Thực phẩm không nên ăn nhiều khi bị loãng xương

Loãng xương là bệnh lý phổ biến, làm tăng nguy cơ gãy xương, dưới đây là những thực phẩm không nên ăn nhiều khi bị loãng xương.

TS.BS Phan Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park chia sẻ trên website bệnh viện này cho biết, loãng xương là tình trạng khối xương của cơ thể bị giảm thấp, làm xương trở nên mỏng mảnh và dễ gãy.

Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, khối lượng xương liên tục gia tăng, tế bào tạo xương chiếm ưu thế hơn tế bào hủy xương. Sau 25 tuổi, khối lượng xương sẽ giảm trung bình 0,5 – 2 % mỗi năm do xương mất đi hơn là tạo mới.

Thực phẩm không nên ăn nhiều khi bị loãng xương-1
Thực phẩm không nên ăn nhiều khi bị loãng xương.

Đối tượng dễ bị loãng xương

Tiền sử gia đình: Có người mắc bệnh loãng xương hoặc gãy xương hông.

Tuổi: Người cao tuổi.

Giới: Nữ bị nhiều hơn nam, đặc biệt phụ nữ sinh nhiều con, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.

Tình trạng dinh dưỡng: Thấp bé, nhẹ cân.

Lối sống ít vận động: Người có công việc tĩnh tại và không tập luyện thể dục thể thao.

Tình trạng bệnh lý: Cường giáp, cường tuyến cận giáp, đái tháo đường, suy thận, cắt dạ dày - ruột, cắt buồng trứng.

Tình trạng sử dụng thuốc kéo dài các nhóm corticosteroid, thuốc chống động kinh, thuốc kháng acid có phosphate, thuốc lợi tiểu, heparin, hormon giáp liều cao.

Khẩu phần ăn: Thiếu canxi, vitamin D và các nguyên tố vi lượng khác, quá nhiều muối, quá nhiều đạm hoặc chế độ ăn giảm cân không hợp lý.

Lối sống không lành mạnh như: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu, cafe, trà đặc.

Thực phẩm không nên ăn nhiều khi bị loãng xương

Thịt đỏ

Báo điện tử VnExpress dẫn chia sẻ của chuyên gia y tế trên tờ Verywell Health, Everyday Health cho biết, thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn và thịt cừu) rất giàu chất béo bão hòa và axit béo không bão hòa đa Omega-6.

Một số nghiên cứu cho thấy, việc tăng tiêu thụ các loại chất béo này có thể liên quan đến nguy cơ gãy xương do loãng xương cao hơn. Ngoài ra, hàm lượng protein trong thịt đỏ còn có axit amin chứa lưu huỳnh. Khi đi vào cơ thể, chùng sẽ hòa tan canxi từ xương và giải phóng nó vào máu.

Do đó, những người bị loãng xương thường được khuyến khích nên hạn chế ăn thịt đỏ hai lần một tuần và giữ khẩu phần ăn nhỏ khoảng dưới 200 g mỗi ngày.

Thực phẩm không nên ăn nhiều khi bị loãng xương-2
Hạn chế ăn thịt đỏ.

Đồ ngọt

Hấp thụ quá nhiều đường không hề mang đến lợi ích cho bất kỳ khía cạnh nào của sức khỏe. Nhiều nghiên cứu chứng minh việc tiêu thụ đồ uống có đường hay đường bổ sung sẽ khiến sức khỏe của xương ngày càng xấu đi và làm tăng nguy cơ gãy xương.

Theo các chuyên gia y tế, các loại đường tự nhiên trong thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Do đó, những người hảo ngọt có thể sử dụng trái mận khô, nam việt quất và các loại trái cây khác giàu chất chống oxy hóa.

Đây sẽ là những chất dinh dưỡng lành mạnh hỗ trợ sức khỏe của xương. Bạn cần tránh dùng những loại có trong thực phẩm siêu chế biến như bánh nướng đóng gói, món tráng miệng và đồ ăn nhẹ, cũng như đồ uống có đường như nước ép trái cây, nước tăng lực, soda, trà và cà phê có đường.

Caffein

Caffein là chất kích thích tự nhiên được tìm thấy trong hạt cà phê, chocolate và một số loại trà. Chất này có thể mang một số lợi ích đối với xương, nhưng quá nhiều caffein có thể cản trở quá trình chuyển hóa xương và làm mất canxi từ xương.

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Rối loạn cơ xương BMC (Mỹ), việc tiêu thụ caffein sẽ góp phần làm giảm mật độ xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Để ngăn ngừa loãng xương, mọi người có thể chuyển sang tiêu thụ các loại cà phê và trà không chứa caffein và hạn chế tiêu thụ thực phẩm có đường.

Việc uống nhiều rượu và bia có thể góp phần làm giảm khối lượng xương, giảm quá trình hình thành xương, đồng thời tăng tỷ lệ gãy xương và chậm lành vết gãy. Theo các nhà khoa học, các hợp chất trong rượu sẽ ức chế sự hấp thụ các chất dinh dưỡng như canxi, magiê và vitamin D, những nhóm chất hỗ trợ sức khỏe của xương.

Để giữ hệ xương ổn định và chắc khỏe, mỗi người nên tuân thủ uống rượu điều độ. Theo Tổ chức Loãng xương Quốc gia (Mỹ), mức tiêu thụ rượu của một người không nên quá 2-3 ly mỗi ngày.

Thực phẩm không nên ăn nhiều khi bị loãng xương-3
Nước ngọt không tốt cho người loãng xương.

Nước ngọt

Nước ngọt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe xương. Theo các chuyên gia y tế, những người uống hơn 7 ly nước ngọt mỗi tuần liên quan đến việc giảm mật độ khoáng của xương và làm tăng nguy cơ gãy xương; nhất là phụ nữ khi bước vào giai đoạn mãn kinh.

Nhiều nghiên cứu chứng minh đồ uống có ga sẽ góp phần làm mật độ khoáng xương trở nên kém hơn. Một nghiên cứu trên 73.000 phụ nữ sau mãn kinh thường xuyên uống soda cho thấy họ có nguy cơ cao bị gãy xương hông. Đặc biệt, những người tham gia nghiên cứu uống càng nhiều soda thì nguy cơ của họ càng tăng.

Thực phẩm giàu natri

Natri khi được hấp thu quá nhiều sẽ dẫn đến quá trình bài tiết canxi ra khỏi cơ thể. Do đó, chúng ta sẽ càng mất nhiều canxi nếu duy trì chế độ dinh dưỡng chứa nhiều muối. Theo khuyến nghị, lượng natri mỗi người trưởng thành cần nạp không nên vượt quá quá 2.300 miligam mỗi ngày.

Một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng châu Á Thái Bình Dương, cho thấy, đàn ông Trung Quốc có thói quen ăn mặn dễ bị loãng xương. Ngoài ra, một nghiên cứu khác trên tạp chí Osteoporosis International cũng chứng minh mối liên quan giữa chế độ ăn nhiều muối và canxi có thể mang đến kết quả tương tự cho nhóm phụ nữ sau mãn kinh.

Bạn đang xem: Thực phẩm không nên ăn nhiều khi bị loãng xương

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết