[Khái niệm] Văn hóa là gì? Bản sắc văn hóa dân tộc là gì?

Chúng ta thường nhắc đến từ văn hóa trong cuộc sống hằng ngày, vậy văn hóa là gì? Bạn đã hiểu rõ thế nào là văn hóa chưa? Bản sắc văn hóa dân tộc là gì? Nếu bạn chưa hiểu rõ về những khái niệm này thì bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn nhé!

[Khái niệm] Văn hóa là gì? Bản sắc văn hóa dân tộc là gì?

Văn hóa là gì?

Trong các cuộc đối thoạt hằng ngày, có đôi khi chúng ta sẽ nghe thấy những lời chê bai người này, người kia không có văn hóa. Vậy văn hóa là gì? Văn hóa gồm những gì?

Văn hóa (文化) là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Từ văn hóa trong tiếng Việt là từ gốc Nhật, người Nhật dùng từ này để định nghĩa cách gọi văn hóa theo phương tây. Từ tương ứng với văn hóa theo ngôn ngữ của phương Tây có nguồn gốc từ các dạng của động từ Latin colere là colo, colui, cultus với hai nghĩa: (1) giữ gìn, chăm sóc, tạo dựng trong trồng trọt; (2) cầu cúng.

Văn hóa là gì? Thế nào là văn hóa?

Khái niệm văn hóa theo UNESCO: "Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”. Định nghĩa này nhấn mạnh vào hoạt động sáng tạo của các cộng đồng người gắn liền với tiến trình phát triển có tính lịch sử của mỗi cộng đồng trải qua một thời gian dài tạo nên những giá trị có tính nhân văn phổ quát, đồng thời có tính đặc thù của mỗi cộng đồng, bản sắc riêng của từng dân tộc.

Trong tiếng Việt, văn hóa được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức, lối sống. Theo nghĩa chuyên biệt, nó được dùng để chỉ trình độ phát triển của một giai đoạn. Trong khi theo nghĩa rộ thì văn hóa bao gồm tất cả mọi thứ, từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại, cho đến tín ngưỡng, phong tục, lối sống... Theo Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam - Bộ Giáo dục và đào tạo, do Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, xuất bản năm 1998, thì: "Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử".

Nền văn hóa là gì?

Trong cuộc sống hằng ngày, văn hóa thường được hiểu là văn học, nghệ thuật như thơ ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh... Các "trung tâm văn hóa" có ở khắp nơi chính là cách hiểu này. Hay có một cách hiểu thông thường khác cũng rất phổ biến: Văn hóa là cách sống bao gồm phong cách ẩm thực, trang phục, cư xử và cả đức tin, tri thức được tiếp nhận... Vì thế chúng ta thường hay nói một người nào đó là văn hóa cao, có văn hóa hoặc văn hóa thấp, vô văn hóa. 

Trong nhân loại học và xã hội học, khái niệm văn hóa được đề cập đến theo một nghĩa rộng nhất. Văn hóa bao gồm tất cả mọi thứ vốn là một bộ phận trong đời sống con người. Văn hóa không chỉ là những gì liên quan đến tinh thần mà bao gồm cả vật chất.

Bên cạnh khái niệm văn hóa thông thường thì còn những khái niệm "vệ tinh" khác về văn hóa như:

Tiểu văn hóa

Tiểu văn hóa là văn hóa của các cộng đồng xã hội mà có những sắc thái khác với nền văn hóa chung của toàn xã hội. Người ta thường hay nhắc đến tiểu văn hóa của thanh niên, của một dân tộc ít người nào đó hay tiểu văn hóa của một cộng đồng người dân sinh sống lâu đời ở một nước... Thực chất, tiểu văn hóa vẫn là một bộ phận của nền văn hóa chung; nó chỉ có những nét khác biệt khá rõ so với nền văn hóa chung, song không đối lập với nền văn hóa chung đó.

Mỗi xã hội đều có những dân tộc và cộng đồng khác nhau, và mỗi cộng đồng nhỏ ấy đều có những mô hình ứng xử riêng, mang đặc trưng của cộng đồng ấy. Những biểu hiện ấy được gọi là "tiểu văn hóa" hay "văn hóa phụ". Các cộng đồng này thường bao gồm những cá nhân có cùng một nền tảng dân tộc hoặc chủng tộc, quốc tịch hoặc tôn giáo, đôi khi đó còn là những nhóm người trong các lĩnh vực nghề nghiệp, lứa tuổi,... Bên trong các nhóm tiểu văn hóa có thể dễ dàng tìm thấy sự đồng tình, nhưng giữa các nhóm tiểu văn hóa với toàn xã hội nói chung, vẫn thường xảy ra sự bất đồng nào đó.

Phản văn hóa

Trong khi tiểu văn hóa vẫn hướng tới bảo vệ những giá trị của nền văn hóa chung, thì phản văn hóa công khai bác bỏ những chuẩn mực, giá trị của nền văn hóa chung. Phản văn hóa có thể được xem như tập hợp các chuẩn mực, giá trị của một nhóm người trong xã hội mà đối lập, xung đột với các chuẩn mực, giá trị chung của toàn xã hội. Như vậy, so với tiểu văn hóa thì sự khác biệt giữa phản văn hóa và văn hóa chung là lớn hơn nhiều. Phản văn hóa là điều thường thấy trong mọi xã hội.

Văn hóa nhóm

Văn hóa nhóm là hệ thống các giá trị, các quan niệm, tập tục được hình thành trong nhóm. Văn hóa nhóm được hình thành từ khi các mối quan hệ trong nhóm được thiết lập và cùng với thời gian các quy chế được hình thành, các thông tin được trao đổi và các thành viên cùng trải qua các sự kiện. Tất cả các nhóm nhỏ đều có văn hóa của mình, nhưng đồng thời cũng là một phần của nền văn hóa toàn xã hội. Như vậy, văn hóa nhóm cho thấy trong nền văn hóa chung còn có thể có những nét riêng biệt của các tập đoàn, các tổ chức xã hội khác nhau. Cũng có những ý kiến cho rằng, văn hóa nhóm dùng để chỉ nền văn hóa riêng nhỏ hơn tiểu văn hóa.

Văn minh

Nền văn hóa là gì? Văn mình khác văn hóa ở đâu?

Ở một khía cạnh nào đó, cũng cần phân biệt văn hóa với văn minh. Đây là một vấn đề khá phức tạp và đã từng tồn tại rất nhiều quan niệm khác nhau về sự phân biệt này. Một số nhà xã hội học thì cho rằng, sự gần nhau hay khác nhau giữa văn hóa và văn minh là nằm ở nội dung mà đưa ra hai khái niệm văn hóa và văn minh.

Văn hóa được coi là biểu hiện tinh thần sâu xa của cộng đồng, còn văn minh thì bắt nguồn từ khoa học và thể hiện trước hết ở sự tiến bộ của kỹ thuật, của máy móc, sản xuất. Hoặc có quan điểm khác cho rằng, thực chất, thuật ngữ văn minh là để chỉ toàn bộ những nền văn hóa riêng biệt có nguồn gốc chung hay quan hệ chung, như văn minh phương Tây bao gồm văn hóa Pháp, Anh, Đức,...

Một cách nhìn nhận khác, thì coi văn hóa là những khía cạnh trừu tượng hóa của một xã hội riêng biệt. Còn văn minh được chia thành những bậc cao thấp khác nhau. Văn minh bậc cao được coi là một tổng thể văn hóa bao gồm những nét đặc trưng văn hóa quan trọng nhất thấy được trong nhiều xã hội riêng biệt; văn minh phương Tây trong đó có nhiều xã hội có chung một hình thức đặc thù về khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật,... Văn minh bậc thấp được cấu thành bởi một dân tộc thuần nhất đặc trưng cho những xã hội giai cấp xuất hiện sớm nhất trong lịch sử (văn minh Ai Cập, Trung Hoa...).

Nền văn hóa

Nói đến văn hóa là nói đến khía cạnh ý thức hệ của văn hóa, tính giai cấp của văn hóa và trên cơ sở đó hiểu rõ sự vận động của văn hóa trong xã hội có giai cấp. Với cách tiếp cận như vậy, có thể quan niệm: Nền văn hóa là biểu hiện cho toàn bộ nội dung, tính chất của văn hóa được hình thành và phát triển trên cơ sở kinh tế - chính trị của mỗi thời kỳ lịch sử, trong đó ý thức hệ của giai cấp thống trị chi phối phương hướng phát triển và quyết định hệ thống các chính sách, pháp luật quản lý các hoạt động văn hóa.

Các loại hình văn hóa

Các loại hình văn hóa cơ bản bao gồm: Văn hóa tinh thần (văn hóa phi vật chất) và văn hóa vật chất.

Văn hóa tinh thần

Văn hóa tinh thần hay còn gọi là văn hóa phi vật chất là những ý niệm, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, giá trị, chuẩn mực,... tạo nên một hệ thống. Hệ thống đó bị chi phối bởi trình độ của các giá trị, đôi khi có thể phân biệt một giá trị bản chất. Chính giá trị này mang lại cho văn hóa sự thống nhất và khả năng tiến hóa nội tại của nó.

Các loại hình văn hóa phổ biến gồm những gì?

Văn hóa vật chất

Ngoài các yếu tố phi vật chất như giá trị, tiêu chuẩn... nền văn hóa còn bao gồm tất cả những sáng tạo hữu hình của con người mà trong xã hội học gọi chung là đồ tạo tác. Những con đường, tòa cao ốc, đền đài, phương tiện giao thông, máy móc thiết bị... đều là đồ tạo tác. Văn hóa vật chất và phi vật chất liên quan chặt chẽ với nhau.

Khảo sát một nền văn hóa có thể thấy văn hóa vật chất phản ánh những giá trị văn hóa mà nền văn hóa đó coi là quan trọng. Ở các nước Hồi giáo, công trình kiến trúc đẹp nhất và hoành tráng nhất thường là thánh đường trong khi ở Mỹ, nó lại là trung tâm thương mại. Văn hóa vật chất còn phản ánh công nghệ hiểu theo khái niệm xã hội học là sự áp dụng kiến thức văn hóa vào sinh hoạt trong môi trường tự nhiên. Tháp Eiffel phản ánh công nghệ cao hơn tháp truyền hình Hà Nội. Ngược lại, văn hóa vật chất cũng làm thay đổi những thành phần văn hóa phi vật chất.

Bản sắc văn hóa dân tộc là gì?

Bản sắc văn hóa dân tộc là gì?

Bản sắc văn hóa dân tộc (tiếng Anh: National cultural identity) là một khái niệm gắn liền với khái niệm văn hóa. Theo tâm lý học xã hội, xã hội học và nhân học, bản sắc là cách nhận thức của một cá thể về: Chính cá thể đó, một cá thể khác hoặc một nhóm xã hội. Như vậy, khái niệm bản sắc thường dùng để chỉ những cá tính khác nhau của một cá thể hay một nhóm nhiều cá thể của một nhánh hoặc nhóm xã hội đặc trưng.

Theo giáo sư Tâm lý học Peter Weinreich, đại học Ulster: “Bản sắc của một cá thể là tổng thể của phân giải cá nhân, qua đó cách mà cá thể phân giải chính mình ở hiện tại được tiếp tục từ cách cá thể phân giải chính mình trong quá khứ, cũng như truyền cảm hứng cho tiến trình phân giải chính mình trong tương lai”.

Bản sắc văn hóa dân tộc là gì?

Bản sắc văn hóa là một phạm vi nhỏ thuộc nền văn hóa rộng lớn của một địa phương, một vùng hay thậm chí là một quốc gia. Bản sắc văn hóa là nói về những nét đẹp trong văn hóa, những nét tinh hoa mà chỉ vùng, địa điểm hay dân tộc đó mới có, và là nét văn hóa đặc sắc nhất trong nền văn hóa chung để khi nhắc đến là nhớ ngay đến địa điểm cụ thể nào đó, hoặc dân tộc nào đó.

Vì vậy, ta có thể hiểu, bản sắc văn hóa dân tộc là thuật ngữ chỉ sắc thái, vẻ đẹp và tính chất đặc biệt, cái riêng của một nền văn hóa, của một dân tốc để phân biệt với những dân tộc khác trên thế giới. Bản sắc văn hóa dân tộc là cái gốc của nền văn hóa, những đặc trưng không thể trộn lẫn trong cội nguồn văn hóa của mỗi dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là những nét đặc trưng đặc biệt làm nên sắc thái, bản lĩnh và dấu ấn riêng của dân tộc Việt, từ những nét đó để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.

Ý nghĩa của bản sắc văn hóa dân tộc

Ý nghĩa của bản sắc văn hóa dân tộc

  • Bản sắc văn hóa dân tộc là gốc rễ hình thành nên nền văn hóa đặc trưng của một dân tộc từ lâu đời.
  • Bản sắc văn hóa dân tộc luôn tồn tại vĩnh viễn, trường tồn và không thay đổi theo thời gian.
  • Bản sắc văn hóa dân tộc đại diện cho một dân tộc, tạo nên những nét đặc trưng về mọi mặt như tín ngưỡng, tính cách dân tộc, phong tục tập quán, tính cách…
  • Bản sắc văn hóa dân tộc là tài sản vô giá cần được giữ gìn của một dân tộc.
  • Bản sắc văn hóa dân tộc là một biểu hiện đa dạng và phong phú.

Qua bài viết trên đây, hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về khái niệm văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc là gì.

Bạn đang xem: [Khái niệm] Văn hóa là gì? Bản sắc văn hóa dân tộc là gì?

Chuyên mục: Tra cứu thông tin

Chia sẻ bài viết