Thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Do thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, 4 bệnh viện tuyến cuối ở TP HCM thống nhất phương pháp tạm thời là giảm liều điều trị theo phác đồ
Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc trực tuyến về phòng chống dịch bệnh với 20 tỉnh, thành phía Nam vào ngày 23-6.
Số ca mắc tăng
TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho biết trong tuần qua (tuần lễ thứ 24 tính từ đầu năm), toàn miền Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc TCM, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, TP HCM… là những địa phương đang dẫn đầu về số ca mắc TCM và cả SXH.
Tính từ đầu năm đến nay, đã có 7 trường hợp tử vong do bệnh TCM; trong đó có 5 trường hợp được xác định do chủng enterovirus (EV71), 2 trường hợp còn lại chưa có kết quả xét nghiệm. Phân tích dựa trên các ca nặng, Viện Pasteur TP HCM nhận thấy An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, TP HCM là những địa phương có tỉ lệ ca nặng cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thăm bệnh nhi điều trị bệnh tay chân miệng nặng tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)
Theo TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, bệnh TCM đang có xu hướng gia tăng, trong đó chủng EV71 chiếm ưu thế. Đây là chủng gây bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, các địa phương chưa báo cáo rõ ràng về phân độ lâm sàng TCM, gây ảnh hưởng đến việc đánh giá độ nặng và xu hướng của bệnh tật. Bệnh đang diễn biến phức tạp và sẽ có nguy cơ lây lan nhiều hơn khi vào năm học mới.
"Tại TP HCM, 81% các ca nhập viện chưa được phân bổ hợp lý, điều này ảnh hướng đánh giá lâm sàng, xu hướng bệnh tật. Ví dụ, nếu xác định bệnh nhi mắc EV71 thì sẽ có biểu hiện rõ ràng, khả năng dễ thành ổ dịch, tốc độ lây lan nhanh hơn… Chính vì vậy, phân độ bệnh được đánh giá rất quan trọng để kiểm soát tình hình dịch từ sớm" - ông Thượng nhấn mạnh.
Ông Thượng nhận định trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh TCM. Tuy nhiên, đáng lưu ý, có 50% người lớn mắc TCM không có triệu chứng và đây cũng có thể là nguồn lây khi tiếp xúc với trẻ. Vì vậy, phòng ngừa bệnh này không chỉ tập trung ở trẻ nhỏ, bảo mẫu, trường mầm non mà cả người lớn cũng phải thực hiện rửa tay sạch, vệ sinh sạch... nhằm bảo vệ các bé.
Lo cạn huyết thanh
Hiện tại, Bộ Y tế đã phân công 4 bệnh viện tuyến cuối tại TP HCM hỗ trợ, tiếp nhận điều trị các trường hợp nhiễm bệnh TCM tại phía Nam, gồm: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM (Khoa Nhi); Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho hay trong 6 tháng đầu năm 2023, bệnh viện có 2.583 trẻ đến khám và 431 trẻ nhập viện vì mắc TCM. Trong số này có 24 ca nặng và 4 ca tử vong (ở tỉnh chuyển lên). Hiện tại, bệnh viện điều trị 68 ca, với 6 ca thở máy, 1 ca lọc máu.
Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 bày tỏ lo lắng trong khi tỉ lệ bệnh nặng và tử vong cao hơn so với năm 2022 thì thiếu thuốc điều trị, trong đó có 2 huyết thanh gamma globulin và phenobarbital. Dự kiến phenobarbital được cung ứng trong tháng 7, trong khi gamma globulin đang khan hiếm trên toàn cầu. Nếu các bệnh viện sử dụng thuốc gamma globulin theo đúng phác đồ, số thuốc dự trữ sẽ nhanh chóng cạn kiệt sau 1-2 tuần.
Do đó, các chuyên gia của 3 bệnh viện nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã họp và thống nhất phương pháp điều trị tạm thời. "Ví dụ, nếu trẻ mắc TCM nặng cần dùng 2 liều gamma globulin theo phác đồ thì nay dùng 1 liều theo dõi và đánh giá tiếp. Chúng tôi đang làm hết sức để cứu sống từng cháu bé, hội chẩn và cân nhắc rất kỹ để đưa ra quyết định như vậy. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý vẫn phải trình Bộ Y tế xem xét" - PGS Hùng nói.
Liên quan vấn đề này, Sở Y tế TP HCM đã có báo cáo lên Bộ Y tế. TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thông tin thêm trong thời gian chờ các nguồn cung thuốc đầy đủ hơn, các bác sĩ sẽ hội chẩn để có quyết định tốt nhất cho bệnh nhi. Dự kiến, hết tuần này, khu vực phía Nam có thể sẽ được phân bổ thêm 4.000 lọ gamma globulin.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, xác nhận đã nhận được báo cáo của Sở Y tế TP HCM về việc thiếu thuốc điều trị bệnh TCM. Lý giải về việc thiếu thuốc, ông Lâm nói thuốc gamma globulin có 13 số đăng ký ở Việt Nam nhưng lại đang khan hiếm trên toàn cầu. Thuốc này được điều chế từ huyết tương nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng người đi hiến máu giảm trầm trọng. Nguyên liệu thiếu hụt dẫn đến huyết thanh miễn dịch này chỉ được sản xuất theo đặt hàng trước.
Để giải quyết tình trạng này, đại diện Cục Quản lý dược đề xuất cần có sự tính toán, cân đối hợp lý. Ví dụ như tính toán trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng sử dụng là bao nhiêu để có cơ chế dự trữ, có thể không dự trữ 100% nhưng ít nhất cũng chiếm từ 30%-50%.
Khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định tình hình dịch bệnh TCM, SXH hiện có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Để đáp ứng kịp thời, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, các tỉnh, thành cần khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, phương án 4 tại chỗ. Bên cạnh đó, tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám chữa bệnh, tăng cường tập huấn, giám sát chặt chẽ, thực hiện phòng lây nhiễm chéo, đặc biệt tại các phòng khám tư nhân, cơ sở y tế nhỏ lẻ. Ngoài ra, truyền thông trong trường học, cộng đồng, vì có những người lớn là "người lành mang trùng" có thể lây cho trẻ em.
Bạn đang xem: Thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Đắk Lắk ghi nhận trường hợp thứ 2 tử vong vì bệnh tay chân miệng
- Vào 'điểm nóng' đang điều trị hàng trăm trẻ mắc tay chân miệng ở TPHCM
- 3 dấu hiệu cần cho trẻ nhập viện ngay khi mắc tay chân miệng
- Chủng virus nguy hiểm gây bệnh tay chân miệng
- Gia tăng các bệnh truyền nhiễm, cách nào phòng bệnh cho trẻ?
- Tay chân miệng căng thẳng: Bác sĩ ám ảnh nhớ lại trận dịch 12 năm trước