'Thần dược ôn thi' nguy hiểm lại được sử dụng giữa mùa thi

Đến mùa thi, nhiều học sinh, sinh viên lại nghe đến Modafinil - loại thuốc được "truyền tai" giúp tăng cường sự tập trung nhưng thực chất có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Thần dược ôn thi nguy hiểm lại được sử dụng giữa mùa thi-1
Modafinil được nhiều học sinh, sinh viên truyền tai nhau về công dụng giúp tăng sự tập trung. Ảnh: Alternative to Meds Center.

Modafinil thường được bán trên mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử với các công dụng là "thuốc thông minh", "hack não siêu ghi nhớ", "tập trung siêu cao độ", "giúp não chạy hết 100 lần công suất"... Loại thuốc này đã được nhiều học sinh, sinh viên "rỉ tai" nhau mua nhằm mục đích giúp tỉnh táo, tập trung trong giai đoạn ôn tập thi cử.

"Em còn nhớ sau khi uống thuốc, bản thân đã tỉnh táo để tập trung nghe giảng hơn và không cảm thấy buồn ngủ. Em còn tự tin thuyết trình, trong khi trước đó, em rất ngại nói trước đám đông. Em khá lo sợ sức khỏe bị ảnh hưởng, nhưng việc lên lớp không hiểu bài, có thể học lại còn đáng sợ hơn nên em quyết định tìm mua thuốc", N.D., sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, nói.

Các chuyên gia rất lo lắng trước hiện tượng này. Theo đó, người sử dụng các loại thuốc này nếu không được tư vấn, hướng dẫn bởi bác sĩ, dược sĩ, các nhân viên chuyên môn ngành y tế có thể gặp nhiều nguy cơ rủi ro khi dùng thuốc.

Mua qua mạng với giá 50.000-70.000 đồng/viên

Chia sẻ với Zing, N.D. cho biết khoảng 2 tháng trước, nữ sinh này đã đọc được các thông tin về những tác dụng "thần kỳ" giúp vượt qua bài thi của Modafinil. Vì tò mò, N.D. đã tìm mua và dùng thử loại thuốc này trong khoảng thời gian 2 tuần.

Để mua được loại thuốc này, N.D. đã tìm kiếm ở các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook và sàn thương mại điện tử. Sau khi cân nhắc về "độ uy tín" của từng tài khoản bán thuốc và giá cả, N.D. đã quyết định mua 10 viên Modafinil ở một tài khoản trên Facebook với mức giá là 70.000 đồng/viên 200 mg.

Mua được thuốc, N.D. tự chia liều dùng phù hợp với bản thân. Ngày đầu tiên sử dụng, nữ sinh đã uống một viên 200 mg vào buổi sáng. Sau khi uống, D. cảm thấy bồn chồn và muốn hoàn thành một việc nào đó ngay lập tức.

Tuy nhiên, thuốc chưa hết tác dụng, D. đã buồn ngủ. Người bán cho biết tình trạng buồn ngủ của D. có thể do "thuốc chưa đủ liều phù hợp với cơ địa" và khuyên cô uống kết hợp nhiều nước và cà phê.

"Nghe lời khuyên của người bán, ngày hôm sau, em đã dùng thử 2 viên 200 mg vào lúc 7h. Em thấy ổn hơn nhưng vì thuốc quá mắc, xót tiền nên em đã chuyển về uống một viên/ngày. Để kéo dài hiệu quả của thuốc từ sáng đến chiều và từ chiều đến tối, em chia đôi một viên 200 mg, dùng cách nhau vài tiếng trong ngày", D. kể lại.

Khác với N.D., năm 2017, L.H. (hiện là sinh viên năm thứ 2 của ĐH Thủy Lợi) đã biết đến thuốc Modafinil thông qua một hội nhóm kín trên mạng xã hội Facebook. Mãi đến khi ôn thi tốt nghiệp THPT, nam sinh này mới quyết định mua 10 viên thuốc để dùng thử với giá là 50.000 đồng/viên 200 mg.

"Lần đầu uống Modafinil, em sợ sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng, nhưng có lẽ vì áp lực thi cử, em đã 'làm liều' uống thuốc. Mỗi ngày, em đều dùng thuốc vào buổi chiều và tự chia liều dùng là một viên/ngày", H. nói.

Thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT vào tháng 5/2017, L.Đ.A. (24 tuổi, TP.HCM) cũng sử dụng Modafinil.A. cho biết bản thân đã mua thuốc qua một hội nhóm ẩn danh với nguồn gốc được người bán cung cấp là "hàng xách tay, mang về từ nước ngoài". Mức giá của vỉ thuốc Modafinil 10 viên A. mua được là 70.000 đồng/viên 200 mg.

"Tôi đã uống thuốc theo liều mà bản thân cảm thấy ổn nhất. Tôi thường dùng nửa viên/lần, sau khi ăn sáng. Đến khoảng 18h, thuốc sẽ hết tác dụng. Sau đó, 21h, tôi sẽ đi ngủ. Bình thường, khi làm lâu một công việc nào đó, tôi không quá tỉnh táo, tập trung; nhưng uống thuốc, tôi có thể tập trung học bài từ sáng đến trưa mà không cần nghỉ ngơi", L.Đ.A. nói.

Thần dược ôn thi nguy hiểm lại được sử dụng giữa mùa thi-2
Giai đoạn thi cử, vì quá căng thẳng, nhiều học sinh, sinh viên đã sử dụng Modafinil. Ảnh: The Guardian.

Tác dụng phụ nguy hiểm

Qua một thời gian sử dụng Modafinil, N.D. nhận thấy loại thuốc này mạnh hơn cà phê và các chất caffeine rất nhiều. Sau khi uống thuốc, D. tăng sự tập trung khi nghe giảng, không còn buồn ngủ trong tiết học nên hiểu bài nhanh hơn. Tuy nhiên, D. đánh giá Modafinil chỉ có tác dụng làm tăng sự tập trung trong công việc nhưng không khiến người dùng thông minh như quảng cáo.

Khác với N.D., L.H. gặp nhiều tác dụng phụ của thuốc hơn. Mặc dù Modafinil đã giúp H. ghi nhớ tốt, tỉnh táo, làm bài tập hiệu quả, đặc biệt là ở những môn cần tính toán; sau khi thuốc hết tác dụng, H. lại đau đầu và mệt mỏi. Lo sợ thuốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài, H. đã ngưng thuốc sau khi sử dụng khoảng 7 viên.

Dược sĩ (DS) Ngô Hồng Phương (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết Modafinil là thuốc kê đơn, tuy nhiên việc mua bán loại thuốc này hiện nay vẫn diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử; vì vậy, việc trao đổi, lưu trữ và sử dụng sẽ không thể đảm bảo chất lượng của thuốc được cung cấp. Người sử dụng không được tư vấn, hướng dẫn bởi bác sĩ, dược sĩ, các nhân viên chuyên môn ngành y tế có thể gặp nhiều nguy cơ rủi ro khi dùng thuốc.

"Trên mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử, người bán thường 'hô biến' tên gọi cho loại thuốc này là 'thuốc thông minh', 'thuốc hack não siêu ghi nhớ'. 'tập trung siêu cao độ'… nhằm mục đích bán được hàng. Tuy nhiên, tất cả tên gọi này đều sai lệch với tác dụng của thuốc. Đây là thuốc nhóm thúc đẩy sự tỉnh thức dùng điều trị cho những người bị ngủ quá mức trong thời gian thức - ngủ rũ và bị rối loạn giấc ngủ", DS Ngô Hồng Phương nhấn mạnh.

DS Ngô Hồng Phương cho biết khi sử dụng Modafinil, người dùng sẽ tỉnh táo ít ngủ hơn, có thời gian học tập nhưng không thay đổi tình trạng mệt mỏi cần nghỉ ngơi của cơ thể. Cơ chế hoạt động của thuốc là ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh dopamin ngoại bào, tăng sự sảng khoái.

Chỉ với liều dùng là một viên 200 mg uống vào buổi sáng, người dùng sẽ nhận thấy tác dụng của thuốc ngay sau khi uống từ 45 phút đến 1 tiếng. Qua 10 tiếng, thuốc có thể hết tác dụng và làm người dùng mệt mỏi. Có trường hợp, người dùng sẽ cảm thấy bồn chồn, khó ngủ.

"Liều dùng trung bình cho tỉnh táo vào ca làm việc của Modafinil là 200 mg (viên)/lần/buổi sáng. Những người bắt đầu sử dụng thuốc phải dùng liều nhỏ hơn là 100 mg (viên)/lần/buổi sáng. Tăng liều không tăng tác động gây tỉnh thức mà tăng các tác dụng phụ nguy hiểm", DS Phương nói.

DS Ngô Hồng Phương nhận định để có được sự tập trung, sinh viên, học sinh phải rèn luyện trong thời gian dài, không cần sử dụng đến các thuốc nhóm kích thích có kiểm soát.

"Thuốc phải dùng để chữa bệnh, còn tình trạng thiếu sự tập trung, sinh viên, học sinh phải luyện tập. Các em không thể hở chút là dùng thuốc. Muốn tăng sự tập trung, các em cần có kế hoạch học tập, sinh hoạt hợp lý, tránh bị 'nước rút' và dùng thuốc để cấp tập ôn thi", DS Phương nói.

Bạn đang xem: 'Thần dược ôn thi' nguy hiểm lại được sử dụng giữa mùa thi

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết