Hướng dẫn cách lắp điều hòa cây, máy lạnh tủ đứng chi tiết

Bạn có tò mò điều hòa cây lắp đặt như thế nào không, có giống điều hòa thông thường không? Hãy lưu lại ngay cách lắp điều hòa cây dưới đây để tham khảo khi cần thiết nhé!

Hướng dẫn cách lắp đặt điều hòa cây, điều hòa tủ đứng

Điều hòa tủ đứng hay điều hòa cây là một thiết bị làm mát hiện đang rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không biết lắp đặt loại điều hòa này như thế nào, có khác biệt gì so với điều hòa thông thường không. Vậy thì hãy cùng theo dõi chi tiết các bước lắp đặt điều hòa cây dưới đây nhé!

>> Xem thêm: Điều hòa cây có cục nóng không? Cấu tạo điều hòa cây thế nào?

Cách lắp đặt điều hòa cây

Bước 1: Khảo sát địa hình, vị trí lắp đặt

Trước khi tiến hành lắp đặt điều hòa tủ đứng, chúng ta cần khảo sát địa hình, lựa chọn vị trí phù hợp những tiêu chí sau để lắp đặt thiết bị: 

  • Vị trí không có vật cản, có độ thông thoáng để không khí luân chuyển tốt, nước từ dàn lạnh có nơi để thoát, không bị đọng.
  • Bề mặt nơi đặt máy phải bằng phẳng, chắc chắn, không gồ ghề, không dễ rơi ngã.
  • Bên cạnh vị trí đặt máy cần có không gian trống và an toàn dành cho việc sửa chữa hay khắc phục sự cố cho máy về sau.
  • Dàn nóng phải được lắp ở nơi đủ chắc chắn, có thể chịu đựng được trọng lượng của máy, khi vận hành không rung lắc mạnh và gây ra tiếng ồn.
  • Vị trí đặt máy nên xa phòng ngủ hoặc giường ngủ để tiếng ồn khi vận hành không ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi.

Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ lắp đặt điều hòa cây

  • Ống đồng dẫn gas theo công suất máy, ống nước, dây điện, eke, CB, simili...
  • Dụng cụ đồ nghề chuyên dụng dành cho lắp đặt.
  • Dàn giáo, thang và các dụng cụ an toàn lao động khác. 

Bước 3: Lắp đặt dàn lạnh

Lắp đặt điều hòa cây, máy lạnh tủ đứng

Đầu tiên, trước khi lắp đặt thì bạn cần xác định vị trí của lỗ ống đồng dẫn gas, ống thoát nước bằng cách dùng bút đánh dấu để khoan rút lỗ xuyên tường cho chính xác.

Xác định 4 vị trí để dàn lạnh điều hòa tủ đứng (dưới sàn hoặc đặt trên kệ chuyên dụng), sau đó bạn khoan 4 lỗ này với độ sâu và đường kính phù hợp với kích thước của tắc kê nở mà bạn sử dụng. Đưa dàn lạnh vào đúng vị trí cần lắp, sau đó dùng buloong siết chặt để cố định dàn lạnh chắc chắn.

Tiếp theo, vì trọng tâm của máy lạnh tủ đứng là ở trên cao nên chúng ta cần phải lắp thêm một miếng bát chữ “L” (hay còn gọi là tấm chống đổ) trên đỉnh máy bằng buloong hoặc tắc kê để giúp máy đứng vững, đảm bảo độ an toàn.

Bước 4: Lắp đặt dàn nóng

Lắp đặt dàn nóng không đơn giản như khi lắp đặt dàn lạnh của điều hòa cây, vì vậy, việc này phải được thực hiện bởi kỹ thuật viên có chuyên môn cao. Ngoài ra, khi vận chuyển dàn nóng đến nơi cần lắp phải đảm bảo còn nguyên bao bì cũng như đặt thẳng trên mặt phẳng, không đặt nghiêng. 

Nếu lắp dàn nóng trên sân thượng hoặc mái nhà thì bạn phải đặt trên kệ đỡ và siết buloong thật chặt cùng với đệm giảm rung chấn, đảm bảo hạn chế tối đa máy bị rung lắc và chắc chắn hơn khi có gió bão.

Nếu lắp trên ke đỡ treo lên tường, phải đảm bảo chọn ke đúng loại chịu được trọng lượng máy và siết ốc cũng như đệm cao su chắc chắn, đảm bảo vững chắc nhất.

Nếu đặt dàn nóng máy điều hòa tủ đứng ở nơi có tường cản, đảm bảo đạt được các khoảng cách sau để máy được thoát khí và lưu thông ổn định:

  • Mặt trước máy cách vật cản >1000mm.
  • Mặt sau cách vật cản >300mm.
  • Hai mặt cạnh cách vật cản >500mm.

Cách lắp đặt điều hòa cây

Bước 5: Đấu nối ống đồng, dây điện, ống nước

Sau khi đã lắp đặt xong dàn nóng và dàn lạnh điều hòa cây, chúng ta tiến hành đấu nối ống đồng, dây điện, ống nước... cho hai bộ phận này. Khi đấu nối ống đồng, bạn phải tuân thủ khoảng cách theo quy định:

  • Chiều dài đường ống tối thiểu: 3m.
  • Chiều dài đường ống tối đa: 15 - 50m (tùy theo nhà sản xuất).
  • Chênh lệch độ cao tối đa: 10m hoặc 30m (tùy theo nhà sản xuất).

Làm sạch ống, dùng dụng cụ cắt và loe ống chuyên dụng, sau đó loại bỏ các gờ mép, nhớ gõ nhẹ ống cho tất cả bụi đồng không còn bám lại để sau khi kết nối ống vào máy gas sẽ không bị lẫn tạp chất. Tiếp theo, bạn dùng lò xo để uốn ống (uốn từ từ để tránh nếp gấp hoặc làm biến dạng đường cong phía trong của đường ống, đặc biệt không được uốn cong quá 90 độ).

Kế tiếp, chúng ta bôi dầu làm lạnh vào mặt trong của ống loe, dùng tay vặn từ 3 đến 4 lần về phía rắc co ở máy sau đó dùng cờ lê xiết chặt đai ốc theo lực quy định để nối ống đồng dàn lạnh và dàn nóng với nhau. 

Sau khi kết nối ống đồng xong, chúng ta sử dụng đầu nối tròn để nối dây với khối cấp nguồn, kết nối dây điện theo đúng ký hiệu yêu cầu của nhà sản xuất như dây tín hiệu, dây nguồn và dây tiếp đất... Khi thực hiện bạn nên giữ dây theo thứ tự tránh đi dây cản trở các bộ phận khác.

Cuối cùng chúng ta lắp đặt ống thoát nước cho dàn lạnh. Khi lắp đặt, bạn cần lưu ý về độ dốc của ống, đảm bảo độ dốc cho đường ống là 1/100 (1cm/1m). Để không tạo túi hơi, nên giữ ống càng ngắn càng tốt.

Bước 6: Kiểm tra và chạy thử

Sau khi đã lắp đặt xong các bộ phận, các loại dây dẫn, đường ống, chúng ta tiến hành kiểm tra lại toàn bộ các mối nối, thứ tự các đường ống... sau đó cho điều hòa chạy thử. Bạn bật CB nguồn lên, sau đó mở remote cho máy điều hòa cây chạy và chỉnh chế độ phù hợp; theo dõi máy chạy trong vòng 20 đến 30 phút để kiểm tra các thông số điện áp, cường độ dòng điện của máy có ổn định không là xong.

Lưu ý khi lắp đặt điều hòa cây, điều hòa tủ đứng

Lưu ý khi lắp đặt điều hòa tủ đứng

  • Lựa chọn loại máy có công suất phù hợp với diện tích không gian lắp đặt.
  • Không đặt máy ở nơi có ánh nắng chiếu vào trực tiếp và mưa làm ướt máy.
  • Tránh đặt máy ở gần cửa ra vào, những nơi có chứa dầu khí, bột kim loại, chất dễ cháy hoặc nơi có nguy cơ phát nổ.
  • Lựa chọn vật tư chính hãng, chất lượng đảm bảo.
  • Nếu bạn không phải là người có hiểu biết về điều hòa thì không nên tự lắp mà hãy nhờ đến sự giúp đỡ của nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp.

Bạn đang xem: Hướng dẫn cách lắp điều hòa cây, máy lạnh tủ đứng chi tiết

Chuyên mục: Điện lạnh

Chia sẻ bài viết