Những lưu ý trong ăn uống người bệnh suy tim nên tuân thủ để bệnh không nặng thêm
Đối với người mắc bệnh suy tim, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì điều chỉnh lối sống, đặc biệt là chế độ ăn uống là rất cần thiết, góp phần kiểm soát triệu chứng và hạn chế biến chứng.
1. Người bệnh suy tim thường có dấu hiệu gì?
Suy tim là tình trạng suy giảm chức năng co bóp của cơ tim khiến tim không đủ sức bơm máu theo nhu cầu của cơ thể. Sự khởi phát của suy tim có thể xảy ra đột ngột hoặc xảy ra theo thời gian. Hầu hết suy tim là do tình trạng bệnh lý khác như: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim hoặc nhịp tim không đều.
Các triệu chứng của suy tim phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và loại suy tim. Tùy thuộc vào bên tim bị ảnh hưởng, các triệu chứng sẽ khác nhau.
Ở những trường hợp nhẹ có thể không có triệu chứng, trừ khi làm công việc thể chất vất vả. Triệu chứng phổ biến nhất và thường được chú ý đầu tiên là khó thở, đặc biệt là trong các hoạt động thường ngày như đi bộ lên cầu thang.
Khi suy tim tiến triển và tim trở nên yếu hơn, các triệu chứng thường trầm trọng hơn, bao gồm:
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Ho khan
- Thở khò khè
- Ăn mất ngon
- Sưng mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân, bụng và tĩnh mạch ở cổ
- Tăng cân
- Khó tập thể dục
- Cần đi tiểu thường xuyên
- Không có khả năng ngủ khi nằm thẳng
- Khó tập trung
- Ngón tay và môi có màu hơi xanh
Các dấu hiệu sớm của suy tim bao gồm: mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, tiểu nhiều về đêm, ho nhiều, phù mắt cá chân, tim đập nhanh hoặc những cơn đánh trống ngực…
Tuy nhiên, các dấu hiệu này đôi khi không rõ ràng. Do đó người bệnh không nên chủ quan mà cần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và làm các xét nghiệm cần thiết để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị kịp thời.
Nếu có dấu hiệu suy tim người bệnh cần đi khám sớm.
2. Lối sống và dinh dưỡng có ảnh hưởng quan trọng đến suy tim
Mặc dù một số tình trạng có thể dẫn đến suy tim đã xuất hiện ngay từ khi mới sinh hoặc không thể ngăn ngừa được, nhưng yếu tố về lối sống và chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất quan trọng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim như: hút thuốc, uống nhiều rượu, ăn thực phẩm giàu chất béo và cholesterol, ít vận động…
Bằng chứng cho thấy là thực hiện lối sống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ suy tim. Duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục, hạn chế uống rượu, ăn uống lành mạnh và không hút thuốc đều được chứng minh là làm giảm một số yếu tố nguy cơ chính gây suy tim, bao gồm bệnh mạch vành, đái tháo đường và tăng huyết áp.
Theo ThS. BS Văn Đức Hạnh, Viện Tim mạch Việt Nam, người bệnh suy tim hiện nay hoàn toàn có thể sống khoẻ, hòa nhập cuộc sống thông thường nếu điều trị suy tim hợp lý. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ thúc đẩy quá trình suy tim cấp nặng lên, phổ biến hay gặp là:
- Bỏ uống thuốc điều trị hoặc uống thuốc không đều. Đặc biệt bỏ các thuốc điều trị suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường...
- Sử dụng các thuốc gây tổn thương cơ tim ở người bệnh tim như các thuốc giảm đau chống viêm, corticoid hoặc các thuốc điều trị ung thư...
- Người bệnh bị mắc hội chứng động mạch vành cấp, cơn tăng huyết áp cấp cứu, tràn dịch màng tim hoặc các biến cố cơ học tại tim.
- Nhiễm trùng, ví dụ như viêm đường hô hấp trên hoặc viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi...
- Các yếu tố khác như: bệnh phổi cấp, tăng hoạt động giao cảm...
- Đặc biệt, chế độ ăn uống không hợp lý như: Ăn mặn quá (ăn nhiều nước mắm, muối...), uống nhiều rượu, bia… có thể thúc đẩy quá trình suy tim nặng lên.
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, khi bị suy tim, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch thì chế độ dinh dưỡng cho bệnh suy tim cũng rất cần thiết và góp phần hạn chế sự tiến triển và biến chứng của bệnh, làm giảm các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đau ngực, ho, phù…
Vì vậy, đối với bệnh nhân được chẩn đoán suy tim thì bên cạnh việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ cần phải điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống để kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Uống nhiều rượu bia có thể thúc đẩy quá trình suy tim nặng
lên.
3. Người bệnh suy tim nên ăn gì?
3.1. Ăn thực phẩm lành mạnh
Có nhiều loại thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch bao gồm: rau quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, sữa ít béo, thịt nạc…
Người bệnh suy tim nên ăn nhiều rau củ quả có chứa nhiều chất xơ, vitamin và các chất chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe tim mạch, làm giảm hấp thu cholesterol, hạn chế hình thành mảng xơ vữa.
Rau xanh, trái cây cũng là thực phẩm chứa chất chống oxy hóa tự nhiên tốt cho sức khỏe tim mạch. Một số trái cây tốt đối với bệnh tim mạch như bưởi có thể làm giảm mỡ trong máu, cà chua có thể giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não...
Trong chế độ ăn hàng ngày, người bệnh suy tim nên ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt. Loại thực phẩm này có giá trị dinh dưỡng và hàm lượng chất xơ cao giúp tiêu hóa tốt, kiểm soát lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp.
Người bệnh nên ăn cá, thịt gia cầm (bỏ da), thịt nạc hoặc các thực phẩm được chế biến từ những nguồn đạm ít béo như trứng, dầu hạt cải, đậu nành… Không nên ăn quá nhiều chất đạm có nguồn gốc từ thịt đỏ, nội tạng động vật, thịt muối...
Người bệnh suy tim nên ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ như
rau quả, ngũ cốc nguyên hạt.
3.2. Ăn thực phẩm giàu kali
Chế độ ăn giàu kali có tác dụng hạ huyết áp, làm giảm nguy cơ đau tim. Người bệnh suy tim thường sử dụng thuốc lợi tiểu nên làm giảm lượng kali trong cơ thể. Vì vậy cần bổ sung kali bằng cách ăn các thực phẩm giàu kali như: thịt lợn nạc, đỗ các loại, cà chua, bắp cải, bông cải xanh, bơ, nho, chuối...
3.3. Sữa ít béo
Sữa là nguồn cung cấp các khoáng chất cần thiết như canxi, magiê và kali mà cơ thể bạn cần để hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Nghiên cứu cho thấy sử dụng sữa ít béo có liên quan đến việc giảm nguy cơ tăng huyết áp và giảm nguy cơ bị đột quỵ.
Sữa ít béo cũng có thể giúp cơ thể chống lại chứng viêm mạn tính, một tình trạng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim như bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại vi và bệnh cơ tim.
4. Những thực phẩm người bệnh suy tim cần hạn chế
4.1. Hạn chế muối và kiểm soát lượng nước uống
Đối với người bệnh suy tim, việc ăn nhiều muối sẽ làm tăng giữ nước và phù, ảnh hưởng xấu đến bệnh. Vì vậy, cần hạn chế tối đa lượng muối sử dụng trong chế độ ăn uống, càng ăn nhạt càng tốt. Lượng muối trung bình mỗi ngày không nên quá 2g. Đối với những bệnh nhân suy tim nặng cần loại bỏ muối hoàn toàn. Tuy nhiên, lưu ý là việc hạn chế ăn muối hay giảm muối ở mức nào còn tuỳ thuộc vào tình trạng cụ thể, mức độ bệnh và vì thế, người bệnh cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
4.2. Đồ ăn nhanh
Các loại đồ ăn nhanh chế biến sẵn như: đồ hộp, thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng, giăm bông, mì ăn liền, bánh mì, bánh ngọt, nước ngọt có gas… thường chứa nhiều muối, chất béo, đường, chất phụ gia, bảo quản làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tăng huyết áp và bệnh tim mạch.
Thực phẩm chế biến sẵn không tốt cho người bệnh suy
tim.
4.3. Các loại thịt đỏ
Các loại thịt đỏ bao gồm thịt bò, thịt bê, thịt cừu… có chứa hàm lượng chất béo bão hòa rất lớn, làm tăng cholesterol xấu có hại cho sức khỏe tim mạch. Vì vậy người bệnh suy tim nên hạn chế các loại thịt này.
4.4. Bỏ uống rượu, bia, không hút thuốc lá
Càng uống nhiều rượu, bia càng nguy hiểm với người bệnh tim như gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, cơ tim giãn nở dẫn đến suy tim và khiến cho tình trạng bệnh ngày càng xấu đi.
Thuốc lá chứa nicotin kích thích khiến tim làm việc nhiều hơn, gây tăng huyết áp, khó thở, tức ngực, đau ngực cho người bệnh suy tim.
Vì vậy người bệnh suy tim nên hạn chế tối đa, tốt nhất là nên bỏ uống rượu bia và không hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe và kiểm soát bệnh của mình.
Bạn đang xem: Những lưu ý trong ăn uống người bệnh suy tim nên tuân thủ để bệnh không nặng thêm
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe