Thanh Lam chia sẻ sau câu chuyện hát 'Thiên thai' của Văn Cao: Nhiều người rất cay nghiệt và hằn học với khác biệt

Từ câu chuyện hát phá cách "Thiên thai" đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ Văn Cao, Thanh Lam cho rằng trong xã hội hiện nay, một bộ phận công chúng luôn sẵn sàng lên án, cay nghiệt với những gì không vừa ý. Nó là hệ quả của việc bị ức chế, dồn nén từ cuộc sống hàng ngày. Không chỉ với nghệ sĩ mà với bất cứ ai, nếu chẳng may bị sơ sểnh về phát ngôn, hành động.

Ngày cuối tuần, tại căn biệt thự ở Hồ Tây, NSƯT Thanh Lam dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện xung quanh những tranh cãi ở chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Văn Cao. Khác hẳn những lúc lộng lẫy trên sân khấu, nữ nghệ sĩ ăn vận giản dị, để mặt mộc hoàn toàn nhưng vẫn vô cùng thu hút người đối diện bằng thần thái và năng lượng vốn có.

Trong câu chuyện với phóng viên, nữ Diva luôn bộc lộ cái tôi đầy kiên định và tâm thế tĩnh tại của người tu thiền, không còn bị tác động bởi sự yêu ghét, ca tụng hay lên án.

Dù giọng hát và phong cách của Thanh Lam chưa được nhiều người thích nhưng chắc chắn một điều rằng chị luôn sáng tạo, tìm kiếm sự khác biệt trong mỗi sản phẩm âm nhạc. Nó xuất phát tự trong bản thể của người nghệ sĩ đích thực, muốn khác khao tận hiến chứ không phải để khẳng định thứ hạng, đẳng cấp.

Thanh Lam: Bản thân nghệ sĩ luôn luôn chán họ

Sau chương trình "Đàn chim Việt" kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao, phần trình diễn ca khúc "Thiên thai" của chị nhận nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng chị hát không đúng tinh thần của nhạc phẩm, thậm chí còn cho là chị "phá" nhạc Văn Cao. Chị nghĩ sao về nhận xét này?

- Tôi nghĩ chuyện đã qua rồi, chúng ta không nên làm "nóng" vấn đề thêm nữa. Thay vào đó, tôi muốn chia sẻ về dự án mới sắp tới với nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, và thông qua đó có thể bày tỏ quan điểm về nghệ thuật nói chung để mọi người hiểu vì sao trong đêm nhạc đó hay cả chặng đường nghệ thuật của mình, tôi lại hát như vậy, thay vì nói trực diện vào câu chuyện.

Thanh Lam hát "Thiên thai" trong chương trình Đàn chim Việt

Vâng, vậy xin chị chia sẻ về dự án sắp tới đây, nó sẽ có gì đặc biệt?

- Đó là những bài hát của Nguyễn Vĩnh Tiến với tựa đề là "Cuốn phim". Album gồm 12 ca khúc, là những bài hát mới tinh, lần đầu giới thiệu đến công chúng. Tôi vẫn tiếp tục với phong cách của mình là luôn luôn tìm tòi, sáng tạo và có sự khác biệt nhưng sẽ là một phong cách hát tương đối mềm mại, ngọt ngào mang hơi hướng dân gian đương đại.

Vậy vẫn là một Thanh Lam thích hướng đến cái mới. Mà cái mới thường khó được chấp nhận ngay từ đầu. Chị sẽ làm gì để mới mà không lạ với khán giả?

- Bản thân người nghệ sĩ luôn luôn chán họ. Họ không bao giờ muốn mình chỉ có như vậy, vốn là như vậy mà muốn khám phá, khám phá và khám phá nhiều nữa trong thế giới âm nhạc bao la.

Nhưng thời điểm này việc ra mắt album chẳng phải là đang đi ngược lại với xu hướng hay sao, khi mà phần lớn các dự án âm nhạc đều chọn phát hành online?

- Đúng là bây giờ không còn mấy người hào hứng với ra album. Nhưng việc mình làm thì vẫn phải làm vì đây là dự án tôi muốn đóng góp cho thời kỳ âm nhạc đang bị pha tạp với thẩm mỹ âm nhạc, cảm nhận của một bộ phận khán giả chưa thật sự chính xác.

Thanh Lam chia sẻ sau câu chuyện hát Thiên thai của Văn Cao: Nhiều người rất cay nghiệt và hằn học với khác biệt-1

Theo như chị tiết lộ, dự án sắp tới chị sẽ hát mềm mại hơn. Đó có phải cách chị chiều công chúng, là sự "rút kinh nghiệm" sau những phản ứng trái chiều vừa qua ở chương trình về nhạc sĩ Văn Cao?

- Cũng không hẳn là như vậy. Tôi nghĩ đến thời điểm này tôi không cần truyền tải những đau khổ, trăn trở, chất chứa quá nhiều nữa mà muốn một sản phẩm âm nhạc có màu sắc mộng mơ hơn.

Cuộc sống bây giờ thực dụng quá, thiển cận với cơm áo gạo tiền quá nhiều... Tại sao chúng ta không ở trên tất cả những vụn vặt, những vui buồn đó? Những bài hát trong dự án sắp tới không còn vui buồn trăn trở nữa. Tôi muốn buông xuống tất cả những điều đó để mang đến cảm nhận như là liều thuốc tinh thần cho công chúng. Đó là mong muốn tự thân chứ không phải vì bất cứ điều gì. Đã làm nghề đến tầm như của tôi thì hẳn nhiên phải có sự tự tin với lựa chọn của mình chứ!

"Tại sao một người vốn mạnh mẽ lại bắt yếu đi như họ?"

Với việc sở hữu một giọng hát đẹp, hiếm, lại đầy nội lực như Thanh Lam nếu biết dung hoà, biết chiều công chúng một chút thì sự yêu mến của khán giả dành cho chị còn lớn hơn rất nhiều. Chị hẳn là biết rất rõ điều này nhưng vẫn không lựa chọn?

- Không phải là tôi không quan tâm. Tất nhiên tôi vẫn luôn lắng nghe, vẫn luôn rút kinh nghiệm trong những sản phẩm của mình. Tôi hát vì những thôi thúc tự nhiên, từ bên trong mình dâng lên chứ không phải là sự tính toán về kỹ thuật hay gì khác, nên nói tôi phô diễn kỹ thuật là không phải. Như tôi bây giờ đâu có quan tâm đến kỹ thuật nữa, nó cứ tự tuôn ra như hơi thở vậy thôi.

Có thể vì tôi là người có nội lực mạnh mẽ, cách hát của tôi chưa phù hợp với đại chúng. Thật ra để tìm những giọng hát yếu đuối mong manh bây giờ nhiều mà. Bật máy lên là nghe thấy những giọng hát như thế. Đó là cái tự nhiên của các bạn ấy đấy, và được công chúng tôn trọng mà!

Thế thì với Thanh Lam, tự bản thể đã cá tính, mạnh mẽ, luôn đầy hoài bão thì trong âm nhạc của tôi cho dù kiểm soát thế nào nó vẫn tuôn trào.

Thanh Lam chia sẻ sau câu chuyện hát Thiên thai của Văn Cao: Nhiều người rất cay nghiệt và hằn học với khác biệt-2
NSƯT Thanh Lam và con trai - nghệ sĩ piano Nguyễn Đăng Quang

Có một lần tôi kể với một khán giả nước ngoài rằng, ở Việt Nam không phải mọi người đều cảm nhận được tôi vì tôi hát rất mạnh mẽ. Vị khán giả này bảo rằng: "Thế là họ bắt mình yếu đi à? Mình mạnh mẽ, khao khát tại sao lại bắt mình yếu đi như họ?".

Chính chương trình của nhạc sĩ Văn Cao tôi rất áp lực vì phải làm sao để mềm đi, nhẹ đi để phù hợp với thị hiếu nghe của mọi người. Điều đó làm tôi khá căng thẳng khi biểu diễn. Vì phải cố gắng kiềm chế dòng chảy trong mình để hát vừa vặn với khán giả, nghe có thương không? Nếu hôm đó để được xử lý theo cách của mình, tôi sẽ hát mạnh mẽ hơn chứ không nhẹ như thế. Nhưng đúng là khi khán giả đã thích cách mà họ muốn thì việc mình đưa ra ngôn ngữ riêng rất khó để được tiếp nhận.

Như chị vừa nói, sẽ là rất đáng thương nếu nghệ sĩ phải làm khác với bản năng của mình nhưng trong dự án sắp tới với Nguyễn Vĩnh Tiến, chị vẫn chấp nhận thay đổi?

- Đó không phải là chấp nhận thay đổi mà là nhu cầu tự nhiên. Đến điểm rơi này tôi làm được như thế, buông bỏ tất cả những đau khổ quằn quại của cuộc sống. Ở tuổi này, tôi đón nhận nỗi buồn một cách tự nhiên, vì mình sinh ra ngay bên cạnh đó là nỗi buồn, có vui được cả ngày đâu, hoặc vui ngày hôm nay ngày mai đã khác rồi. Đó là sự vô thường, thành ra tôi nghĩ rằng đến thời điểm này tôi mới đủ tĩnh tại, đủ vốn sống nên sự thay đổi nó cũng đến từ nhu cầu tự nhiên, chứ không phải vì nhu cầu của khán giả, vì mình sợ quá. Không phải nhé! Nó là sự thôi thúc từ tâm hồn mình.

Sự thay đổi đó ngoài yếu tố tự thân thì có sự tác động nào của việc chị trở thành Phật tử thuần thành không?

- Tôi thấy mình thật may mắn khi thời gian qua được tu tập Phật giáo nguyên thủy, tu thiền. Điều đó mang đến sức mạnh cho tôi, để mình có được sự sáng suốt trong não bộ, không bị cuốn theo những nghịch cảnh trong cuộc sống. Tôi ở thời điểm này đang ở giai đoạn rất đẹp của cuộc đời. Đầy đủ mọi thứ, đạt được những hoài bão, con cái trưởng thành và có thời gian cho riêng mình. Cảm ơn cuộc sống, trời phật đã cho tôi cuộc sống an yên sau những thăng trầm.

Ngày xưa tôi không được như thế, vì mình còn trẻ mà. Cái gì cũng cần phải có thời gian, trải nghiệm và phải có trả giá chứ! Trả giá rất nhiều là đằng khác, thì mới rút ra được kinh nghiệm sâu sắc.

Thanh Lam chia sẻ sau câu chuyện hát Thiên thai của Văn Cao: Nhiều người rất cay nghiệt và hằn học với khác biệt-3
"Tôi ở thời điểm này đang ở giai đoạn rất đẹp của cuộc đời", Thanh Lam nói

Nhiều người cay nghiệt với khác biệt mà quên mất mỗi người là một bản thể duy nhất

Là người luôn tìm tòi sự khác biệt, có bao giờ chị thấy nản khi những sáng tạo của mình không được thừa nhận, thậm chí còn bị phê phán với thái độ cực đoan nữa?

- Mình phải chấp nhận những khán giả không đồng cảm với mình, hiểu mình… Bố mẹ đẻ mình ra còn chưa hiểu mình nữa là người ngoài. Rồi ngay với mình cũng thế, đã hiểu được con mình đâu, dù mình sinh ra nó đấy! Thì chuyện người ta thích hay không là bình thường.

Nhưng ở góc độ xã hội thì nó bộc lộ nhiều vấn đề. Tôi thấy trong rất nhiều chuyện chứ không chỉ với mình, người ta dễ dàng viết ra những commetn hết sức cay nghiệt và nhìn nhận vấn đề bình thường thành nặng nề. Nó là hệ quả của việc bị ức chế, dồn nén từ cuộc sống hàng ngày, chứ một bài hát hay hay không hay làm gì phải gay gắt thế?

Nhìn sâu hơn sẽ thấy xã hội bây giờ người ra rất dễ nổi nóng, rất dễ ghét người này người kia. Đọc những comment đầy tính hằn học, cay nghiệt nó cũng phần nào phản ánh trình độ văn hóa của họ. Khi trình độ dân trí thấp, rồi stress vì miếng cơm manh áo, gia đình, công việc… thì chẳng may có điều gì không vừa ý là họ lập tức la ó, lên án. Không chỉ với nghệ sĩ đâu mà ở tất cả. Như một học sinh làm gì đó sai, thay vì nhìn vào gốc rễ là do giáo dục trong gia đình, trường học thì những người đó chỉ biết xâu vào chửi rủa.

Bản thân tôi cũng từng bị trầm cảm vì lúc nào phải cố gắng để được điểm 10. Sơ sểnh một tí là "Diva mà hát thế à", hay "Diva mà hành xử thế đấy". Như lúc trước thì bị cái tôi quá lớn sẽ thấy bất công "sao khán giả lại chửi mình thế". Giờ không buồn nữa. Họ không thích mình cũng phải chấp nhận vì bạn không thể vừa vặn với tất cả mọi người.

Giống như trong cuộc sống, niềm vui ai cũng thích nhưng nỗi buồn thì ai cũng sợ nó kinh khủng. Nhưng cách tôi ứng xử với nỗi buồn là đón nhận nó. Bạn thuận theo nỗi buồn thì sẽ vượt qua, chứ gặp chuyện buồn là hoảng lên thì sẽ càng chìm sâu trong đó. Nhờ có tu thiền mà tôi tự chữa lành được bản thân, không còn áp lực nữa.

Thanh Lam chia sẻ sau câu chuyện hát Thiên thai của Văn Cao: Nhiều người rất cay nghiệt và hằn học với khác biệt-4

Nghệ sĩ như tôi không quá quan tâm đến chuyện nhiều khán giả hay ít

Như vậy câu chuyện ở đây là công chúng cứ đòi hỏi nghệ sĩ phải hát theo cách họ thích mà quên mất việc khán giả cũng phải biết chấp nhận sự sáng tạo của nghệ sĩ

- Cũng không nên bắt khán giả phải thích hay không thích. Điều quan trọng là nghệ sĩ vẫn phải kiên định với lựa chọn của mình. Tôi nghĩ ở bất cứ ngành nghề nào cũng cần kiên định và mạnh mẽ. Kiên định với con người mình, giá trị thật của mình và con đường mình đi.

Trong trường hợp kiên định với lựa chọn mà phải đánh đổi bằng việc khán giả ít đi thì chị có kiên định không?

- Thực ra những nghệ sĩ như tôi không quá quan tâm đến chuyện nhiều hay ít đâu. Khen chê là những thứ do người khác mang lại nên việc mình làm thì cứ làm thôi. Cứ đóng góp từ sự thôi thúc, khao khát và làm tròn những gì trời đã cho mình.

Nhưng chẳng phải nghệ thuật suy cho cùng cũng đều là vì khán giả - người tiếp nhận và đánh giá chứ không phải giới chuyên môn hay sao?

- Khán giả không phải người đánh giá, họ lẽ ra nên là người thúc đẩy, khích lệ sức sáng tạo của nghệ sĩ và đón nhận với trái tim rộng mở. Nếu mình có sự rộng mở thì sẽ đón nhận mọi việc nhẹ nhàng, thấy bình thường với cái chưa hay, chưa như ý mình.

Chẳng hạn như bạn là nhà báo, có những bài bạn viết rất tốt nhưng cũng có bài vẫn là mình, tư duy của mình nhưng viết ra chưa được sâu sắc như mình mong muốn.

Nghệ sĩ cũng thế, lúc làm rất tốt nhưng đôi khi chưa đạt được như mong muốn thì việc khích lệ yêu thương họ là rất nên, rất cần thiết. Khán giả không hiểu được áp lực của nghệ sĩ khi hát bài hát mới, áp lực khi lên sân khấu kinh khủng như thế nào đâu.

Trong chương trình Văn Cao, hát trực tiếp với dàn nhạc giao hưởng là một thử thách rất lớn. Tôi đã tập "Thiên thai" cả nghìn lần, bản lĩnh như nhế mà lên sân khấu vẫn còn run. Nên với những gì chưa được như mong muốn, những ai tin yêu Thanh Lam sẽ hiểu, cái cô ấy đưa ra chắc đã là cái tốt nhất có thể rồi.

Âm nhạc cũng như món ăn, bạn không ăn được cay nhưng tôi ép bạn ăn thì món đó vứt đi, không ngon. Tương tự, ca sĩ mạnh mẽ như thế, họ đang là chính họ thì không thể vì mình muốn nghe sự mềm mại yêu thương mà đánh giá họ không hay. Hãy đón nhận với tâm thế rằng nghệ sĩ đang dốc sức dốc lòng cho ca khúc, cho sản phẩm đó.

Thanh Lam chia sẻ sau câu chuyện hát Thiên thai của Văn Cao: Nhiều người rất cay nghiệt và hằn học với khác biệt-5

Thanh Lam: Khán giả nên rộng mở với sáng tạo của nghệ sĩ

Chị vừa nói một ý rất hay rằng khán giả nên rộng mở với việc tiếp nhận cái mới kể cả khi nó chưa hay. Nghĩa là hai bên cùng vì nhau, cùng hỗ trợ nhau thay vì chỉ đòi hỏi từ phía nghệ sĩ?

- Những ai theo đạo Phật sẽ hiểu, tâm từ bi là điều mình phải tu ghê lắm. Tâm từ bi là với những hành động sai, chưa đúng nhưng mình vẫn luôn yêu thương. Như con mình ngoan mình yêu, con mình hư thì lại quát mắng, đánh nó. Đối với người tu tập, thì ngay cả lúc con mình hư cũng phải yêu. Lòng từ bi chính là dành cho những lúc ai đó hoạn nạn.

Nghệ sĩ cũng cần trái tim từ bi của khán thính giả cho những đóng góp của họ. Nếu họ hát cái mình thích thì dễ quá rồi. Nhưng với cái mình không thích, nếu nghe nghệ sĩ hát bằng trái tim thì sẽ khác đấy. Và phải chấp nhận cuộc sống là muôn màu chứ! Làm sao Thanh Lam lại giống một người nào đó. Khác nhau mới hay chứ! Bạn nghĩ xem, cả một chương trình ai ra sân khấu cũng một màu thì còn gì hấp dẫn?

Phải tôn trọng sự khác biệt nó còn một vế nữa là "nếu không thích thì đừng nghe", phải vậy không thưa chị?

- Tôi nghĩ, nếu chúng ta có một trái tim từ bi thì dù thích hay không thích, phù hợp hoặc không phù hợp mình sẽ vẫn đón nhận.

Vì cuộc sống là như thế, mỗi người là cá thể riêng, đặc biệt, không thể vì ai mà thay đổi con người thật của mình. Tôi rất trân quý bản thể của mình và âm nhạc của tôi chính là phản chiếu con người tôi. Luôn mạnh mẽ, đầy ước vọng và mong muốn chạm đến tận cùng cảm xúc. Một người yêu bản thể của mình, luôn khát khao tận hiến sẽ không bao giờ mang đến một sản phẩm tồi, chỉ là nó có được thích hay không thích mà thôi.

Cảm ơn NSƯT Thanh Lam về cuộc trò chuyện!

Theo Gia đình và Xã hội

Bạn đang xem: Thanh Lam chia sẻ sau câu chuyện hát 'Thiên thai' của Văn Cao: Nhiều người rất cay nghiệt và hằn học với khác biệt

Chuyên mục: Giải trí

Chia sẻ bài viết