Vụ lừa đảo gây chấn động thị trường vàng toàn cầu
Suốt nhiều năm, người từng là nhân vật quyền lực nhất trong thị trường vàng thế giới đã cùng các đồng phạm tạo ra những giao dịch ảo, nhằm bóp méo giá kim loại quý để trục lợi.
Tháng 12/2018, một người đàn ông ngoài 30 tuổi đã bị chặn lại khi đến sân bay Fort Lauderdale (Mỹ). Anh được đưa tới một căn phòng có hai nhân viên FBI đang ngồi đợi. Đó là Christian Trunz.
Theo Bloomberg, Trunz không phải kẻ buôn ma túy hay trùm khủng bố. Anh này chỉ là một nhà giao dịch kim loại quý vừa trở về từ kỳ nghỉ trăng mật. Đáng nói, Trunz đã nhiều năm làm việc ở JPMorgan Chase - ngân hàng vàng lớn nhất thế giới.
Cuộc phục kích tại sân bay của FBI được coi là bước đi quan trọng trong việc điều tra bộ phận kim loại quý của JPMorgan. 4 năm sau đó, cựu giám đốc bộ phận Michael Nowak - người từng là nhân vật quyền lực nhất trong thị trường vàng - bị buộc tội với 13 tội danh.
JPMorgan bị cáo buộc là một "tổ chức tội phạm" hoạt động dưới mác ngân hàng. Ảnh: Bloomberg.
Thao túng thị trường
Suốt nhiều năm, Nowak và Gregg Smith - nhà giao dịch vàng hàng đầu của JPMorgan - đã thao túng thị trường vàng bằng cách đặt lệnh giả để đánh lừa những nhà giao dịch khác.
Cụ thể, theo báo cáo của cuộc điều tra, các quản lý của JPMorgan và đồng phạm đã tạo ra số lượng lớn giao dịch giả mạo, nhưng nhanh chóng hủy lệnh trước khi giao dịch chính thức diễn ra. Điều này khiến nhà đầu tư sập bẫy khi lầm tưởng về tính thanh khoản và biến động trên thị trường. Những hành vi này diễn ra khi JPMorgan là ngân hàng đóng vai trò lớn trên thị trường kim loại quý toàn cầu.
Sau khi bị kết án, Nowak có thể đối mặt với viễn cảnh phải ngồi tù hàng thập kỷ.
Đến nay, các luật sư của Nowak vẫn khẳng định ông này không phải chủ mưu. Tuy nhiên, nhiều năm trước khi FBI phục kích Trunz vào năm 2018, thị trường vàng đã xôn xao về những giao dịch giả mạo trong bộ phận vàng của JPMorgan.
Vào đầu năm 2012, Alex Gerko - người đứng đầu một công ty giao dịch thuật toán - đã khiếu nại về hoạt động của Smith trên thị trường vàng. Tuy nhiên, Smith và Nowak vẫn tiếp tục làm việc ở JPMorgan cho đến năm 2019, khi Mỹ công khai các cáo buộc đối với họ.
Michael Nowak (trái) và Gregg Smith (phải). Ảnh: Bloomberg.
Cuộc điều tra nhắm vào JPMorgan bắt đầu với những nhà giao dịch tạo ra các lệnh mua hoặc bán giả. Đơn vị điều tra tội phạm lừa đảo đã thuê một đội ngũ chuyên gia tư vấn dữ liệu. Họ xem xét hàng tỷ giao dịch để tìm ra mô hình hoạt động của những kẻ thao túng thị trường.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng lượng dữ liệu khổng lồ, họ khoanh vùng một số nhà giao dịch đáng ngờ. Tất cả đều từng làm việc ở JPMorgan.
Với dữ liệu trong tay, nhóm điều tra đã tìm đến những người bị nghi là đồng phạm. Hai trong số đó là Trunz và đồng nghiệp cũ của anh này, John Edmonds. Cả hai nhà giao dịch đều nhận tội về hành vi sai trái của mình và đồng ý làm chứng chống lại Nowak.
Nowak bị bắt vào tháng 9/2019. Sự kiện đã gây ra cú sốc đối với thị trường kim loại thế giới. Nhưng do tình hình đại dịch, phải tới 3 năm sau, phiên tòa cuối cùng mới được thực hiện.
Trong lời khai của mình, Edmonds mô tả các giao dịch giả mạo trong bộ phận vàng của ngân hàng diễn ra hàng ngày. Anh này cảm thấy có nghĩa vụ phải tham gia vì đó là một phần của chiến lược kinh doanh.
Những giao dịch ảo
Các nhà đầu tư và giới quan sát từ lâu đã buộc tội JPMorgan thực hiện một âm mưu có hệ thống nhằm thao túng, đẩy giá xuống thấp. Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai cũng mở nhiều cuộc điều tra nhưng không tìm thấy bằng chứng.
Thay vào đó, Nowak và Smith chỉ bị cáo buộc "đánh lừa thị trường" trong một khoảng thời gian ngắn nhằm mang lại lợi ích cho các quỹ đầu tư, vốn là nhóm khách hàng quan trọng của nhà băng này.
Đáng nói, bồi thẩm đoàn đã bác bỏ cáo buộc quan trọng nhất của Bộ Tư pháp Mỹ, cho rằng Nowak và Smith chỉ là một phần của âm mưu, còn JPMorgan là một "tổ chức tội phạm" hoạt động dưới mác ngân hàng.
Cáo buộc này trích dẫn Đạo luật chống Tổ chức Tội phạm Gây ảnh hưởng và Tham nhũng (RICO).
Trở lại năm 2012, Gerko - nhà sáng lập công ty giao dịch thuật toán XTX Markets - đã khiếu nại với CME Group, công ty sở hữu sàn giao dịch hàng hóa Chicago, về việc Smith giao dịch các hợp đồng vàng tương lai bằng cách liên tục nhập và hủy lệnh. Sau đó, CME bắt đầu cuộc điều tra kéo dài 3 năm, rồi kết luận rằng Smith "có thể tạo lệnh giả".
Giao dịch ảo không còn là vấn đề mới trên các thị trường hàng hóa. Ảnh: Bloomberg.
Vào năm 2014, Michel Simonian, một nhà giao dịch khác của JPMorgan, bị sa thải vì tạo lệnh giả. Theo Edmonds, sau đó, Nowak đã triệu tập các giao dịch viên thuộc bộ phận và hỏi xem họ có làm như vậy không. Không một ai nói gì.
Điều này khiến Edmonds bị sốc. Bởi Nowak chắc chắn biết rõ rằng tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm.
Trong phiên tòa, dù đã bị khẩu trang che đi, khuôn mặt của Nowak vẫn khá bình thản. Vào năm 2020, những người trong ngành mô tả ông này "hướng nội" và "thông minh". Theo các lời khai trong phiên tòa, Nowak cũng là một người lãnh đạo được yêu mến.
Khi được hỏi có thích Nowak hay không, Trunz, cựu giao dịch viên của JPMorgan, khẳng định: "Tôi yêu mến anh ấy".
Nhưng Trunz đã nghĩ khác đi sau khi Nowak nói với anh rằng không nên thỏa thuận với chính phủ. Các luật sư bào chữa cho Nowak thậm chí mô tả Trunz và Edmonds là những kẻ nói dối.
Nowak và Smith sẽ không bị kết án cho đến năm sau. Trong khi đó, hai nhà giao dịch của Deutsche Bank đã lãnh án tù vào năm 2020 vì giao dịch giả mạo.
"Dù bồi thẩm đoàn đã bác bỏ cáo buộc về âm mưu tội phạm, đây vẫn là một chiến thắng. Nó sẽ đánh dấu chấm hết cho những giao dịch thao túng trên thị trường kim loại quý đã kéo dài nhiều năm. Dù vậy, tôi cho rằng các trường hợp khác vẫn có thể tiếp tục xảy ra", luật sư Matthew Mazur tại công ty luật Dechert bình luận.
Ngay cả sau vụ án, nhiều người cho rằng những hành vi tương tự vẫn sẽ xảy ra. Ẩn mình sau màn hình máy tính, việc nhập và hủy lệnh theo ý muốn trở nên dễ dàng hơn nhiều.
"Trước đây, hành vi giả mạo vẫn thường xuyên xảy ra", ông Eric Zuccarelli, một nhà giao dịch hàng hóa làm việc trên sàn giao dịch hàng hóa New York từ năm 1986, chia sẻ.
"Nhưng thời điểm đó, khi một người tạo ra giao dịch ảo, không chỉ bị phạt, mọi người còn đến và đấm vào mặt anh ta", ông nói thêm.
Bạn đang xem: Vụ lừa đảo gây chấn động thị trường vàng toàn cầu
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- HanaGold tích hợp chip NFC giúp khách hàng quản lý vàng
- Chiêu bán giảm giá kịch sàn hàng hiệu và nhan nhản bẫy lừa trên mạng xã hội
- Giá vàng hôm nay 14/8: Vàng tăng giá vượt 1.800 USD/ounce
- Giá vàng hôm nay 13/8: Tăng cận ngưỡng 1.800 USD/ounce
- Giá vàng hôm nay 12/8: USD chao đảo, vàng trụ vững
- Giá vàng hôm nay 11/8: USD giảm xa đỉnh, vàng tăng dựng đứng