Ông Phạm Nhật Vượng: 600.000 xe điện bán ở Mỹ sẽ sản xuất tại Việt Nam
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết trong kế hoạch bán 750.000 xe điện tại Mỹ thì sẽ có 600.000 xe sản xuất ở Việt Nam.
Tại đại hội cổ đông thường niên Tập đoàn Vingroup tổ
chức sáng 11/5, nhiều cổ đông đặt câu hỏi tới Hội đồng quản trị về
kế hoạch bán xe và sản xuất xe VinFast, đặc biệt là việc mở bán tại
Mỹ. Ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh thị trường thế giới đang rất
thiếu xe, nếu hiện tại có xe là "thắng", là có thể bán
được.
"Tôi đánh giá đây đang là thời cơ vàng để có thể chiếm lĩnh
thị trường và tạo dựng thương hiệu, vị thế. Chúng tôi đang ngày đêm
quyết liệt nghiên cứu phát triển sản phẩm. Vingroup cũng tiết kiệm
từng đồng để phát triển dự án VinFast", ông Vượng nói trước cổ
đông.
Bán xe điện ở Mỹ rất khó khăn
"VinFast đang xây dựng nhà máy ở Mỹ. Có phải nhà máy này sản
xuất xe điện cấp cho thị trường Mỹ và khu vực Bắc Mỹ, còn nhà máy ở
Hải Phòng và Vũng Áng sản xuất xe cho Việt Nam và các nước khác
không?", cổ đông đặt câu hỏi.
Trả lời ngắn gọn, ông Vượng cho biết nhà máy VinFast ở Mỹ có
công suất khoảng 150.000 xe/năm, trong khi kế hoạch bán hàng năm
2026 là 750.000 xe/năm. Do đó, ông nhấn mạnh sẽ có khoảng 600.000
xe bản ở Mỹ sản xuất tại VIệt Nam.
Tuy vậy, ông Vượng nhấn mạnh việc bán được 750.000 xe/năm là
kế hoạch kinh doanh của năm 2026. Trong năm 2022, mục tiêu bán hàng
là khoảng 17.000 xe. Hiện tại, lượng đặt xe tại Mỹ đã đạt hơn 4.000
xe và phù hợp với kế hoạch đặt xe.
"Để vào thị trường Mỹ với thương hiệu Việt Nam, từ nước chưa
có nền công nghiệp phát triển là rất khó khăn", ông Vượng nhấn
mạnh.
Để bán được ở Mỹ, Chủ tịch Vingroup nhấn mạnh doanh nghiệp tập
trung vào 3 lĩnh vực chính. Thứ nhất, sản phẩm tốt, chất lượng rất
tốt. Thứ hai, giá hợp lý với chiến lược cho thuê pin thì giảm đáng
kể cho khách hàng. Thứ ba, dịch vụ hậu mãi thật tốt. Doanh nghiệp
đang tích cực nâng cấp dịch vụ hậu mãi, lấy nền tảng hậu mãi ở Việt
Nam, sau đó đào tạo cho hệ thống hậu mãi toàn cầu.
"Về mặt marketing, chúng tôi sẽ chọn cách trực tiếp. Nghĩa là
thay vì quảng cáo trên phim ảnh, thì chúng tôi tích cực đi triển
lãm, cho người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm. Qua đó, VinFast sẽ
thuyết phục từng người một về chất lượng", ông Vượng nói.
Cổ đông sau đó đặt câu hỏi về việc hiện trên thế giới nguồn
cung Lithium, nguyên liệu quan trọng sản xuất pin xe điện đang ngày
càng khan hiếm, điều này gây khó khăn ra sao cho VinFast.
Ông Phạm Nhật Vượng cho biết pin xe điện không chỉ cần
Lithium, mà còn thiếu các nguyên liệu khác như Coban, Niken... cũng
đang rất thiếu. VinFast đã lập ra danh sách 6 nhóm linh kiện chiến
lược để sản xuất pin và bắt đầu nghiên cứu để dự trữ chiến lược lâu
dài. Tuy vậy, ông Vượng nhấn mạnh khi sản lượng xe khoảng vài trăm
nghìn một năm thì đó chưa phải là vấn đề lớn. Nhưng về lâu dài, khi
sản lượng xe tăng lên, cần phải hợp tác với các công ty khai mỏ để
mua số lượng lớn.
Trước câu hỏi nhà máy sản xuất pin xe điện của VinFast ở Vũng
Áng có diện tích 1.500 ha, là diện tích rất lớn, liệu nơi đây chỉ
đáp ứng nhu cầu sản xuất của VinFast hay còn làm bất động sản khu
công nghiệp để cho thuê? Chủ tịch Vingroup cho biết diện tích tại
đây sẽ dành để mở rộng cho các dự án của VinFast, VinES. Tuy nhiên,
doanh nghiệp muốn dành phần lớn cho các doanh nghiệp sản xuất linh
kiện ôtô, giúp phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ. Hiện tại,
mức độ nội địa hóa của xe VinFast đang là 60%, doanh nghiệp tiến
tới mức nội địa hóa khoảng 80%.
Vingroup có thể tham gia xây dựng đường vành đai 4 của
Hà Nội
Lĩnh vực bất động sản, mảng đem về phần lớn doanh thu và lợi
nhuận cho Vingroup, cũng được nhiều cổ đông đặt câu hỏi.
"Sắp tới Hà Nội và các tỉnh lân cận có tập trung làm đường
vành đai 4, Vingroup có tham gia vào dự án này không?", một cổ đông
hỏi. Ông Phạm Nhật Vượng cho biết với dự án đường vành đai 4,
Vingroup đã được Hà Nội mời tham gia đầu tư. Tuy nhiên, doanh
nghiệp này có thể chỉ tham gia ở góc độ xây dựng. Phần vốn sẽ có
các ngân hàng, tổ chức tín dụng thu xếp, còn Vingroup chỉ muốn dồn
nguồn lực vào các dự án lớn đang theo đuổi.
Nói về việc có hay không tham gia các dự án bất động sản ở
quanh khu vực đường vành đai 4, chủ tịch Vingroup cho biết hiện
doanh nghiệp chưa có kế hoạch, chỉ làm các dự án bất động sản đang
thực hiện. Còn về bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp vẫn đang
tìm kiếm và hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Một số cổ đông cũng đặt câu hỏi với chủ tịch Vingoup về chính
sách đất đai có thể thay đổi trong tương lai. Ông Phạm Nhật Vượng
cho rằng chính sách càng hoàn thiện, những doanh nghiệp chân chính
và tốt càng dễ làm.
"Vinhomes làm ăn chân chính, nghiêm túc, thượng tôn pháp luật
thì là cơ hội chứ không phải thách thức. Chúng tôi không chia lô
bán nền, không làm dự án ảo, không chụp giật, mà càng làm thì càng
tạo ra giá trị", ông nói. Vị này nhấn mạnh chi phí về tiền đất
trung bình trong một căn nhà của Vinhomes chỉ chiếm cao nhất là
30%, còn 70% là chi phí khác. Để xây dựng một khu đô thị thì 5 nhóm
chi phí: Tiền đất, tiền đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị; đầu tư
hạ tầng dịch vụ và tiện ích; đầu tư xây dựng nhà; chi phí thương
hiệu.
"Chúng tôi phát triển mạnh các giá trị và dịch vụ về sau chứ
không phải là đất đai", ông Vượng nói.
Tại đại hội cổ đông, một số cổ đông cũng đề xuất những ý tưởng
kinh doanh mới. Một cổ đông cho rằng trong các dự án của Vingroup
khắp cả nước có các tiện ích nổi trội như bệnh viện, trường học và
đề xuất nên có thêm một số viện dưỡng lão. Các viện này sẽ nằm tại
các resort ven biển và các đại đô thị, là một giải pháp kết hợp
tiện ích rất tốt.
Ông Phạm Nhật Vượng đánh giá đây là ý tưởng hay và cho biết
doanh nghiệp đang nghiên cứu triển khai tại các dự án bất động sản
lớn.
Mục tiêu doanh thu kỷ lục
Tại đại hội cổ đông năm nay, cổ đông Vingroup thông qua kế
hoạch kinh doanh đầy tham vọng năm nay với mức doanh thu cao kỷ lục
140.000 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất
kinh doanh cao nhất mà Vingroup từng đặt ra, so với năm 2021, mục
tiêu này cao hơn 11%.
Doanh nghiệp cũng kỳ vọng thu về khoản lãi ròng sau thuế 6.000
tỷ đồng trong năm nay. Dù không phải kế hoạch lợi nhuận cao nhất mà
tập đoàn này từng đặt ra, tuy nhiên so với mức lỗ 7.558 tỷ đồng năm
trước, đây vẫn là kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng.
Để hoàn thành kế hoạch này, Vingroup cho biết sẽ đẩy mạnh các
hoạt động kinh doanh nhằm củng cố 3 trụ cột chính là công nghệ -
công nghiệp, thương mại dịch vụ và thiện nguyện xã hội.
Về hoạt động kinh doanh cụ thể, Vingroup cho biết sẽ đa dạng
hóa các sản phẩm và dịch vụ của mỗi ngành dọc, đặt mục tiêu đưa ra
sản phẩm hấp dẫn và chất lượng cao, qua đó đa dạng hóa nguồn thu và
khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm trong hệ sinh thái mà tập
đoàn cung cấp. Doanh nghiệp cũng dự kiến áp dụng công nghệ vào mọi
hoạt động nhằm bắt kịp xu hướng thế giới, mở rộng hoạt động ra nước
ngoài.
Với từng công ty thành viên, năm 2022, VinFast dự kiến giới
thiệu các mẫu ôtô điện thông minh ra thị trường toàn cầu, chính
thức nhận đặt hàng 3 mẫu xe VF 5, VF 8 và VF 9. Đồng thời, tiếp tục
bàn giao mẫu xe VF e34 cho khách hàng tại thị trường Việt Nam và
chuẩn bị cho việc bàn giao VF 8, VF 9 cho thị trường toàn cầu từ
cuối năm nay.
Các mẫu xe điện mới được kỳ vọng giúp VinFast tiếp tục giữ
vững vị thế tại thị trường nội địa và xây dựng thương hiệu tại các
thị trường quốc tế bao gồm Mỹ, Canada và châu Âu.
Tại Vinhomes, ban lãnh đạo Vingroup cho biết sau thành công
của 3 đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và
Vinhomes Grand Park, tập đoàn sẽ cho ra mắt 3 đại dự án mới trong
năm nay. Trong đó, các dự án sẽ tập trung ở những thành phố lớn, có
hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, giàu tiềm năng phát triển với nhu
cầu nhà cao. Những dự án sắp ra mắt sẽ có quy mô lớn, cảnh quan độc
đáo, hệ thống tiện ích.
Với mảng bất động sản trung tâm thương mại, năm nay Vincom
Retail dự kiến khai trương Vincom Mega Mall Smart City (Hà Nội) và
2 Vincom Plaza.
Theo Hiếu Công/ ZingNews
Bạn đang xem: Ông Phạm Nhật Vượng: 600.000 xe điện bán ở Mỹ sẽ sản xuất tại Việt Nam
Chuyên mục: Xe
Chia sẻ bài viết