Có thể diệt vi khuẩn trong món gỏi bằng chanh, dấm?
Theo lời giới thiệu của nhiều TikToker, thực phẩm có thể được làm “chín” nhờ chanh, dấm hay các loại nước sốt cay. Tuy nhiên, bác sĩ khẳng định cách làm này không thể diệt vi khuẩn, vi trùng trong thực phẩm.
Ngộ độc vì món gỏi tôm
Anh N.T.H (SN 1990, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) phải đi cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm. Anh cho biết khi đi nhậu cùng bạn bè, người đàn ông này có ăn thử món gỏi tôm thái. Bởi theo giới thiệu của bạn bè, đây là món ăn "đang nổi trên TikTok", thành phần gồm tôm tươi được trộn với gia vị của Thái Lan. Người bạn còn lấy vài clip trên mạng cho xem.
Kết quả, sau bữa ăn, anh phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm. Bác sĩ nghi ngờ do món gỏi tôm. Nếu tôm không tươi nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn.
Món mực nhảy chấm sốt được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh:
Trương Hy.
Chị V.T.H (SN 1992, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ chị cũng bắt chước mạng xã hội làm thử món gỏi mực nhẩy sốt thái. Khi về quê ở biển, chị H. đã tìm mua mực tươi còn đang bơi. Chị làm nước sốt từ ớt, nước mắm, dấm, chanh, tỏi… và rau sống. Tuy nhiên, khi ăn món mực này chị đã bị nôn ói, đau bụng và tiêu chảy. Cùng ăn với chị, hai người cũng có triệu chứng nôn ói, tiêu chảy.
Chanh, dấm không tiêu diệt được vi khuẩn
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Hà Nội), cho biết ông "ngán ngẩm với những kiểu ăn quái dị như vậy". Ngoài nguy cơ ngộ độc thực phẩm, người ăn các món này còn phải đối mặt với nhiều hệ lụy đối với sức khỏe như dị ứng, nhiễm ký sinh trùng.
Cùng quan điểm, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, cho rằng người dân tuyệt đối không ăn theo những món ăn được chia sẻ trên mạng xã hội chưa qua nấu chín như cá nhảy, tôm nhảy hay mực nhảy, thịt lợn tái, thịt bò tái vắt chanh, đổ sốt chua cay. Những món ăn từ thực phẩm sống như trên có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc nhiễm các loại ký sinh trùng khác.
Theo lời giới thiệu của nhiều TikToker, thực phẩm có thể làm “chín” nhờ chanh hay các loại nước sốt cay, bác sĩ Thiệu khẳng định quan điểm này là không đúng. Vi khuẩn, ký sinh trùng chỉ chết khi nấu chín ở nhiệt độ trên 100 độ C. Khi bạn vắt chanh trực tiếp lên bề mặt thực phẩm một số vi khuẩn có thể bị làm chết nhưng vi khuẩn xâm nhập bên trong mô của thực phẩm vẫn tồn tại. Ngoài ra, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn còn từ các loại rau sống, rau thơm.
Thực tế, bác sĩ đã gặp nhiều bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng vì thói quen ăn thực phẩm sống dù khi ăn họ đã nhúng qua chanh, dấm. Ví dụ, người dân ở vùng Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ có thói quen ăn thịt chua, gỏi cá. Khi chế biến, họ đã ủ men hoặc sử dụng chanh nhưng vẫn nhiễm sán. Nguy hiểm nhất, các nang sán này có thể xâm nhập gan, não của người ăn.
Để đảm bảo sức khỏe, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi, không ăn theo các món ăn không đảm bảo như mạng xã hội chia sẻ.
Bạn đang xem: Có thể diệt vi khuẩn trong món gỏi bằng chanh, dấm?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Phát hiện vi khuẩn 'sát thủ' trong nhiều món ăn liền
- 3 loại rau củ quen mặt này phải sơ chế kỹ tránh ngộ độc
- Vợ chết, chồng ngộ độc nặng sau khi ăn cơm rang trứng để qua đêm
- Làm gì để tránh nguy cơ ngộ độc Botulinum?
- Quả hồng châu gây ngộ độc cho 11 trẻ ở Hà Giang có chứa chất kịch độc như lá ngón
- 11 trẻ bị ngộ độc sau khi ăn cùng một loại quả