Từ vụ tử vong khi chạy bộ tại Hòa Bình, bác sĩ chỉ ra 2 sai lầm nguy hiểm

Mới đây, Ban Tổ chức (BTC) giải chạy Vietnam Ultra Marathon thông tin về một vận động viên (VĐV) dự sự kiện qua đời tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Tử vong khi chạy bộ

Theo thông tin được BTC công bố, tối 23/3, một số người chạy phía sau thấy VĐV có dấu hiệu sức khỏe bất ổn và tiến lại gần để giúp đỡ. Nhưng sau đó, người này ngất xỉu. Những người có mặt đã báo tin cho BTC để tiến hành công tác cứu hộ.

Một đội cứu hộ gồm 14 thành viên bao gồm đội ngũ y tế và thành viên BTC đã tham gia thực hiện công tác y tế khẩn cấp và đưa VĐV này đến bệnh viện.

Tuy nhiên, sau khi được các y, bác sĩ cấp cứu, VĐV không qua khỏi và qua đời tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình vào sáng 24/3.

Trao đổi với ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, những trường hợp tử vong do chạy hoặc chơi thể thao đa phần liên quan đến vấn đề về tim mạch.

Có khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước.

Từ vụ tử vong khi chạy bộ tại Hòa Bình, bác sĩ chỉ ra 2 sai lầm nguy hiểm-1

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam

Bác sĩ Mạnh cho biết, có 2 sai lầm mà người chơi thể thao không chuyên thường gặp phải, đó là:

- Thứ nhất: Người có bệnh lý tim mạch chưa được phát hiện.

- Thứ hai: Có những người đã biết trước bệnh lý tim mạch, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ.

Theo bác sĩ Mạnh, khi chạy bộ, nhịp tim thay đổi, tim đập nhanh hơn. Nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến nhịp tim, huyết áp tăng nhanh và xuất hiện các cơn thiếu máu lên não. Sau vài phút hoạt động, người bệnh sẽ trở lại trạng thái bình thường nhưng đây chính là dấu hiệu dự báo nguy hiểm sắp xảy ra.

Từ vụ tử vong khi chạy bộ tại Hòa Bình, bác sĩ chỉ ra 2 sai lầm nguy hiểm-2

Giải chạy Vietnam Ultra Marathon (ảnh BTC)

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM, Phó Chủ tịch thường trực Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM cho hay, đột tử có thể xảy ra ở bất cứ ai khi chơi thể thao đối kháng hoặc những bộ môn cần nhiều sức như chạy đường dài, chạy thi đấu… Các trường hợp chạy hoặc tập luyện gắng sức dễ bị ảnh hưởng tới tim mạch. 

Một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức có thể kể đến là: hội chứng Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại....

Ngoài ra, khi cơ thể hoạt động ở cường độ cao sẽ tiết ra adrenaline và hormone gây căng thẳng cortisol gây ra co thắt mạch và có thể dẫn tới đột tử.

Bác sĩ Mạnh cho biết thêm, một số bệnh lý hẹp, tắc nghẽn động mạch vành, rách động mạch chủ cũng là các bệnh lý nguy hiểm với người chạy bộ.

Nguy cơ với vận động viên chạy đường dài

Theo các chuyên gia, với các trường hợp chạy đường dài, vận động viên có thể đối mặt với các tình trạng nguy hiểm khác có thể kể tới như:

- Thiếu oxy não, thiếu oxy cơ tim do hệ hô hấp không bù kịp.

- Hạ đường huyết do mất năng lượng quá nhiều không được bù kịp. Đặc biệt, việc thiếu đường cung cấp cho não và tim có thể dẫn tới tình trạng choáng và nặng nề hơn là đột quỵ não.

- Cường giao cảm gây co mạch dẫn tới co thắt mạch máu não, từ đó gây tăng huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ não; co thắt mạch vành tim dẫn tới thiếu máu cơ tim gây nhồi máu cơ tim. Tình trạng này cũng gây thiếu oxy tổ chức tim và não.

- Gây quá tải, trường hợp nặng dẫn đến chấn thương cơ - xương - khớp.

Lưu ý để chơi thể thao an toàn

Để có thể chơi thể thao an toàn, theo các chuyên gia, mọi người cần lưu ý những điều sau đây:

- Lựa chọn bộ môn phù hợp, khi tập tự lượng sức mình.

- Nếu muốn chinh phục thử thách thì cần phải có thời gian luyện tập, ví dụ như chạy sẽ luyện tập từ cự ly ngắn tới xa.

- Phải vận động thật kỹ trước khi chạy hoặc chơi thể thao để các cơ quan, tim, phổi có thời gian để thích nghi.

- Lưu ý chế độ ăn, uống phù hợp, bổ sung nước điện giải. Nếu không tuân thủ có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ.

- Trước bất cứ hoạt động thể dục thể thao nào, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức.

- Trong quá trình vận động cần đặc biệt lưu ý đến các tín hiệu cảnh báo của cơ thể.

- Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa về tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp trước khi tập luyện hoặc chơi những bộ môn thể thao cần gắng sức, đối kháng.

Bạn đang xem: Từ vụ tử vong khi chạy bộ tại Hòa Bình, bác sĩ chỉ ra 2 sai lầm nguy hiểm

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết