Ưu đãi thuế, phí để phát triển xe ôtô điện: Ai được lợi nhất?
Lộ trình điện khí hoá phương tiện giao thông ở Việt Nam đã có với mục tiêu đến 2050 không còn bán xe chạy động cơ đốt trong, giúp hình thành một thị trường ô tô điện dần rõ nét...
Xe ôtô điện ùn ùn đặt chân vào Việt Nam
Chỉ trong năm 2022, số lượng các mẫu xe ôtô điện tại
Việt Nam đã tăng lên tới con số gần chục, có thể kể tên
như: Vinfast VF e34, Vinfast VF8, Audi e-tron, Hyundai Ioniq5, Kia,
EV6, Toyota bZ4X, Lexus LF-Z Electrified, Mercedes EQS, MG Marvel
R, MG 4. Chưa kể một số mẫu xe đã lăn bánh trước đó Tesla Model 3,
Model S, BMW i3, Porsche Taycan,…
Trong những cái tên trên, VinFast VF e34 là chiếc xe ôtô
điện đầu tiên của Việt Nam công bố nhận đặt hàng từ tháng
3/2021, bắt đầu giao xe từ đầu năm 2022. Đáng chú ý nhất, đây là
mẫu ôtô điện có giá rẻ nhất trên thị trường tính đến thời điểm này.
VinFast VF e34 có giá 690 triệu đồng và những khách hàng đặt xe đầu
tiên sẽ hưởng mức ưu đãi 590 triệu đồng, chưa bao gồm chi phí thuê
pin. Sau VF e34, hãng xe Vinfast tiếp tục bán ra thị trường chiếc
VF8 từ tháng 9/2022.
VinFast VF e34 là chiếc xe điện đầu tiên của thương hiệu Việt công bố nhận đặt hàng từ tháng 3/2021. |
Phiên bản VinFast VF8 Eco có giá bán từ 1,094 tỉ đồng (đối với
bản thuê pin) và 1,478 tỉ đồng đối với bản có pin. Ở phiên bản VF8
Eco, xe dùng chung động cơ với bản VF8 Plus và hệ dẫn động AWD 2
cầu toàn thời gian. Tuy nhiên, công suất thấp hơn khoảng 50 mã lực,
cụ thể xe có sức mạnh tối đa 350 mã lực và mô-men xoắn cực đại 500
Nm.
Trước Vinfast, thị trường Việt Nam đã có ôtô điện nhưng chủ
yếu là xe nhập khẩu với giá bán đắt đỏ. Điển hình như Tesla Model S
có giá ước tính lên tới 6,5 tỷ đồng, BMW i3 thuộc hạng xe cỡ nhỏ đô
thị giá cũng lên tới 2,5 tỷ đồng, Porsche Taycan giá 4,76 tỷ
đồng,…
Trước Vinfast, thị trường Việt Nam đã có ôtô điện nhưng chủ yếu là xe nhập khẩu với giá bán đắt đỏ. |
Tới đây, thị trường ôtô điện Việt Nam dự kiến sẽ
rất sôi động khi các mẫu ôtô điện mới đã lên kế hoạch bán hàng, sau
khi Chính phủ đặt lộ trình 'khai tử' xe động cơ đốt trong ở Việt
Nam. Việt Nam xác định đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới
dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ôtô, môtô, xe gắn máy dùng
nhiên liệu hóa thạch. Đến 2050, 100% phương tiện chuyển đổi sang sử
dụng điện, năng lượng xanh.
Ai được hưởng lợi nhất?
Theo bà Trần Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng chính sách thuế xuất
nhâp khẩu (Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính), hiếm có ngành nào
được hỗ trợ nhiều về chính sách thuế như ngành công nghiệp ôtô. Đối
với xe điện, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội rất nhiều
văn bản ưu đãi về thuế, phí.
Thị trường ôtô điện Việt Nam sẽ rất sôi động khi các mẫu ôtô điện mới sắp bán ra, sau khi Chính phủ đặt lộ trình 'khai tử' xe động cơ đốt trong. |
Gần đây, Nghị định 57 cũng được ban hành để hỗ trợ phát triển
ngành ôtô, bao gồm cả xe điện. Trong đó quy định, các doanh nghiệp
đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế đáp ứng điều kiện có dây
chuyền sản xuất lắp ráp, sản xuất xe điện và đáp ứng một sản lượng
nhất định (thấp hơn so với xe xăng) sẽ được nhập khẩu linh kiện với
mức thuế 0% (áp dụng với linh kiện trong nước chưa sản xuất
được).
Cơ bản trong bộ linh kiện của xe điện nhập khẩu về đều được áp
mức thuế 0%, trong khi, nếu ôtô xăng nhập khẩu nguyên chiếc, mức
thuế áp dụng thông thường là 70%. Như vậy, sản xuất, lắp ráp xe
điện trong nước đang được khuyến khích rất nhiều.
Việc sản xuất, lắp ráp xe điện đang được khuyến khích rất nhiều. |
Gần đây, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thực hiện theo
các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã trình,
ban hành những văn bản trong đó giảm đáng kể mức tiêu thụ đặc biệt
của ôtô chạy pin so với xe chạy xăng, dầu.
Cụ thể, từ 1/3/2022 – 28/2/2027, thuế suất thuế tiêu thụ đặc
biệt đối với xe chạy pin, tuỳ theo chỗ ngồi sẽ là 1 - 2 - 3% và từ
năm 2027 trở đi sẽ là 4 - 7 - 11%, tương ứng với số chỗ ngồi khác
nhau. Trong khi đó, xe xăng sẽ là 15-150%, cao hơn rất nhiều. Về lệ
phí trước bạ, xe điện cũng có ưu đãi rất cao, theo Nghị định 10 mới
trình thì quy định lệ phí trước bạ đối với xe chạy pin giảm 100%
đối với 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.
Từ 1/3/2022 – 28/2/2027, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe chạy pin, tuỳ theo chỗ ngồi sẽ là 1 - 2 - 3% và từ năm 2027 trở đi sẽ là 4 - 7 - 11%. |
Còn theo chuyên gia ôtô Vĩnh Nam, nếu thực hiện đúng theo lộ
trình đến 2050 Việt Nam chỉ bán xe chạy điện thì các hãng xe sẽ
phải thực hiện chuyển đổi dần từ bây giờ là hợp lý. Ông Nam nói:
“Một số hãng xe đã bắt đầu bán ôtô điện chính hãng như Vinfast,
Porsche, Audi và tới đây có thể thêm KIA, Hyundai. Dù thị phần chưa
nhiều như xe động cơ đốt trong nhưng đã có tác động làm thay đổi
quan niệm, nhận thức của người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, theo ông Nam khó khăn lớn nhất của ôtô điện hiện
nay vẫn là hạ tầng trạm sạc. Hiện chỉ có Vinfast là có trạm sạc
trải rộng khắp đất nước với nhiều trạm đang xây thêm, nhưng chưa rõ
hãng xe này sẽ cho dùng chung với thương hiệu khác hay không. Điều
này dẫn đến nhiều hãng xe còn rụt rè, thăm dò. Riêng các thương
hiệu đắt tiền như Porsche, Audi, Mercedes-Benz thì hướng đến làm
trạm sạc nhanh tại đại lý và cung cấp hệ thống sạc tại gia đình cho
khách hàng.
Hiện chỉ có Vinfast là có trạm sạc trải rộng khắp đất nước, nhưng chưa rõ hãng xe này sẽ cho dùng chung với thương hiệu khác hay không? |
Như vậy, với lộ trình “khai tử” động cơ xăng đã có, hãng ôtô
điện tiên phong đã đi vào kinh doanh và có trạm sạc, dễ dàng thấy
được Vinfast đang là thương hiệu nhiều lợi thế nhất khi là người
tiên phong, chọn con đường đi giống Tesla ở Mỹ.
Theo thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng (Bộ Khoa học
và Công nghệ), tổng số Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đang áp dụng cho
các phương tiện cơ giới đường bộ là 260, trong đó ôtô có 140 tiêu
chuẩn, môtô xe máy có 102 tiêu chuẩn và xe đạp 18 tiêu chuẩn. Trong
các TCVN trên thì mới chỉ có 39 tiêu chuẩn áp dụng cho xe điện bao
gồm cả ôtô, môtô, xe máy và xe đạp điện.
Như vậy, khó khăn lớn nhất cho các đơn vị đầu tư hạ tầng xe
điện chính là những quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay về xe điện nói
chung và ô tô điện nói riêng còn tồn tại khá nhiều khoảng trống
khiến các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước lúng
túng.
Điển hình như Vinfast cho biết, qua trình làm trạm sạc, doanh
nghiệp gặp một số khó khăn như về vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn
lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể có hướng dẫn lắp đặt khác
nhau, nguồn điện cũng như mức độ cung cấp điện không đồng đều,...
cũng ảnh hưởng đến việc phủ rộng các trạm sạc của VinFast.
Nguyễn Anh
Bạn đang xem: Ưu đãi thuế, phí để phát triển xe ôtô điện: Ai được lợi nhất?
Chuyên mục: Xe
Các bài liên quan
Chia sẻ bài viết