Ngày Quốc khánh là ngày gì? Ý nghĩa ngày Quốc khánh 2/9

Đối với mỗi quốc gia, Quốc khánh luôn là một ngày lễ có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Vậy ngày Quốc khánh là ngày gì? Ý nghĩa ngày Quốc khánh 2/9 của Việt Nam là gì?

Ngày Quốc khánh là ngày gì? Ý nghĩa ngày Quốc khánh 2/9

Ngày Quốc khánh là ngày gì?

Quốc khánh là một khái niệm mà chắc chắn trong chúng ta, ai cũng từng nghe qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ Quốc khánh là ngày gì, có ý nghĩa như thế nào.

Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Quốc khánh được định nghĩa là “việc mừng, lễ mừng của nước”. Việc “khai sinh ra một nước” có thể xem là “việc mừng” lớn nhất của nước đó nên mới được gọi là “Quốc khánh”. Cho nên, Từ điển tiếng Việt mới định nghĩa “quốc khánh” là “lễ chính thức lớn nhất của một nước (thường kỷ niệm ngày có sự kiện được coi là trọng đại nhất trong lịch sử).

Ngày Quốc khánh là ngày gì?

Như vậy, nghĩa gốc của từ “Quốc khánh” là “lễ mừng của nước”, sau đó trải qua thực tiễn, Quốc khánh dần mang ý nghĩa là ngày lễ khai sinh của một quốc gia, một dân tộc. Quốc khánh thường là ngày có sự kiện được coi là là trọng đại nhất trong lịch sử của một quốc gia. Các quốc gia thường lấy ngày cách mạng thành công, ngày tuyên bố độc lập hay ngày thành lập chính thể mới làm ngày quốc khánh. Ví dụ như Mỹ, Quốc khánh 4/7 là kỷ niệm ngày Tuyên ngôn Độc lập được ký năm 1776, hoặc tại Trung Quốc, Quốc khánh là ngày lễ kỷ niệm sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, được kỷ niệm vào ngày 1/10 hằng năm. 

Vậy còn Quốc khánh Việt Nam thì sao? Quốc khánh Việt Nam là ngày nào và có ý nghĩa như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo của bài viết nhé!

Quốc khánh Việt Nam là ngày nào?

Quốc khánh Việt Nam là ngày nào?

Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ chính thức của Việt Nam, diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm. Quốc khánh là dịp kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong các tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ý nghĩa ngày Quốc khánh 2/9

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, đây là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Hơn thế nữa, Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới. Kể từ đó trở đi, ngày 2/9 hằng năm được chọn là ngày Quốc khánh của Việt Nam. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, chương 1, điều 13, mục 4 khẳng định:

“Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945”.

Ý nghĩa ngày Quốc khánh 2/9 của Việt Nam

Đây là một sự kiện có ý nghĩa và tầm vóc lớn lao bởi đó chính là dịp để bất cứ người dân Việt Nam nào, đồng bào cả nước cũng như bào kiều ở nước ngoài cùng hướng về tổ quốc, cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh bất khuất, cùng tưởng nhớ và biết ơn Bác Hồ Chí Minh - người anh hùng, vị cha già của dân tộc.

Đây cũng là dịp để các thế hệ sau cùng nhau nhìn lại chặng đường gian khổ và hào hùng của dân tộc, trau dồi lòng yêu nước, cống hiến cho dân tộc. Trong ngày này, người lao động cả nước hầu như đều được nghỉ ngơi bên gia đình và trên khắp đất nước cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm, giải trí nghệ thuật được tổ chức, thu hút rất nhiều người xem để cùng hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu oai hùng của cha anh, qua đó càng khắc ghi thêm tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu hơn về ý nghĩa của ngày Quốc khánh nói chung và ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9 nói riêng.

Bạn đang xem: Ngày Quốc khánh là ngày gì? Ý nghĩa ngày Quốc khánh 2/9

Chuyên mục: Tra cứu thông tin

Chia sẻ bài viết