Ngành Luật học những gì, tuyển khối nào? Các trường đào tạo chuyên ngành Luật bạn nên biết

Ngành Luật đang thu hút đông đảo các bạn trẻ theo học bởi đây là một ngành học đóng vai trò quan trọng, mọi lĩnh vực trong xã hội đều cần đến sự can thiệp về pháp luật. Hãy xem ngay các thông tin cần thiết về ngành Luật và các trường đào tạo ngành này dưới đây để có sự chuẩn bị tốt nhất bạn nhé!

1Ngành Luật là gì?

Ngành Luật là ngành học đào tạo kiến thức về hệ thống luật pháp, bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có cùng tính chất, nội dung thuộc một lĩnh vực đời sống xã hội nhất định. Đây cũng là ngành học giúp người học trở thành những luật sư, những người sử dụng kiến thức để bảo vệ hoặc buộc tội người vi phạm pháp luật.

Ngành Luật là gì?

Từ xưa đến nay, pháp luật luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng để bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội. Trên đà phát triển ngày nay càng đòi hỏi phải có một hệ thống quy phạm pháp luật chặt chẽ cùng với đó là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, vì vậy nhu cầu việc làm ngành Luật hiện nay rất rộng mở cho các bạn sinh viên theo học.

Tuy nhiên, các quan hệ xã hội phát sinh ngày càng nhiều và phức tạp hơn, áp lực cạnh tranh và bị đào thải trong ngành cũng tăng. Do đó, sinh viên phải có năng lực chuyên môn cùng tự trang bị các kỹ năng mềm cần thiết để đáp ứng yêu cầu của xã hội.

2Ngành Luật tuyển sinh khối nào?

Những khối phổ biến mà các trường tuyển sinh ngành học này bao gồm:

  • Khối A00 (Toán, Lý, Hóa).
  • Khối A01 (Toán, Lý, Anh).
  • Khối D01 (Toán, Văn, Anh).
  • Khối C00 (Văn, Sử, Địa).
  • Khối C14 (Văn, Toán, GDCD).

Ngành Luật tuyển sinh khối nào?

3Các trường đào tạo Luật ở Việt Nam

Miền Bắc

  • Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Học viện Phụ nữ Việt Nam
  • Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam
  • Học viện Tòa án
  • Đại học Công đoàn
  • Đại học Kiểm sát Hà Nội
  • Đại học Luật Hà Nội
  • Đại học Nội vụ Hà Nội
  • Đại học Thủ đô Hà Nội
  • Đại học Văn hóa Hà Nội
  • Viện Đại học Mở Hà Nội
  • Học viện Biên phòng
  • Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
  • Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên)
  • Đại học Hàng hải
  • Đại học Thái Bình
  • Đại học Dân lập Hải Phòng

Đại học Luật Hà Nội

Đại học Luật Hà Nội

Miền Trung 

  • Đại học Vinh
  • Đại học Hà Tĩnh
  • Đại học Hồng Đức
  • Đại học Quảng Bình
  • Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
  • Đại học Luật - Đại học Huế
  • Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng
  • Đại học Đà Lạt
  • Đại học Quy Nhơn
  • Đại học Thái Bình Dương

Đại học Luật - Đại học Huế

Đại học Luật - Đại học Huế

Miền Nam

  • Đại học Luật TP. HCM
  • Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. HCM)
  • Học viện Cán bộ TP. HCM
  • Đại học Kinh tế TP. HCM
  • Đại học Mở TP. HCM
  • Đại học Sài Gòn
  • Đại học Tôn Đức Thắng
  • Đại học An Giang
  • Đại học Cần Thơ
  • Đại học Thủ Dầu Một
  • Đại học Trà Vinh
  • Đại học Nam Cần Thơ
  • Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. HCM)

4Ngành Luật học những gì?

Sinh viên ngành Luật sẽ được trang bị các kiến thức Luật bao quát ở hầu hết các lĩnh vực từ chuyên sâu về pháp luật, thực tiễn pháp lý đến kiến thức về chính trị và các kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan đến pháp luật.

Một số môn học phải kể đến như Lý luận về Nhà nước và Pháp luật, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Thương mại Quốc tế, Luật Lao động,...

Ngành Luật học những gì

Ngoài ra, sinh viên còn được phát triển các kỹ năng mềm để hỗ trợ cho quá trình học tập và công việc của một cử nhân Luật sau này như kỹ năng nghiên cứu, phân tích pháp luật, phản biện, đàm phán, soạn thảo hợp đồng, văn bản pháp lý,...

5Ngành Luật gồm các chuyên ngành nào?

Ngành Luật có một số chuyên ngành phổ biến sau:

Luật Hình sự

Bao gồm kiến thức thực tiễn về tư pháp hình sự, các môn học tiêu biểu như tội phạm học, đấu tranh phòng chống tội phạm, tâm lý học tư pháp, những vấn đề lý luận về luật hình sự và tội phạm, trách nhiệm hình sự và hình phạt, khoa học điều tra hình sự, thủ tục giải quyết các vụ án hình sự,...

Luật Dân sự

Sinh viên sẽ hiểu biết được những luật cụ thể điều chỉnh trực tiếp các hoạt động dân sự. Bên cạnh đó, cung cấp kiến thức về những kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ như: Thi hành án dân sự, pháp luật thực thi quyền sở hữu trí tuệ, kỹ năng soạn thảo hợp đồng, tư vấn pháp luật,...

Luật Hành chính

Sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cùng những vấn đề cơ bản trong hoạt động Quản lý hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó là nghiên cứu chuyên sâu biện pháp kiểm tra, giám sát những hoạt động quản lý hành chính Nhà nước, những vấn đề tố tụng hành chính, được học tập kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính,...

Luật thương mại

Đào tạo kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đất đai, thuế và môi trường. Một số môn học tiêu biểu như Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật về Phá sản,...

Luật quốc tế

Sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế, Luật So sánh và Luật thương mại quốc tế. Sinh viên sau khi học sẽ hiểu biết về chức năng đối ngoại của Nhà nước trong quan hệ quốc tế, kỹ năng lựa chọn và vận dụng pháp luật của các quốc gia, giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, đàm phán hợp đồng ngoại thương,...

Ngành Quản trị - Luật

Đào tạo kiến thức hiện đại về kinh doanh, quản trị và luật làm nền tảng nghề nghiệp cho nhà quản trị và nhà tư vấn. Từ đó giúp sinh viên có thể hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp, hiểu biết các vấn đề có liên quan đến các yếu tố pháp lý và quản trị,... 

Ngành Luật gồm các chuyên ngành nào

6Học Luật ra trường làm nghề gì?

Ngày nay, các quan hệ xã hội phát sinh ngày càng đa dạng, nhu cầu phát triển kinh tế và mở rộng doanh nghiệp cũng tăng lên. Do đó cơ hội việc làm ngành Luật cũng rộng mở.

Học Luật không chỉ để làm luật sư mà bạn còn có thể làm việc và công tác tại nhiều cơ quan khác nhau hoặc các tổ chức, doanh nghiệp, các công ty với vai trò là một chuyên viên pháp lý.

Học Luật ra trường làm nghề gì?

Sau khi tốt nghiệp ngành Luật, các bạn trẻ có thể lựa chọn những nghề nghiệp phù hợp với sở thích, sở trường của mình ở nhiều vị trí khác nhau. Dưới đây là một số công việc dành cho sinh viên ngành Luật, như:

  • Luật sư tư vấn.
  • Luật sư tranh tụng.
  • Công chứng viên.
  • Chuyên viên tư vấn Luật.
  • Chuyên viên pháp lý tại các doanh nghiệp.

7Một số lưu ý khi theo học Luật 

Ngành Luật yêu cầu bạn phải có sự yêu thích và đam mê, cẩn thận, công bằng và luôn có cái nhìn khách quan, trung thực. Đồng thời, khả năng tư duy và phản biện cũng rất quan trọng, nhờ đó để xâu chuỗi các việc xảy ra, phân tích và đưa ra kết luận nhằm thuyết phục người khác.

Để theo đuổi ngành này, bạn cần có một trí nhớ tốt vì phải tiếp xúc và nhớ nội dung các điều, các khoản, quy trình, thủ tục tố tụng, qua đó giúp bạn giải quyết thật nhanh và hiệu quả những tình huống pháp luật.

Tuy nhiên, ngành Luật không yêu cầu bạn phải học thuộc tất cả luật. Chỉ cần bạn hiểu rõ vấn đề từ đó tra cứu và áp dụng chính xác luật để giải quyết mọi việc.

Ngoài ra, đầu tư học ngoại ngữ sẽ giúp bạn có lợi thế rất lớn khi tốt nghiệp và có cơ hội làm việc tại các công ty lớn, công ty nước ngoài.

Nguồn tham khảo và tổng hợp: tuyensinhso.vn. Ngày cập nhật: 08/09/2021.

Hy vọng với các thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về ngành Luật, nơi đào tạo cùng như cơ hội việc khi tốt nghiệp ngành này. Nếu có ý kiến đóng góp, hãy bình luận bên dưới để mọi người cùng thảo luận nhé!

Bạn đang xem: Ngành Luật học những gì, tuyển khối nào? Các trường đào tạo chuyên ngành Luật bạn nên biết

Chuyên mục: Tra cứu thông tin

Chia sẻ bài viết