Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ quy định giãn cách xã hội như thế nào?
Các Chỉ thị số 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ được đặt ra với mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 lây lan, trong đó giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là biện pháp quyết liệt nhất trong tình trạng dịch bệnh khó kiểm soát. Mời bạn cùng bài sau tìm hiểu kỹ hơn về quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 nhé!
Xem nhanh
1Giãn cách xã hội là gì?
Giãn cách xã hội là một trong những phương pháp hiệu quả giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh CDC, khi thực hiện giãn cách xã hội, người dân sẽ cần tuân thủ:
- Giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc với người khác.
- Tránh tụ tập đông người, tránh những buổi họp mặt.
- Giữ khoảng cách với những người có nguy cơ cao mắc bệnh (như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu,…).
Việc thực hiện giãn cách sẽ tuân theo chỉ định của chính quyền địa phương dựa trên điều kiện thực tế. Người dân cần phối hợp thực hiện để ngăn chặn tình trạng dịch bệnh lan rộng.
2Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
Vào ngày ngày 03/04/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 2601/VPCP-KGVX hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Cụ thể như sau:
1. Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết:
- Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác.
- Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,...
- Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 dưới đây.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
2. Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm,...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ,... được tiếp tục hoạt động.
Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp:
- Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế.
- Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp.
- Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động.
- Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.
Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động.
3. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.
4. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
3Điểm khác nhau giữa chỉ thị 15, 16 và 19
Các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong những thời điểm khác nhau. Các chỉ đạo này sẽ có sự khác nhau trong quy định về việc tập trung đông người, khoảng cách an toàn tối thiểu, hoạt động của các cơ sở kinh doanh, vận tải,…
Trong 3 chỉ thị được kể trên, Chỉ thị 16 có nội dung quy định gắt hơn, được ban hành khi tình hình dịch bệnh trở nên khó kiểm soát. Bạn có thể xem hình dưới để thấy được sự khác biệt nhé!
4Thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 tại TP. HCM từ 09/08/2021
Trước thực tế tình tình dịch bệnh tại TP. HCM diễn biến theo chiều hướng khó kiểm soát với hơn 8.000 ca mắc mới (tính từ 27/04 đến chiều 07/07), UBND TP. HCM đã tổ chức cuộc họp công bố một số nội dung quan trọng trong công tác chống dịch COVID-19 vào chiều tối ngày 07/07. Theo đó, toàn thành phố sẽ áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ 0h00 ngày 09/07/2021 và kéo dài trong 15 ngày.
Người dân sẽ cần tuân thủ theo Chỉ thị số 16, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, không tụ tập quá 2 người ngoài công sở, bệnh viện, trường học, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như đại lý bán vé số và người bán vé số dạo, dịch vụ ăn uống mang về sẽ tạm dừng hoạt động. Các loại hình xe ôm công nghệ, truyền thống cũng sẽ bị tạm dừng hoạt động để chống dịch.
Bên cạnh đó, TP. HCM sẽ dừng việc cho phép thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế, đảm bảo mỗi bệnh nhân chỉ được 1 người chăm sóc. Người lao động làm việc tại các cơ quan chỉ đến công sở trong trường hợp thực sự cần thiết.
5Một số điều cần lưu ý khi thực hiện Chỉ thị 16
Trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Giữ gìn sức khỏe của bản thân và gia đình, tăng cường rèn luyện sức khỏe.
- Hãy tận dụng các ứng dụng truyền thông xã hội và video để thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau.
- Tập làm quen và tối ưu việc học tập, làm việc và họp trực tuyến.
- Tận dụng thời gian giãn cách để học hỏi trau dồi kiến thức cho bản thân và dành nhiều thời gian bên gia đình hơn.
- Tuân theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
- Trường hợp ra ngoài, cần phải thực hiện đầy đủ quy định về việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách và không tụ tập đông người.
Nguồn thông tin: Bộ Y tế, cập nhật ngày 09/07/2021.
Với những thông tin trên, hy vọng bạn sẽ nắm được kỹ những điều được làm và không được làm theo Chỉ thị 16 để bảo vệ bản thân và cộng đồng nhé!
Bạn đang xem: Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ quy định giãn cách xã hội như thế nào?
Chuyên mục: Tra cứu thông tin
Các bài liên quan
- Chỉ thị 18 của TP. Hồ Chí Minh là gì? Những hoạt động được phép mở lại từ ngày 01/10/2021 theo chỉ thị 18 là gì?
- Cách xem bản đồ Covid-19 Bình Dương vùng xanh, vùng đỏ và số ca nhiễm
- Cách xem bản đồ Covid-19 Cần Thơ vùng xanh, vùng đỏ số ca nhiễm mới nhất
- Cách xem bản đồ Covid-19 Đà Nẵng vùng xanh, vùng đỏ và số ca nhiễm nhanh chóng chính xác
- Top 12 phim xạ thủ hay nhất, càng xem càng mê | Cập nhật 2021
- Mẫu giấy đi đường ở Hà Nội khi giãn cách xã hội được dùng trong trường hợp nào?