9 chiêu thức lừa đảo nhà đất phổ biến: Làm sao để không sập bẫy
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo như mua bán nhà đất qua vi bằng, chiếm dụng tiền đặt cọc... người dân cần lưu ý xác minh thông tin chính xác.
2022 là một năm thị trường bất động sản có nhiều biến động bất thường. Tuy nhiên, sức hút từ đầu tư nhà đất chưa bao giờ hết hấp dẫn và không ít chiêu trò lừa đảo vẫn diễn ra.
Trong bài viết trước đây, Dân trí đã tiết lộ 9 chiêu thức lừa đảo bất động sản diễn ra phổ biến trong năm 2022. Sau đây là những lưu ý của luật sư Đoàn Trung Hiếu (Đoàn luật sư TP Hà Nội) để người dân tránh rơi vào các bẫy lừa đảo này.
Xác minh thông tin nhà đất chính xác trước khi thực hiện giao dịch
Thứ nhất, để tránh lừa đảo mua bán nhà đất, người dân cần kiểm tra giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất; đề nghị chủ nhà hoặc môi giới cho xem bản chính có mộc đỏ của các loại giấy tờ.
Thứ hai, người dân cũng cần liên hệ với phòng công chứng để kiểm tra tình trạng giao dịch.
Thứ ba, người dân cần liên hệ với địa chính cấp xã/phường, các văn phòng đăng ký đất đai để kiểm tra thông tin về việc có tranh chấp, hay các vấn đề phát sinh liên quan quá trình sử dụng nhà, đất.
Không nên dồn tiền thanh toán một lần, không đặt cọc mua bán với số tiền quá lớn
Để hợp đồng đặt cọc được chặt chẽ, người dân nên liên hệ với phòng công chứng để được tư vấn đầy đủ và soạn thảo văn bản đặt cọc chuẩn chỉnh. Tiền đặt cọc nên được tính toán sao cho phù hợp với giá trị nhà đất, phòng trường hợp chủ nhà đổi ý không muốn bán hoặc bạn không muốn mua.
Bên cạnh đó, người dân không nên dồn tiền thanh toán 100% trong một lần duy nhất mà nên chia số tiền thanh toán thành nhiều đợt như: tiền đặt cọc, thanh toán lần một khi ký hợp đồng, thanh toán đợt cuối khi sang tên xong. Khi đặt cọc mua bán cũng không nên đặt cọc số tiền quá lớn.
Lưu ý khi ký hợp đồng chuyển nhượng
Theo quy định của pháp luật, hợp đồng mua bán chuyển nhượng bất động sản phải được công chứng, chứng thực mới có giá trị pháp lý. Chính vì thế hợp đồng chuyển nhượng sẽ do phòng công chứng soạn thảo dựa trên hồ sơ được người dân cung cấp và các thỏa thuận của hai bên mua và bán. Các hợp đồng viết tay không thông qua công chứng thì đều tiềm ẩn rủi ro vô hiệu về sau rất cao.
Hợp đồng viết tay không thông qua công chứng thì đều tiềm ẩn rủi ro (Ảnh: Nguyễn Hải).
Sau khi có hợp đồng chuyển nhượng nhà đất công chứng thì phải nhanh chóng làm thủ tục sang tên nhà đất
Trong vòng 10 ngày kể từ khi ký hợp đồng mua bán nhà đất tại văn phòng công chứng, người dân cần đăng ký trước bạ sang tên nhà đất tại bộ phận một cửa của Văn phòng đăng ký nhà và đất thuộc Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện.
Sau khoảng 10-15 ngày, người dân sẽ theo giấy hẹn đến bộ phận một cửa của Văn phòng đăng ký nhà và đất để nhận rồi nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ. Sau khi nộp thuế, người dân mang biên lai đến bộ phận một cửa của Văn phòng đăng ký nhà và đất để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình.
Mua nhà đất phải đi xem tận mắt
Khi mua bán nhà đất, người mua nhất định phải đi thực tế để xem xét thật kỹ nhà đất định mua. Ngoài ra, họ nên đi cùng người có kinh nghiệm để đánh giá hình dáng thửa đất, khu vực giáp ranh, đường đi vào, không gian xung quanh.
Đồng thời, người dân hãy quay trở lại một vài lần vào thời điểm khác nhau trong ngày để kiểm tra an ninh, môi trường sống xung quanh căn nhà. Đặc biệt, họ nên hỏi thăm hàng xóm, tổ trưởng tổ dân phố về chủ nhà, xem họ có đang ngộp "nợ" (cảnh giác căn nhà đã bị thế chấp) hay nhà đất có vướng mắc tranh chấp với người khác.
Lựa chọn các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản có uy tín
Người dân cần tìm hiểu kiểm tra trên các kênh thông tin truyền thông, các dự án trước đó của chủ đầu tư. Ngoài ra, người dân cần lưu ý đến điều kiện pháp lý thực hiện dự án của chủ đầu tư.
Thứ nhất là điều kiện đầu tư xây dựng:
Hồ sơ pháp lý của một dự án chung cư cần những giấy tờ quan trọng sau:
- Giấy chứng nhận đầu tư dự án này của nhà đầu tư
- Quyết định giao đất
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư
- Thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt
Thứ hai là điều kiện mở bán:
Một dự án chung cư đủ điều kiện pháp lý để bán thì hồ sơ phải bao gồm:
- Phê duyệt quy hoạch 1/500
- Giấy chứng nhận
- Quyết định giao đất
- Chấp thuận chủ trương đầu tư
- Chấp thuận phòng cháy chữa cháy, đấu nối điện nước, đường giao thông nội bộ
- Giấy phép xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, giấy phép phần thân, phần móng đối với căn hộ căn cư
- Văn bản thông báo đủ điều kiện huy động vốn
- Thông báo bảo lãnh ngân hàng
Ngoài ra người dân có thể tự tìm hiểu thêm thông tin bằng cách gửi đơn yêu cầu thông tin qua các cơ quan quản lý về xây dựng. Trước khi đầu tư cần tham vấn ý kiến của luật sư dưới góc độ pháp lý, các nhà tư vấn về đầu tư, chuyên gia về bất động sản.
Bạn đang xem: 9 chiêu thức lừa đảo nhà đất phổ biến: Làm sao để không sập bẫy
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Môi giới bất động sản “bất chấp” bán đất nền 6 tỷ nhận 10 triệu đồng tiền hoa hồng vì lo tuột mất giao dịch
- Độc lạ: Ở nhà mới miễn phí, 18 tháng sau mua không ưng có thể trả lại chủ đầu tư
- Chiêu bán giảm giá kịch sàn hàng hiệu và nhan nhản bẫy lừa trên mạng xã hội
- Mảnh đất 10 tỷ đồng thời sốt giảm mạnh 4 tỷ đồng, người mua vẫn sợ hớ
- Có nên bắt ‘đáy’ bất động sản lúc này?
- Cơn sốt đi qua, đất nền Hà Nội đồng loạt hạ giá