Cơn bão Cytokine là gì ở bệnh nhân nhiễm Covid-19?
Cơn bão Cytokine là gì? Bão Cytokine ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 vì sao lại nguy hiểm? Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này.
Cơn bão Cytokine là gì?
Bão Cytokine hay tăng Cytokine máu (tiếng Anh: Cytokine storm) là thuật ngữ dùng để mô tả một phản ứng sinh lý có ở người và động vật, thông qua hệ thống miễn dịch tự nhiên, phân tử truyền tin tiền viêm gọi là Cytokine được giải phóng ra ồ ạt. Thông thường, Cytokine là một phần của đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân lây nhiễm, nhưng bị giải phóng đột ngột với số lượng lớn thì chúng có thể tạo thành một "cơn bão" gây suy đa tạng và gây tử vong.
Để hiểu rõ hơn về hội chứng này, chúng ta cần phải biết được Cytokine là gì, chúng có chứng năng gì trong cơ thể. Cytokine là các protein hay glycoprotein không phải kháng thể được sản xuất và phóng thích bởi các tế bào bạch cầu viêm và một số tế bào khác không phải bạch cầu. Chúng hoạt động như một chất trung gian điều hòa giữa các tế bào trong cơ thể. Cytokine không giống với các hormone kinh điển vì chúng được sản xuất bởi nhiều loại tổ chức khác nhau chứ không phải bởi các tuyến biệt hóa nào, chúng có trọng lượng phân tử thấp, thường từ 8 đến 30 kDa, trung bình khoảng 25 kDa.
Cytokines tham gia vào quá trình kiểm soát tăng sinh, biệt hoá của tế bào trong cơ thể và khả năng kích hoạt các phản ứng miễn dịch. Nó như một ngôn ngữ chung của các tế bào trong cơ thể, có thể giúp các tế bào trao đổi thông tin với nhau. Chúng phát huy tác động thông qua các thụ thể đặc hiệu và có thể có các hình thức tác động như sau:
- Cận tiết (paracrine): Tác động lên các tế bào đích trong không gian lân cận.
- Tự tiết (autocrine): Tác động trực tiếp lên chính bản thân Cytokine thông qua các thụ thể trên bề mặt tế bào.
- Nội tiết (endocrine): Tác động đến các tế bào hay tổ chức ở xa hơn trong cơ thể nhờ Cytokine lưu truyền trong máu.
- Xúc tiết (juxtacrine): Chỉ tác động lên các tế bào tiếp xúc với nó.
Thuật ngữ bão Cytokine được sử dụng lần đầu tiên trong một bài báo khoa học vào năm 1993 miêu tả quá trình phản ứng dữ dội của hệ miễn dịch trong một nghiên cứu về bệnh ghép chống chủ “Graft-versus-host disease”. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ 21, cụ thể là sau 2005, cụm từ này mới được giới khoa học sử dụng phổ biến. Hiện nay, bão Cytokine thường xuất hiện trong các nghiên cứu khoa học về bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm liên quan đến virus như cytomegalovirus, Epstein-Barr virus, group A streptococus, infuenza virus, variola virus, và virus gây viêm phổi (SARS-CoV).
Bão Cytokine ở bệnh nhân nhiễm Covid-19
Bão Cytokine là một tình trạng dễ gặp ở các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Khi một người nhiễm virus Covid-19, các tế bào lympho T trong cơ thể sẽ nhận diện virus, tiết ra các Cytokine để kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động, lympho B sản xuất ra kháng thể, lympho T khác thì tăng sinh để trực tiếp "bắt giữ" virus, các bạch cầu được thu hút đến nơi có virus, các mạch máu được mở rộng để chuyên chở vật chất đến nơi chiến đấu với virus… Tất cả các hoạt động này diễn ra là do có sự thúc đẩy của các Cytokine.
Cơ thể sản sinh lympho B, lympho T, bạch cầu... sẽ giúp sức đề kháng được nâng cao, virus sẽ bị ức chế dần, sau 7 - 10 ngày bệnh nhân có thể loại bỏ được hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể và khỏi bệnh. Thông thường, có khoảng 80% bệnh nhân Covid-19 sẽ khỏi bệnh một cách nhẹ nhàng sau vài ngày nóng sốt đau họng. Tuy nhiên 20% người bệnh còn lại không được suôn sẻ như thế. Nhiều người trong số đó trở nặng do cơ thể gặp phải "cơn bão Cytokine".
Con bão Cytokine ở bệnh nhân Covid-19 hoạt động thế nào?
Với bệnh nhân Covid-19, khá nhiều trường hợp khi nhiễm bệnh, hệ miễn dịch bị kích thích quá mức làm các Cytokine tràn ngập trong máu gây nên các các phản ứng viêm, đông máu, giảm bạch cầu lympho, thâm nhiễm tế bào đơn nhân các cơ quan... Phản ứng viêm quá mức đặc biệt sẽ diễn ra ở vùng phổi làm các phế nang xung huyết, tràn ngập dịch viêm, thành phế nang dày lên, giảm sức căng bề mặt, các mao mạch xung huyết... Tất cả cản trở quá trình hấp thụ oxy của bệnh nhân khiến oxy trong máu giảm thấp.
Tuy nhiên, do khí CO2 thẩm thấu tốt gấm 20 lần oxy và vẫn thấm qua được vách phế nang để thoát ra ngoài nên khi làm khí máu động mạch cho bệnh nhân Covid-19 khó thở, bác sĩ nhận thấy chỉ có oxy trong máu giảm thấp, còn CO2 thì gần như bình thường. Mà trung tâm hô hấp trong não con người chỉ nhạy với khí CO2, khi bệnh nhân bị tăng CO2 máu thì lập tức cơ thể nhận ra khó thở và phản ứng ngay, còn khi thiếu O2 thì cơ thể nhận ra muộn hơn, người bệnh vẫn chịu đựng được, thậm chí đến mức độ bão hòa oxy động mạch (SpO2) là 50% (chỉ số SpO2 bình thường sẽ dao động ở mức 95 - 100%). Chính vì vậy mà mặc dù oxy máu giảm thấp nhưng đa số người bệnh Covid-19 gặp bão Cytokine lại không nhận thức được tình trạng này.
Tiếp theo, bão Cytokine sẽ kích hoạt tình trạng tăng đông máu, làm đông máu rải rác khắp các mao mạch phổi, tắc nghẽn lượng máu đến các phế nang khiến khả năng tự trao đổi oxy của người bệnh Covid-19 giảm xuống nghiêm trọng. Hai lá phổi dần sẽ bị sũng nước, đông đặc lại, xung huyết và có màu tía, chắc nặng như lá gan, thả xuống nước là chìm nên còn được gọi là tình trạng phổi bị gan hóa (lá phổi khỏe mạnh thường có màu trắng hồng, xốp, chứa đầy hơi, khi thả xuống nước thì nổi).
Lúc này người bệnh khó thở rất nặng, môi và đầu ngón chân ngón tay tím tái, người bệnh rất mệt há mồm ra thở, nhịp thở trên 30 lần/phút, chỉ số bão hòa oxy máu xuống thấp, nặng nữa thì lú lẫn hôn mê. Nếu xem trên phim X-quang chúng ta sẽ quan sát được hình ảnh hai lá phổi trắng xóa. Trường hợp này, nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ rất dễ tử vong.
>>> Xem thêm:
- Nồng độ oxy trong máu là gì? Đo nồng độ oxy trong máu để làm gì?
- Thiếu oxy trong máu có nguy hiểm không? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị?
Hướng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 gặp bão Cytokine
Với những bệnh nhân bị cơn bão Cytokine tàn phá như vậy thì thở oxy, kể cả thở oxy dòng cao hay thở máy cũng đều không thể hấp thu được và sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Vì vậy chúng ta mới thấy nhiều người mặc dù được thở oxy dòng cao đến 60 lít/phút hoặc thở máy vẫn tử vong. Cách duy nhất có thể cứu được bệnh nhân lúc này là chạy tim phổi nhân tạo ECMO và lọc hấp phụ Cytokine, đợi cho cơn bão Cytokine qua đi và phổi bệnh nhân dần hồi phục. Nhưng hiện nay, số lượng máy ECMO rất hạn chế, nếu hàng nghìn người bệnh Covid-19 cùng bị nguy kịch một lúc thì việc chạy ECMO để cứu bệnh nhân là rất khó thực hiện.
Chính vì vậy, trong tình trạng dịch bệnh vẫn diễn biến nghiêm trọng như hiện nay, để bảo vệ bản thân, phòng tránh lây nhiễm Covid-19 thì bạn nên thực hiện đúng thông điệp 5K mà Bộ Y tế khuyến cáo. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý tăng cường luyện tập thể thao tại nhà, chăm sóc chế độ dinh dưỡng để nâng cao miễn dịch cho cơ thể giúp phòng chống bệnh tật hiệu quả hơn.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hội chứng cơn bão Cytokine dễ gặp ở bệnh nhân Covid-19 là hội chứng gì. Để tham khảo thêm những thông tin hữu ích khác cũng như mua sắm các sản phẩm y tế, chăm sóc sức khỏe, hãy truy cập ngay META.vn hoặc liên hệ hotline dưới đây để được hỗ trợ nhanh nhất.
Bạn đang xem: Cơn bão Cytokine là gì ở bệnh nhân nhiễm Covid-19?
Chuyên mục: Tra cứu thông tin
Các bài liên quan
- Cách sửa thông tin trên PC-Covid nhanh, đơn giản
- Những câu nói, stt chia tay người yêu ngắn chất, hay rơi nước mắt
- Tên và hình ảnh tất cả các loại rau cải
- Tra ý nghĩa phong thủy 4 số cuối (số đuôi) sim điện thoại
- Cách tải, lưu video trên TikTok khi mà không có nút lưu đơn giản
- Cây cỏ xước có tác dụng chữa bệnh gì? Hình ảnh, các loại, cách nhận biết