Tết Dương lịch, ngày 1 tháng 1 được tính theo lịch nào?

Tết Dương lịch là một thời điểm quan trọng trong năm nhưng bạn đã bao giờ tìm hiểu xem tết Dương lịch tính theo lịch nào hay chưa? Nếu bạn chưa biết về điều này thì hãy cùng META tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé! a

Tết Dương lịch 1 tháng 1 được tính theo lịch nào?

Tết Dương lịch tính theo lịch nào?

Tết Tây hay Tết Dương lịch tuy không phải ngày Tết chính của Việt Nam nhưng lại là ngày mừng năm mới của rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Âu - Mỹ như Anh, Pháp, Hoa Kỳ... Ngày 1 tháng 1 được cho là ngày đầu tiên của năm mới trong lịch của các nước này nhưng không phải ai cũng biết đó là lịch gì, có gì khác so với Âm lịch. Vậy, Dương lịch là lịch gì? Ngày Tết Dương lịch 1 tháng 1 được tính theo lịch nào?

Câu trả lời không gì khác đó chính là lịch Gregorius (hay lịch Gregory). Dương lịch hay lịch Tây có lẽ là cái tên gần gũi và quen thuộc với người Việt Nam hơn nhưng tên chính xác của nó là lịch Gregorius. Đây là tên để chúng ta có thể phân biệt rõ ràng nhất loại lịch này với các loại lịch khác như lịch Julius, lịch Do Thái, Phật lịch, lịch Hindu, lịch Tây Tạng, lịch La Mã...

Tết Dương lịch 1 tháng 1 hiện nay tính theo lịch Gregorius/Gregory

Lịch Gregorius là là loại lịch mà ngày tháng của nó chỉ ra vị trí của Trái Đất trong chuyển động của nó xung quanh Mặt Trời (hay nói tương đương là vị trí biểu kiến của Mặt Trời trên thiên cầu). Tại Việt Nam, khi nhắc đến Dương lịch nói chung thì chúng ta có thể mặc định là đang nhắc đến lịch Gregorius mặc dù trên thực tế có nhiều loại lịch khác có cách thức tính toán ngày tháng như đã nói trên. Hiện nay, lịch Gregorius được sử dụng ở hầu hết các nước trên thế giới bởi nó có độ chính xác khá cao.

>>> Tìm hiểu thêm: Nước nào đón năm mới đầu tiên trên thế giới?

Lịch sử ra đời của lịch Gregorius

Lịch Gregorius/Gregory là một cuộc cải cách của lịch Julius. Nó được chính thức hóa vào ngày 24 tháng 2 năm 1582 bởi Giáo Hoàng Gregory XIII nên sau đó lịch được đặt tên theo vị giáo hoàng này. Trước khi lịch Gregorius ra đời, người Châu Âu thường sử dụng một loại lịch được gọi là Julius, được đặt theo tên của Hoàng Đế Julius Ceasar. Tuy nhiên, dù đã bớt sai sót hơn so với các hệ thống lịch trước, nhưng lịch Julius vẫn còn một nhược điểm: Không tính được giá trị chính xác của một năm Dương lịch là 365,242199 ngày. Việc lịch Julius coi một năm có 365,25 ngày đã tạo sai chênh 11 phút mỗi năm, dẫn đến việc cần phải cộng dồn thêm 7 ngày cho năm 1000 và thêm 10 ngày cho năm giữa thế kỷ 15.

Lịch Gregorius/Gregory được đức Giáo Hoàng Gregorius XIII ban hành vào năm 1582

Dần nhận ra những sai sót này, vào những năm cuối thế kỷ 16, Giáo hoàng Gregory XIII đã ủy thác cho Christopher Clavius - nhà thiên văn học rất nổi tiếng thời đó, xây dựng một hệ thống lịch mới nhằm khắc phục các nhược điểm của lịch Julius. Giáo hoàng tái ấn định ngày đầu của năm mới là ngày 1/1 hàng năm, bất chấp sự chống đối của nhiều hiệp hội tín đồ Cơ đốc giáo.

Năm 1582, lịch Gregorius bắt đầu được áp dụng, loại bỏ 10 ngày trong tháng Mười năm đó, ngày 4/10/1582 sẽ được nối tiếp ngay sang ngày 15/10/1582 và tiếp tục lần lượt như bình thường sau đó. Việc điều chỉnh đã xóa bỏ 11 ngày “thừa” dự trù cho năm 1700, khiến các năm đầu thế kỷ là 1700, 1800 và 1900 không còn là năm nhuận và đến năm 2000 chuyển giao thiên niên kỷ mới tính là năm nhuận.

Lịch Gregorius được các nơi theo đạo Công giáo đón nhận sớm nhất, cụ thể là ở Bắc Âu, Hà Lan vào năm 1583, Scotland vào năm 1600. Sau đó, các vùng đất theo đạo Tin Lành và Đức cũng đồng thuận sử dụng loại lịch này và đón mừng Tết Dương lịch vào ngày 1 tháng 1 hàng năm, bắt đầu từ năm 1700. Ngày nay, lịch Gregorius được sử dụng hầu hết ở mọi quốc gia trên thế giới để thuận tiện cho việc giao thương, kinh doanh. Cũng vì vậy mà ngày 1 tháng 1 gần như đã được công nhận như là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của năm mới tại rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Lễ hội Countdown, bắn pháo hoa... là những hoạt động không thể thiếu trong đêm giao thừa Dương lịch tại các nước

Vào những thời khắc chuyển giao năm mới Dương lịch, tại nhiều địa phương, mọi người cùng đếm ngược từ 10 đến 1, cùng xem pháo hoa bắn sáng rực bầu trời vào giây phút đầu tiên của ngày mới và nâng ly chúc nhau một năm hạnh phúc, an lành và may mắn.

>>> Xem thêm: Địa điểm bắn pháo hoa Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán 2021 ở Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng

Qua bài viết trên đây, bạn chắc đã biết được Tết Dương lịch tính theo lịch nào cũng như hiểu thêm về lịch sử và ý nghĩa của ngày lễ này rồi phải không? Hy vọng rằng, bạn sẽ có những giây phút sum vầy hạnh phúc bên gia đình, bạn bè và cùng nhau tận hưởng kỳ nghỉ Tết Tây ấm áp và tràn đầy niềm vui.

Bạn đang xem: Tết Dương lịch, ngày 1 tháng 1 được tính theo lịch nào?

Chuyên mục: Tra cứu thông tin

Chia sẻ bài viết