxy
Máy thở oxy y tế là một thiết bị y tế rất hữu ích, tuy nhiên, trước khi sử dụng bạn cần tham khảoý kiến của bác sỹ chuyên khoa xem nên dùng máy tạo oxy gia đình dung tích bao nhiêu. Vì nếu bệnh nhân mắc bệnh nặng mà máy không cung cấp đủ khí oxy sẽ khiến bệnh ngày càng trở nặng.
Khi mua máy thì bạn nên chạy thử và kiểm tra xem máy có khả năng tạo khí oxy liên tục không, máy hoạt động có ồn, nồng độ khí oxy đầu ra có cao không? Bởi máy tạo oxy thường phải hoạt động liên tục với độ ồn thấp để tránh làm ảnh hưởng đến bệnh nhân. Độ tinh khiết của oxy cũng ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh nên ít nhất phải đạt từ 90% trở lên.
Trong quá trình sử dụng, bạn nên đặt máy ở vị trí thông thoáng không gần nơi bắt lửa. Nếu đặt máy oxy gần nguồn lửa sẽ dễ gây cháy nổ.
Trong quá trình điều trị bằng máy thở oxy, nếu bệnh nhân có bất kỳ chuyển biến nào cần xin ý kiến của bác sĩ. Đặc biệt, việc tăng giảm lưu lượng oxy không được tự ý thực hiện mà cần phải làm đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu được máy tạo oxy là gì cũng như biết được nguyên lý và cấu tạo của nó.
Bạn đang xem: Máy tạo oxy là gì? Cấu tạo và nguyên lý của máy tạo oxy
Chuyên mục: Máy y tế
Các bài liên quan
- Máy đo SpO2 là gì? Nguyên lý hoạt động ra sao? Khi nào cần sử dụng?
- Top khẩu trang lọc khí thông minh tốt, đáng mua nhất hiện nay
- Máy đo SpO2 Omron giá bao nhiêu?
- Hướng dẫn sử dụng khẩu trang lọc khí LG Puricare mới mua về chi tiết nhất
- Chia sẻ: Nên mua máy tạo oxy hãng nào tốt nhất?
- Máy đo nồng độ oxy trong máu loại nào tốt, giá bao nhiêu?