Tesla chết máy giữa cao tốc - điểm yếu “chí mạng” của xe ôtô điện
Xe điện đang thiếu đi khả năng về số N mà không cần tới điện trong những trường hợp khẩn cấp và chiếc Tesla chết máy giữa cao tốc tại Mỹ này là một ví dụ điển hình.
Mới đây, ông Pooch, chủ tài khoản Twitter @repkord, đang
trên đường đi ăn tối trên chiếc Tesla Model S P85D chạy
điện của mình. Khi chiếc xe đang lăn bánh giữa cao tốc 6
làn xe, bỗng dưng những tiếng bíp bíp báo động bắt đầu xuất
hiện.
Chiếc xe hiển thị cảnh báo “Vehicle May Not Restart: Service
required” rồi khựng lại giữa cao tốc. Một sự cố về điện nào đó đã
xảy ra và ông Pooch thậm chí còn chưa kịp đưa chiếc xe vào lề thì
tất cả các nút điều khiển đã bị khóa.
Từ thời điểm đó, chiếc xe Tesla bị khóa chặt bánh
sau, không thể di chuyển được, không về được số N, không nhả
phanh tay. Nó không phải là một phương tiện nữa mà là một vật cản
nằm giữa cao tốc.
Xe Tesla Model S của ông Pooch chết máy giữa cao tốc 6 làn
xe.
|
May mắn là đèn báo khẩn cấp vẫn còn hoạt động và không một ai
đâm sầm vào chiếc xe của ông Pooch nếu không nhiều khả năng tai nạn
liên hoàn sẽ xảy ra bởi tốc độ di chuyển của phương tiện trên đường
cao tốc của Mỹ là rất cao. Cửa xe cũng vẫn có thể mở được và ông
Pooch đã thoát ra ngoài, chạy thật nhanh vào lề đường để tìm kiếm
sự trợ giúp.
Nhờ sự hỗ trợ của một số công nhân Bộ Giao thông vận tải Mỹ ở
gần đó, cuối cùng ông Pooch cũng đưa được chiếc Tesla của mình vào
lề đường. Giao thông sau đó cũng được thông suốt trở lại mà không
xảy ra bất cứ tai nạn đáng tiếc nào.
Khoảng 45 phút sau, một chiếc xe cứu hộ đã đến. Với trường hợp
của xe Tesla, và gần như tất cả các mẫu xe điện khác, không phải xe
cứu hộ nào cũng có thể hỗ trợ mà luôn phải là loại xe cứu hộ với
sàn chở xe phẳng.
Nhân viên cứu hộ cũng không thể nào khiến chiếc xe lăn bánh mà
cứ thế kéo nó lên sàn với bánh sau vẫn bị khóa chặt.
May mắn là hệ thống đèn khẩn cấp vẫn hoạt động và có thể
mở cửa xe.
|
Sự cố nguy hiểm trên diễn ra với một chiếc Tesla chết
máy giữa đường nhưng thực sự đang là một vấn đề đau đầu với
toàn ngành xe điện. Mọi xe điện đều có một số cách để đưa xe về số
N. Thế nhưng dựa trên nghiên cứu của Jalopnik, tất cả các xe điện
được bán ra từ trước tới nay đều yêu cầu xe phải còn trong trạng
thái hoạt động mới có thể tiếp cận các nút điều khiển để đưa xe vào
trạng thái lăn bánh tự do hoặc chế độ cho phép xe khác kéo đi. Lý
do là vì những phương thức đưa xe về số N thường được truy cập qua
màn hình cảm ứng kiêm bộ điều khiển trung tâm cho mọi thứ trên
xe.
Đối với Ford và Tesla, quy trình đưa xe về số N yêu cầu màn
hình cảm ứng phải hoạt động, điều đó có nghĩa là phải còn ít nhất
một trong hai nguồn điện là ắc quy 12V hoặc pin chính còn hoạt
động.
Đối với Nissan Leaf và Chevy Bolt, theo hướng dẫn của hãng thì
có vẻ như chúng sẽ tự về số N nếu như cả hai nguồn điện đều cạn
kiệt. Nghe thì có vẻ ổn nhưng tìm kiếm trên diễn đàn dành cho chủ
sở hữu xe Leaft và Bolt thì có vẻ như chúng cũng gặp vấn đề trong
việc đưa xe về số N, đặc biệt là khi ắc quy 12V bị cạn kiệt.
Khả năng về số N để bốn bánh của chiếc xe có thể lăn tự do rất
quan trọng khi xảy ra sự cố cần hỗ trợ và cũng ảnh hưởng rất nhiều
tới sự an toàn của xe cũng như chủ xe. Khi một chiếc xe bị xảy ra
sự cố được di chuyển vào lề đường nhanh chóng thì sẽ giảm thiểu
được rất nhiều nguy cơ hoặc chí ít thì nó sẽ giúp việc di chuyển
của các xe khác được diễn ra dễ dàng hơn.
Thế nhưng đó là điều mà xe điện đang thực hiện không hề tốt
một chút nào.
Tất cả các xe điện nên có một nút cơ học khẩn cấp, không cần
sử dụng điện, dễ tiếp cận để ngắt kết nối hệ thống truyền động với
các bánh xe để chúng không bị khóa cứng khi xe chết máy. Có thể đây
sẽ là một thách thức đối với các kỹ sư phát triển xe điện nhưng nó
thực sự cần thiết.
Sự cố với chủ xe Tesla ở trên và một ví dụ hoàn
hảo và đáng báo động về lý do tại sao điều này lại quan trọng. Nếu
xe của bạn gặp trục trặc gì đó, ít nhất bạn phải có thể đưa nó đến
một nơi an toàn, nơi nó không gây nguy hiểm cho bạn hoặc những
người lái xe khác.
Xe điện chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ phát minh mới nào, cơ quan chức năng
cần có những quy định và người dùng sẽ cần phải có những đóng góp
để chúng ngày càng hoàn thiện hơn và an toàn hơn.
Thảo Nguyễn
Bạn đang xem: Tesla chết máy giữa cao tốc - điểm yếu “chí mạng” của xe ôtô điện
Chuyên mục: Xe
Các bài liên quan
Chia sẻ bài viết