Gan có thể tự tái sinh khi bị tổn thương hay không?

Gan có thể tự tái sinh khi bị tổn thương hay không?-1
Gan là một trong những bộ phận lớn nhất và nặng từ 1,4 đến 1,8 kg. Ảnh: Newscreds.

Các bộ phận của cơ thể như cơ hoặc khớp hoạt động quá sức sẽ biểu hiện qua cơn đau, thì cũng có những cơ quan “chịu đựng trong im lặng”, như gan của bạn.

Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể. Tuy nhiên, gan không có thụ thể đau và do đó không gửi bất kỳ tín hiệu cảnh báo nào cho bạn khi chúng gặp vấn đề. Kết quả là bạn thường không biết chính xác tình trạng sức khỏe gan của mình.

Nhiệm vụ của gan

Gan là một trong những bộ phận lớn nhất và nặng từ 1,4 đến 1,8 kg. Do đó, gan cũng là một trong những cơ quan nặng nhất trong cơ thể. Nhiệm vụ của gan rất đa dạng và quan trọng. Trong quá trình trao đổi chất, gan sẽ phân biệt giữa các chất có thể sử dụng được và chất độc tiềm ẩn gây hại cho cơ thể bạn.

Gan giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng từ thức ăn, lọc chúng và đưa trực tiếp vào các tế bào của bạn. Cơ quan này cũng vô hiệu hóa các chất độc như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, thuốc và rượu để làm cho chúng trở nên vô hại, phân hủy để đưa ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt.

Trong trường hợp bị quá tải và tổn thương, gan không thể thực hiện các nhiệm vụ này một cách đáng tin cậy. Nếu nhiều chất độc đi vào máu của bạn, điều này sẽ đe dọa đến sức khỏe và có thể dẫn đến viêm nhiễm, các bệnh nghiêm trọng.

Tế bào gan giúp lưu trữ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm như đường, chất béo, protein và vitamin để chuyển hóa chúng theo yêu cầu, cung cấp chúng cho cơ thể.

Gan còn giúp lọc các mầm bệnh như vi khuẩn và virus ra khỏi máu, ngăn không cho chúng lưu thông. Gan cũng giúp điều chỉnh sự cân bằng axit-bazơ bằng cách trung hòa và loại bỏ axit.

Ngoài ra, gan tạo ra các yếu tố đông máu cho máu để giữ cho bạn không bị chảy máu đến chết trong trường hợp bị thương.

Khi lá gan bị quá tải và tổn thương

Việc gan bị quá tải sẽ phát triển dần dần và ban đầu không có triệu chứng. Cơ quan này không có dây thần kinh nên không thể có căn nguyên đau gan. Tuy nhiên, những dấu hiệu khác mà bạn có thể sử dụng để biết gan của mình có bị tổn thương hay không. Các triệu chứng như mệt mỏi, giảm hiệu suất làm việc nghiêm trọng, chán ăn dai dẳng và suy giảm đông máu có thể là dấu hiệu cho thấy gan bị quá tải.

Các loại tổn thương gan thường gặp là gan nhiễm mỡ do rượu, gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan và xơ gan.

Việc thường xuyên uống một lượng lớn bia rượu là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tổn thương gan. Cồn khi được uống vào cơ thể sẽ làm gián đoạn các quá trình trao đổi chất quan trọng, do đó việc giải độc gan hầu như không diễn ra.

Sự phân hủy của rượu sẽ tạo ra các chất độc như acetaldehyde, làm tổn thương tế bào gan. Trong quá trình phân hủy, gan cũng dự trữ chất béo ở các tế bào. Do đó, chúng gây ra tình trạng gan bị nhiễm mỡ. Nếu bệnh nhân tiếp tục uống nhiều rượu, bệnh sẽ tiến triển và sớm chuyển sang giai đoạn tiếp theo là viêm gan và xơ gan.

Tuy nhiên, không phải lúc nào rượu bia cũng là nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ. Một số yếu tố nguy cơ như béo phì, tiểu đường và lối sống nói chung không lành mạnh cũng thúc đẩy đáng kể sự phát triển của gan nhiễm mỡ. Hơn 30% người trưởng thành hiện nay bị dạng gan nhiễm mỡ này.

Gan có thể tự tái sinh khi bị tổn thương hay không?-2
Các loại tổn thương gan thường gặp là gan nhiễm mỡ do rượu, gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan và xơ gan. Ảnh: Article.tebyan.

Viêm gan thường là giai đoạn bệnh tiếp theo của gan nhiễm mỡ. Các bác sĩ sẽ phân loại viêm gan thành hai nhóm: Cấp tính và mạn tính. Nếu tình trạng viêm gan không thuyên giảm sau 6 tháng, bệnh viêm gan mạn tính đã xuất hiện.

Bệnh viêm gan cũng liên quan đến sự phân hủy điển hình của tế bào gan do tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố (như rượu, thuốc, nicotin, thuốc men, thuốc trừ sâu).

Xơ gan là bệnh gan nghiêm trọng. Đây thường là hậu quả của bệnh viêm gan. Xơ gan cũng có thể phát triển do nhiễm virus viêm gan B hoặc C. Ở giai đoạn tổn thương gan tiến triển này, mô gan giảm đi rất nhiều, trở thành mô liên kết và sẹo.

Bề mặt gan không còn nhẵn bóng, có màu đỏ nữa mà sẫm màu và nhăn nheo đáng kể. Dấu hiệu điển hình của bệnh xơ gan là vàng da. Tổn thương gan thường không còn có thể được chữa trị hiệu quả ở giai đoạn này.

Các yếu tố nên tránh để giữ cho gan khỏe mạnh

Để giúp cho gan khỏe mạnh, bạn nên tránh các chất kích thích như nicotine và rượu. Hãy giảm mức tiêu thụ rượu của bạn xuống mức tối thiểu càng nhiều càng tốt và thử bia không cồn hoặc rượu không cồn. Đây là những lựa chọn thay thế tốt nếu bạn lo lắng về khẩu vị hoặc khi đi chơi với bạn bè.

Thực phẩm đặc biệt giàu chất béo gây quá tải cho lá gan. Hạn chế các thức ăn có quá nhiều protein và chất béo động vật sẽ giúp lá gan hoạt động tốt hơn. Bạn cũng nên tránh ăn đồ ăn quá mặn hoặc quá ngọt. Sử dụng quá nhiều đường sẽ gây nghiện và khiến lượng insulin của bạn tăng đột biến, có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 về lâu dài.

Ăn nhiều muối cũng thúc đẩy sự hình thành giữ nước và dẫn đến bài tiết nước tiểu nhiều. Về lâu dài, điều này gây căng thẳng cho thận và ngày càng đào thải các chất điện giải quan trọng (vi chất dinh dưỡng) ra ngoài.

Gan có khả năng tái tạo cực kỳ tự nhiên. Nếu gan không bị tổn thương quá nghiêm trọng và quá trình xơ không tiến triển quá xa, nó thường có thể phục hồi lại hoàn toàn. Do đó, việc bảo vệ gan bằng cách tiếp xúc với càng ít chất độc càng tốt. Bệnh nhân chỉ nên uống rượu với lượng nhỏ hoặc tránh hoàn toàn. Bỏ thuốc lá cũng được khuyến khích.

Về chế độ dinh dưỡng, bạn nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày và một bữa ăn nhẹ bổ sung như một lát bánh mì trước khi đi ngủ. Vì khi bị xơ gan, mức tiêu thụ năng lượng của cơ thể sẽ tăng lên và protein bị phân hủy nhiều hơn. Do đó, bệnh nhân cần chú ý đảm bảo cung cấp đủ calo và protein (1,2-1,5 g/kg thể trọng).

Trong trường hợp nồng độ amoniac cao do suy gan, bạn nên ưu tiên sử dụng protein có nguồn gốc thực vật (như từ các sản phẩm đậu nành) trong chế độ ăn uống hơn là protein từ động vật.

Ghép gan là biện pháp cuối cùng để thay thế một lá gan đã trở nên hoàn toàn không còn chức năng do xơ gan.

Bài viết do TS.DS Tạ Thanh Sơn (từng học tại ĐH Philipps Marburg; tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện Công nghệ Dược Sinh học, ĐH Marburg, CHLB Đức), cung cấp thông tin.

 

Bạn đang xem: Gan có thể tự tái sinh khi bị tổn thương hay không?

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết