Tín hiệu tích cực về Omicron ở Nam Phi, WHO cảnh báo đừng vội mừng vì lý do sau

Nam Phi vừa công bố dữ liệu tích cực về Omicron ở nước này, nhưng WHO nói chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn.

Các nhà khoa học Nam Phi vừa công bố dữ liệu tích cực về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron, nhưng các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn khi biến thể này lan rộng trên toàn cầu.

Khi Giáng sinh 2021 và năm mới 2022 đang đến gần, nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã áp đặt các hạn chế mới đối với người dân nhằm hạn chế sự lây lan của Omicron.

Tín hiệu tích cực về Omicron ở Nam Phi, WHO cảnh báo đừng vội mừng vì lý do sau-1
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện vào tháng trước ở miền nam châu Phi. Dữ liệu sơ bộ cho thấy nó có khả năng né tránh các loại vaccine COVID-19 hiện có.

Nhưng một nghiên cứu mới của Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi cho rằng những người bị nhiễm Omicron ít có khả năng phải nhập viện hơn những người nhiễm biến thể Delta.

Số ca COVID-19 dường như cũng đã đạt đỉnh ở tỉnh Gauteng của Nam Phi, nơi Omicron xuất hiện lần đầu tiên, theo NICD.

Nghiên cứu của NICD đã so sánh dữ liệu về số người nhiễm Omicron từ tháng 10 đến tháng 11 với dữ liệu số người nhiễm Delta từ tháng 4 đến tháng 11 ở Nam Phi.

Giáo sư Cheryl Cohen của NICD cho biết: "Ở Nam Phi, đây là thông tin dịch tễ học: Omicron đang có biểu hiện ít nghiêm trọng hơn".

"Dữ liệu của chúng tôi phản ánh một câu chuyện tích cực rằng biến thể Omicron có mức độ nghiêm trọng thấp hơn so với các biến thể khác", giáo sư Cohen nói.

NICD lưu ý rằng vì phần lớn người dân ở Nam Phi đã từng nhiễm COVID-19, họ có thể có mức độ miễn dịch cao hơn.

Tuy nhiên, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, bà Maria van Kerkhove, cho biết WHO không có đủ dữ liệu để đưa ra kết luận chắc chắn.

Dữ liệu vẫn còn "lộn xộn", bà van Kerkhove nói trong một cuộc họp báo tại Geneva.

"Biến thể này lưu hành chưa đủ lâu trong các nhóm dân cư trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những nhóm dễ bị tổn thương. Chúng tôi đã yêu cầu các quốc gia thận trọng và thực sự cân nhắc, đặc biệt là khi những ngày lễ sắp tới".

Biến thể Omicron lan khắp thế giới

Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, nói với Reuters rằng cần ba đến bốn tuần để xác định mức độ nghiêm trọng của Omicron. Ông cho biết Omicron có khả năng sẽ trở thành biến thể coronavirus nổi trội ở châu Âu trong vài tuần nữa.

Hôm 22/12, Anh lần đầu tiên báo cáo hơn 100.000 ca COVID-19 mới trong 24h kể từ khi xét nghiệm đại trà được áp dụng. Nhiều ngành công nghiệp nước này phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên do họ bị cách ly.

Pháp cũng báo cáo 84.272 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua, gần với mức kỷ lục của nước này.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, châu Âu lại một lần nữa là tâm chấn của đại dịch toàn cầu. Đúng vậy, tôi rất lo ngại, nhưng không có lý do gì để hoảng sợ. Tin tốt là... chúng tôi biết phải làm gì", ông Kluge nói.

Hàn Quốc, Hà Lan, Đức và Ireland là một trong số các quốc gia tái áp dụng phong tỏa một phần hoặc toàn quốc và các biện pháp giãn cách xã hội khác trong những ngày gần đây.

Lo ngại biến thể Omicron, Israel mới đây cũng tuyên bố sắp tiêm mũi 4 vaccine COVID-19.

Ngày 21/12, New Zealand cũng trì hoãn kế hoạch mở cửa lại biên giới cho khách quốc tế vì sự lây lan của Omicron trên khắp thế giới.

Bộ trưởng Ứng phó COVID-19 của New Zealand, Chris Hipkins, cho biết New Zealand sẽ dời lịch mở cửa biên giới đến cuối tháng 2 năm 2022. New Zealand trước đó cho biết sẽ mở cửa biên giới và miễn cách ly vào giữa tháng 1 cho người New Zealand ở Úc và vào tháng 4 cho khách nước ngoài.

Các quan chức Mỹ cho biết biến thể Omicron đã trở thành chủng thống trị ở nước này với tốc độ lây lan cực nhanh và cướp đi mạng sống của một người đàn ông chưa được tiêm chủng ở Texas. Hàng dài người xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Washington và các thành phố khác của Mỹ trước khi trở về nghỉ lễ Giáng sinh với gia đình.

Một số nhà lãnh đạo và quan chức y tế Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường để chống lại biến thể này.

"HÃY ĐI TIÊM LIỀU TĂNG CƯỜNG NGAY BÂY GIỜ. Cơn sóng thần của Omicron có thể sớm đổ bộ vào bệnh viện ở gần bạn", Tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cảnh báo trên Twitter.

Bạn đang xem: Tín hiệu tích cực về Omicron ở Nam Phi, WHO cảnh báo đừng vội mừng vì lý do sau

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết