5 triệu chứng dễ bị bỏ qua của bệnh thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở dân văn phòng, bác sĩ hướng dẫn 4 động tác đơn giản để phòng ngừa
Thoái hóa đốt sống cổ rất phổ biến ở người làm việc bàn giấy, phải ngồi nhiều giờ mỗi ngày trước máy tính. Nhất là những người trẻ thường ngồi sai tư thế.
Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng bệnh lý liên quan đến sự suy thoái các đốt sống vùng cổ do nhiều nguyên nhân gây nên. Bệnh còn có tên gọi khác là thoái hóa cột sống cổ hay Cervical spondylosis.
Trước đây, thoái hóa đốt sống cổ được cho là căn bệnh của người trung niên và người già, thường chỉ xuất hiện sau 40 tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe cho biết khoảng 10 năm trở lại đây bệnh đang có xu hướng trẻ hóa đáng báo động. Bệnh thường gặp ở đối tượng nhân viên văn phòng do thói quen làm việc không khoa học, ngồi sai tư thế, ít vận động cùng chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
5 triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ
Hầu hết người trẻ đều thiếu kiến thức và rất chủ quan với bệnh thoái hoá đốt sống cổ. Trong khi, bệnh này thường tiến triển âm thầm, các triệu chứng ban đầu rất dễ bị xem nhẹ hoặc bỏ qua:
- Ban đầu có thể người bệnh chỉ thấy hiện tượng đau mỏi, cứng ở cổ, không quay được cổ và đau tăng dần lên theo thời gian.
- Đau đầu quanh vùng thái dương, trán, 2 hố mắt vào buổi sáng.
- Lâu dần khi bệnh tiến triển nặng hơn, cơn đau có thể lan đến đỉnh đầu. Xuất hiện cảm giác đau vai, cánh tay bị tê hoặc mất cảm giác
- Thường xuyên bị cứng cổ sau khi ngủ dậy, cứng cổ kèm cảm giác đau nhức khi di chuyển đầu, khi ho, hắt hơi.
- Cảm giác đau tăng lên nhiều mỗi khi thời tiết thay đổi. Hoặc nếu bị thoái hóa đốt sống cổ đa xơ cứng sẽ có hiện tượng đau đớn và khó chịu 1 cách đột ngột, tưởng tượng như có luồng điện đi từ cổ xuống sống lưng và các chi.
4 động tác phòng ngừa và điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh khá nguy hiểm. Nó không chỉ hành hạ “dân văn phòng” bằng những cơn đau mà còn có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không có biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu. Vì vậy, hãy phòng ngừa và tự cải thiện bằng 4 cách sau:
Ngồi đúng tư thế:
Tư thế ngồi phải thẳng lưng, không ngửa đầu ra sau cũng không cúi sát gần màn hình vi tính. Nhìn về phía trước mà không gồng cổ, cánh tay đặt 2 bên, khuỷu tay tạo với cơ thể 1 góc 90 độ, cổ tay thẳng, 2 chân chạm sàn.
Ảnh minh họa
Ghế làm việc phải có độ cao thích hợp so với bàn làm việc và máy tính. Màn hình thẳng ngay trước mặt, không để màn hình máy tính quá cao hoặc quá thấp, khoảng cách với mắt ít nhất là 45cm.
Về phần chân, hãy giữ khoảng cách giữa mặt sau của đầu gối và ghế ngồi ít nhất 10cm, đầu gối và bắp chân tạo thành góc 90 độ hoặc hơn một chút. Hạn chế ngồi bắt chéo chân hoặc rung chân. Nên đứng dậy đi lại hoặc tập duỗi chân nhẹ nhàng 30 phút 1 lần để mạch máu luôn lưu thông, xương khớp khỏe mạnh.
Massage thả lỏng cơ cổ:
Sử dụng ngón trỏ và 3 ngón còn lại miết nhẹ từ chân tóc đến khu vực cổ, 2 vai, gáy và ngược lại. Thực hiện động tác liên tục trong khoảng 2 - 3 phút với lực tay vừa phải nhằm giúp các cơ và khớp cổ được thả lỏng. Bạn có thể thực hiện bài tập đơn giản này nhiều lần trong ngày.
Bài tập tăng cường vùng cổ và vai:
Bài tập này cũng rất dễ thực hiện, có thể làm nhiều lần trong ngày, bất cứ khi nào mỏi cổ. Bạn có thể ngồi hoặc đứng, ép 2 vai hướng vào nhau, ngửa cổ lên, giữ 5 giây thả lỏng và lặp lại liên tục 10 - 15 lần. Không chỉ ngăn ngừa thoái hóa đốt sống cổ mà còn giúp cải thiện tư thế cột sống, tăng cường cơ khớp bả vai.
Bài tập giảm đau, cứng vùng cổ:
Nằm sấp trên 1 mặt phẳng, tay đặt song song 2 bên sườn, 2 chân duỗi thẳng. Sau đó từ từ uốn cong người lên trên như tạo hình con én bay. Tức là chỉ có vùng eo chạm mặt sàn, còn lại căng cơ đưa vùng ngực, cổ, đầu hướng lên cao về phía trước. Đồng thời, 2 chân cũng đưa lên cao, không chạm sàn.
Giữ nguyên tư thế “én bay” này trong khoảng 10 - 20 giây sau đó thả lỏng hoàn toàn 5- 10 giây rồi lặp lại bài tập khoảng 10 lần. Động tác này rất tốt cho vùng thắt lưng và đốt sống cổ, nếu tập trước khi đi ngủ còn giúp bạn ngủ ngon hơn, tràn đầy năng lượng hơn vào ngày hôm sau.
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe