26/3 là ngày gì? Những hoạt động ý nghĩa chào mừng ngày 26/3
Ngày 26/3 là ngày rất quan trọng với các Đoàn viên, thanh niên trên toàn quốc. Mời bạn cùng Điện máy XANH tìm hiểu về ngày 26/3 và các hoạt động ý nghĩa chào mừng ngày đặc biệt này trong bài viết sau đây nhé.
Xem nhanh
1Ngày 26/3 là ngày gì?
Ngày 26/03 hằng năm được chọn là ngày Thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương, nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đây là ngày có vai trò cực kỳ quan trọng đối với thế hệ trẻ Việt Nam - những người có vai trò cực kỳ quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước.
2Ý nghĩa ngày thành lập Đoàn TNCS Việt Nam 26/3
Cuối tháng 03/1931, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ hai tại Sài Gòn, dưới sự chủ toạ của Tổng bí thư Trần Phú. Trong Hội nghị này, nhận thấy vai trò của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, Đảng chỉ thị cho các tổ chức Đảng ở các địa phương quan tâm đến việc xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên. Từ đó, Đoàn TNCS Đông Dương ra đời.
Qua các giai đoạn của Cách mạng, tổ chức này trải qua các tên gọi như: Đoàn thanh niên dân chủ, Đoàn thanh niên phản đế, Đoàn thanh niên cứu quốc, Đoàn thanh niên lao động và ngày nay là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Cùng đất nước, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình.
Từ ngày 23 - 25/05/1961, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đoàn lấy ngày 26/03, một ngày trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương tháng 03/1931 làm kỷ niệm thành lập Đoàn.
3Những hoạt động ý nghĩa chào mừng 26/3
Dưới đây là một số hoạt động ý nghĩa được tổ chức để chào mừng ngày 26/3:
Phong trào thi đua tuần học tốt, giờ học tốt
Phong trào này được hưởng ứng nhiệt liệt bởi các thầy cô giáo, các bạn học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Đây là một hình thức thi đua ý nghĩa, thiết thực, góp phần gìn giữ và tôn lên truyền thống ý nghĩa và tốt đẹp của dân tộc.
- Mục đích của hoạt động:
- Giáo dục đội viên, Đoàn viên giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học, uống nước nhớ nguồn.
- Tăng cường thực hiện tốt kỷ cương, nề nếp nhà trường, đổi mới giáo dục học sinh và thực hiện tốt công tác chủ nhiệm.
- Nâng cao chất lượng đội viên, Đoàn viên, phát triển toàn diện.
- Đưa phong trào học tập của nhà trường ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu.
- Nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập.
- Cách thức tiến hành:
Với sự phát động của giáo viên phụ trách và bí thư Đoàn trường, từng đơn vị trường học sẽ có cách tổ chức riêng. Một số cách thức thi đua mà các trường có thể tham khảo như thi đua về số giờ học tốt thông qua đánh giá của sổ đầu bài bởi các giáo viên bộ môn, số lượng học sinh đạt thành tích tốt trong học tập,... Điều này tạo nên hình thức cạnh tranh lành mạnh giữa các tập thể lớp với nhau với sự ủng hộ của các thầy cô giáo.
Phong trào "Công trình măng non", "Trang trí lớp học"
Đây là phong trào thi đua tích cực, vui vẻ được thực hiện tạo các trường học nhằm giúp các bạn học sinh chủ động trong việc tạo nên môi trường học tập gần gũi cho mình. Ngoài ra, hoạt động còn khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh và đầy tính sáng tạo giữa các tập thể lớp với nhau.
- Mục đích của hoạt động:
- Tạo môi trường học tập thân thiện, thu hút các em học sinh thêm gắn bó, yêu trường lớp.
- Phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo và xây dựng của học sinh.
- Tôn vinh những giá trị tốt đẹp và sự cố gắng của học sinh.
- Nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn kết của tập thể.
- Cách thức tiến hành:
Phong trào được quy định, phân công khu vực, cũng như công bố phương thức và tiêu chí chấm điểm từ trước. Mỗi lớp sẽ cần làm vệ sinh, tự do sáng tạo trang trí lớp học và khu vực chung được phân công. Sau đó, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành chấm điểm vào ngày đã quy định. Kết quả chấm điểm sẽ được công bố và trao giải vào buổi sinh hoạt chung của toàn trường vào tuần tiếp theo.
Tổ chức Lễ kết nạp Đoàn
Mỗi năm, cứ đến ngày truyền thống của Đoàn 26/3, các tổ chức Đoàn lại tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên mới để kết nạp, chào mừng, bổ sung thêm lực lượng xung kích cho Đoàn.
- Mục đích của hoạt động:
- Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa cho thanh niên, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng lớn mạnh.
- Bổ sung lực lượng chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn, khơi dậy niềm tự hào đối với Đoàn viên được kết nạp.
- Tạo cơ hội cho thanh niên có điều kiện trưởng thành trong quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng bản thân, và đóng góp, cống hiến của phong trào của tổ chức.
- Quy trình kết nạp Đoàn viên mới đảm bảo theo đúng Điều lệ Đoàn, quy định về công tác phát triển Đoàn viên.
- Cách thức tiến hành:
Các lớp thuộc đơn vị trường học hoặc các đơn vị quản lý khu phố, phường, quận chọn lọc và gửi những danh sách những cá nhân ưu tú, có nhiều cố gắng trong học tập, rèn luyện đạo đức và có nguyện vọng được kết nạp vào Đoàn. Các đơn vị mở các lớp bồi dưỡng về cảm tình Đoàn, tìm hiểu tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho các đối tượng thanh niên tham gia.
Sau đó, tổ chức lễ kết nạp Đoàn viên mới một cách trang trọng, khơi dậy niềm tự hào, vinh dự đối với Đoàn viên mới, tuyển chọn được những thanh niên tiêu biểu, đủ điện kiện đứng trong hàng ngũ của Đoàn.
Tổ chức hội trại
Đây là một hoạt động mà rất đặc biệt, sôi động và được các Đoàn viên, thanh niên hưởng ứng nhiệt tình và đầy hào hứng. Tùy từng cơ sở và tổ chức Đoàn, hội trại được diễn ra với các hình thức tổ chức phong phú và đa dạng.
- Mục đích của hoạt động:
- Là hoạt động trọng tâm có ý nghĩa thiết thực, cạnh tranh lành mạnh.
- Tạo sân chơi bổ ích để Đoàn viên thanh niên có cơ hội rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm, ý thức kỉ luật, tinh thần đoàn kết và tính đồng đội, bổ sung kiến thức, kĩ năng tổ chức các hoạt động cộng đồng và sinh hoạt tập thể.
- Phát huy tối đa năng lực và sự sáng tạo của sinh viên.
- Cách thức tiến hành:
Ban tổ chức sẽ lựa chọn chủ đề cho hội trại với các quy định cụ thể về quy mô, số lượng, thời gian và địa điểm cắm trại. Ngoài ra, các nội dung hoạt động của hội trại cũng có chương trình chi tiết kèm theo như các trò chơi, đêm lửa trại, liên hoan văn nghệ,… Do vậy, chắc chắn đây là một hoạt động phong trào hứa hẹn nhiều điều bổ ích và được các bạn trẻ hưởng ứng nhất. Thông thường, tổ chức hội trại truyền thống được các đơn vị tổ chức thực hiện vào những năm kỉ niệm tròn như 60 năm, 70 năm,... thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tổ chức các cuộc thi văn nghệ
Hội diễn văn nghệ là hoạt động ý nghĩa không thể thiếu trong bất kỳ ngày quan trọng này, đặc biệt là ngày chào mừng Ngày thành lập Đoàn 26/3. Các tổ chức Đoàn khắp nơi sẽ nô nức luyện tập các tiết mục văn nghệ đặc sắc, chỉn chu để tham gia hội diễn. Các tiết mục đặc sắc nhất sẽ được trình diễn tại những đêm hội trại, đêm tổng kết quan trọng. Đây là cơ hội để gắn kết tinh thần đồng đội và tỏa sáng trước nhiều người.
- Mục đích của hoạt động:
- Tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong thanh thiếu niên.
- Đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức thẩm mỹ, tính sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật.
- Khuyến khích tinh thần sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng thanh thiếu niên.
- Tạo điều kiện giao lưu, thắt chặt tinh thần đoàn kết, kỹ năng sống khi hoạt động tập thể, thể hiện mình trước đám đông.
- Cách thức tiến hành:
Các tổ chức, nhóm, cá nhân được thông báo hình thức tham dự, thời gian, địa điểm, tiêu chí chấm điểm,... từ trước và có thời gian chuẩn bị, lên ý tưởng, luyện tập như nhau. Các tiết mục tham gia sẽ yêu cầu phù hợp với chủ đề nhưng đa dạng về hình thức biểu diễn như hát đơn ca, song ca, tốp ca, kịch, nhảy dân vũ,... Các phần thi sẽ được chấm theo các tiêu chí đã công bố và có các phần thưởng để động viên, khích lệ sự cố gắng của các cá nhân và tập thể xuất sắc.
Tổ chức thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian
Song song với hội diễn văn nghệ, các cuộc thi đấu thể thao hoặc trò chơi dân gian cũng luôn là một phần không thể thiếu được. Hoạt động này có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm đông đảo Đoàn viên thanh niên tham gia.
- Mục đích của hoạt động:
- Nâng cao nhận thức của Đoàn viên trong việc rèn luyện sức khỏe, nhận thức về nét đẹp của các trò chơi dân gian.
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, giữ gìn và phát huy các trò chơi dân gian, bản sắc văn hóa dân tộc.
- Thắt chặt tinh thần đoàn kết, thi đua, giao lưu, học hỏi của Đoàn viên thanh niên.
- Tạo sân chơi lành mạnh và bổ ích cho Đoàn viên với không khí vui tươi, phấn khởi, cạnh tranh lành mạnh.
- Cách thức tiến hành:
Các tổ chức Đoàn sẽ lên kế hoạch tổ chức các hoạt động để Đoàn viên thanh niên tham gia vào ngày hội thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, kéo co, bịt mắt bắt dê, chơi bóng nước, nhảy bao bố,… Các hoạt động được thi đấu, tham gia theo hình thức cá nhân hoặc đồng đội. Cuối ngày hội thi đấu, ban tổ chức sẽ tiến hành khen thưởng, khích lệ và trao giải cho những đội thi có thành tích ấn tượng.
Tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo
Đây là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần tương thân tương ái và là một trong những phong trào lớn hiện nay của toàn xã hội, đầy ý nghĩa và mang đậm tính văn hóa, nhân văn. Hoạt động này được Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam duy trì thường xuyên và được đông đảo tầng lớp thanh niên tham gia. Đặc biệt, hiến máu nhân đạo để chào mừng Ngày thành lập Đoàn 26/3 khiến cho hoạt động này càng trở nên ý nghĩa, có sức lan tỏa rộng đối với giới trẻ.
- Mục đích của hoạt động:
- Nhằm giúp các bạn là Đoàn viên, thanh niên hiểu hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào hiến máu nhân đạo.
- Giáo dục học sinh, sinh viên biết chia sẻ những rủi ro, đồng cảm với những số phận, hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo.
- Gìn giữ truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc và góp phần trong việc thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước.
- Cách thức tiến hành:
Người tham gia hiến máu tự nguyện, khỏe mạnh, không mắc các bệnh lây truyền qua đường máu và là có tấm lòng nhân ái, khuyến khích người trong độ tuổi Đoàn viên, thanh niên. Các tổ chức được phép và các đoàn y tế tổ chức các buổi hiến máu tập trung với thời gian, địa điểm được thông báo rộng rãi cho mọi người cùng biết. Trước và sau khi hiến máu, người tham gia cần tuân thủ các khuyến cáo và yêu cầu từ phía đơn vị tổ chức.
Tổ chức cuộc thi về truyền thống ngày 26/3
Các cuộc thi tìm hiểu về ngày truyền thống 26/3 là một trong những hoạt động không thể thiết thực và hợp lý hơn. Hoạt động nhằm giúp các Đoàn viên, thanh niên nắm rõ truyền thống, lịch sử, những đóng góp, cống hiến,... của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Mục đích của hoạt động:
- Giáo dục tuyên truyền tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của dân tộc, của Đảng, của Đoàn đối với toàn thể thanh thiếu niên.
- Bồi đắp lý tưởng cách mạng, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc trên diện rộng.
- Cách thức tiến hành:
Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thông qua nhiều hình thức sáng tạo như làm video nội dung giới thiệu, tham quan, tìm hiểu các địa chỉ lịch sử, truyền thống của Đảng, của Đoàn,... Kết quả cuộc thi có thể được đánh giá thông qua độ sáng tạo trong hình thức trình bày, số lượt xem, lượt thích, lượt theo dõi trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, một số cuộc thi khác có thể được tổ chức như trắc nghiệm kiến thức trực tuyến (trên myaloha.vn hoặc Khoot), rung chuông vàng,...
Tổ chức chương trình biểu dương lực lượng
Đồng diễn biểu biểu dương lực lượng hoặc xếp hình bản đồ Việt Nam nhân Ngày thành lập Đoàn 26/3 đang trở nên ngày càng phổ biến, đồng thời tạo được các hiệu ứng tích cực. Đây cũng là mô hình đang được nhân rộng bởi ý nghĩa sâu sắc của hoạt động này đem lại cho công dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.
- Mục đích của hoạt động:
- Giáo dục tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng.
- Xác định lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng trong thanh thiếu niên, tích cực học tập, rèn luyện để trở thành những chủ nhân của đất nước.
- Khẳng định vai trò sứ mệnh của thế hệ trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Rèn luyện nhân cách, kĩ năng sống, sinh hoạt tập thể, giao lưu học hỏi, tinh thần đoàn kết.
- Cách thức tiến hành:
Hoạt động xếp hình, đồng diễn biểu dương lực lượng được diễn ra trong ngày kỉ niệm Đoàn 26/3 phải tạo được sự lan tỏa và thống nhất. Tùy vào số lượng Đoàn viên thanh niên mà xếp hình bản đồ Việt Nam theo kích thước to, nhỏ, khác nhau, sao cho mô hình sau khi xếp đảm bảo tính thẩm mỹ và khơi dậy được niềm tự hào dân tộc của thế hệ trẻ.
Trên đây là chia sẻ về ý nghĩa của ngày 26/3 và các hoạt động chào mừng. Đừng quên để lại bình luận nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp nhé!
Bạn đang xem: 26/3 là ngày gì? Những hoạt động ý nghĩa chào mừng ngày 26/3
Chuyên mục: Tra cứu thông tin
Các bài liên quan
- Ngày 19/8 là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa: Cách mạng Tháng Tám thành công
- Ngày 19/8 là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày 19/8
- Những bí mật về ngày 30/02 mà chúng ta không biết
- Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Đông chí với các nước phương Đông, phương Tây
- 20/3 là ngày gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và các hoạt động trong ngày 20/3
- Tết thanh minh là gì? Thanh minh 2021 nhằm ngày nào?