Bà nội trợ ở TP.HCM đau đầu với bài toán chi tiêu
Thu nhập giảm, nhưng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, nhiều bà nội trợ ở TP.HCM đứng trước bài toán khó về chi tiêu trong gia đình.
Sáng cuối tuần, bà Thu đi chợ Vườn Chuối (quận 3), đắn đo một lúc trước quầy bán rau củ, rồi bà quyết định mua một bó rau ngót và một bó rau dền. Người phụ nữ 68 tuổi cho biết ở nhà còn một ít tôm khô nên chỉ mua rau về nấu canh.
“Các con tôi đang thất nghiệp, mấy đứa cháu thì đang đi học, thế nên bữa ăn phải tiết kiệm tối đa để có tiền chi tiêu cho những khoản khác”, bà Thu chia sẻ.
Xài bếp củi thay bếp gas
Vị khách đậu xe trước cửa tiệm của bà Thu, rồi lên tiếng: “Bà lấy cho cháu một bộ giấy cúng”. Đặt bó rau xuống, bà Thu chậm rãi đi lấy giấy bán cho khách. Cửa tiệm nhỏ bán các loại vàng mã của bà Thu là nguồn thu nhập chính của gia đình gồm 5 thành viên.
Con trai và con dâu của bà Thu mất việc làm từ trước Tết Nguyên Đán, gia đình còn 2 cháu nhỏ đang độ tuổi đến trường. Cũng vì vậy, gánh nặng chi tiêu đè nặng lên vai bà Thu. Số tiền ít ỏi từ việc bán buôn phải được tính toán kỹ lưỡng để trang trải các khoản sinh hoạt cơ bản trong gia đình.
Bà Thu mua 2 bó rau với giá 15.000 đồng, bà cho biết sẽ nấu nhiều nước để gia đình ăn 2 bữa. Ảnh: Nguyễn Toàn.
Từ đầu tháng 3, khi giá xăng bất ngờ tăng cao kỷ lục, giá cả các mặt hàng khác cũng tăng theo, bà Thu cho biết việc mua sắm cũng được siết chặt hơn.
“Thông thường mỗi ngày tôi đi chợ khoảng 100.000 đồng để nấu ăn cho cả gia đình. Bây giờ cắt giảm còn 50.000 đồng. Tùy hôm mà tôi sẽ cân nhắc nên mua gì, đa phần là mua rau, rồi nấu thật nhiều nước để ăn cả ngày”, bà Thu kể.
Gia đình người phụ nữ này cũng chuyển sang dùng bếp củi thay cho bếp gas để giảm chi phí nhiên liệu. Bà Thu cho biết giá bình gas đã lên gần 500.000 đồng/bình, phần chi phí này khá tốn kém trong bối cảnh gia đình chưa có nguồn thu nhập ổn định.
Không chỉ các bà nội trợ chật vật trong việc chi tiêu, ông Trần Quốc Bảo (60 tuổi) cho biết ông cũng phải cân nhắc nhiều trong khi đi chợ cho gia đình. Ảnh: Nguyễn Toàn.
Đứng trước bài toán khó về chi tiêu, bà Nguyễn Thị Dung (38 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết thời gian gần đây gia đình bà đã hạn chế việc ăn ở hàng quán. Thay vì ăn sáng, hoặc tiệc tùng ở quán xá, bà Dung chủ trương tự nấu tại nhà.
“Hơi tốn thời gian, nhưng đỡ được nhiều lắm. Buổi sáng tôi thường chiên lại cơm, hoặc nấu mì ăn liền cho các thành viên trong gia đình. Chịu khó một chút, nhưng tiết kiệm được một khoản không nhỏ”, bà Dung chia sẻ.
Lập kế hoạch chi tiêu
Chi phí học tập của con cái cũng trở thành gánh nặng lớn cho người lao động ở TP.HCM. Bà Thu Tuyết (42 tuổi), tiểu thương tại chợ Vườn Chuối (quận 3) cho biết chi phí học ở trường và học thêm của 2 người con là khoảng 7 triệu đồng, chưa kể các chi phí sách vở, quần áo, đưa đón…
Các khoản chi tiêu đồng loạt tăng, nhưng việc kinh doanh ế ẩm, khiến các tiểu thương như bà Tuyết chật vật trong bài toán chi tiêu.
Chị Thu Tuyết gặp khó khăn khi thu nhập giảm vì dịch Covid-19, nhưng các chi phí gia đình thì ngày càng tăng cao. Ảnh: Nguyễn Toàn.
Người phụ nữ 42 tuổi cho biết mỗi tháng bà phải đóng tiền mặt bằng, các loại thuế tổng cộng là khoảng 3 triệu đồng. Từ khi xăng tăng giá, mỗi tuần bà tốn hơn 100.000 đồng để đổ xăng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội khiến việc kinh doanh không thuận lợi.
“Có ngày ế quá tôi buộc phải cắt giảm phần tiền ăn của gia đình để bù vào”, bà Tuyết nói. Nhằm cân đối các khoản thu chi trong thời buổi khó khăn, tiểu thương này luôn ghi chép cẩn thận các khoản tiền để không rơi vào cảnh nợ nần.
Tương tự bà Tuyết, chị Thu Thủy (28 tuổi, quận Phú Nhuận), cho biết chị có hẳn một cuốn sổ ghi lại những chi tiêu trong tháng từ tiền mua thực phẩm, tiền xăng, tiền nhà trọ,… Ở mỗi danh mục đều có số tiền dự trù, nếu cuối tháng vượt mức chi tiêu thì chị sẽ cân đối lại vào tháng sau.
“Ví dụ như tiền xăng tăng, thì phải giảm tiền điện thoại xuống. Tiền gas tăng thì phải giảm tiền mua thực phẩm. Phải cân đối rất kỹ để không thiếu hụt”, chị Thủy nói.
Bà Dung đi chợ bằng xe đạp để giảm bớt chi phí đi lại. Ảnh: Nguyễn Toàn.
Theo chị Thủy, ngoài việc tính toán chi tiết các khoản thu chi, chị còn dành thời gian tìm hiểu giá cả hàng hóa trước khi mua, ưu tiên lựa chọn nơi có giá tốt hoặc đang có chương trình khuyến mãi.
Trải qua đợt giãn cách xã hội kéo dài, chị Thủy cho rằng mỗi gia đình nên có một khoản tiết kiệm để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đồng thời, việc chi tiêu cũng phải có kế hoạch rõ ràng để tránh rơi vào tình trạng thiếu hụt.
“Trải qua đợt dịch năm trước, tôi rút ra kinh nghiệm là phải có khoản tiền dự phòng cho trường hợp bất khả kháng. Nếu trước đây tôi sẵn sàng mua một chiếc váy tiền triệu, hay trả góp để mua chiếc điện thoại sang. Thì bây giờ tôi ưu tiên mua những món hàng cần thiết và chăm sóc sức khỏe”, chị Thủy chia sẻ.
Bạn đang xem: Bà nội trợ ở TP.HCM đau đầu với bài toán chi tiêu
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Tiêu xài 30 triệu/tháng, người đàn ông cuống cuồng xoay xở trong cơn 'bão giá'
- 5 cách cắt giảm những chi tiêu thừa thãi để bạn có thể sống thoải mái khi vật giá leo thang
- Cắt giảm chi tiêu thông minh để vẫn sống thoải mái
- 3 lời khuyên về chi tiêu sinh hoạt hàng tháng mà các chị em phụ nữ nên đọc
- Giá cả 'leo thang' khiến nhiều người chật vật ứng phó, chắt bóp từng đồng
- Cách ứng phó với cơn đau đầu mùa nắng nóng