Chiêu bán giảm giá kịch sàn hàng hiệu và nhan nhản bẫy lừa trên mạng xã hội
Những kẻ xấu bán hàng trên mạng xã hội thường trục lợi bằng cách quảng cáo nhiều chiêu khuyến mại hấp dẫn nhằm dụ người tiêu dùng ham mua đồ giá rẻ sập bẫy.
Mới đây nhất, mạng xã hội xôn xao thông tin hãng đồng hồ Omega nổi tiếng từ Thụy Sĩ giảm giá đến 70%, khách phải vật vã xếp hàng mua nhưng nếu đặt qua website thì lúc nào cũng có.
Tuy nhiên, liên hệ với đại diện Tic Tac Watch - đơn vị phân phối chính thức thương hiệu Omega tại Việt Nam - PV VTC News được biết, khuyến mại này không hề có đối với sản phẩm chính hãng. Và trên thực tế, địa chỉ website để lại trên mạng xã hội không phải website chính thức của đại lý phân phối.
Nói rõ hơn về cú lừa này, một chuyên gia Digital Marketing cho biết, đây là dạng quảng cáo bán hàng đánh vào tâm lý ham rẻ của nhiều người tiêu dùng. Những kẻ bán hàng thiếu lương tâm tạo ra một tài khoản cá nhân ảo trên mạng xã hội (thường là Facbook) để chia sẻ về cơ hội mua hàng hiệu với giá tốt.
Tài khoản cá nhân ảo này thoạt nhìn giống một người dùng thật nhưng nếu vào trang cá nhân để kiểm tra kỹ sẽ thấy đây thực chất là 1 fanpage lấy tên người. Nếu không để ý, người mua sẽ lầm tưởng đây là một bài chia sẻ có thật của một cá nhân chứ không phải quảng cáo bán hàng, vì thế dễ tin tưởng và "sập bẫy" bất cứ lúc nào.
Bài chia sẻ sai sự thật về việc giảm giá đồng hồ Omega chính hãng (Ảnh chụp màn hình)
''Nội dung đăng trên Facebook chỉ là dạng phễu lọc chứ họ không bán hàng ở đây. Qua phễu lọc này, họ đưa người dùng vào website bán hàng và đây là bước thứ hai. Website này thông thường chỉ chứa thông tin của một sản phẩm, phần quan trọng nhất là thời gian đếm lùi khuyến mại và số lượng sản phẩm còn lại. Hai yếu tố này đóng vai trò quan trọng nhất để hối thúc người tiêu dùng đặt hàng nhanh chóng.
Địa chỉ của các website này thường là những ký tự khiến người tiêu dùng dễ lầm tưởng rằng đó là website chính thức của một hãng sản phẩm nào đó, nhưng thực chất là không phải. Vì thế, sản phẩm được rao bán khuyến mãi cũng không có gì chứng minh là chính hãng cả. Rất nhiều người tiêu dùng đã nhầm lẫn, mua phải hàng không chính hãng dưới danh nghĩa hàng chính hãng giảm giá'', chuyên gia nói.
Những kẻ lừa đảo còn áp dụng nhiều chiêu khác để quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội, với mục đích làm sao thu lợi được nhiều nhất có thể.
Anh Phan Mạnh Huy (trú tại Hà Nam) phản ánh với VTC News, gần đây anh bị kẻ xấu bán hàng trên Facebook lừa mất 300.000 đồng mà không làm gì được.
Anh kể lại: ''Khi đó tôi muốn mua iPhone nên lên Facebook tìm kiếm. Trong một lần lướt Facebook, bất chợt tôi được tag tên vào một bài viết có nội dung 'Khai trương cửa hàng, giảm giá iPhone cho 10 khách hàng đầu tiên đăng ký'. Sau khi tôi để lại bình luận, có người gọi đến số điện thoại của tôi thông báo rằng tôi là người đầu tiên được nhận ưu đãi mua iPhone 13 pro max với giá chỉ 12,9 triệu đồng (lúc đó giá chiếc điện thoại khoảng 26 triệu đồng).
Tôi làm theo hướng dẫn của người này, cung cấp thông tin cá nhân gồm họ tên, số căn cước công dân, địa chỉ nơi ở… Đến cuối cùng, để được mua chiếc iPhone với giá ưu đãi, người này yêu cầu tôi phải chuyển 300.000 tiền đặt cọc giữ chỗ. Vì nghĩ rằng số tiền phải bỏ ra so với việc mua được iPhone giá rẻ vẫn là một món hời không thể bỏ qua nên tôi lập tức chuyển khoản.
Sau khi chuyển khoản đặt cọc, tôi chờ 3 ngày, 5 ngày rồi cả tuần vẫn không thấy đâu. Lúc này tôi mới nhận ra mình đã bị lừa, gọi điện cho số điện thoại kia thì không được nữa, cả Facebook cũng bị chặn tìm không ra" .
Tương tự, chị Nguyễn Thị Minh (Phú Thọ) cũng cho biết, hồi cuối năm 2022, chị tham gia mini game nhân dịp kỷ niệm 10 năm bán hàng tại fanpage của một cửa hàng trên Facebook. ''Họ nói sẽ tặng 10 chiếc đồng hồ thông minh cho 10 người may mắn đầu tiên được bốc thăm trúng, tôi đã để lại số điện thoại với tâm lý được thì tốt không được cũng chẳng sao'', chị Minh kể.
Ngay sau đó, chị Minh nhận được cuộc điện thoại thông báo là người đầu tiên trúng thưởng trong chương trình bốc thăm tặng quà tri ân của cửa hàng đó, phần thưởng là chiếc Apple Watch Serie 7 trị giá hơn 10 triệu đồng. Nhân viên cửa hàng nhấn mạnh là chị hoàn toàn không mất một khoản chi phí nào ngoại trừ phí ship hàng, mà phần phí này đến khi nhận hàng mới phải thanh toán nên chị Minh vui vẻ đồng ý nhận.
Khác với trường hợp của anh Huy, 3 ngày sau, chị Minh nhận được hàng, nhân viên giao hàng cho biết đây là kiện hàng không được kiểm tra trước nên phải thanh toán tiền mới được kiểm tra.
Sau khi thanh toán tiền bưu điện, mở kiện hàng ra thì đó không phải là chiếc Apple watch như chị Minh nghĩ, mà là một chiếc đồng hồ xem giờ bằng đèn led, có vẻ ngoài nhái lại chiếc Apple Watch.
Chị Minh nói: ''Lúc đó tôi định làm um lên, bóc phốt cửa hàng nhưng khi xem kỹ lại, trong bài đăng họ cũng không nói tặng Apple Watch mà chỉ nói tặng đồng hồ đeo tay thông minh, trong số hàng chục chiếc ảnh mà bài đăng này đăng lên cũng có hình ảnh hiển thị giờ bằng đèn led như sản phẩm tôi nhận''.
Chiếc đồng hồ chị Minh nhận được chỉ có giá 18.000 đồng trên sàn thương mại điện tử (Ảnh chụp màn hình)
Chị Minh đành ngậm ngùi nuốt cục tức nhận chiếc đồng hồ đèn led ''đến đứa trẻ con cũng không thèm dùng''. Chiếc đồng hồ này chỉ có giá 18.000 đồng trên sàn thương mại điện tử, vậy mà chị đã mua nó với giá cả trăm nghìn đồng. ''Số tiền mất không nhiều nhưng khiến tôi bức xúc vì bị lừa, lại mất thời gian để tham gia một trò nhảm nhí'', chị Minh nói.
Tương tự, ông Trần Văn Ninh (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết, ông bất ngờ nhận được cú điện thoại thông báo rằng ông đã may mắn trúng một chiếc đồng hồ đeo tay Thụy Sỹ trị giá 20 triệu đồng trong chương trình bốc thăm trúng thưởng của mạng Viettel.
''Họ nói tôi chỉ phải thanh toán số tiền 500.000 đồng phí bưu điện để nhận món quà này nên tôi đồng ý nhận và cung cấp địa chỉ nhận hàng cho họ. Tới lúc thanh toán, nhận hàng xong thì tôi nhận ra đây là chiếc đồng hồ dởm, lúc đó tôi mới biết mình bị lừa".
Đây là một vài mánh khóe, thủ đoạn phổ biến nhất đang giăng khắp mạng xã hội, được kẻ xấu dùng để dẫn dụ, câu kéo người tiêu dùng. Những mánh khóe, thủ đoạn này có công thức ngày càng tinh vi, khó lường nhằm lợi dụng quảng cáo Facebook để trục lợi, "bẫy" những người mua thiếu cảnh giác và ham săn hàng giá rẻ.
Bạn đang xem: Chiêu bán giảm giá kịch sàn hàng hiệu và nhan nhản bẫy lừa trên mạng xã hội
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm