Top 15 đặc sản Hà Nội nên mua về làm quà ý nghĩa, chất lượng, không nên bỏ qua
Không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng với những di tích lịch sử cổ xưa đan xen cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, Hà Nội còn có một nền văn hóa, ẩm thực đa dạng, đặc sắc thu hút rất nhiều du khách tìm kiếm các loại đặc sản của vùng đất này để mua về làm quà. Hãy cùng chúng tôi khám phá 15 loại đặc sản nổi bật nhất đến từ Hà Nội nhé!
Không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng với những di tích lịch sử cổ xưa đan xen cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, Hà Nội còn có một nền văn hóa, ẩm thực đa dạng, đặc sắc thu hút rất nhiều du khách tìm kiếm các loại đặc sản của vùng đất này để mua về làm quà. Hãy cùng Điện máy XANH khám phá 15 loại đặc sản nổi bật nhất đến từ Hà Nội nhé!
Xem nhanh
1Cốm
Nhắc đến Hà Nội là nhớ ngay đến hình ảnh hai đôi quang gánh đầy ấp lá sen, bên dưới thoang thoảng mùi thơm những hạt cốm xanh mướt của các cô, các dì trên các ngõ đường Hà Nội. Hạt cốm được làm từ những hạt nếp chắt lọc tỉ mỉ và qua nhiều giai đoạn công phu tạo ra vị ngọt bùi, vừa mềm và vừa dẻo và thơm ngát.
Cốm thường có vào giữa mùa thu và phải ăn hết trong vòng 24 giờ vì sẽ mất đi vị ngọt tự nhiên nên người dân nơi đây đã tạo nên nhiều sản phẩm từ cốm như: bánh cốm, chả cốm, xôi cốm... để những nơi khác vẫn có thể thưởng thức được hương vị đặc trưng của vùng đất này
2Ô mai
Ô mai – món ăn dân dã nhưng chính là tinh hoa của ẩm thực Hà thành. Ô mai hội tụ đầy đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt, là món quà vặt không thể thiếu trong mỗi gia đình Hà Nội, đặc biệt các dịp lễ Tết. Vì sự đa dạng trong hương vị, giá cả phải chăng và dễ dàng đem lên máy bay, xe khách nên đây là món đặc sản được du khách mua nhiều nhất khi đến Hà Nội.
Ô mai có rất nhiều loại như: ô mai sấu chua ngọt, ô mai mơ gừng, ô mai mận xào, ô mai chanh muối…. Ngoài dùng để ăn vặt thì ô mai mơ gừng có thể dùng để trị ho rất tốt.
3Bánh chè lam
Nếu bạn đang đau đầu suy nghĩ nên mua gì về làm quà cho ông bà thì không còn gì phù hợp hơn bằng bánh chè Lam, đây là món quà vặt được những người lớn tuổi ở vùng quên Bắc Bộ rất yêu thích.
Ngày xưa bánh chỉ được làm và sử dụng vào dịp Tết như một món bánh ý nghĩa đặc sắc nhưng bây giờ người ta có thể mua bất cứ lúc nào. Bánh được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản như bột nếp, đường kính, mạch nha, gừng và lạc rang và được cắt thành những miếng nhỏ khi ăn. Vào những ngày trời trở lạnh, cắn một miếng bánh chè lam, nhấp một ngụm trà thì còn gì bằng.
4Bánh chưng Tranh Khúc
Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề gói bánh chưng truyền thống. Những chiếc bánh chưng Tranh Khúc vuông vức, dẻo, thơm ngon, là món quà không thể thiếu của không chỉ người dân Hà Nội mà còn của nhiều khách phương xa.
Bánh chưng ở đây ngon là vì những nghệ nhân nơi đây chọn lựa nguyên liệu rất sạch và kĩ. Lá dong nhập ở Tràng Cát (Hà Nội), thậm chí nhập về từ Thanh Hóa, Nghệ An hoặc ở vùng cao Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang. Loại giang để chẻ lạt buộc bánh được ưa thích là ở vùng núi Lương Sơn (Hoà Bình), nếp cái hoa vàng ở Hải Hậu, Nam Định.
5Bánh chả
Bánh chả là món đặc sản không thể thiếu mỗi lúc thu về, là thức quà ăn vặt gắn liền với ký ức tuổi thơ của người Hà Nội xưa.
Được gọi là bánh chả bởi vì chiếc bánh nhỏ xinh xinh màu vàng ươm, nhân thập cẩm được bao bên ngoài được bao bọc bởi bột mì rất giống với viên chả tịt băm. Giống như các loại bánh ngọt truyền khác, bánh chả thích hợp nhất là được thưởng thức cùng với trà nóng.Bánh chả thực sự là một món quà biếu giản đơn, mộc mạc nhưng mang đến sự gần gũi và vô cùng ấm áp.
6Giò chả Ước Lễ
Nói đến giò chả không thể không nhắc đến làng Ước Lễ (xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội) - nơi đã khéo làm nên “món ngon nhớ đời” nức tiếng gần xa. Yếu tố làm nên thương hiệu giò Ước Lễ không chỉ nằm ở sự thơm ngon, an toàn vượt trội mà còn từ chiều dài lịch sử hàng trăm năm không ngừng mày mò, tìm kiếm để món ăn này ngày càng ngon hơn.
Để làm được 15kg giò chuẩn Ước Lễ thì cần tới 10kg thịt nạc cộng đầy đủ gia vị như: đường, nước mắm, thính,… và gói bằng lá chuối tươi được tuyển chọn từ những lá bánh tẻ. Chính vì vậy, giò tại đây mới ngon, giữ được độ giòn, dai và có màu xanh tự nhiên cùng mùi thơm đặc trưng của lá chuối hòa cùng thịt tươi.
7Trà sen Tây Hồ
Trà sen được gọi là vua của các loại trà vì được chế biến rất công phu và đặc biệt cho nên đây là món quà vừa sang, vừa ý nghĩa để tặng sếp hoặc đối tác nước ngoài.
Trà sen Tây Hồ là sự hòa quyện tuyệt vời giữa hương thơm ngan ngát của sen Bách diệp Hồ Tây và vị đậm đà của trà Tân Cương Thái Nguyên. Trà khi pha có hương thơm ngọt ngào, thanh mát của sen, vị chát dịu và hậu ngọt sâu của trà khiến cho người thưởng thức vô cùng lưu luyến. Trà có nhiều như: Trà Sen Tây Hồ thượng hạng, Trà Sen Phổ thông tùy thuộc vào số lượng bông sen ướp cùng với trà.
8Lụa
Lụa và các sản phẩm từ lụa là quà lưu niệm Hà Nội đặc biệt mà bạn nên mua về tặng, biếu cho người thân, bạn bè, đối tác. Đặc biệt là lụa từ làng lụa Vạn Phúc nổi tiếng vì lụa tơ tằm ở đây được làm thủ công vô cùng tỉ mỉ, tấm lụa rất mềm và mỏng tan, thoáng mát.
Lụa Vạn Phúc có mẫu mã, chủng loại vô cùng đa dạng và thể hiện độc đáo văn hóa truyền thống Việt Nam và có tính thẩm mỹ rất cao như: Mây bay, long phượng, đũi hoa, vân thọ đỉnh, tứ quế... Ngoài ra, lụa ở đây còn được sử dụng để làm ra những sản phẩm khác như áo dài truyền thống, mũ, quần áo, khăn, túi xách…
9Bưởi Diễn
Bưởi Diễn là loại bưởi thuộc làng Diễn, đây là một vùng đất có điều kiện về đất đai và khí hậu rất phù hợp để trồng loại bưởi cho vị ngọt lại rất thanh mát. Bưởi Diễn là loại quả khi xưa tiến vua, được vang danh khắp nơi bởi lớp vỏ mỏng, vàng ruộm và những tép bưởi mọng nước bên trong. Một điều đặc biệt hơn nữa là loại bưởi này càng để lâu, vỏ càng héo thì quả sẽ càng ngon và ngọt.
Bưởi Diễn cũng là một trong năm loại ngũ quả thường được mọi người bày biện trên bàn thờ tổ tiên vào mỗi dịp lễ Tết biểu hiện cho sự tràn đầy, mát lành và hứa hẹn điều may mắn. Món đặc sản Hà Nội này chắc chắn sẽ làm hài lòng người nhận quà không chỉ bởi sự ngon mát của bưởi Diễn mà còn bởi tầng ý nghĩa sâu sắc của chúng.
10Gốm sứ
Gốm sứ Bát Tràng Hà Nội từ bao đời nay đã trở thành một thương hiệu, một món quà lưu niệm mà bất cứ ai khi đến Hà Nội cũng đều tìm kiếm để mua về. Các sản phẩm gốm sứ rất đa dạng như bộ ấm chén, lục bình, bát đũa, lọ hoa, đồ thờ, gạt tàn…
Gốm sứ Bát Tràng rất đa dạng về kiểu cách, có thiết kế với hoa văn và họa tiết mang đậm nét truyền thống Việt Nam như rồng phượng, trống đồng, phúc lộc thọ… Bên cạnh những thiết kế tinh tế, sang trọng, gốm sứ Bát Tràng không thiếu những sản phẩm với màu sắc sặc sỡ, tươi tắn, phù hợp với các bạn trẻ.
11Sấu
Sấu là thứ quả chỉ miền Bắc mới có và trở thành biểu tượng của mảnh đất Hà thành ngàn năm. Sấu vỏ cứng, vị giòn giòn, chua chua có thể dùng nấu canh chua, ngâm đường pha thành nước uống hay làm ô mai đều rất ngon.
Sấu Hà Nội chỉ có vào mùa hè và thường hay rơi rụng trên khắp đường phố Hà Nội. Quả sấu chính là một món quà thiết thực dành cho những người bạn, những người thân của mỗi người khi trở về từ Hà Nội.
12Bánh dày Quán Gánh
Bánh dày là thức bánh truyền thống Hà Nội, thấm sâu trong tâm trí của người dân Việt Nam qua câu chuyện cổ tích bánh chưng, bánh dày. Nhắc tới bánh dày thì người sành ăn chắc chắn sẽ kể đến bánh dày Quán Gánh, với lớp vỏ bánh trắng tròn, mịn màng được làm từ gạo nếp Hải Hậu có hạt to tròn, nảy và có màu óng đẹp mắt.
Quán Gánh là nơi làm ra rất nhiều loại bánh dày như: bánh dày chay, bánh dày có nhân ngọt, bánh dày có nhân mặn, bánh dày gấc đỏ. Cũng bởi hương vị mộc mạc mà giản dị nhưng lại vô cùng đa dạng, bánh dày nói chung và đặc biệt là bánh dày Quán Gánh trở thành một thức quà của người Hà Nội mỗi sáng, mỗi chiều, trở thành một món quà đầy ý nghĩa cho những người đi xa.
13Bánh gai làng Giá
Bánh gai là món bánh màu đen, có dừa tươi và vừng, bên trong bánh gai là nhân đỗ xanh vô cùng thơm ngon. Nguyên liệu làm bánh gai đơn giản, với những sản vật từ đồng quê như lá gai, lá chuối, gạo nếp, sen, dừa... thế mà làm nên một loại bánh vô cùng đặc biệt, mang vị thơm của bột lá gai, vị ngọt của đường, vị béo của dừa, hạt vừng, hạt sen, vị bùi, dẻo của gạo nếp say nhuyễn... Trong số ấy, lá gai là thứ nguyên liệu duy nhất làm nên nét riêng của loại bánh này, cũng như tạo cho bánh một vị thơm mà không loại bánh nào có được.
Trong các khâu làm bánh, làng Giá vẫn luôn giữ được những nét truyền thống như thế. Và điều này đã tạo nên nét riêng của thương hiệu bánh gai nafy: ngon miệng ngay bởi mùi lá gai chân chất, quê mùa, hay dân dã bởi màu bánh mịn, mượt, đen nhánh như hạt na và điểm lấm tấm những hạt vừng.
14Tranh thêu Quất Động
Tranh thêu Quất Động đến từ làng nghề Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội nổi tiếng với độ tinh xảo, chân thật, đậm chất văn hóa dân gian. Các sản phẩm tranh thêu ở đây đều được thực hiện hoàn toàn bằng tay, với các họa tiết được thêu rất tỉ mỉ từ cây cối, hoa lá, con vật cho đến cả chân dung người từ bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân thêu.
Ngoài tranh thêu thủy mạc, tranh dân gian, các sản phẩm khác cũng được nhiều người mua về làm quà như chăn, màn, gối, áo vì sự độc đáo và ấn tượng đến từ họa tiết thêu.
15Quạt Chàng Sơn
Chàng Sơn - Thạch Thất - Hà Nội là một làng nghề truyền thống lâu đời, là cái nôi của nghề làm quạt. Sản phẩm ở đây vô cùng đa dạng, từ quạt nan, quạt giấy, quạt vải lụa, quạt thóc, quạt lá… Quạt Chàng Sơn nổi tiếng nhờ sự tỉ mỉ, tinh tế của bàn tay nghệ nhân trong từng bước làm quạt.
Một chiếc quạt trước khi ra đời phải trải qua các bước khắt khe như chọn tre, ngâm tre, chọn giấy điệp... Chiếc quạt đạt chất lượng là chiếc quạt nan mỏng, khít khi gấp lại, giấy quạt mỏng nhưng vẫn có độ dai và mềm mại. Quạt cũng được vẽ lên các họa tiết từ sơn dầu đậm chất dân gian Việt Nam nói riêng và văn hóa Hà Nội nói chung.
Bạn đang xem: Top 15 đặc sản Hà Nội nên mua về làm quà ý nghĩa, chất lượng, không nên bỏ qua
Chuyên mục: Du lịch